4912. Nếu giáo sư Nguyễn Lân còn sống

Nếu giáo sư Nguyễn Lân còn sống

ĐỖ NGỌC THỐNG (PGS, tiến sĩ văn học)


Ba bốn năm gần đây, dư luận rất chú ý tới những bài viết của Hoàng Tuấn Công. Ở đó Công chỉ ra những ngô nghê, nhảm nhí trong trong việc sử dụng chữ Hán và hành vi đạo văn của một cây bút chuyên viết và chỉ viết được về thơ Hồ Chí Minh; phân tích sự cẩu thả, thiếu chính xác trong chữ nghĩa của một GS cao niên chuyên sản xuất câu đối; và hàng loạt bài phê bình, đối thoại, chú giải về những sai sót khi giải nghĩa từ ngữ tiếng Việt của nhiều người, trong đó có GS Nguyễn Lân. Gần đây Công tập hợp thành một cuốn lấy tên là “Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”.

Bản thảo xong lâu rồi, rất nhiều người mến mộ, giới thiệu với dăm ba nhà xuất bản. Nhà nào ban đầu cũng hăm hở nhận lời, nhưng rồi cuối cùng lại từ chối, sách vẫn chưa ra được. Vừa rồi gặp tôi, Công bảo “không hiểu sao sắp ký hợp đồng rồi họ lại bảo thôi, thầy ạ”.
Nhiều người nói, lý do chính là các NXB ngại “va chạm” với tên tuổi GS Nguyễn Lân. Một bậc thầy đáng kính, một tên tuổi không thể không nhắc tới của khoa học giáo dục nước nhà. Lại nữa, thầy đã vào cõi thiên thu… 

Do dự, ngại ngùng về điều này cũng thường tình, dễ cảm thông. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: nếu GS Nguyễn Lân còn sống, ông sẽ phản ứng thế nào khi đọc sách này? Liệu thầy có buồn và nổi nóng với kẻ hậu sinh? Không, tôi chắc thầy chẳng bao giờ xử sự thế, mà trái lại sẽ rất trân trọng những người như Công - người đã bỏ ra hàng năm trời chăm chú đọc kỹ những cuốn từ điển của thầy; tỉ mỉ ghi chép, đối chiếu, khảo cứu từng con chữ trong đó để chú giải, đính chính những gì chưa ổn, chưa đúng, đặng mang đến cho bạn đọc một cách hiểu vẹn toàn, chính xác. 
Kho tàng tri thức, chữ nghĩa của ông cha để lại là vô tận, bao la; ai mà có thể ôm hết và hiểu đúng mọi điều. Sai sót trong việc hiểu và giải thích kho tàng chữ nghĩa ấy là chuyện bình thường; góp ý để chỉnh sửa lại cho đúng là chuyện rất nên khích lệ và ủng hộ, biểu dương… Người thường như tôi còn nghĩ thế, huống chi là GS Nguyễn Lân, một người thầy, một nhà khoa học luôn có tấm lòng rộng mở, bao dung. Tôi cứ nghĩ nếu GS Nguyễn Lân còn sống, khi gặp Công, thầy sẽ nở một nụ cười hiền và bảo: Cậu khá lắm, giỏi lắm! Tôi cũng nghĩ thầy sẽ rất mừng và tự hào về đám con cháu “hậu sinh khả úy”, chứ không buồn nản vì một đám sĩ tử, nhân danh trí thức, nhân danh đạo lý khiêm cung để chỉ biết cúi đầu cung cúc nghe theo, chép lại, nói lại y nguyên như sách của thầy, kể cả cái sai, điều sót.
Trong bối cảnh tiếng Việt đang bị mai một, bóp méo, hiểu sai, sử dụng cẩu thả… thì cuốn sách của Hoàng Tuấn Công là một đóng góp có ý nghĩa; một nỗ lực cá nhân đáng trân trọng trong việc giữ gìn tiếng nói của cha ông, góp phần làm cho nó ngày càng giàu có, tinh tế, chuẩn mực và sáng trong hơn.
Với bản thảo một cuốn sách như thế, tôi càng tin vào điều đã nghĩ: nếu GS Nguyễn Lân còn sống, hẳn thầy cũng chẳng bận lòng, phật ý, cho dù tác giả bàn về những sai sót của thầy. Nghĩ vậy nên càng không hiểu vì sao người ta lại từ chối một bản thảo thế này.

Đỗ Ngọc Thống 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.