4992. Cảm nhận về những lời hay ý đẹp của ông Donald Trump

Cảm nhận về những lời hay ý đẹp của ông Donald Trump

(Bình luận của PNTB)
Ảnh Reuters
Tất nhiên, bài Diễn văn nhậm chức của ông Donald Trump sẽ có nhiều bình luận, nhưng với tôi, ngoài việc quan sát cách nói độc đáo của ông trong toàn bài viết thì thấy có một số ý tứ, câu chữ rất đáng quan tâm.
Ngay sau khi ông kính thưa ông Chánh án Roberts và những ông cựu (ở ta gọi là nguyên) Tổng thống Hoa Kỳ như Carter, Clinton, Bush, Obama (mà ông không hề dùng đến chữ ‘nguyên’ hay ‘cựu’ là một cách nói tôn trọng cá nhân những người tiền nhiệm) thì ông cũng chỉ thẳng ra cái ‘hạn chế’ của quá khứ bằng một hình tượng “sốc” mà không sợ những Tổng thống của quá khứ phật ý.
Đó là “hôm nay không phải là sự chuyển giao quyền lực từ người này sang người kia, một đảng này sang đảng khác, mà là sự chuyển giao quyền lực từ Washington sang cho nhân dân Mỹ”. 
Nói vậy nghĩa là trước ông Trump nhân dân Mỹ chưa có quyền lực thực sự. Quyền lực vẫn thuộc về cơ quan đầu não của đất nước (mà biểu tượng là Washington). Ông Donald Trump tiến sâu hơn bước nữa, cụ thể hơn nữa là: “Từ quá lâu, một nhóm nhỏ tại thủ đô đã thu nhận phần thưởng của chính phủ, còn nhân dân gánh chi phí.
Washington phát triển nhưng nhân dân không được chia sẻ của cải”. Và “Các chính khách giàu to nhưng việc làm ra đi, nhà máy đóng cửa”. 
Như thế là tân Tổng thống chẳng thèm để ý đến những cái gọi là chính trị như đảng Cộng hòa của ông vinh dự được thay thế đảng Dân chủ cầm quyền trong khóa này, mà ông là người đại diện. “Điều thực sự quan trọng không phải là đảng nào kiểm soát chính phủ, nhưng liệu chính phủ có do nhân dân kiểm soát không.” Nói vậy, có phải ông Trump đã “đi guốc” trong bụng dân chúng rằng, người dân không quan tâm đến đảng phái nào cả, đảng nào cầm quyền cũng được, nhưng phải để cho người dân được kiểm soát chính phủ.
Ông cũng không dùng những khẩu hiệu như kiểu: “tăng cường dân chủ, bảo đảm công bằng…”, mà cứ nói toẹt ra rằng, không để một nhóm nhỏ ở thủ đô “nhận phần thưởng”, còn người dân phải gánh chi phí, không được chia sẻ của cải, các chính khách thì giầu to mà người dân thì thiếu việc làm, nhà máy đóng cửa… 
Có lẽ ông Trump, một đại gia kinh tế, “không phải chính trị gia chuyên nghiệp”, nên ông này đã “sờ đầu gối nói chân thật”? Hay ông biết rằng ngay cả nhân dân Mỹ, một quốc gia văn minh hàng đầu thế giới cũng không thích những ngôn từ được mài giũa, đánh bóng, cứ mộc mạc như gỗ không sơn nhưng sát với nguyện vọng những người lao động? Một đại tỉ phú mà khi làm chính trị đã đứng hẳn về phía người lao động phải chăng là hiện tượng hi hữu? Ông tiếp tục phê phán rằng: “Giới cai trị tự bảo vệ mình nhưng không bảo vệ công dân đất nước.
Thắng lợi của họ không phải là thắng lợi của các bạn; vinh quang của họ không của các bạn; và khi họ ăn mừng ở thủ đô, chẳng có mấy điều đáng ăn mừng cho các gia đình nghèo khắp nước.”
Dù có thể nhiều người chưa có cảm tình gì với ông Trump nhưng đọc những lời này có lẽ không mấy ai không ngưỡng mộ.
Ông nói về những điều bất cập của nước Mỹ trước ông là: “Nhưng với quá nhiều công dân, là một thực tại khác: Mẹ con trói chặt trong nghèo đói ở thành thị, các nhà máy gỉ sét như bia mộ trên đất nước, hệ thống giáo dục thừa tiền nhưng không đem lại kiến thức cho sinh viên trẻ đẹp của chúng ta, tội ác, băng đảng, ma túy cướp đi quá nhiều mạng sống, cướp đi bao tiềm năng đất nước”. Rồi khẳng định như một lời hứa: “Tất cả thay đổi - tại đây, lúc này, vì khoảnh khắc này là của các bạn.” Trum cũng không văn hoa chích chòe gì về cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối, giải pháp... mà ông cụ thể hóa luôn thế này: “Mọi quyết định về thương mại, thuế, di dân, ngoại giao, sẽ có để làm lợi cho người lao động và gia đình Mỹ”. 
Ở đâu chứ ở nước Mỹ, nói như thế mà không thực hiện thì chắc chắn ông tân Tổng thống sẽ phải ăn cà chua trứng thối mà cảnh sát cũng chẳng làm quái gì được. Có lẽ những câu “văn hoa chích chòe” nhất của ông Trump cũng là thế này: “Chúng ta sẽ đem về việc làm. Đem về biên giới. Đem về của cải. Và đem về những giấc mơ”. Nghĩa là vẫn rất cụ thể. 
Một câu nữa rất đáng ngưỡng mộ là: “Chúng ta không muốn áp đặt lối sống lên ai, nhưng để lối sống của ta tỏa sáng như tấm gương cho mọi người”. Theo tôi thì câu này tuyệt cú mèo. Bởi kinh nghiệm cho thấy dù là cá nhân hay một tổ chức, dù là ở mức độ “vi mô” hay “vĩ mô”, mọi sự áp đặt đều thất bại cay đắng. Nhiều bậc phụ huynh đau lòng muốn quyên sinh chỉ vì áp đặt mà con cái trưởng thành không nghe lời. Áp đặt ít nó còn lặng thinh, giả vờ nghe nhưng không thực hiện. Áp đặt nhiều, dồn nó vào đường cùng, nó chống lại ra mặt, cóc sợ, dù đó là bố mẹ, là người sinh thành, dưỡng dục chúng. Đánh không đánh được, giết không giết được, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chết không nhắm được mắt. Phương pháp khoa học nhất là bản thân phải tự tỏa sáng như tấm gương. Khi tấm gương đã hoen ố thì mất thiêng...
Đoạn cuối bài Diễn văn ông viết: “Chúng ta sẽ không còn chấp nhận các chính khách chỉ nói mà không làm, lúc nào cũng than vãn mà chả làm gì.
Đã hết thời gian để nói trơn.
Nay là giờ khắc hành động”. 
Đoạn này rất giống với quan điểm của đảng ta: “lời nói phải đi đôi với việc làm, chống hiện tượng nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo” mà nhiều nghị quyết của đảng đã chỉ ra.
Tuy nhiên, ông tân Tổng thống Donald Trump nói vậy, với những lời hay ý đẹp trong bản tuyên thệ nhậm chức trên, người dân Mỹ cũng như người dân thế giới vẫn có quyền chưa tin cậy vội mà cần sự trả lời bằng thực tiễn điều hành đất nước của ông trong những ngày tới. Để rồi xem.
(PNTB).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.