4820. Chú Nguyên bạc

CHÚ NGUYÊN BẠC
1/ Chú Nguyên bạc là Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Chưa nhận sổ hưu nhưng tóc đã bạc trắng nên anh em trong giới văn nghệ gọi là Nguyên đầu bạc, hay Gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên.
So với Kiên bạc thì Nguyên bạc thuộc loại giàu chữ nghĩa nhưng nghèo rớt mồng tơi cả ngoại tệ lẫn nội đồng Ông Cụ. Bao năm tháng ở trong cái chuồng chim câu mãi đỉnh khu tập thể Kim Mã Thượng. (Mới đây thì gã đã chuyển nhà mới. Hôm gã nhập trạch, bọn văn nhân dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc đã bỏ cả bữa tiệc do Hội Trung ương mời để đến nhà Nguyên bạc nhậu).
So với Kiên bạc hay nhiều vị đầu bạc khác thì Nguyên bạc không có tiền, không có quân nhưng gã có đông đảo anh em bạn bè thực tâm yêu quý gã. Điều này thì chẳng chức vị hay bạc tiền nào mua nổi. "Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi" đúng với ai chứ sai bét với Phạm Xuân Nguyên.
Quanh Phạm Xuân Nguyên không chỉ lớp bạn già quý mà bọn trẻ cũng quý. Vừa quý gã lại vừa yêu gã. Yêu như một người bạn lớn tuổi hết sức gần gũi. Nhị Độ với mấy tay chơi nhạc cứ gọi gã là THẦY. Fan Tuấn Anh, ông nghè cố đô, hình như Phó Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Huế, cười hi hí với tôi:
- Chú Nguyên có đi dạy đâu mà gọi bằng thầy, anh hỉ? 
Rồi hai thằng lại cụng ly cười. Đấy là đùa chơi. Quý gã thì đem rỡn. Như tôi, 60 tuổi trở xuống, tôi gọi bằng anh/ chị tuốt. Phạm Xuân Nguyên thì gọi CHÚ. Chú Nguyên.
Chú Nguyên với tôi có những kỷ niệm riêng ấy là ở các cuộc Hội thảo, nghiên cứu về những trí thức "có vấn đề". Mà những ông trí thức ấy, luôn được Phạm Xuân Nguyên đưa vào đôi mắt xanh của mình, trong khi các vị khác mắt cũng xanh nhưng xanh....lè vì sợ hãi.
2/ Chiều nay nhân lúc lôi cuốn Hồi ký NHỚ LẠI của Nhà văn Đào Xuân Quý ra, gửi tặng cho 1 người bạn, thì lại làm tôi nhớ đến những Đại hội Nhà văn Trung ương mà nhà văn họ Đào đã quá cố viết lại. 
Hoá ra, cảnh cũ, việc cũ nhưng trùng hợp ra phết.
Trùng hợp là vì trước đó, mấy hôm chuyển mùa, đọc Hồi ký Trần Độ nhắc tới Đại hội Nhà văn. Có đoạn đề nghị GS Nguyễn Văn Hạnh đọc bản tự kiểm điểm của tướng Độ. 
"Những kẻ cầm quyền phản động lạc hậu của các chế độ cai trị phản động lạc hậu cũng vẫn nhân danh đạo lý để mà hành động khủng bố, tàn ác, bạo liệt. Nhưng ngay trong những chế độ như vậy vẫn xuất hiện những tác giả và tác phẩm có ý nghĩa nhân đạo và sâu sắc lưu lại cho các đời sau".
Trong Hồi ký Trần Độ không có bản tự kiểm điểm này. Gs Nguyễn Văn Hạnh vừa đột quỵ ít tháng trước, không rõ ông có kịp viết Hồi ký? Tôi dẫn lại theo Hồi ký Đào Xuân Quý là như thế. Đoạn tiếp, viết rằng: "Mỗi tác giả là một tài năng, một chủ thể, có ý thức với sự nghiệp chung và với đứa con tinh thần của mình, không ai có thể thay thế nghệ sĩ chăm sóc đứa con ấy. Ta chỉ nên có quan hệ bạn bè với văn nghệ sĩ".
Bản tự kiểm điểm ấy dài 19 trang đánh máy và Gs Nguyễn Văn Hạnh đã đọc nó trong 45 phút.
Nữ nhà văn họ Dương năm ấy có tham luận rằng: "Giờ đây làm một nhà văn thật khó khăn. Dân tộc ta đang đứng trước khúc ngoặt của lịch sử. Một thời đại mới mở ra lạnh lùng và thúc hối. Có nên ve vuốt lòng tự ái của dân chúng hay can đảm vạch mặt ra những hiểm nguy đang chờ phía trước?".
3/ Tôi được chú Nguyên bạc coi như bạn văn, chứ thực tế tôi làm báo, làm nghiên cứu, chả mấy khi đụng bút viết văn. Cao hứng, chú gọi đi nhậu. Có lần, đang ngự đỉnh Thanh Tước, thấy chú gọi đến nhậu. Hôm đó có cả Đào Nguyên, Thạc sỹ - Giảng viên ĐH KHXHNV và Tiến sĩ Mạnh Hoàng - Viện Thông tin KHXH.
Cuộc đàn đúm nào có Nguyên bạc cũng vui. Trí nhớ cường ký. Ca dao hò vè món nào cũng thạo. Cao hứng thì hát: "Qua núi qua khe anh đè em xuống". Hoặc: "Một chiều anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) tê-lê-phôn cho anh Ca Lê Thuần/ Và dặn rằng: Làm Kinh tế thì nhiều thành phần; còn Văn hoá chỉ một thành phần, nghe em"...
Cũng có cuộc, gã kể về người Nghệ khắp cả nác. Vui. Và giờ thì có cuộc họp, người ta bẩu: 
- Tại sao Hội Nhà văn Hà Nội lại để ông Nguyên người Nghệ làm Chủ tịch?
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến bác liền: - Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước, người Nghệ đấy!
He he.
Rồi thì bỏ phiếu thăm dò mấy tháng trước. Một ông nhà thơ từ báo Nhân Dân về được 1 phiếu - mình tự bỏ cho mình. Một ông nhà thơ nguyên lãnh đạo đài Thủ đô được 1 phiếu - ta bỏ cho mình. Nguyên bạc được 7/11 phiếu thuận.
Cơ mà thôi, rồi đâu khắc vào đấy. Rồi sẽ Đại hội. Rồi sẽ bầu Chủ tịch. Rồi sẽ lại xuất hiện: Đại hội Văn nhân Thủ đô hi hí khúc chả hạn. Nhời rằng: Buổi bế mạc ưu phiền tan hết/ Nào ôm hôn thắm thiết tỉnh say/ Ngày mai nhẹ bước thang mây/ Chấp hành chấp tỏi vào tay người mình/ Thành uỷ cứ vững yên trong dạ/ Thường trực cùng hể hả chúc mừng/ Rốn Rùa náo nức tưng bừng/ Hàng Buồm mười chín (19) tưng bừng cờ hoa. 
Đại khái thế! (Cuối tuần viết chơi).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.