4827. Phản ứng của chính quyền Mỹ trong vụ tràn dầu

Phản ứng của chính quyền Mỹ trong vụ tràn dầu (do nổ giàn khoan của BP ở vịnh Mexico)
Cảnh chờ đợi của giới truyền thông trong cuộc họp báo
về sự cố cá chết ở biển miền Trung . Ảnh: Hùng Võ/TTXVN
Không phải ngẫu nhiên một sớm một chiều Formosa có mặt ở Vũng Áng. Cũng thế, không phải tự dưng giàn khoan khai thác dầu của BP hiện diện ở vùng vịnh Mexico, Hoa Kỳ. Tất cả đều do những cuộc thương thảo giữa chính quyền các quốc gia chủ nhà và các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Cuộc thương thảo ra sao, với những điều kiện nào, một cường quốc tự do như Mỹ Quốc, qua Quốc hội và qua truyền thông báo chí người dân đều rõ. (…) 

Ngay sau vụ nổ giàn khoan của BP, Hoa Thịnh Đốn đã cấp thời thông báo cho toàn dân Mỹ và công luận thế giới hay biết về biến cố. Cùng lúc, chính quyền huy động mọi phương cách tính toán, kiểm tra nhằm giảm thiểu tác hại có thể xảy ra. Những số liệu cụ thể cho hay: hoảng 3,19 triệu barrels tức 134 triệu gallons dầu thô và khoảng 1,8 triệu gallons hóa chất dùng để dập dầu loang đã tràn ra biển. Địa điểm tràn dầu dọc theo vùng biển rộng khoảng 112.100 cây số vuông thuộc 5 tiểu bang Louisiana, Alabama, Texas, Florida và Mississippi với hơn 2000 cây số, tương đương 1.300 hải lý bị ô nhiễm.
Ngay lập tức cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) của Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh đình chỉ tạm thời các hoạt động khai thác của BP tại Vịnh Mexico trong vòng 18 tháng, sau đó lại mở rộng lệnh cấm vô thời hạn, cho đến khi tất cả những cáo buộc về hình sự theo pháp luật được chỉ ra và giải quyết đến tận gốc. Theo phán quyết của EPA, BP không hội đủ điều kiện kinh doanh nên dẫn đến thảm họa tràn dầu. 
Cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ tuyên bố đây là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Mỹ quốc. Donald Vidrine và Robert Kaluza hai giám sát viên của BP đã bị buộc tội trước tòa án NewOrleans vì để xảy ra cháy nổ và làm chết 11 người. Ngay cả một cựu giám đốc điều hành BP David Rainey cũng bị cáo buộc nói dối Quốc hội về số lượng dầu đã tràn từ giếng.
Hàng loạt biện pháp cấp thời đã được Hoa Thịnh Đốn ban hành như đóng cửa các bãi biển, cấp cứu và di chuyển các loài sinh vật, đốt và vớt dầu nổi trên mặt, xả nước ngọt vào vịnh để giảm dầu tràn vào bờ … Huy động ngót 50 ngàn công nhân và tình nguyện viên với khoảng 70 triệu giờ làm việc và sự hỗ trợ của 6 ngàn 500 tàu thuyền tham gia hoạt động thu gom dầu trên vùng biển dài 2500 cây số. Trong 4 năm tính từ tháng 5-2010 đến tháng 4-2014, BP đã phải chi một khoản kinh phí 14 tỷ USD chỉ riêng cho hoạt động ứng phó thảm họa, thu gom dầu tràn và tạm thời làm sạch môi trường trong tổng số 54 tỷ phải thanh toán cho nhiều chương trình kế hoạch nghiên cứu trên nhiều lãnh vực khác nhau bao gồm các khoản bồi thường cho các cá nhân, tổ hợp và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng do biến cố tràn dầu. Trong đó phải kế tới 776 hải lý vùng có nồng độ dầu lắng xuống đáy biển phải tẩy rửa bằng kỹ thuật cao và những phương tiện tân tiến bậc nhất.
Sau 4 năm xảy ra thảm họa, đến tháng 4 năm 2014 cơ quan bảo vệ vùng bờ mới quyết định dừng thu gom dầu. Dù vậy, nếu có thông tin về phát hiện ô nhiễm mới ở bất cứ vùng nào, công tác thu gom cũng sẽ được tiến hành ngay.
Nhìn vào bản liệt kê những đòi hỏi do luật pháp HK buộc BP phải trả cho hàng chục công trình nghiên cứu về ảnh hưởng tai hại của biến cố tràn dầu liên quan tới hệ sinh thái của con người và các sinh vật, từ hải sản như tôm cá, rùa biển, sò ốc tới chim muông, các rặng san hô v.v… nhưng vì giới hạn một bài viết ngắn chúng tôi chỉ có thể đề cập khái quát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Tuy vậy, chỉ riêng một số biện pháp phục hồi do Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi kèm theo những ngân khoản kếch sù mà BP phải chi trả sau đây, hy vọng có thể giúp người đọc thấy toàn bộ nó quy mô và to lớn như thế nào:
* Phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng bờ (coastal) và vùng cận bờ (nearshore) với kinh phí 4,7 tỷ USD
* Phục hồi và tái tạo các vùng liến quan tới dự án bảo vệ các sinh cảnh sống cấp liên bang với ngân khoản đền bù 75,5 triệu USD.
* Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ: 110 triệu USD.
* Phục hồi chất lượng nước: 300 triệu USD.
* Phục hồi và tái tạo các loài cá và động vật không xương sống sinh trưởng trong tầng nước (pelagic): 400 triệu USD
* Phục hồi và tái tạo các loài cá khác nhau: 15 triệu USD.
* Phục hồi và tái tạo các loài rùa: hơn 212 triệu USD.
* Phục hồi và tái tạo các loài thực vật sống dưới đáy biển: 22 triệu USD.
* Phục hồi và tái tạo các loài động vật biển: 144 triệu USD.
* Phục hồi và tái tạo các loài chim: hơn 500 triệu USD.
* Phục hồi và tái tạo các loài hào: hơn 200 triệu USD.
* Phục hồi và tái tạo các quần xã sinh vật sống vùng biển dưới đáy sâu và vùng bán sâu: 273 triệu USD.
* Phục hồi các hoạt động giải trí trên biển: hơn 131 triệu USD.
(Trích bài: Nếu Formosa hủy hoại môi trường biển tại Mỹ, chính quyền và người dân HK sẽ hành xử ra sao? của tác giả Trần Phong Vũ)
Nguồn: anhbasam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.