5042. Người lính không sợ chết, nhưng ai cũng chỉ muốn về nhà
Người lính không sợ chết,
nhưng ai cũng chỉ muốn về nhà
HUY ĐỨC (nhà báo)
![]() |
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội phát biểu tại buổi lễ |
+ Thêm một ngôi nhà cho vợ liệt sỹ Trường Sa:
cô giáo lại Thị Huế (Trường Marie Curie Hà Nội xây tặng)
"Thắp nén nhang thơm mát dạ người/ Hãy về vui chút, anh Trung ơi",
thầy Nguyễn Xuân Khang đã làm mọi người lặng đi khi kết thúc bài phát biểu của
mình như vậy. "Trung" là Phạm Quang Trung, đại úy hải quân QĐND VN,
hy sinh ngày 18-7-2012 "khi đang làm nhiệm vụ" trên vùng biển Trường
Sa. Thầy Nguyễn Xuân Khang là hiệu trưởng Marie
Curie Hanoi School, Trường đầu tư 440 triệu xây tặng vợ và hai con
của liệt sỹ Phạm Quang Trung một căn nhà.
Sáng nay, 13-2-2017, tại phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Nhịp Cầu Hoàng Sa
(NCHS) và trường Marie Curie Hà Nội đã làm lễ mừng nhà mới cho cô giáo Lại Thị
Huế.
Cùng chia sẻ niềm vui này với gia đình có các thầy cô ở trường phổ thông trung
học cơ sở Hà Tiến, Hà Trung Thanh Hóa, nơi cô Huế đang dạy học; có các học sinh
và giáo viên trường Marie Curie; có các nhà thơ Nguyễn Duy (sinh ra và lớn lên
ở Hà Trung), nhà phê bình Ngô Thảo (Ngo
Thao), nhà văn Nguyễn Quang Lập(người bắc nhịp cầu giữa NCHS
và thầy Nguyễn Xuân Khang); có TS Nguyễn Quang A, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyen, Quỳnh
Lê...; có các đại diện của chính quyền thị xã Bỉm Sơn, của phường
Quang Trung (quê của liệt sỹ Phạm Quang Trung), của phường Phú Sơn (nơi cô Huế
xây nhà mới).
Thay mặt Chương trình NCHS, nhà báo Nguyễn Thế Thanh nói: "Chúng ta đang ở trong một
tuần lễ đặc biệt của tháng Hai, tuần lễ nhắc ta về cuộc chiến bảo vệ Biên giới
trước quân Trung Quốc xâm lược diễn ra 38 năm trước, 17-2-1979. Năm 2016, cũng
dịp 17-2, NCHS đã khánh thành một ngôi nhà cho cô giáo Vân Chi, vợ của đại úy
Trần Văn Duẩn, đội trưởng trinh sát của đồn Biên phòng A Mú Sung, Bát Xát, Lào
Cai".
Đại úy Duẩn hy sinh trong một lần ngăn chặn sự
thâm nhập Biên giới trái phép từ Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thế Thanh nói tiếp: "Tương tự, hôm nay chúng ta dự lễ mừng ngôi
nhà mới này, ngôi nhà được trường Marie Curie xây tặng cô giáo Lại Thị Huế,
ngôi nhà được xây bằng tấm lòng của thầy trò trường Marie Curie, không chỉ để
tri ân liệt sỹ Phạm Quang Trung mà còn để nhắc chúng ta rằng, trong những ngày,
tưởng như đất nước đang sống trong hòa bình, vẫn có những người Việt Nam phải
hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc trước những thách thức đến từ Trung Quốc".
Thầy Nguyễn Xuân Khang, người, khi xây trường Marie Curie ở quận Từ Liêm, Hà
Nội, đã cho đặt tên hai cổng, một cổng là Hoàng Sa, một cổng là Trường Sa, nhấn
mạnh: "Đất nước chưa một phút bình yên! Tổ quốc chưa một ngày toàn vẹn
lãnh thổ!".
Đại úy hải quân Phạm Quang Trung hy sinh ngày 18-7-2012 "khi đang làm
nhiệm vụ" trên tàu HQ 710. Thân xác liệt sỹ Phạm Quang Trung vĩnh viễn nằm
lại trên vùng biển Trường Sa. Sáu ngày sau khi chồng hy sinh, cô giáo Lại Thị
Huế sinh người con thức hai, cháu Phạm Yến Thảo Hiền (24-7-2012). Mười hai ngày
sau, Bộ Tư lệnh Hải quân cử người về Bỉm Sơn, thông báo với gia đình. Chị Lại
Thị Huế nằm trong nhà nghe câu được, câu mất. Chị nhớ lại, dù chưa bao giờ hết
hy vọng một phép màu nào đó sẽ đưa cha của hai đứa con nhỏ trở về, chị vẫn có
cảm giác như mình không còn gì nữa. Năm đó, chị Lại Thị Huế 35 tuổi.
Trước khi anh Trung hy sinh, vợ chồng chị mua được một nền nhà rộng 80m2 trả
góp tại số 57, đường Lương Đình Của, khu phố 4, phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn,
Thanh Hóa; Năm 2016, mới trả xong nợ tiền mua đất và rất mong làm được ngôi nhà
nhỏ để đưa hai cháu về ở gần ông bà nội. Chị Huế đã gửi đơn đến nhiều cơ quan
chức năng, ban ngành trong ngoài tỉnh để xin tiền hỗ trợ, nhưng cho tới giữa
năm 2016 không có đơn vị nào hồi âm.
Tháng 7-2016, sau khi Nhịp Cầu Hoàng Sa (NCHS) thông tin và nêu ý tưởng xây
tặng cô giáo Lại Thị Huế một căn nhà, thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng
trường Marie Curie, đã cử cán bộ cùng NCHS về Bỉm Sơn thăm hỏi và đến nơi cô
giáo Huế làm việc tìm hiểu thêm tình hình và sau đó, Trường Marie Curie đã
quyết định xây tặng cô Huế một căn nhà.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, việc làm này của nhà trường không chỉ để cùng
với NCHS tri ân những người lính Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ
biên cương, biển đảo mà còn để giáo dục học sinh về lòng yêu nước và ý thức về
chủ quyền, biển đảo.
![]() |
Các cháu học sinh và thầy hiệu trường Nguyễn Xuân Khang. |
Nhà thơ Nguyễn Duy nói: "Không phải người lính hy sinh vì Tổ quốc nào cũng
nhận được sự tri ân như thế. Tôi, với tư cách là một người lính từng có mặt
trong cuộc chiến tranh trước 1975, trong cuộc hiến tranh ở Biên giới Tây Nam và
lên Biên giới Lạng Sơn ngay trong ngày 17-2-1979. Tôi hiểu, những người lính ra
trận không sợ chết nhưng ai cũng muốn về nhà. Không có gì có thể bù đắp được sự
hy sinh cho những người như liệt sỹ Phạm Quang Trung. Tôi chúc mừng cô giáo Lại
Thị Huế có được một ngôi nhà khá khang trang. Nhưng tôi cầu chúc hòa bình cho
đất nước, để không còn ai phải chịu mất mát hy sinh như gia đình cô Huế".
Sáu tháng trước đây, ngày 24-7-2016, khi chúng tôi ghé thăm trường THCS Hà
Tiến, nơi cô giáo Lại Thị Huế đang làm việc. Tuy là sáng chủ nhật nhưng nhiều
giáo viên cùng với ban giám hiệu đã có mặt để đón chúng tôi. Ai cũng quý mến cô
Huế và ai cũng mong mẹ con cô Huế có nhà.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Sơn nói, "Chúng tôi làm tất cả những gì có thể
để chia sẻ những mất mát của cô Huế và ở trường, cô Huế cũng là một giáo viên
rất năng lực và mẫu mực".
Cũng tại đây chúng tôi được nghe một câu chuyện rất nhân văn.
Không chỉ có một mình cô Huế, ở trường Hà Tiến có hai cô giáo khác cũng là vợ
lính hải quân: Chồng cô Phạm Thị Huyền là sỹ quan rada; chồng cô Mai Thị Kim
Dung là cảnh sát biển vùng 4 - do có công cản phá giàn khoan Hải Dương 981,
chồng cô được đưa đi đào tạo tại học viện Lục quân Đà Lạt (sỹ quan cấp chiến
dịch).
Sau 9 năm lấy nhau, vợ chồng cô Kim Dung vẫn chưa có con vì gần như chưa bao giờ
họ có dịp gần nhau đủ để cô thụ thai. Ban giám hiệu quyết định cho cô nghỉ vào
đơn vị với chồng, với "nhiệm vụ: khi nào có thai mới được về". Kết
quả là cô Kim Dung sinh được một cô con gái tới nay đã hai tuổi. Thầy Sơn nói:
"Việc tôi làm không phải là hoàn toàn đúng nguyên tắc, nhưng tôi cho rằng
có một nguyên tắc lớn hơn: Không thể để cho một người lính đang ngày đêm bảo vệ
biển đảo, biên cương không có con chỉ vì xa nhà biền biệt".
Không phải ở đâu "chính sách hậu phương quân đội" cũng được làm một cách
lặng lẽ, thiết thực và hết sức con người như ở nhà trường này.
Trương Huy San
Nhận xét