4906. VỀ MỘT NGƯỜI CÓ THỜI TỪNG BỊ QUÊN LÃNG
VỀ MỘT NGƯỜI CÓ THỜI
TỪNG BỊ QUÊN LÃNG
Dương Đức Quảng
![]() |
1-Ông Nguyễn Tư Thoan (trái) cùng Đoàn đại biểu
"Hai Giỏi"tỉnh Quảng Bình ra thăm Bác Hồ
|
Trong cuộc đời làm báo tôi từng gặp một
số người rất có công đối với đất nước nhưng rồi một sự việc nào đó ập đến với
họ, khiến họ bị kỷ luật và bị lãng quên. Trong thời gian làm phóng viên VNTTX
thường trú tại Quảng Bình trong chiến tranh tôi đã gặp một người như vậy. Đó là
ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình từ tháng 3 năm 1959 đến tháng 6
năm 1974, một vị lãnh đạo tỉnh rất nổi tiếng trong chiến tranh nhưng rồi lại bị
quên lãng sau này. Tôi không thể không viết về ông, dù chỉ là vài dòng.
Từ một bài báo của hai nhà báo đàn
anh...
Năm 2011,
khi tôi chuẩn bị bản thảo để in cuốn sách Tiếng
tụng kinh trong căn nhà vị tướng ở
Nhà xuất bản Lao Động, được nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, viết lời tựa cho cuốn sách. Mở đầu là
những lời viết rất cảm động của anh nhắc lại những kỷ niệm của mấy anh em nhà
báo chúng tôi thời anh em cùng làm phóng viên ở Quảng Bình trong chiến tranh
khi ông Nguyễn Tư Thoan làm Bí thư tỉnh ủy. Anh Hữu Thọ viết: "Trong dịp
kỷ niệm 36 năm Ngày thống nhất đất nước, anh Dương Đức Quảng đến chơi nhà
thăm vợ chồng tôi, tất nhiên không phải là lần đầu.
![]() |
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ông Nguyễn Tư Thoan (phải, ngoài cùng) trên bờ bãi biển Nhân Trạch, Quảng Bình (ảnh tư liệu của gia đình ông Thoan) |
Dịp này, những người đã từng sát cánh bên nhau trong cuộc
chiến đấu gặp nhau thật lý thú. Tôi khoe với Quảng rằng, Nguyễn Sinh và tôi có
cùng ý tưởng do Nguyễn Sinh chấp bút một bài viết về anh Nguyễn Tư Thoan,
nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình, một con người có ý chí kiên cường tiêu biểu
đứng nơi đầu sóng ngọn gió vào thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất mà chúng tôi
rất kính trọng nhưng rồi bị tai vạ, lãng quên, để muốn ghi lại những gì không
thể quên trong lòng chúng tôi về những con người như thế trong những ngày vui.
Kể với Quảng chuyện này vì Quảng từng là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã
(TTXVN) và tôi với Nguyễn Sinh, Quốc Vinh, Hồng Khanh là phóng viên báo Nhân
Dân cùng thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong những ngày chiến đấu gian
khổ nhất, cho nên chúng tôi đều biết nhau và biết anh Nguyễn Tư Thoan...".
Bài viết của hai anh Hữu Thọ và Nguyễn
Sinh về ông Nguyễn Tư Thoan mà anh Hữu Thọ nhắc đến trên đây có nhan đề "Công bằng cho một người đã
khuất". Bài báo đã điểm lại quá trình công tác của Bí thư Tỉnh ủy
Quảng Bình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ rồi có đoạn viết
:"Năm 1974 ông Nguyễn Tư Thoan ra Hà Nôi, chuyển sang làm chuyên viên ở Ủy
ban Nông nghiệp Trung ương một thời gian trước lúc về hưu. Công lao to lớn của
ông Nguyễn Tư Thoan cống hiến cho Quảng Bình trong chiến tranh, trong xây dựng
chúng ta nên ngoảnh lại, tìm sự công bằng cho con người đáng được tin yêu, kính
trọng này. Ghi công cho ông, truy tặng những gì ông đáng được...Là phóng viên
báo Nhân Dân thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong thời đánh Mỹ, hai chúng
tôi, những người viết bài này, biết ông Nguyễn Tư Thoan và những đóng góp lớn
lao của ông cho tỉnh Quảng Bình, cho cả nước, chúng tôi xin được góp thêm tiếng
nói đồng tình."
Đến loạt bài trên báo Tuổi trẻ về ông Bí thư Tỉnh ủy "Hai
giỏi"
Tôi hoàn toàn chia sẻ tình cảm và suy nghĩ
của hai anh Hữu Thọ, Nguyễn Sinh, những nhà báo đàn anh của tôi về việc này.
Tôi biết, tuy là phóng viên kỳ cựu của báo Nhân Dân nhưng báo Nhân Dân khó có
thể đăng bài viết này. Biết con trai tôi là Dương Đức Đà Trang đang làm Trưởng
Văn phòng đại diện của báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, anh Nguyễn Sinh
gọi cho tôi thử hỏi xem báo Tuổi Trẻ có đăng được bài này không? Tôi đã viết
một thư riêng, sau đó còn trực tiếp gọi điện, gửi kèm bài báo trên của hai anh
Hữu Thọ và Nguyễn Sinh tới anh Xuân Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký
Tòa soạn báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, ngỏ ý mong muốn Báo Tuổi trẻ vào
cuộc, đăng bài của hai anh Hữu Thọ và Nguyễn Sinh. Anh Xuân Trung (sau này là
Phó Tổng Biên tập kiêm Tổng Thư ký Tòa soạn) trả lời tôi rằng Báo Tuổi trẻ rất
quan tâm về việc này, sẽ cử phóng viên của Báo ra Quảng Bình để tìm hiểu thêm
về sự việc sau đó sẽ quyết định cách thức sử dụng bài báo đó.
Sau đó ít lâu, Báo Tuổi trẻ đã cử hai
phóng viên là Lê Đức Dục và Lam Giang vào cuộc, tìm hiểu sự việc mà hai nhà báo
Hữu Thọ và Nguyễn Sinh viết về ông Nguyễn Tư Thoan. Lê Đức Dục và Lam Giang
viết :"Gần một năm trời nay, kể từ khi tiếp cận
hồ sơ tư liệu cuộc đời ông, chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng, từ Hà
Nội đến TP.HCM hay ngược xuôi khắp đất Quảng Bình nắng lửa. Ám ảnh trong tôi là
những giọt nước mắt của những người tôi gặp mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Tư
Thoan. Những giọt nước mắt ấy hình như đủ sức nói lên một điều gì đó về ông. Và ngày 21/08/2012 báo Tuổi trẻ bắt đầu đăng loạt bài về
ông Nguyễn Tư Thoan của hai nhà báo Lê Đức Dục và Lam Giang. Bài đầu tiên có
nhan đề :"Hồi ức về một Bí thư Tỉnh ủy", có lời dẫn của Báo: "TT
- Có những cán bộ đảng viên, khi đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của mình, vẫn để
lại những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc trong lòng dân. Hơn 15 năm làm bí thư
Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Nguyễn Tư Thoan là người đã truyền cảm hứng cho nhân
dân vùng đất lửa, đưa Quảng Bình trở thành ngọn cờ đầu của miền Bắc trong những
năm chiến tranh khốc liệt. Bây giờ người dân nơi đây muốn được lập đền thờ
tưởng nhớ công lao của ông..".
Năm 1967 khi tôi vào Quảng Bình thì ông Nguyễn Tư Thoan đã
làm Bí thư Tỉnh ủy được 8 năm, nổi tiếng trong cả nước là ông Bí thư Tỉnh ủy
"Hai giỏi'. Đó là vì ngày 17-7-1965, biết tin Quảng Bình bắn rơi 100 máy
bay Mỹ, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Quảng Bình "chiến đấu giỏi, sản
xuất giỏi". Trước vinh dự đó, ông Nguyễn Tư Thoan đề xuất với Ban Thường
vụ Tỉnh ủy phát động phong trào thi đua "Hai giỏi" trong toàn tỉnh
nhằm động viên quân và dân trong tỉnh quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn
toàn. Từ đó phong trào thi đua "Hai giỏi" trở thành cao trào cách
mạng sâu rộng trong toàn tỉnh trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác
liệt nhất ở vùng "đất lửa" này. Quảng Bình được cả nước vinh danh là
"Quê hương Hai giỏi" chống Mỹ cứu nước. Trong những năm tháng chiến
tranh ấy, những ai đã từng sống, chiến đấu ở nơi đây, nhất là các cán bộ, chiến
sĩ và nhân dân Quảng Bình đều thuộc bài hát "Quảng Bình quê ta ơi!"
của nhạc sĩ Hoàng Vân được sáng tác vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, khi
ông Nguyễn Tư Thoan là Bí thư Tỉnh ủy và nhớ nhiều câu nói nổi tiếng được ông
tổng kết và chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống gian khổ, ác liệt khi đó: "Xe
chưa qua, nhà không tiếc"; "Đảng viên đi trước, làng nước theo
sau"; "Một tấc không đi, một ly không rời, bám làng mà chiến đấu, bám
hố bom mà thâm canh"; "Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ
gìn, của rơi trả lại": "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần
dân liệu cũng xong"... Với tác phong miệng nói tay làm, ông Nguyễn Tư
Thoan không những là vị chỉ huy luôn có mặt ở những nơi "đầu sóng ngọn
gió", những nơi bom đạn ác liệt nhất cùng sát cánh với cán bộ, chiến sĩ
chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Quảng Bình mà còn luôn có mặt ở
những nơi xa xôi, gian khổ nhất trong tỉnh, nơi cuộc sống của đồng bào còn
nghèo đói để không chỉ có chỉ đạo mà còn sắn quần lội ruộng, xây đắp các công
trình thủy lợi đưa nước về làm sống lại các cánh đồng khô hạn ngay trong chiến
tranh, làm thay đổi cuộc sống của người dân nghèo nơi đây. Không phải ngẫu
nhiên mà đồng bào vùng Hoa-Sơn- Thủy gọi tên một số mương máng thủy lợi là
"Mương ông Thoan", "Máng ông Thoan" và nhân dân huyện Quảng
Trạch mong có một "Miếu thờ ông Thoan" ở ngay công trình thủy lợi Rào
Nan, công trình do ông trực tiếp dẫn tất cả cán bộ của Ty Thuỷ lợi Quảng Bình
lên đây chọn đoạn sông hẹp nhất ra lệnh đổ đất đá ngăn đập lấy nước tưới ruộng.
Đến hôm nay, trải qua gần 50 năm con đập này vẫn vững chắc, đưa nước ngọt về
tưới cho những cánh đồng rộng lớn của 11 xã phía Nam huyện Quảng Trạch trước
đây quanh năm khô mặn, không sản xuất được, đem lại cuộc sống ấm no cho người
dân nơi đây.
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ông
Nguyễn Tư Thoan (phải, ngoài cùng) trên bờ bãi biển Nhân Trạch, Quảng Bình (ảnh
tư liệu của gia đình ông Thoan)
Một thời bị lãng quên
Năm 1971 tôi rời Quảng Bình vào chiến
trường miền Nam ,
không còn biết tin tức gì về ông Nguyễn Tư Thoan. Sau ngày đất nước thống nhất,
khi trở lại Hà Nội gặp anh Hữu Thọ và anh Nguyễn Sinh tôi mới biết chuyện ông
gặp nạn. Sau đó tôi được một số người cho biết thêm, trong một lần ông Nguyễn
Tư Thoan ra dự Đại hội Đảng, ngồi trên ghế Đoàn Chủ tịch Đại hội, bị một vị đại
biểu là cán bộ lãnh đạo cấp cao từ Miền Nam ra dự Đại hội nhận ra ông là người
trước năm 1945 đã từng làm cảnh sát cho Pháp! Vị đại biểu này đã báo cáo với
Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, đề nghị làm rõ việc
này. Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Tư Thoan đã thừa nhận trước 1945 ông đã có một
thời gian đi làm cảnh sát cho Pháp ở một tỉnh Miền Nam. Sau khi Pháp đầu hàng
đồng minh, Nhật nhảy vào Đông Dương, ông còn đi làm cảnh sát cho Nhật, song khi
viết Lý lịch cá nhân ông đã thiếu trung thực, không ghi rõ hai sự việc này. Khi
Cách mạng Tháng 8-1945 nổ ra, ông Nguyễn Tư Thoan về quê, xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ
Thuỷ, Quảng Bình, tham gia Mặt trận Việt Minh, được kết nạp vào Đảng, từng làm
Chính trị viên Trung đội Giải phóng quân Mặt trận đường 9 Nam Lào, Chính trị
viên Huyện đội Lệ Thủy; Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, Chính trị viên Tỉnh đội
Quảng Bình rồi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh trước
khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình từ tháng 3-1959 đến khi xảy ra vụ bị
phát hiện trên đây. Tháng 6 năm 1974 ông bị kỷ luật Đảng, không còn làm Bí thư
Tỉnh ủy Quảng Bình mà chuyển ra Hà Nội, làm chuyên viên Ủy ban Nông nghiệp
Trung ương đến tháng 5-1976 về hưu. Ông về lại quê nhà Quảng Bình sinh sống đến
khi mất.
Ông Nguyễn Tư Thoan là người rất yêu văn học. Trong thời
gian chiến tranh và cả sau này khi ông đã bị kỷ luật, chỉ còn là chuyên viên
của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương ở Hà Nội, ông Thoan vẫn làm thơ, nhiều bài
thơ của ông đã in trong tập "Bí
thư Tỉnh ủy Quảng Bình trên đất lửa" . Nhà văn Trần Công Tấn cho biết, ông
Nguyễn Tư Thoan thuộc nhiều bài thơ trong tập "Điêu tàn" của nhà thơ
Chế Lan Viên và trong tập "Bức tranh quê" của nhà thơ Anh Thơ. Nhà
văn Bùi Hiển rất ngạc nhiên và thích thú khi tiếp nhà văn Bùi Hiển và Đoàn nhà
văn từ Hà Nội vào thâm nhập tực tế ở Quảng Bình trong những năm chiến tranh,
ông Nguyễn Tư Thoan nhắc đến truyện ngắn "Nằm vạ" của nhà văn, rồi
nói vui; "Cám ơn anh Bùi Hiển đã vào "nằm vạ" giữa đạn bom cùng
chia sẻ gian khổ với chúng tôi!". Nhiều người ở Quảng Bình đến nay còn nhớ
hai câu "Nhà tan cửa nát cũng ừ/Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau"
trong một bài thơ của ông. Trong bài thơ "Thơ
ông tặng bà" ông làm
sau khi bị kỷ luật phải rời Quảng Bình ra Hà Nội, ông viết những dòng thật cảm
động về tấm lòng của bà đối với ông:"Quyền cao, chức trọng không còn
nữa/ Em vẫn cười vui với thời gian..."; "Anh yêu", hai tiếng
nghe trìu mến/Sưởi ấm lòng anh giữa thủ đô"...
Sau gần 40 năm ông Nguyễn Tư Thoan bị kỷ luật, các ông Trần
Sự, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Phan Xuân Thiết, nguyên Tỉnh ủy viên, Chánh Văn
phòng Tỉnh ủy; Lại Văn Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhà báo Hữu Thọ,
nhà báo Nguyễn Sinh, nhà báo Phan Văn Khuyến, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Bình
Trị Thiên, các nhà văn Trần Công Tấn, Ngọc Tấn và nhiều cán bộ và nhân dân
Quảng Bình cùng có chung nhận xét và đánh giá: Trong kháng chiến chống Pháp,
chống Mỹ, nhất là trong suốt 15 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Nguyễn
Tư Thoan là "một con người có ý chí kiên cường, tiêu biểu, đứng nơi đầu
sóng ngọn gió vào thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất"; người "rất quyết
đoán, năng động, thông minh...", "có bản lĩnh vững vàng, tinh thần
trách nhiệm cao, cũng cảm, sâu sát, xông pha nơi khó khăn, nguy hiểm nhất",
không ai có thể làm phai mờ được công lao cống hiến của ông đối với nhân dân
Quảng Bình và đối với sự nghiệp cách mạng...
Thế nhưng, sau khi ông bị kỷ luật những
công lao to lớn đó của ông Nguyễn Tư Thoan dường như bị lãng quên. Ít người về
sau này còn biết đến ông từng một thời là vị Bí thư Tỉnh ủy của Quảng Bình,
vùng "đất lửa" nổi tiếng trong chiến tranh, người mà hai nhà báo Hữu
Thọ, Nguyễn Sinh cũng như nhiều nhà văn, nhà báo khác và nhiều cán bộ, nhân dân
Quảng Bình sống cùng thời đều mong muốn có sự Công
bằng cho một người đã khuất.
Niềm vui dẫu muộn
Nhà báo Quốc Vinh, nguyên phóng viên báo
Nhân Dân thường trú tại Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng
Tổ phóng viên Thường trú với các nhà báo Hữu Thọ, Nguyễn Sinh, Hồng Khanh, do
nhà báo Hữu Thọ làm Tổ trưởng và nhiều nhà báo quê ở Quảng Bình mà tôi quen
biết cho biết: Về cuối đời ông Nguyễn Tư Thoan cũng có những bức xúc với
"nhân tình thế thái" trong cách nhìn nhận và đối sử với ông sau khi
ông bị kỷ luật. Một nhà báo khác cho biết, một lần có cuộc triển lãm ảnh Bác Hồ
vào thăm Quảng Bình sau khi ông Nguyễn Tư Thoan bị mất chức. khi nhìn thấy bức
ảnh ông đi bên Bác Hồ nay bị cắt, không có ông nữa, ông đã bỏ về, lòng buồn
rười rượi. Nhưng, như ông thường tâm sự với những người thân thích: "Mình
làm cách mạng phục vụ nhân dân thì nhân dân người ta biết cho mình là được
rồi". Ông động viên các con "cứ ngửng đầu lên mà đi tiếp trên con
đường Bác Hồ đã chọn". Làm theo lời cha, cả bảy người con của ông dẫu đời
sống có nhiều khó khăn, vất vả vẫn giữ được nhân cách. Sáu người con của ông đã
trở thành đảng viên của Đảng.
Năm 2015, các bạn chiến đấu của ông Nguyễn Tư Thoan qua các
thời kỳ và các con cháu của ông chung tay sưu tầm và biên soạn cuốn sách "Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình
trên đất lửa"để ghi ơn và tưởng nhớ ông sau gần 30 năm ông đi xa. Một
ngày đầu tháng 8-2016 tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Quảng Bình gọi ra.
Người gọi cho tôi tự giới thiệu là Nguyễn Thị Thu Thủy, con gái đầu của ông
Nguyễn Tư Thoan. Chị cho biết trong một lần đến thăm nhà báo Quốc Vinh, được
anh Quốc Vinh cho đọc cuốn sách Tiếng
tụng kinh trong căn nhà vị tướng của
tôi gửi tặng anh khi mới được xuất bản. Đọc một số bài trong cuốn sách, chị bắt
gặp một số hình ảnh của người thân trong gia đình, trong đó có bà Tôn Thị Ngọc
Quang, con nuôi của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, là bạn, là người Dì kết nghĩa
của mẹ chị từ trong kháng chiến chống Pháp, đã dành tình cảm và sự chăm sóc chu
đáo cho chị khi chị mới chỉ là một sinh viên nhưng vì là con của vị Bí thư Tỉnh
ủy đương chức đang đứng ở nơi "đầu sóng ngọn gió", bị bệnh nặng, được
các chú, các bác đưa vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Viêt - Xô, nơi bà
Quang đang làm việc. Từ năm 1974, sau khi cha chị bị kỷ luật đến nay, chị không
biết dược tin tức và gặp lại bà, nhất là sau khi bà Quang cùng gia đình chuyển
vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Chị nhờ tôi nếu có dịp gặp bà Quang thì
"chuyển lời hỏi thăm của em đến Dì"... Sau đó chị Nguyễn Thị Thu Thủy
còn viết cho tôi một lá thư khá dài và gửi một người cháu từ Quảng Bình ra Hà
Nội mang theo cuốn sách "Bí
thư Tỉnh ủy Quảng Bình trên đất lửa" tặng tôi mà trong bài viết này tôi có
sử dụng một số chi tiết của một số tác giả đã viết trong cuốn sách. Trong thư
gửi cho tôi chị Thủy viết: "Đọc cuốn sách của anh đã có lúc em chảy nước
mắt, liên tưởng đến số phận của ba em, của gia đình em, sao mà giống số phận
của một số nhân vật mà anh đã kể trong cuốn "Tiếng tụng kinh trong căn nhà
vị tướng" của anh đến thế!".
Cuốn sách Bí
thư Tỉnh ủy Quảng Bình trên đất lửa dày
335 trang, tập hợp các bài viết và ảnh chụp của gần 80 tác giả, phần lớn là các
nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhà báo, nhiều người nổi tiếng nhưng cúng có
nhiều người viết rất bình thường viết về ông Nguyễn Tư Thoan với sự thương tiếc
và kính trọng một con người đã sống trọn một cuộc đời "chí công vô tư,
trong sạch" vì quê hương, đất nước.
Nhà văn Ngọc Tấn viết về ông Nguyễn Tư Thoan những dòng
thật cảm động :"Văn là người. Con người ấy đã sống trọn một cuộc đời chí
công vô tư, trong sạch. Ông có bảy người con. Hai con trai đầu, với cương vị
của ông, chẳng khó khăn gì để kiếm suất du học nhưng ông đã cho đi bộ đội. Một
người là lính trinh sát, sau này là thương binh hạng hai. Một người là lính tàu
không số. Tất cả đều tự học, tự lập thân. Mười lăm năm giữ cương vị lãnh đạo
tỉnh nhưng cả ngần ấy thời gian gia đình ông toàn ở nhà tập thể. Mãi đến năm
1974 được xã Nghĩa Ninh cho đất, ông mới mua lại một căn nhà gỗ hai gian mang
về dựng tạm để ở. Nghỉ hưu rồi ông mới xin mua một ít gỗ dựng căn nhà ngói đơn
sơ, tự tay đóng lấy tap-lô, nhặt từng mảnh ngói vụn về làm chuồng lợn. Năm 1974
khi được điều ra Ủy ban Nông nghiệp Trung ương nhận nhiệm vụ mới, có chiếc
radio casset đáng giá nhất ông mang trả Tỉnh ủy. Vật duy nhất mà ông giữ lại là
chiếc bình hoa gò bằng xác máy bay Mỹ thứ 200 bị bắn rơi trên đất Quảng Bình..."
Ông Nguyễn Tư Thoan mất ngày 13-7-1989,
thọ 69 tuổi. Trong Lời viếng ông, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc tỉnh Quảng Bình đánh giá: "Gần 45 năm hoạt động, trong nhiều lĩnh vực
công tác, ông Nguyễn Tư Thoan đã cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng
Bình nỗ lực phấn đấu, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ...trên những trận địa ác
liệt, ngoài những cánh đồng, trong đời sống ở những địa bàn gặp nhiều khó khăn
ông luôn có mặt, chỉ đạo tại trận, tại chỗ để giữ vững và phát triển phong
trào. Ông đã cống hiến trọn công sức của mình vì sự lớn mạnh của tỉnh nhà.
Thành tựu chung đó đã vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu quê hương "Hai
giỏi"...Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình mãi mãi ghi nhớ công lao đóng góp của
ông đối với phong trào cách mạng quê hương"...
Hà Nội, một ngày cuối đông 2016
D.Đ.Q
(Theo Trần Nhương)
(Theo Trần Nhương)
Nhận xét