4981- 22 NĂM NGÀY MẤT CỦA NHÀ VĂN PHÙNG QUÁN

22 năm ngày mất của nhà văn Phùng Quán (22 tháng Chạp âm lịch 1995 - 22 tháng Chạp âm lịch 2017)

PHÙNG QUÁN, CON NGƯỜI VIẾT HOA

Ngô Minh 
( Bài viết khi nhà văn Phùng Quán qua đời)
Tin anh Phùng Quán đang trong giờ phút hấp hối do bạn bè văn nghệ Hà Nội điện về tối 21 tháng 1 năm 1995 ( tức ngày 21 Tháng Chạp, Giáp Tuất) làm tôi vô cùng sửng sốt. Anh mới ở Huế ra Hà Nội cuối năm 1994 đây mà. Lúc đó anh cường tráng lắm. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nức nở thở dài trên điện thoại: ”Buồn quá. Chán quá Ngô Minh ơi. Anh Quán mần răng có thể mất được, vô lý, vô lý …!”. Suốt ngày 22 chúng tôi sống thấp thỏm, lo âu. Liên tục gọi điện hỏi Hà Nội. Và cái giờ buồn đau định mệnh đã đến. Ấy là lúc 16 giờ 30, ngày 22 tháng 1 năm 1995, tại căn nhà quen thân bên bờ Hồ Tây, anh Phùng Quán trút hơi thở cuối cùng khi mới 64 tuổi, tuổi sung sức nhất của bút lực!

Anh Phùng Quán đã giã từ bạn bè, giã từ Huế, giã từ lý tưởng cách mạng mà anh đam mê một đời, giã từ những dằn vặt và khổ đau triền miên nơi trần thế ! Nhưng với tôi, anh Phùng Quán không mất bao giờ. Một Phùng luôn xưng tụng đất nước, xưng tụng nhân dân, xưng tụng cách mạng, xưng tụng tình yêu bằng một lối thơ cuốn hút, bốc lửa và thiết tha, nhân bản và một giọng đọc thơ mê hoặc, quyến rũ. Một Phùng Quán Văn với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo, là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ bộ đội cụ Hồ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Cho đến bộ tiểu thuyết ngàn trang Tuổi thơ dữ dội làm xúc động hàng triệu triệu độc giả Việt Nam trong và ngoài nước. Tuổi thơ dữ dội xuất hiện 32 năm sau sự kiện “Nhân văn”, chứng tỏ sự thủy chung, gan ruột trước sau như một của ngòi bút Phùng Quán đối với cách mạng, đối với chế độ mà anh đã chọn!
Nhưng sống mãi trong tôi là một Phùng Quán nhân hậu, hiền từ, luôn sống hết lòng vì đồng đội, anh em, bạn bè. Đối với tôi Phùng Quán là một người anh hiền hậu. Anh là một nhân cách lớn, rất mẫu mực, luôn ung dung tự tại, mà thân thương gần gũi! Năm 1984 lần đầu tiên anh vô Huế thăm quê và chơi với anh em văn nghệ sau  30 năm “nhân văn” và  gần 40 năm xa quê. Có nghĩa là từ khi đi theo Vệ Quốc Đoàn năm 14 tuổi đến nay, anh mới trở lại Huế lần đầu! Hồi nhỏ ở làng Thượng Luật, Quảng Bình, tôi đã đọc “Vượt Côn Đảo” trong tủ sách gia đình, nên tôi rất yêu anh, coi anh như một thần tượng. Bởi thế mà suốt thời gian anh ở Huế tôi luôn “tháp tùng“ anh đi đọc thơ, đi nói chuyện ở nhiều cơ quan, trường học. Sau đó kéo anh về ở nhà tôi một thời gian dài. Hồi đó nhà tôi là căn phòng cấp bốn  ở khu tập thể Thương nghiệp 31- Phan Bội Châu, lưng chừng dốc Bến Ngự. Gian nhà chỉ có 59 mét vuông, chật chội lắm. Nhưng có anh, nhà tôi bỗng trở nên sôi động, khách bạn đến đông đúc, thơ-rượu vui vẻ suốt ngày đêm. Anh để râu dài như ông lão trong chuyện cổ tích, đội chiếc mũ cói xứ Nghệ, khoác chiếc bị cói, cưỡi chiếc đạp, gọi là “xe trâu” Liên Xô cao lêu nghêu, mặc khi thì bộ bà ba nâu, khi thì chiếc áo Mán khuy bấm, quần bò sờn cũ. Anh đi dôi dép tự chế bằng lốp ô tô đế bố dày tới 10 phân. Tôi xỏ đi thử thấy nặng không lê được chân. Thế mà anh vẫn đi đôi dép ấy trong bao nhiêu năm ròng! Anh một mình một mốt, không lẫn vào đâu được. Trông có vẻ lập dị, ngang tàng như thế, nhưng anh lại rất hiền hậu, dễ gần. Ở nhà tôi, anh lẳng lặng xuống chợ Bến Ngự mua cá chép, dưa chua, bún về, rồi vào bếp thổi cơm, cặm cụi nhặt rau, mổ cá, chẻ củi, để nấu món “nóng nóng nước nước” cho mọi người  nhậu rượu. Có lẽ bao năm tháng “đi cải tạo lao động”, anh đã học được cách tự làm lấy mọi việc để tồn tại, không hề cho đó là những việc hèn mọn. Năm 1983, anh được in tiểu thuyết Buổi đầu thử thách với tên tác giả là Đào Phương ( đây là lần in đầu tiên của tiểu thuyết nổi tiếng Tuổi thơ dữ dội), sau đó anh vô Huế, được nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nhận cho được năm trăm đồng nhuận bút, toàn tiền lẻ loại 2 đồng. Anh bỏ vào bị cói mang đến nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ rút ra một cọc tiền, bẻ cho hai bé Bê Líp, Bê Lim mỗi bé một xếp, không biết bao nhiêu. Sang nhà tôi, anh lại bẻ cho hai cháu Hải Tân, Hải Bình mỗi đứa một xếp tiền. Rồi anh về chợ Bến Ngự mua hai con cá chép, rồi  nem, tré, rau, bún về nhà tôi làm bữa nhậu.  Tôi băn khoăn: ”Được nhuận bút nhiều thế anh tiêu hết, không để dành phần cho chị Bội Trâm à ?”. Anh vuốt râu, cười: ”Chị Trâm có phần rồi. Anh đã mua một cái  ti vi để hôm mô ra tặng chị, đang  cất ở nhà Lê Gia Ninh. Lại thêm ít tiền nữa”. Thì ra anh chu đáo với vợ con thật.
Thời gian này anh ‘’hồi sinh’’ với thơ, một loạt bài thơ gan ruột thấm đẫm tình đời, tình người, tình quê, nhưng lại thể hiện rất tinh tế triết lý cuộc sống và nỗi niềm u uẩn của đời anh. Những bài thơ bùng cháy như: “Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng‘’, ‘’Tạ‘’, ‘’Trái thơ‘’, ‘’Trăng Hoàng Cung‘’, ‘’Tôi khóc‘’, ‘’Mưa Huế‘’, ‘’Chán chộ‘’ .v.v.. Anh có chép lại rất nắn nót một bản bằng bút học trò mực tím trên tập giấy kẻ dòng tặng tôi với đề từ “Tiểu thuyết tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng”, với lời đề tặng rất bạn bè: ”Yêu tặng thi hữu Ngô Minh”!
Năm 1993, Nhà xuất bản Thanh Văn ở Mỹ in thành sách với tựa đề ‘’Trăng Hoàng Cung”. Cũng năm đó Nhà xuất bản Trẻ đã in lại với lời đề từ mới của anh. Bên Mỹ họ gửi về biếu anh hai cuốn. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh phải ra phố phô tô thành hàng chục bản để tặng bạn bè. Ra Huế anh tặng tôi một cuốn. Từ đó năm nào vô quê anh cũng ghé lại ở với vợ chồng tôi vài ba ngày, có khi cả tuần. Viết được cái gì, in được cái gì ở báo nào đó anh đều chép hay phô tô gửi  vào tặng tôi một bản.
Là một nhà văn đàn anh nổi tiếng nhưng anh đối xử với tôi cũng như các anh em viết văn trẻ khác rất cởi mở, chân tình, trân trọng như một bạn hữu văn chương! Những năm 1985 - 1990, mỗi lần tôi ra Hà Nội, biết tôi mới tập tọng làm thơ, anh đạp xe đèo tôi đi thăm các bậc lão trượng thơ Hà Nội như Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung, Vân Long, Võ Văn Trực, Hoàng Trung Thông .v.v.. Đi đến đâu anh cũng giới thiệu sang trọng :”Đây là Ngô Minh, nhà thơ xứ Huế quê tôi!” Có lần anh vô Huế, vào ngày đầu năm mới dương lịch (1.1) mấy anh em xuống làng Tiên Nộn (xã Phú Mậu, Phú Vang) mừng sinh nhật bác sĩ Nguyễn Tích Ý, lúc đó là Phó giám đốc Học Viện Y Huế, một người rất yêu thơ và yêu quý Phùng Quán. Trong cuộc vui tại Tiên Nộn tôi bị say rượu phải ngủ lại, sáng mai mới đạp xe tám cây số về Huế một mình. Anh  đến nhà bảo tôi lấy sổ tay rồi ứng tác chép tặng  tôi bài thơ:
TẶNG NGÔ MINH SAY
Rượu mà cứ tưởng nước sông
Uống tràn đến lúc nổ bùng cơn say
Thơ say, trời đất cỏ cây
Ngõ mà ghen tức cái say hết mình
Con sông dìu dặt hiền lành
Cũng thèm làm một Ngô Minh tửu thần
Tiên Nộn ước hóa Tiên Khùng
Đọ cùng thi sĩ một lần thơ say
Huế, 1/1987
Nhưng khi anh bị bệnh nằm một chỗ, anh lại viết thư vào Huế dặn dò :”Anh bị bệnh giống hệt Dương Toàn Thắng ( một người viết trẻ ở Huế bị bệnh  xơ gan cổ trướng do uống nhiều rượu, mất năm 36 tuổi ).Trông gương anh, anh mong em bớt rượu chè. Anh đã bỏ rượu. Nhưng bỏ như thế cũng hơi muộn…”.
Anh em văn nghệ ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình cũng như gia đình tôi mỗi khi  ra Hà Nội đều tá túc tại nhà anh. Gọi là nhà cho nó ấm cúng chứ thật ra đó là một gian chái hơn chục mét vuông do người ta gá vào phía sau một nhà kho của trường Chu Văn An, là ‘’ tiêu chuẩn ‘’ tập thể của chị Vũ Bội Trâm, vợ anh, giáo viên dạy văn của trường. Căn nhà ấy mãi sau hơn 20 năm lấy nhau mới có. Sau bức tường là đất trồng cây thí nghiệm của trường, rồi mới đến Hồ Tây. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của anh Phùng Xuân Bính, Giám đốc Nhà văn hóa công nhân Hà Nội và chị Hương Quân, biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, người giúp gỗ thanh lý, người  giúp  tiền mua  lá gồi để lợp, anh tự thiết kế, một mình hì hục cưa đục dựng một cái chòi gỗ nhìn ra Hồ Tây lộng gió. Anh gọi là ‘’Chòi ngắm sóng”. Ngồi trên cái Chòi Ngắm sóng ấy có thể  bao quát hết Hồ Tây. Nhìn được cả núi Ba Vì. Ở đây nhiều gió lắm. Anh em bạn bè văn chương đến tá túc đều ngủ trên cái chòi ấy, uống rượu, đọc thơ và đàm đạo văn chương cũng trên cái chòi bốn mét vuông ấy. Trên chòi dán đầy thơ, câu đối, ký họa, cảm tác của thi nhân, họa sĩ khắp nước, chữ Việt có, chữ Hán có.
Năm 1989, ra nhận việc tại báo Thương Mại ở Lò Đức tôi rủ hai nhà thơ người Quảng Bình là Hải Kỳ và Mai Văn Hoan cùng đi. Cả ba chúng tôi và anh Quán suốt ngày đêm rượu thơ trên Chòi sóng ấy. Anh kéo chúng tôi đi đọc thơ tại Nhà văn hóa bên hồ Hoàn Kiếm. Đêm đó Hải Kỳ đọc bài thơ “Hai giây” nói về trẻ em chết yểu trên thế giới. Có cô gái Hà Nội xinh đẹp tên Trần Phương Lan xúc động cầm bông hồng đỏ thắm lên tặng Hải Kỳ. Thế là suốt đêm đó Hải Kỳ cứ trăn trở không ngủ được, đợi đến sáng để  nhờ anh Phùng Quán chở xe đạp mấy cây số xuống tận Láng Trung để tìm Phương Lan. Anh Quán chiều bạn đạp xe chở Hải Kỳ đi suốt một buổi sáng, đến trưa mới tìm đến nhà người đẹp, nhưng người đẹp đi vắng…
Giáp Tết năm 1994, anh đưa vợ đi chơi ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi tàu ra Huế, anh “nói dối vợ” xuống mua điếu thuốc, rồi “ trốn vợ “ ở lại Huế thăm bà con, thăm bạn bè văn nghệ cho tới ngày 22 Tết mới lên tàu ra Hà Nội. Ở Sài Gòn ra, anh đến nhà tôi tặng một bình rượu Trung Quốc, mà anh gọi cho oai là “rượu Mao Đài” . Bây giờ tôi vẫn để bình rượu ở vị trí thờ anh. Anh luôn mang trong chiếc bị cói truyền thống của mình một chiếc áo khoác may theo kiểu áo dài thân bằng vải gì không biết, anh nói thứ vải này là thao, đũi gì đó đắt lắm, loại vải quý tộc ngày  xưa mới có, chiếc áo vợ chồng nhà thơ Thu Bồn – Lý Bạch Huệ tặng khi anh Quán lên thăm nhà Thu Bồn ở Đông Nai.  Nhìn chiếc áo tôi thấy cứ giống y chang loại vải may buồm ở làng biển của tôi xưa. Chiếc áo ấy chằng chịt đầy chữ ký của bạn bè văn nghệ, bạn đọc mến mộ anh với đầy đủ thứ màu mực xanh đỏ, tím. Hôm đó cơ quan tạp chí Sông Hương họp cộng tác viên cuối năm. Anh mặc chiếc áo ấy đến họp. Chiếc áo anh mặc làm cho mọi người thích thú. Anh mời các văn nghế sĩ Huế ký tên vào áo để mặc cho “hên”.  Mọi người chen nhau để  được ký vào chiếc áo tình nghĩa đó. Hoàng Phủ Ngọc Tường ký đầu tiên. Chữ ký của anh Tường ở chính giữa ngực trái. Chữ ký của tôi ở cổ áo bên phải. Anh bảo khi chết anh sẽ mặc chiếc áo ấy để sống mãi với hơi ấm bạn bè. Chiếc áo định mệnh ấy chị Bội Trâm đã mặc cho anh trong giờ phút cuối cùng, khi khâm liệm xong và đưa vào quan tài, đúng như nguyện vọng của anh !
Đêm 22 Tết năm đó, trong phòng đợi tàu ga Huế, vợ chồng tôi cùng các văn nghệ sĩ Huế thức tiễn anh đến một giờ sáng. Trước khi lên tàu anh rưng rưng ôm chặt  từng người, như sợ bạn bè biến mất. Tôi có ngờ đâu đó là lần anh đọc thơ cuối cùng với Huế để rồi xa Huế mãi mãi !
Đối với tôi, Phùng Quán là nhà văn luôn tâm huyết với đời, với người, với quê hương đất nước. Anh không  phải là thứ nhà thơ ăn theo nói leo, chỉ sống và viết vì mình, đang nhan nhản hiện nay.
Có nhiều cách ca ngợi Tổ quốc, xưng tụng cách mạng, trong thơ Phùng Quán bao giờ cũng bật lên hình tượng rất độc đáo, thú vị về hình tượng
Tổ quốc. Ví dụ hình tượng Nghệ trong Trường ca Cây cà:
Sử kháng chiến nghìn trang
Người Nghệ ưa vắn tắt
                             ‘’ Đánh Pháp hết chín vại cà
Đánh Mỹ hết hai chục vại …
Gần gũi bên anh, tôi đã học được rất nhiều điều về nhân cách và bản lĩnh của một nhà văn, đó là ‘’sự ngay thẳng tột cùng, ngay thẳng thủy chung của mỗi dòng chữ viết’’.
Thơ anh chân thực, trong sáng, dễ hiểu và đam mê đến quyết liệt như chính cuộc đời anh. Vì thế mà anh coi thơ là mạng sống, là lý lịch đời mình. Anh sống chết với thơ như sống chết với lý tưởng mình đã chọn :
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ đứng dậy
Phùng Quán là một nhân cách lớn, một tấm lòng vị tha chân chất. Đạo diễn điện ảnh Vinh Sơn, người làm phim ‘’Tuổi thơ dữ dội ‘’ (Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của anh Phùng Quán) kể rằng, hôm mời anh đến dự buổi ra mắt bộ phim tại Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, sau khi xem xong phim, Vinh Sơn hỏi: ”Anh thấy phim thế nào?”. Phùng Quán không bình gì về nội dung phim mà nói một câu rất tếu mà xa xót: ”Mình không ngờ cái tên Phùng Quán trên màn ảnh rộng lại lớn đến thế !”. Tiếp xúc nhiều lần với  anh Quán, đạo diễn Vinh Sơn có một nhận xét rất chính xác rằng, Phùng Quán không còn là tên riêng hay danh từ nữa mà Phùng Quán là một tính từ. Anh đích thực là một CON NGƯỜI  viết hoa !
Anh Quán ơi, em tin chắc cùng với thời gian Nhân Dân sẽ hiểu anh, anh sẽ tồn tại vĩnh viễn trong lòng  các thế hệ độc giả Việt Nam, tồn tại mãi cùng với quê hương  đất nước này, dân tộc này, sự nghiệp này. Nhất định là như thế. Mọi ấu trĩ, lỗi lầm rồi sẽ qua đi và một mùa xuân mới đang về, Anh ạ !
Huế, Xuân 1995
(Tạp chí Sông Hương số 3- 1995)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.