5026. Văn hóa xuống cấp vì đâu?

Văn hóa xuống cấp vì đâu?
PNTB
Trong những năm gần đây, những ai có lương tri, tâm huyết với đất nước đều bày tỏ sự quan ngại bởi sự xuống cấp nhiều mặt, nhưng đáng chú ý nhất là sự suy thoái nền văn hóa dân tộc. Bởi nếu kinh tế có sa sút, bị tàn phá thì cũng có cơ làm lại, nhưng văn hóa đã ra đi thì khó trở lại. Mất văn hóa là mất hết, bởi Văn hóa là Con người.
Chính vì lẽ đó, từ nhiều năm trước, Đảng đã quan tâm và ra nhiều Nghị quyết về văn hóa. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (1998). Sau 15 năm, tháng 6 năm 2014, Đảng lại ra Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI. Kèm theo các Nghị quyết là rất nhiều chỉ thị, văn bản, kể cả luật hóa của Nhà nước…

Trong hơn 5000 chữ của Nghị quyết này, ngoài những đánh giá về những mặt coi là được, những giải pháp… thì Nghị quyết bao giờ cũng có phần “Tuy nhiên…”, mà đây mới là lý do phải ra Nghị quyết. Trong đó câu đánh giá quan trọng nhất là: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”. Tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống chính là cốt lõi văn hóa. Theo Nghị quyết của Đảng, nó không những không tiến bộ mà suy thoái còn gia tăng.
Sau khi có Nghị quyết 9, hơn hai năm trước, báo Tuổi trẻ có mở một cuộc hội đàm bàn tròn cuối năm về vấn đề này (Trám "lỗ thủng' văn hóa, đạo đức). Bài báo với ý tưởng mong muốn của những nhà trí thức tham gia ý kiến để tìm biện pháp trám lại những “lỗ thủng” văn hóa đang tiếp tục làm cho tấm áo văn hóa của dân tộc rách rưới.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Tôi thích hình ảnh của nhà văn Nguyễn Khải: cuộc đời như cái bánh xe lăn giữa hai bờ thiện và ác, sáng và tối. Lực bên nào mạnh hơn, nó sẽ lăn về bên ấy. Cái chèn bánh xe chính là pháp luật, chính là văn hóa. Cuối cùng thì cũng chính là vấn đề con người”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thì khẳng định: “Khi nói đến văn hóa nhiều nhất chính là khi thiếu văn hóa nhất. Văn hóa bắt đầu từ con người, lỗ hổng văn hóa cũng bắt đầu từ con người”.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Đừng coi thường những hành vi nhỏ nhặt như nhắc một người đi đường gạt chân chống xe, sắp rơi bóp, cẩn thận cho em bé ngồi phía sau, dừng đèn đỏ... Văn hóa nằm trong những hành vi đó. Và khi từng hành vi nhỏ cũng thấm đẫm văn hóa thì văn hóa sẽ lan tỏa ra với cuộc đời”.
Đọc những dòng đó không ai bảo các ông bà ấy nói sai. Tuy nhiên, họ đều né tránh cái nguyên nhân đích thực gây ra sự xuống cấp văn hóa. Họ nói đúng nhưng tất cả chỉ chung chung là nguyên nhân từ con người. Nhưng con người nào? Ai?, thì không thấy nói. Chả lẽ tự nhiên, cả một xã hội cứ tăng mãi cái xấu lên? .
Ảnh Việt Dũng (TTO)

Ông đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã có ý xa gần, muốn chỉ ra biện pháp giải quyết những “lỗ thủng” về văn hóa là sự
gương mẫu của người lớn, của cấp trên.
Ông Tiến nói: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là câu chuyện rất lớn khó bàn hết trong một ý kiến ngắn, nhưng có một vấn đề tôi muốn nói ở đây là sự gương mẫu của người lớn, của cấp trên. Nếu trong cơ quan mà cấp trên nói một đàng làm một nẻo thì ở đó chắc là khó xây dựng văn hóa cơ quan lành mạnh. Ra ngoài xã hội, cần sự gương mẫu của người lớn đối với lớp trẻ, về trong gia đình là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, dưới mái trường là sự gương mẫu của thầy cô. Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà giáo dục học Xô viết Makarenko, ông đã đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ: “Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”.
Ông Tiến nói đúng, nhưng vẫn chưa dám chỉ ra cái gốc của vấn đề. Nếu có ai đó hỏi lại: “Vậy thưa ông Tiến, làm thế nào để người lớn và cấp trên của cả xã hội có thể thực hiện văn hóa gương mẫu?”, thì không biết ông sẽ trả lời ra sao? Chả nhẽ xưa nay chúng ta không giáo dục những vấn đề như vậy?
Ông Bùi Văn Nam Sơn
- Ảnh: Gia Tiến

Trong bài báo này, tôi chú ý đến ý kiến “Trị căn hơn trị chứng” của ông Bùi Văn Nam Sơn (không thấy nói về nhân thân ông này)…Ông Nam Sơn nói:  
“Trước những hiện tượng suy hoại về đạo đức đang gây bất an cho xã hội và làm đau lòng nhức óc những ai có lương tri, ta không khỏi nhớ đến câu nổi tiếng của Nguyễn Trãi: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (Họa phúc có đầu mối, không phải một ngày). Cụ Nguyễn cô đọng ý tưởng đã có từ rất  xa xưa: “Tôi giết vua, con giết cha không phải chuyện đột biến trong sớm chiều, mà có nguyên do được tích tụ dần dần” (Thần thí kỳ quân, tử sát kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai dã tiệm hĩ).
Tuy giản đơn nhưng đó là một nhận định đúng đắn, bởi ai cũng đồng ý rằng những tệ trạng xã hội cần phải “trị căn” hơn là “trị chứng”, nếu không muốn bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực bất tận, gây thêm bao đổ vỡ, khổ đau.
Ta thử hỏi tại sao người dân các nước Bắc Âu ngày nay nổi tiếng văn minh, hiền hòa, “dễ thương”, trong khi tổ tiên họ vốn là những “hải tặc Viking” khét tiếng hung dữ? Tại sao nước Đức, nước Nhật từng gây bao tội ác chiến tranh, nay nhìn chung là những nước quy củ, cởi mở, có cuộc sống thịnh vượng, an bình? Ai cũng biết đó là nhờ họ đã sáng suốt tự vấn, dày công theo đuổi nền giáo dục hòa bình, phi bạo lực suốt hơn hai thế hệ và thiết lập được thể chế, định chế chính trị, xã hội tương ứng.
Bất công xã hội, tự nó, là bạo động. Đặc quyền, đặc lợi là bạo động. Độc thoại trên diễn đàn thông tin đại chúng là bạo động. Ngôn ngữ mạ lỵ, thiếu tương kính là bạo động. Giáo dục nhồi nhét, thi cử nhiêu khê cũng là bạo động. Thậm chí, giao thông xô bồ, căng thẳng, mất dần những không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, tâm tình cũng là môi trường nuôi dưỡng và kích thích bạo động. Không đợi đến “cướp, giết, hiếp”, muôn mặt tinh vi và hiểm ác của bạo lực hằng ngày hằng giờ đang chung tay làm suy nhược thần kinh, giảm thiểu năng lực tự phòng vệ của con người, vì chúng xâm hấn vào vùng tinh anh nhất và cũng dễ tổn thương nhất.
Vậy, phải chăng bạo lực và thói quen bạo lực là toàn năng, vô phương cứu chữa? Thưa không! Tâm lý học xã hội và tâm lý học giáo dục ngày nay rất thấm thía nhận định tinh tường và quý giá sau đây của J. J. Rousseau: “Khi Hobbes gọi kẻ tai ác là một đứa trẻ cường tráng, thì ông đã nói một điều mâu thuẫn tuyệt đối. Bất kỳ kẻ tai ác nào cũng từ sự yếu đuối mà ra. Đứa trẻ chỉ tai ác vì nó yếu đuối; hãy làm cho nó mạnh, nó sẽ tốt; người nào có thể thực hiện được mọi điều sẽ không bao giờ làm điều ác” (Emile hay Về giáo dục). “Mạnh” là thấy mình không bị kiềm tỏa trong vòng sợ hãi và cấm đoán. “Có thể thực hiện được mọi điều” là biết rằng với năng lực tự thân, ta có quyền và có thể thực hiện mọi nguyện vọng chính đáng trong môi trường công bằng và tự do, do đó không cần và không buộc phải xâm phạm đến quyền hạn và lợi ích của người khác.
Giáo dục phi bạo lực và xã hội phi bạo lực làm con người “mạnh” lên trong tự do, chứ đâu phải làm yếu hèn, nhu nhược, càng không đồng nghĩa với việc thủ tiêu óc tự cường, chí bất khuất và sức mạnh đề kháng trước cường quyền ngoại xâm.
Bốn mươi năm sống ở nước Đức thua trận và từng bị chia cắt, tôi thấy họ học rất giỏi bài học này của Rousseau!”
Có lẽ đây là ý kiến đã tiến gần đến chân lý, tiến gần đến biện pháp tháo gỡ? Xưa nay các thầy thuốc trị bệnh, đều phải trị từ gốc, từ căn nguyên của bệnh tật. Chỉ quan tâm và chữa bao vây triệu chứng lâm sàng thì không bao giờ khỏi, chỉ giúp người bệnh xoa dịu cơn đau tạm thời, chứ bệnh thì vẫn đâu hoàn đấy nếu không nói ngày càng nặng thêm.
Khi ông Bùi Văn Nam Sơn so sánh con người và thể chế của những nước tiên tiến như các nước Bắc Âu, Đức, Nhật thì người ta hiểu rằng, theo ông, nguyên nhân gốc rễ của văn hóa chính là “nhờ họ (các nước đó) đã sáng suốt tự vấn, dày công theo đuổi nền giáo dục hòa bình, phi bạo lực suốt hơn hai thế hệ và thiết lập được thể chế, định chế chính trị, xã hội tương ứng”. Để "người nào cũng có thể thực hiện được mọi điều sẽ không bao giờ làm điều ác”, tức là, làm cho “con người mạnh lên trong tự do”...
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.