4966. Lan man về Sức khỏe
Lan man về Sức khỏ
Ngọc Dương/ PNTB
Ngọc Dương/ PNTB
![]() |
Hình minh họa |
(PNTB) – Năm
hết, Tết đến, mọi người thường chúc nhau sức khỏe. Nhân
dịp này, mình thử "chém gió" về sức khỏe xem sao. Ngày xưa Bác Hồ nói: “Không có
gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Nhưng ở một góc nhìn khác nhiều người cho rằng:
“Không có gì quý bằng Sức khỏe”. Cũng đúng thôi, bởi vì chân lý là tương đối,
theo biện chứng pháp của W. F.Hegel cũng như của Karl Mark.
Trong
nhiều năm qua, người ta quan niệm về sức khỏe còn hẹp, tất nhiên là ở nước ta. Mình còn giữ được cuốn Từ điển tiếng Việt, in lần thứ hai do nhà xuất bản Khoa
học xã hội ấn hành năm 1977 có định nghĩa về Sức khỏe thế này: “1. Sức mạnh về thân thể: 2. Tình trạng lành
mạnh, không có bệnh tật của cơ thể”. Rõ ràng là quan niệm về sức khỏe chỉ
là phần thể chất: sức lực hay cơ thể không có bệnh tật mà thôi.
Nay nhiều người đã nhận ra cái định nghĩa về sức
khỏe của tổ chức Y tế thế giới (WHO, 1947) toàn diện hơn: “Sức
khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện
về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng
không có bệnh hay thương tật”. Theo định nghĩa này thì
sức khỏe phải hội đủ 3 yếu tố: Thể chất (thể lực), tinh thần (tâm lý, tư tưởng,
tình cảm, trí tuệ) và xã hội (các quan hệ người với người).
Bằng
trải nghiệm cuộc sống, mình thấy rõ ràng đây là một định nghĩa toàn diện về nội
hàm sức khỏe. Mình đã chứng kiến không ít người có thể chất tốt, không có bệnh
tật gì, ăn được, ngủ được, hoạt động sinh lý bình thường…nhưng trí tuệ thì kém, đến khi
tuổi cao không phải chỉ giảm sút sức khỏe cơ bắp mà nhận thức xã hội cũng xuống
cấp, lạc hậu, bởi trong đầu anh ta không có thông tin mới, dẫn đến nhiều hành
vi hay phát ngôn rất ngớ ngẩn, lạc lõng với thời cuộc, thậm chí còn lú lẫn, ảnh
hưởng đến quan hệ của anh ta với xã hội.
Có
người mới sáu, bẩy mươi tuổi, dù không bệnh tật mà đã hay quên đến mức vừa đến
nhà người ta hôm trước, hôm sau có việc, con cháu đưa đến đã lại hỏi: “Nhà ai
đây nhỉ?”… Tuy chưa đến mức vừa ăn rồi đã ca cẩm: “Từ sáng đến giờ chả đứa nào
nó cho tôi ăn uống gì!” như một số người mắc bệnh sa sút trí tuệ (alzheimer), nhưng chứng tỏ bộ não đã lão hóa đến
mức quên những cái không đáng quên. Người được hỏi chỉ đành tặc lưỡi cảm thông,
thôi thì ông/ bà ấy già rồi, lú lẫn rồi…
Hồi còn
trẻ mình nhớ, có một ông Chủ tịch tỉnh nom rất phong độ. Ông béo khỏe, cao lớn,
bệ vệ, đầu hói, bước đi khoan thai, dáng rất…quan chức. Một lần đến thăm địa
phương mình, khi phát biểu ý kiến ở những địa điểm đến thăm, ông đều cầm mảnh
giấy do thư ký viết sẵn. Ấy thế mà nhiều khi vẫn chữ tác đánh chữ tộ. Có lần
nói về tình hình thế giới, ông đọc: “Ở các nước có nhiều dầu mỏ như Ve – ne –
du – e – la, Một Răng, Một Rắc (I Răng,
I Rắc)…, khiến người nghe phải lên gân bụng nín cười. Nhưng cũng có lúc (hi hữu) ông nói vo thì lại
làm cho cử tọa vớ được phen cười vãi linh hồn. Hôm nói về giáo dục, sau khi đọc
xong một đoạn viết sẵn, ông cao hứng bỏ giấy ra vung tay nói: “Huyện ta năm nay
rất vinh dự đã có trường cấp ba, cứ đà này chẳng mấy nữa chúng ta sẽ có trường
cấp bốn, cấp năm !…”.
Mình bất
ngờ được gặp ông khi ông đến thăm cơ quan mình. Ông tỏ ra là người rất gần gũi
quần chúng, nên ông vào thăm hết các phòng làm việc của nhân viên. Ông bắt tay mình: “Đồng chí tên gì nhỉ?”. Mình sướng run lên vì được ông Chủ tịch tỉnh hỏi
đến tên. Thầm nghĩ, một thằng nhãi nhép như mình mà cũng được Chủ tịch tỉnh bắt
tay, hỏi han thân mật như thế thì còn vinh dự nào bằng, định bụng tối về phải
khoe ngay với vợ. Khi ông sang phòng khác, thằng bạn ghé tai nói nhỏ: “Mày
sướng thật đấy. Thế là Vua biết mặt, Chúa biết tên rồi nhé!”. Lát sau, mình ra
hành lang, gặp ông và đoàn tùy tùng vừa bước ra khỏi phòng bên cạnh. Chạm mặt,
ông lại chìa tay ra bắt tay mình: “Chào đồng chí, đồng chí tên gì nhỉ?”… Mình đỏ
mặt, thưa lại: “Dạ cháu là…” mà không dám cười.
Mình có
thằng em họ, khi sinh ra nó đã ngố. Nó không điên, không dại, chỉ ngố. Nó không
được học hành gì, không biết chữ, nhưng vẫn nhận biết được mọi sinh hoạt thông
thường. Tính cách thật thà, ngoan ngoãn, ai nói gì cũng nghe. Lớn lên nó khỏe
như lực điền. Trong làng ai có công có việc phải sử dụng đến cơ bắp là gọi nó.
Từ đập lúa, đào đất đến đánh gốc, khuân vác, gánh phân, bổ củi… Nó làm hùng hục không biết mệt, ăn thì thế nào
cũng được, cứ ngồi xuống mâm là đánh bay bốn năm bát cơm với muối rang, nước
mắm hay rau, dưa. Cái gì nó cũng xài được mà quanh năm chả ốm đau gì, sức đề
kháng với môi trường, thời tiết rất tốt. Nhiều đêm nó không về nhà ngủ, vớ được
cái chân đống rơm hay góc chuồng trâu, nó lăn ra ngáy khò khò, muỗi đốt mặc
kệ... Nhiều người bảo, thằng này khỏe. Nhưng mình thì nói, nó chỉ khỏe cơ bắp
thôi, về mặt tinh thần nó yếu lắm. Một kẻ khốn khổ mà còn không nhận biết được sự khốn khổ của mình thì sao gọi là có sức khỏe ?!...
Cái
chết là tột cùng của sự mất hết sức khỏe (cả thể chất và tinh thần). Người già,
theo quy luật của tạo hóa thì sức khỏe giảm dần, giảm dần đến lúc chết. Thế
nhưng, có những người bị tai biến mạch máu não, nếu nặng thì chết ngay, nhẹ thì
mang theo di chứng, có khi cơ thể bán thân bất toại. Có trường hợp về thể chất không
bị ảnh hưởng mấy, mà tinh thần, trí tuệ thì mất hết. Họ không nhận biết được người xung quanh, kể cả người thân và cả không nói được. Nhưng những sinh hoạt như ăn uống, đại
tiểu tiện…vẫn bình thường. Người như thế sống khác gì chết. Cái phần tinh thần đã mất
hết thì những người thân của họ vô cùng buồn và cũng rất nản khi phải giao lưu. Trong trường hợp này có thể ví là: “Chết rồi nhưng chưa chôn được”, như cách nói của một nhà hiền triết.
Cho đến
nay thì mình không còn nhận thức về sức khỏe chỉ là cơ bắp nữa, mà phải cân đối
cả ba yếu tố: không có bệnh tật, thương tật; tinh thần phải thoải mái, đầu óc
minh mẫn; quan hệ với mọi người trong gia đình, trong xã hội hài hòa, được xã
hội thừa nhận, tâm phục khẩu phục.
Để giữ
gìn được sức khỏe, các thầy thuốc đã khuyên ta nhiều điều như: cần ăn uống khoa học,
đảm bảo vệ sinh, tập thể dục thường xuyên, tiết giảm tham, sân, si, sống vui
tươi, lành mạnh…
Tuy nhiên, ở đây mình muốn thêm một chi tiết quan trọng mà ít người quan tâm. Đó là tập thể dục bộ não, cân đối hài hòa giữa hoạt động trí tuệ với
hoạt động cơ bắp. Bộ não được "tập thể dục" nghĩa là nó luôn luôn "động não", trước mỗi vấn đề của cuộc sống phải biết lật ngược, lật xuôi, biết phản biện và "hoài nghi khoa học" khi tiếp nhận thông tin. Đó là bộ não không chai lỳ, không kiểu "rằm cũng ư, mười tư cũng gật". Muốn vậy, phải có nhiều thông tin, giầu tri thức. Việc nạp thông tin cho bộ não chỉ có cách là không được lười trong việc đọc, nghe, quan sát, suy nghĩ. Ngày xưa chỉ có đọc sách, bây giờ quá nhiều cái đọc, nhất là hệ thống mạng internet. Nhiều ông ỉ lại: già rồi, đọc làm gì, biết làm gì nhiều, đau đầu... Đó là cách chối bỏ lao động trí óc, là cách chối bỏ tập thể dục bộ não, chỉ thuần túy muốn giữ sức khỏe kiểu hạn chế bệnh tật thôi.
Kinh
nghiệm cho thấy, những người thường xuyên động não, cập nhật thông tin, điều
chỉnh nhận thức (bởi nhận thức là một quá trình, phải luôn biết điều chỉnh
theo sự phát triển của thực tiễn như nguyên lý Triết học Mark – Lenine đã chỉ ra…), nghĩa là bộ óc được
“tập thể dục”, thì minh mẫn đến lúc quy tiên. Như Cụ Đại tướng Võ Nguyên
Giáp hơn trăm tuổi mới đi, nhưng đến lúc đi đầu óc Cụ vẫn rất sáng láng. Ngược
lại những người chỉ quan tâm đến hoạt động vật chất, bộ não không chịu vận
động, thường lú lẫn một thời gian dài mới chết. Điều đáng nói là, họ cũng không
thể biết được rằng, trong thâm tâm ngay chính người thân của họ có người cũng
mong cho họ chết sớm, nếu đã lú lẫn, để đỡ khổ cho cả hai. Nói vậy có vẻ nhẫn tâm, nhưng không
ai cấm được những suy nghĩ như thế về một người thể xác có vẻ còn khỏe mà tinh
thần thì đã chết từ lâu. Cái chết diễn ra không đều: tinh thần chết trước thể
xác, âu cũng là một bi kịch…
Những
ngày cuối năm Bính Thân, sắp đón Xuân Đinh Dậu, mình viết lan man về Sức khỏe
cũng chỉ để chém gió cho vui, thế thôi.
(ND/PNTB)
Nhận xét