4885. Lại nói về nghệ danh

Lại nói về nghệ danh

Nguyễn Hoàng Duy 


(TBKTSG) - Vừa về sau chuyến lưu diễn vài ngày ở tỉnh, người bạn thân đã điện thoại nhờ tôi đặt cho cái tên trên sân khấu (tức cái nghệ danh) nghe sao cho kêu kêu!
Điều đó làm tôi chưng hửng, bởi bao năm qua, cái tên của bạn cũng được lòng công chúng lắm kia mà. Dù chỉ là nghệ sĩ mới lên, nhưng cái tên đó được công chúng tỉnh lẻ, đặc biệt là cư dân mạng trên Facebook rất khoái (thông qua lượt like). Bạn giải thích lý do: “Thì nhiều người cũng thích cái tên này nhưng thực sự mình lại không khoái cho lắm. Nó quê quê làm sao ấy, tên khai sinh mà, có bao giờ hay đâu. Vả lại lúc lưu diễn ở tỉnh, một số nghệ sĩ đem cái tên cha sinh mẹ đẻ này ra dè bỉu làm cho mình tức muốn điên lên”. Tôi lựa lời an ủi bạn rồi khuyên: “Cha mẹ sinh bạn ra, nên mình nghĩ bạn hỏi ý kiến của đấng sinh thành có vẻ hợp lý hơn”.
Đầu dây bên kia, bạn tôi có vẻ giận, trước khi kết thúc cuộc gọi còn buông một câu: “Bạn cũng nhà quê như ba mẹ mình”.
Không riêng gì bạn tôi, mà hiện nay rất nhiều nghệ sĩ sắp nổi tiếng và đang nổi tiếng đều tìm cho mình một nghệ danh để “đóng khung” hình tượng. Thậm chí có những người, chỉ mới thi có vài cuộc thi nhỏ, hoặc sắp tốt nghiệp trường nghệ thuật cũng tranh thủ chọn cho mình một cái tên theo Tây, theo Hàn hoặc nửa ta nửa Tây, nửa ta nửa Hàn...
Thực sự mà nói đó là chuyện hết sức bình thường. Hiện nay trên thế giới, rất nhiều nghệ sĩ ngoại quốc có những nghệ danh nghe rất kiêu kỳ, thậm chí khi nghệ danh này không “hạp phong thủy, số mệnh” lại tiếp tục đổi nghệ danh khác.
Còn ở ta, buồn cười nhất là cách đặt nghệ danh ăn theo trào lưu phim Hàn Quốc và Hollywood (hiện nay còn đặt cả nghệ danh theo Bollywood) theo kiểu 50-50, “nửa nạc nửa mỡ”. Dần dần, cái tên khai sinh mà ba mẹ họ đã suy nghĩ mất nhiều ngày, hỏi ý kiến thành viên gia đình, thậm chí còn lựa tên theo ý nghĩa văn hóa, lịch sử để đặt, tự nhiên giờ phai nhạt chẳng ai thèm gọi tên. Có ca sĩ còn “van xin” ba mẹ đừng gọi cái tên thời thơ bé vì nó quá quê, quá xấu xí. Ôi chao, điều ấy làm ba mẹ đau lòng biết bao, dù họ không bộc lộ ra bên ngoài vì yêu thương con cái.
Tôi nhớ về câu chuyện của tôi, hồi năm 15 tuổi đi làm giấy chứng minh nhân dân. Lúc cùng mẹ ra công an xã nhận giấy chứng minh nhân dân, tôi phát hiện chữ lót đã bị công an xã ghi sai. Thấy chữ lót mới cũng hay nên tôi nói mẹ bỏ qua, không cần chỉnh sửa. Chỉ nên làm đơn chỉnh lại chữ lót trong giấy khai sinh và sổ hộ khẩu.
Tuy nhiên mẹ tôi một mực đề nghị công an xã phải điều chỉnh lại cho đúng với sổ hộ khẩu vào thời điểm đó. Trên đường về, mẹ đã không hài lòng với cách suy nghĩ trẻ người non dạ của tôi. Mẹ giải thích, “chữ lót đó là tên của bác con. Bác ấy đã hy sinh ở chiến trường Campuchia, vì vậy ba con mới lấy tên bác làm chữ lót cho họ tên của con. Dù bất cứ điều gì xảy ra con cũng không được thay đổi họ, tên, cũng như chữ lót của mình”. Bài học ấy đến bây giờ tôi vẫn còn ghi nhớ.
Hôm qua, bạn lại gọi cho tôi, cốt chỉ để thông báo đã tìm được một cái tên trên sân khấu rất tuyệt vời, không đụng hàng. Bạn còn bảo có thể sẽ “chôn vùi” cái tên khai sinh của mình, không ai muốn nhớ đến nữa. Rất mừng cho bạn vì đã tìm được một nghệ danh đẹp để chen chân vào giới showbiz. Tuy nhiên bạn đã quên mất một điều cơ bản rằng công chúng thần tượng nghệ sĩ là vì họ có năng lực, đạo đức, tố chất, cũng như biết nguồn biết cội. Mà hình như không riêng gì bạn, hầu hết nghệ sĩ trẻ hiện nay đã bỏ qua điều cơ bản này. Bằng chứng cho thấy, có nhiều nghệ sĩ, dù trung thành với cái tên “cúng cơm” của mình hơn nửa đời người nhưng vẫn nổi tiếng, chói sáng trong làng văn nghệ. Còn một số nghệ sĩ trẻ, cứ thay đổi nghệ danh xoành xoạch như thay áo, vẫn loay hoay mãi với nghề mà khán giả chẳng nhớ ra họ đã từng diễn ở đâu. 

(Theo TBKTSG)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.