4816. Một lần không 'tòng thuộc'

Một lần không ‘tòng thuộc’
NND/ PNTB 


Chữ “tòng thuộc” là của nhà thơ Inrasara, khi anh viết bài “Tâm lí tòng thuộc của người Việt” đăng trên Facebook của anh. Inrasara đã đưa ra nhiều dẫn chứng trong đời sống khi người ta biết tỏng cấp trên của mình sai lè ra mà vẫn không dám hé răng phê phán một lời. Đọc bài này dù biết thực tế lâu nay vẫn vậy mà cứ thấy chua chát, chua chát cho một nét văn hóa Phong kiến phương Đông không sao gột được... Khi đọc bài của Inrasara, gợi ta nhớ đến truyện cổ “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” của Christian Andersen… Và bản thân tôi thì nhớ về một câu chuyện của mình cách nay đã 35 năm.

Hồi ấy tôi làm luận văn triết học (bậc đại học). Bản luận văn trước khi đưa ra bảo vệ, ông trưởng khoa gọi tôi lên phòng và nói: “Đêm qua tôi thức dậy từ 2 giờ và đọc đến sáng hết bản luận văn của anh. Nhìn chung là viết tốt, nhưng có điều, anh dám phê phán luận điểm của ông giáo sư - trưởng khoa của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay gọi là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Anh phải xem lại !”. Tôi bảo: “Thưa thầy, chính vì cần phê phán quan điểm của ông giáo sư đó mà em có ý tưởng làm bản luận văn này !”. Thầy trưởng khoa nhìn thẳng mặt tôi: “Nhưng người ta là nhà khoa học danh tiếng của đất nước, sao anh dám phê phán người ta, mình chỉ là một sinh viên sắp ra trường. Khi anh bảo vệ luận văn, chúng tôi biết ăn nói thế nào?”… Tôi vẫn cố thuyết phục thầy: “Thưa thầy, trong quá trình nghiên cứu về triết học Mác – Lênin, các thầy dậy: Khoa học là khách quan, nó không phụ thuộc vào ý chí con người, không phụ thuộc học hàm học vị, càng không phụ thuộc chức tước, quyền hành. Gần đây, thầy T còn nói:  Một bậc trí giả lớn đến mấy vẫn có thể sai lầm. Sai lầm của con người là thường tình, nên không ai có thể độc quyền chân lý... Em rất tâm đắc những điều các thầy đã dạy. Thưa thầy, nếu phải tránh việc phê phán quan điểm ông giáo sư này thì luận văn của em không có chỗ đứng...”

Ông trưởng khoa triết học sững người, đăm chiêu một lát rồi hạ giọng: “Ừ vẫn biết thế… Nhưng cậu nên gặp Quang, (anh Nguyễn Đăng Quang một học giả triết học Mác - Lênnin đang làm Tổng biên tập Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương), nhờ Quang nó xem lại và góp ý thêm, vì cậu luận giải về Lênin mà Quang nó rất giỏi Lênin!”.

Ngay sáng hôm đó, tôi đội mưa đạp xe ra nhà anh Nguyễn Đăng Quang, vì đã quen biết anh từ trước, anh lại nhận phản biện luận văn cho tôi, nên tôi không ngại gì. Anh sống trong một căn hộ trên tầng 4 một chung cư, chung cư Hà Nội của thời còn bao cấp chật chội và luộm thuộm. Tôi rũ áo mưa bước vào phòng. Căn phòng chỉ khoảng 16 m2, kê cả giường, tủ, giá sách, bàn nước… mà thấy anh bầy đến hơn chục tập sách trong số 54 tập Lênin toàn tập dưới sàn nhà. Đó là những tập sách rất đẹp của Nhà xuất bản Sự thật do Liên Xô in giúp. Tôi phải khéo léo mới khỏi giẫm vào sách.

Thấy tôi vào, anh Quang hỏi ngay: “Dương đấy à, có gì đấy?”. “Em có tí việc ra hỏi anh…”. Chờ anh pha xong ấm trà Thái, tôi thưa: “Dạ, người ta bảo “ông hướng dẫn là ông thiện, ông phản biện là ông ác”, nhưng em nghĩ, dù là người phản biện thì anh vẫn là ông Thiện của em…”. Tôi kể về việc ông trưởng khoa triết học lo lắng cho quan điểm của tôi trong luận văn đã phê phán ông giáo sư trường Nguyễn Ái Quốc… Nghe xong, anh Quang xem lướt qua đoạn phê phán ông giáo sư trong chương Mở đầu bản Luận văn và buông một câu: “Ông này là nhà triết học hổ lốn. Tiếng là giáo sư nhưng ông ấy không hiểu phép biện chứng của Mác, và tư tưởng trong “Bút ký triết học” của Lênin, dẫn đến bài viết của ông ấy tiền hậu bất nhất...”. Rồi anh Quang sà xuống đống sách bầy la liệt dưới sàn nhà và bảo tôi: “Cậu xem đây..”, anh chìa ra trước mặt tôi hết tập sách này đến tập sách kia và chỉ vào những chỗ Lênin viết, anh đã đánh dấu bằng bút chì... Cuối cùng anh bảo: “Quan điểm của cậu đúng, cậu phải bảo vệ bằng được những lý giải của mình về thực tiễn nhưng nhớ phải trích dẫn Lênin thật chuẩn trong Bộ toàn tập này…”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm và nghĩ: Bây giờ không tòng ông giáo sư trường Nguyễn Ái Quốc, nhưng phải tòng ông Lênin thì mới đứng được.  

NND/PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.