4908. Gặp lại món Gỏi cá mè trong cuộc hội ngộ đàn ca sáo nhị

Gặp lại món Gỏi cá mè
trong cuộc hội ngộ đàn ca sáo nhị
NND/PNTB

Ở trung tâm Châu thổ sông Hồng, có lẽ không mấy ai không biết đến món Gỏi cá mè vô cùng độc đáo. Hải Phòng quê mình là một trong những vùng quê có món ăn này. Người ta viết về nó đã nhiều, mình không viết lại nữa. Nay chỉ chỉ khoe buổi tương phùng tương ngộ với Gỏi cá mè và đàn ca sáo nhị hát chèo.
Cuộc hội ngộ không phải ở chính quê (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), mà ở một bản vùng sâu giữa núi rừng Tây Bắc: xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, Lào cai. Chủ trì cuộc này là vợ chồng Lê Xuân Hùng, thế hệ thứ hai của những người từ Vĩnh Bảo Hải phòng đi “khai hoang lập ấp” từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước. Hùng nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, nay đã được nghỉ hưu, rảnh tay để có thời gian nhớ về cội nguồn. Văn hóa đồng bằng sông Hồng gần như đại diện của Văn hóa Việt vô cùng phong phú. Hùng đã mang theo rất nhiều nét văn hóa đó. Tuy nhiên nối bật vẫn là Hát Chèo và nay thì “sống lại” món Gỏi cá mè. Nghĩa là cả âm nhạc dân gian lẫn ẩm thực dân gian, cả tâm hồn lẫn thể chất. Chỉ cần hai cái đó thì dù có đi đến chân trời góc bể nào, quê hương vẫn hiển hiện trong mình.
 
Lê Xuân Hùng
đang giấu đi niềm sung sướng
khi có bạn đến nhà
Mình được Hùng gọi điện mời từ trước đó 2 ngày. Từ thành phố Lào Cai xuống Trì Quang dễ đến hơn bốn chục cây số. Quốc lộ 4E đã được nâng cấp. Tuy nhiên đoạn đường rẽ về xã Trì Quang vẫn như cách nay 40 năm…, chỉ có mấy cây số mà đi lâu hơn đoạn gần 20 cây trên quốc lộ. Nhưng không sao, chiếc xe máy Jupiter của mình vẫn lượn lách tránh ổ trâu, ổ gà, nuột nà ngon nghẻ…
Trịnh Văn Tếnh (áo len xanh)
suốt ngày tếu táo, nhưng ngón đàn tứ
thì giòn tan
Khoảng gần 10 giờ thì đến ngôi nhà xây cấp bốn của Hùng. Vẫn vườn cây ao cá như ngày nào. Phạm Xuân Nghiệp, em rể Hùng ghé tai tiết lộ: Sáng sớm trời còn lạnh dưới 10 độ, em và anh Hùng đã xuống ao bắt cá mè. Mình lắc đầu lè cưỡi, bái phục…

Văn Dinh (bên phải), tay đàn bầu
đã khiến hàng vạn người rung động.
Công Lý (cạnh văn Dinh), tay nhị 2, nõn nà, mềm mại.

Khi bưng mâm lên, thấy những đĩa cá gỏi mầu hồng tươi, được trộn đều, ướp với riềng xay nhỏ như cám. Những đĩa rau thơm, gia vị như cúc tần, mơ tam thể… tươi rói hái từ vườn nhà đầy hấp dẫn. Riêng món mắm chấm (chế biến từ thành phần phụ của con cá mè), nó có ý nghĩa đặc biệt. Quê mình gọi là “hạt”. Chả hiểu sao các cụ gọi thế? Nhón một cái lá mơ hoặc lá nhội…, đặt vào một, hai miếng cá gỏi đã ướp riềng vàng ươm, một nhánh cúc tần, lá đinh lăng…sao cho vừa miệng rồi múc một chút "hạt" - mắm chấm rải lên trên, nhẹ nhàng gói lại, ngửa cổ, há miệng đưa vào, rồi từ từ nhai… Cảm giác vừa mềm, vừa giòn sần sật, vừa bùi, vừa mằn mặn, thơm thơm… Thật khó tả. Lạ một điều là, khi ăn với gỏi cá mè, hình như tất cả những vị chát nguyên thủy của lá mơ, hăng hắc của cúc tần, ngai ngái của lá đinh lăng…không còn như khi ta ăn một mình nó. Riêng cá mè sống thì vị tanh là hàng đầu các loại cá, mà làm thành gỏi, không ai có thể tìm lại vị tanh của nó nữa. Tất cả đã “chuyển hóa” thành một thứ hương vị tổng hợp mà ngòi bút của mình…đành bất lực! Nuốt xong miếng gỏi, lại hô nhau: “ Nào, làm đi, làm đi”, tức là chạm chén, tợp một ngụm rượu Shan Lùng, tùy theo tửu lượng của từng người mà tợp to, tợp nhỏ, thậm chí chỉ nhấp một chút vừa đủ để “đưa cay”. Không ai ép rượu ai, không có thứ “văn hóa trăm phần trăm” như ở một số nơi lạc hậu. Không ngờ ở vùng sâu, vùng xa mà uống rượu văn hóa thế!
Cứ ngỡ ăn gỏi cá mè nghĩa là ăn sống ăn sít thì chắc phải cần những cái bụng “đuya ra”, chứ loại viêm đại tràng mạn tính thì nên kính nhi, viễn chi. Ấy thế mà những anh “xấu bụng” như mình, xong bữa đứng lên thấy người nhẹ nhõm, khỏe khoắn, bụng dạ yên lành…Về nhà cứ “nghe ngóng mãi” vẫn không thấy có “động tĩnh” gì, vẫn “hòa bình an vui”…
Hơn nửa thế kỷ, hôm nay mình gặp lại món gỏi cá mè, quả thực là một cái duyên, nhắc ta nhớ về nguồn cội.
Thôi, viết nhăng cuội nhiều đọc sốt ruột, bà con xem đoạn clip này nhé.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.