4894. Chuyện đổi tiền
Chuyện đổi tiền
![]() |
Hình minh họa (Internet) |
Mấy hôm nay, đầu tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2016, thiên
hạ rộ lên tin đồn đổi tiền. Chính ngài thủ tướng, rồi lãnh đạo ngân hàng nhà
nước đã chính thức đứng ra bác bỏ. Bản thân tôi cũng cho rằng chả có lý do gì
phải đổi tiền. Trong bối cảnh kinh tế và nhất là xã hội như thế này, chỉ có
điên mới đổi tiền. Làm như thế không khác gì tự sát.
Nhưng nhân sự lộn xộn vớ vẩn, lại sực nhớ những chuyện liên quan đến đổi tiền
mà đời mình đã trải qua. Nó như cuốn phim quay chậm lại, có cả thời trẻ thơ, cả
khi bước vào đời, cả những lúc lăn lộn với cuộc mưu sinh vất vả.
Mà cũng phải “bố cáo” ngay, chuyện đổi tiền tôi kể ra đây không phải vụ nào
cũng do nhà nước cầm càng, kẻo ai đó lại quy rằng “thế lực thù địch” xúi bẩy.
Đám trẻ con lớn lên ở nông thôn miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước (nói thế
kỷ có vẻ cổ điển xa xôi quá, chứ thực ra cũng chỉ mới trôi qua hơn 50 năm) chả
đứa nào có tiền riêng bao giờ. Thày bu làm ruộng vất vả, bán được hột thóc, củ
khoai, con gà con lợn... được chút tiền thì cả trăm khoản cần chi trông vào,
hầu như không có chuyện cho con cái tiền. Bọn tôi chỉ được cầm tiền trong tay
khi nhà trường thúc học phí, 3 đồng 6 hào cho một năm học. Nhà nào có 3 đứa đi
học trở lên thì chỉ phải đóng 2 đứa, đứa còn lại được miễn. Thế mà cũng chạy
vạy khổ sở, cũng nợ xấu nợ đọng, cũng năn nỉ xin xỏ nhà trường đến khổ, kiểu
như “thầy đợi nhà em bán con lợn rồi em đóng sau”, mà lợn còn bé tí. Sướng nhất
là nhà ông Trác anh họ tôi, anh chị sinh những 10 đứa con, đámquân thường trực
đi học lúc nào cũng 4-5 đứa, chỉ đóng học phí diện bắt buộc 2 đứa, còn lại miễn
tất. Cũng may cả thôn chỉ vài nhà như thế, chứ nhà nào cũng vậy thì trường sập,
nhà nước hết tiền tan chứ chả chơi.
Nguồn thu của trẻ nông thôn chỉ trông chờ vào 2 kênh tài chính-xã hội: được
mừng tuổi dịp tết, và chơi đánh đáo-bật tường ăn tiền. Tôi chả dại gì chơi đánh
đáo hoặc bật tường bởi đám mấy đứa bằng tuổi, cùng lớp cùng trường chúng nó
chọi giỏi lắm, trăm phát trăm trúng. Có nhẽ phải nói sơ qua, đánh đáo là kẻ 2
cái vạch, khoét 1 cái lỗ, khi gieo hòn cái đứa nào trúng lỗ hoặc gần lỗ nhất là
đứa đó được đi. Đứng cách khoảng 2 mét tung mấy đồng xu lên, xu rơi dưới hoặc
trên vạch thì hỏng, trong vạch hoặc đè lên vạch thì được. Lấy đồng xu cái nặng
(thường đổ bằng chì, bằng vỏ ống thuốc đánh răng), nếu kiếm đâu xu bằng sắt
tròn càng tốt, chọi vào xu con. Chọi trúng, xu con nằm trong vạch phải nằm
nguyên trong đó, còn nếu trúng xu con đè lên vạch thì nó phải bật lên phía
trên, thế thì mới ăn. Có những đứa giỏi, rải xu có nghề, cả đám xu con chất thành
một đống phía trên (trường hợp duy nhất cho phép xu trên vạch được hợp lệ), nó
nhắm kỹ, chọi một phát cả đám xu tung tóe ra không còn xu nào dính xu nào, thế
là nó ăn tất. Dạng cao thủ như thế, mình chơi với nó chỉ sạt nghiệp.
Còn chơi bật tường đơn giản hơn. Kiếm một bức tường đá hoặc gạch, lấy gạch son
hoặc phấn kẻ cái vạch dưới sân. Bật đồng xu (thường là 5 xu) hoặc đồng kẽm vào
tường, đứa nào gần vạch nhất thì đứa ấy được chọi. Có thằng căn bật cực giỏi,
xu của nó thường sát vạch, vậy nên đứa sau thấy khó mà hơn nó, bèn bật thật kẽ
hoặc thật mạnh để đồng xu của mình cách xa xu nó nhất, nó chọi sẽ khó trúng.
Nói chung cờ bạc hồi ấy chỉ đơn giản thế, nhưng vui phết.
Tôi có tí tiền mừng tuổi, dành dụm mãi, một hôm bị mấy “lão” Dinh, Hiển, Gơ,
Cước, Tiến... cùng thôn rủ chơi. Mình nhẹ dạ, tay nghề lại quá kém, chỉ nửa
buổi chiều mất sạch, khóc hết nước mắt. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Chuyện đổi tiền (2)
Lại nói chuyện nguồn ngân thu ngân sách của trẻ con. Dẫu có chơi
đánh đáo, bật tường hoặc đánh tam cúc mấy chăng nữa thì cũng chỉ quanh đi quẩn
lại vài đồng xu teng, đứa này “bóc lột” của đứa kia chứ có bao nhiêu đâu. Khoản
thu ngân sách riêng ra tấm ra món nhất chính là tiền mừng tuổi (miền Nam gọi theo
cách của người Hoa là lì xì) dịp Tết Nguyên đán. Ngoài chuyện được ăn ngon (lần
ăn duy nhất trong năm có giò lụa) thì một trong những lý do khiến tụi trẻ con
nông thôn miền Bắc những năm 60-70 mong đến tết là được mừng tuổi. Mấy ngày
tết, có người nhớn đến nhà chúc tết, hoặc theo thày bu đi chúc tết nhà ai, thế
nào cũng được mừng tuổi. Cuối năm, tôi để ý thấy thày bu tôi thường giữ lại
những đồng tiền mệnh giá nhỏ, loại 1 hào, 2 hào, sau này là 5 hào, còn mới, để
dịp tết mừng tuổi cho con cái, tiền lớn hơn một chút thì mừng tuổi chúc tết ông
bà. Ông bà nội tôi mất sớm, tôi không biết mặt, nhưng khi còn nhỏ năm nào cũng
theo bu tôi lên chúc tết ông bà ngoại trên xóm núi (thôn Trà Phương. xã Thụy
Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Đi bộ mỏi chân một chút nhưng thế nào cũng
được ông bà ngoại mừng tuổi lại cho mấy hào.
Người nhà quê không có nhiều tiền nên tiền mừng tuổi cũng phải chăng, nếu không
nói là ít. Đến khoảng mùng 4 tết, bọn trẻ đã hăm hở tính đếm, cộng lại coi mình
được bao nhiêu. Những tờ tiền mới tinh sột soạt sao mà đáng yêu thế. Đếm mãi
không chán, cứ giở ra giở vào suốt. Có tết, tính cả tiền 5 xu cộng lại, tôi
được gần 3 đồng, một số tiền kha khá lúc bấy giờ (như đã nói, học phí học cấp 1
chỉ có 3 đồng 6 hào/năm). Lấy mảnh giấy báo cũ gói ghém kỹ lưỡng, khi đi ngủ
cũng ôm “cục tiền”, chập chờn nghĩ đến những thứ mình sẽ mua, chẳng hạn đôi dép
nhựa tái sinh, chiếc xanh tuya (thắt lưng) xanh, cái mấy ngòi bút, mấy quyển
truyện Buổi sáng trong rừng dịch của Liên Xô, Người lão bộc của vua Quang Trung...
Bao nhiêu là thứ, thứ nào cũng cần nên phải cân nhắc kỹ. Tiền mừng tuổi thường
để dùng cho cả năm, không thể hoang phí được. Ôm tiền vào giấc ngủ sao mà ấm áp
thế, quên cả rét mướt mưa phùn.
Không đủ tiền lên chợ huyện mua con lợn đất, tôi có sáng kiến lấy chiếc bình
tích sứt vòi mà thày tôi bỏ, để giấu tiền. Bao nhiêu tiền xu, tiền hào tôi đếm
thật kỹ, cẩn thận bỏ hết vào trong ấy. Còn đậy trên bằng mảnh giấy báo nữa. Để
kín vào góc tủ, ngụy trang phủ lên vài thứ vớ vẩn. Thế nhưng vẫn không yên tâm,
lén lúc nào không người lại lấy ra đếm. Không suy suyển gì mới thở phào.
Ấy thế mà vẫn hỏng. Một hôm, cô em gái tôi, cái Ngọt, mới học lớp 1, rất ngoan
nhưng “tinh quái”, tự dưng nó nói vẩn vơ biết chỗ cất tiền trong nhà. Tôi lờ
đi. Nó lại dấn sâu hơn, bảo có cái bình tích sứt vòi. Tôi giật mình, có nhẽ nó
biết. Nếu chạy ra kho bạc ấy ngay bây giờ thì lộ quá, nhỡ nó chưa biết thì sao.
Đang rối ruột rối gan lo cho số tiền, nó cười em biết anh giấu tiền trong bình
tích rồi. “Chị ta” còn khai có bao nhiêu tiền cả thảy, mấy tờ 1 hào, 2 hào, 5
hào, nhưng rồi khẩn khoản đề nghị cho gửi nhờ tiền mừng tuổi vào đó với. Hóa ra
nó cũng không có lợn đất, chưa biết cất tiền vào đâu. Tôi như trút được gánh
nặng. Ngay hôm sau mở kho bạc, kiểm đếm lại, còn gần 4 đồng, đưa hết cho bu
tôi, xin bu tôi đổi cho mấy đồng tiền chẵn. Tiền chẵn 1 đồng, 2 đồng cất giữ
gọn hơn, dễ hơn. Tôi sang tên cái bình tích kho bạc cho em gái.
Đó là lần đổi tiền đầu tiên trong đời. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nhận xét