4973. “Đại án 2 cái thớt” và cuộc chiến với loa phường
“Đại án 2 cái
thớt” và cuộc chiến với loa phường
![]() |
Bức ảnh được lan truyền nhiều nhất trên mạng xã hội về “đại án 2 cái thớt” |
Mèo
Vạc đang khiến dư luận sục sôi với “đại án” bắt được cái thớt, còn Hà Nội, rất
có thể người dân sẽ được giải cứu khỏi loa phường.
Câu chuyện về vụ “đại án” của kiểm lâm huyện Mèo Vạc (Hà Giang)
bắt quả tang một người dân tên là Giàng Mí Lầu đang vận chuyển 2 cái thớt gỗ
nghiến và bị xử phạt hành chính vì tội vận chuyển gỗ trái phép làm nóng mạng xã
hội mấy ngày nay.
Người dân chở 2 cái thớt gỗ ngoài đường sau khi mua được cũng có
thể trở thành “đối tượng”, thành “lâm tặc” để các đồng chí kiểm lâm bắt quả
tang và xử lý, cho dù chỉ là phạt vi phạm hành chính cũng là một sự nực cười.
Trong khi đó, những bộ bàn ghế uy quyền, những sập gỗ to tướng,
những đồ gỗ quý hiếm cứ thế lần lượt ra khỏi rừng, rồi bằng cách nào đó hiện
diện trong những ngôi nhà của những người giàu có, quyền lực, thì chẳng thấy ai
nói sao?
Có lẽ người ta chỉ nhìn thấy và sẵn sàng ra tay trấn áp những vụ
việc nhỏ nhặt, lặt vặt, còn những vụ việc động trời thì ai dại gì mà động vào,
chả phải đầu khéo lại phải tai.
“Đại án 2 cái thớt”, chiến công của kiểm lâm huyện Mèo Vạc, suy
cho đến cùng, nó là đỉnh cao của sự mẫn cán một cách thô cứng của bộ máy công
chức mà thôi. Cũng giống như làm chuồng gà ở Cao Bằng phải có bản vẽ thiết kế,
như vụ khởi tố quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh và rất nhiều vụ việc khác.
Anh Giàng Mí Lầu qua cách xử lý của kiểm lâm Mèo Vạc đã trở
thành “lâm tặc” nhưng không một ai cho rằng chính vì những "lâm tặc"
như anh Giàng Mi Lầu mà những cánh rừng đại ngàn của Việt Nam đã bị tàn phá tan
hoang, nguyên nhân của lũ lụt, sạt lở, mất mùa đói kém lâu nay.
Loa phường
với những tác dụng tiêu cực, làm ô nhiễm âm thanh nhiều năm nay ở thủ đô.
|
Ngày hôm qua, có một tin tức làm nức lòng dư luận. Đó là chủ
tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong khi phát biểu tại Sở Thông tin
truyền thông đã yêu cầu phải đánh giá lại hiệu quả của loa phường, nếu không
còn tác dụng thì phải xem xét dẹp bỏ.
Đúng là một quyết định “hởi lòng hởi dạ” cho những người dân bấy
lâu nay bị âm thanh của hệ thống loa phường cưỡng bức đôi tai. Những sớm
ban mai khi người già, trẻ em còn đang say giấc thì loa phường rú lên gọi mọi
người dậy tập thể dục hoặc phát đi những thông tin cũ rích, vô bổ.
Loa phường đã tác nhân chính của sự ô nhiễm âm thanh ở thủ đô
trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt thế này. Có nhiều người thú nhận họ
đã làm một việc không hề đẹp, đó là lén cắt dây của cái loa cạnh nhà để giải
cứu gia đình mình và những nhà xung quanh khỏi sự quấy nhiễu thô lỗ của cái loa
phường.
Lời “tuyên chiến với loa phường” của ông Chủ tịch Thành phố mang
đến một niềm hy vọng lớn cho người dân thủ đô. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21,
thời mà chỉ với chiếc điện thoại thông minh trên tay, con người có thể biết
được chuyện gì xảy ra trên toàn thế giới mà vẫn phải chịu sự “đè nén áp bức”
của mạng lưới âm thanh cưỡng bức của loa phường thì thật là phi lý.
Hoan hô ông Chủ tịch Thành phố. Nếu ông dẹp được hệ thống loa
phường thì nhiều người dân thủ đô mãi biết ơn ông.
Mi An
(Đất Việt)
Nhận xét