4968. Điển hình
Điển hình
Hồi xưa, mình học văn lớp 7 (trên 10, phải nói thêm thế kẻo có
ai đó không hiểu lại bảo mình trình độ mới trên tiểu học), thầy Ngô Minh Phất
bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi văn toàn thành phố Hải Phòng, cứ khi đến bài về
kỹ năng phân tích tác phẩm - phân tích nhân vật, thế nào thầy cũng nhắc đi nhắc
lại phải nhớ phân tích được nhân vật điển hình, có tính cách điển hình trong
hoàn cảnh điển hình. Dường như đó là thứ ba rem mẫu mực mà bất cứ đứa học văn
nào ở miền Bắc thời ấy cũng phải nắm được; bất cứ thầy dạy văn nào cũng phải
truyền thụ được.
Mình chỉ học để thi cấp thành phố thôi, chứ cái Ngọt em mình còn kinh hơn, đang
thời chiến tranh bom đạn ác liệt là thế mà nó cơm nắm cơm gói lên tận xã Đông
Phương gần ngã ba Phúc Hải để trọ học, nghe thầy Nguyễn Văn Trới dạy văn nổi
tiếng miền Bắc huấn luyện cho đội đi thi văn toàn miền Bắc. Chắc thầy Trới cũng
nói với chúng nó, các em ạ, phải làm rõ được nhân vật điển hình trong hoàn cảnh
điển hình.
Hôm nọ sau bao nhiêu năm, mình lại được nghe nhắc về điển hình. Cái bác ấy nói
rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là một điển hình quyết liệt chống tham nhũng, giao 9
cơ quan vào cuộc rất hùng hậu. Mình định bổ sung cho bác ấy, đúng thế, hoàn
cảnh rất điển hình, nhân vật rất điển hình, việc 9 cơ quan sừng sỏ cùng lúc vào
cuộc làm rõ cũng rất điển hình...
Chỉ có điều, cuối cùng, nó (Thanh) trốn mẹ nó mất. Sau rất nhiều
thứ điển hình thì vụ nó trốn cũng rất điển hình.
Vụ này làm mình nhớ đến vụ Tiên Lãng. Hơn 200 cảnh sát, bộ đội,
dân quân, cả sĩ quan đại tá... súng ống đầy đủ, trang bị tận răng (áo giáp
chống đạn, mặt nạ phòng độc, chó ngao) đến vây mấy anh em con cháu nhà Vươn tay
không (dư luận nói đùa là mấy thằng đánh dậm), căng thẳng, hồi hộp, rất... khốc
liệt, sau cả giờ đồng hồ đấu trí đấu lực (có thể viết thành sách, thành giáo án
dạy trong trường công an), đến khi quân ta ập vào thì bọn đánh dậm đã biến mất
tự bao giờ. Chả biết sách đã viết xong, xuất bản chưa. Hay đợi gộp vụ Xuân
Thanh này làm luôn cho hoành tráng.
Nguyễn Thông
Nhận xét