4811. Những cú giật mình của bao gia đình thời nay

Những cú giật mình của bao gia đình thời nay
NND/PNTB
Hình minh họa. Nguồn Internet
Trong những năm gần đây có thể nói, gia đình nào cũng nơm nớp lo sợ những bất trắc bỗng đâu ập đến. Mà lo cũng chẳng được, cái gì đến nó sẽ đến… Nó chưa đến lúc nào thì biết lúc ấy. Khi bỗng dưng nó đến dẫu biết trước nguy cơ, vẫn thấy bất ngờ, vì trong lòng ai cũng hi vọng nó không đến với mình!?
Một ông thường dân tâm sự: “Vài năm trước có người khen tôi, ông có ba thằng con ngoan ngoãn, nết na… hạnh phúc thật. Tôi bảo: thì vưỡn, nhưng được lúc nào thì biết lúc ấy, mưa bao giờ vuốt mặt bấy giờ”.
Hàng ngày nhìn ra xã hội, thấy con nghiện quá nhiều, nên ông thường xuyên thắp nhang khấn vái, mong ông bà tổ tiên phù hộ, độ trì để những đứa con ông dù có được học hành tử tế hay không cũng không sao, chỉ cần tránh được cái nạn nghiện hút. Bởi ông biết, chỉ một thằng nghiện là đời ông xuống vực. Nhưng rồi, một ngày xấu trời, ông phát hiện ra chính thằng con lớn đang học đại học đã đi theo “nàng tiên nâu”! Nhà trường phát hiện ra, đuổi học… Ông không thể giải thích được nguồn cơn nào mà trời lại hại ông như thế. Đứa thứ hai đang học lớp 11 kêu đau bụng, cho đi khám ở bệnh viện thì phát hiện ung thư giai đoạn cuối và rồi nó phải ra đi tất tưởi… Hiện còn một thằng nữa không biết, liệu nó có được bình an, yên ổn đến lúc vợ chồng ông nhắm mắt xuôi tay?
Ở làng nọ, có một vị là quan chức cấp tỉnh, được mệnh danh là người giàu nhất vùng. Ông là Giám đốc một Ngân hàng. Mỗi lần đi chiếc xe con mấy tỉ bóng lộn về làng, mọi người đều tấm tắc khen thầm, ngưỡng mộ. Họ ghé tai nhau: “Ông này nhiều tiền lắm, có lần tôi đã đến nhà ông vì có liên quan họ hàng. Phải nói, choáng ngợp trước ngôi biệt thự và những đồ dùng, phương tiện đắt tiền trong nhà ông mà đời tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Ông bạn đi cùng ra điều hiểu biết thuyết minh cái gì thì tôi biết cái đấy, chứ người nhà quê như tôi nhìn vào khác gì bò lạc… ra phố”.
Ông giám đốc Ngân hàng còn tự nguyện bỏ ra mấy tỉ đồng để tài trợ xây nhà thờ họ. Chắc ông nghĩ, làm vậy sẽ được hưởng vinh hoa phú quý suốt đời vì sẽ được tổ tiên phù hộ khi ông không tiếc tiền tài trợ. Ông còn tài trợ số tiền xây tòa nhà văn hóa hoành tráng cho làng, cũng là để đánh dấu sự thơm thảo của người con quê hương đang “ăn nên làm ra”, và cũng để hãnh diện mỗi khi về làng. Người ta nói, ông đặc biệt quan tâm đến “cuộc sống tâm linh”. Riêng việc chọn đất để làm nhà văn hóa ông yêu cầu phải được quyết định theo thày phong thủy chỉ bảo, chứ không để cho địa phương tự chọn. Khi khai trương, ông mời thày cúng, pháp sư cao tay về cúng ba ngày bốn đêm để bắt hết ma tà…
Nhưng rồi cuộc sống đang lên như diều gặp gió bỗng đùng một cái, bà vợ bị tai biến mạch máu não. May mà có đủ phương tiện và tiền bạc đưa đến bệnh viện kịp thời. Nhưng bệnh quá nặng nên chỉ thoát được tử vong, chứ vẫn bị “bán thân bất toại”, cấm khẩu, không đi lại và tự sinh hoạt được, phải thuê người phục vụ. Đã thế, thằng con trai làm việc trong một cơ quan công quyền, không biết đã tham gia những phi vụ gì mà bỗng dưng vỡ nợ hàng trăm tỉ. Bị siết nợ, tài sản không đủ nên đã cao chạy xa bay, đưa vợ con trốn biệt tích, chỉ sợ bọn xã hội đen đi đánh thuê nó… thịt. Từ hồi nghỉ hưu, ông không dám ló ra đường, suốt ngày lầm lũi trong ngôi biệt thự mà lòng dạ ngổn ngang…
Trong thời gian gần đây, những tin ì xèo ông này ông kia có con cái vỡ nợ, nhẹ là một vài tỉ, nặng là hàng trăm tỉ như ông giám đốc ngân hàng trên. Có ông dính chuyện cố giấu kín nhưng rồi cũng không giấu được vì nó không phải cái kim… Tôi có bà chị họ, anh ấy là liệt sĩ, chị ở vậy nuôi con. Suốt đời sống thanh bạch, cung cúc, tận tụy đi làm thuê mưu sinh, sống ngay thẳng, tình nghĩa, anh con trai cũng rất hiền lành, tử tế… Nhưng một hôm, bạn bè rủ rê vay tiền ngân hàng “buôn bất động sản”. Cuộc sống đang khó khăn, mua mấy mảnh đất giá rẻ, không có bìa đỏ, chỉ có mảnh giấy biên nhận viết tay, chờ thời cơ bán đi kiếm chút lời lãi, hi vọng gặp vận may. Trong tay không có tiền, phải cắm bìa đỏ ngân hàng, không đủ thì vay thêm bạn bè, người quen… Nhưng trời không cho người nghèo. Vừa mua xong, chính quyền công bố đó là đất quy hoạch dự án, ai sử dụng đều bị thu hồi… Thế là trắng tay, trắng mắt; thế là “giở vai cho giời xem!”. Con làm, mẹ không biết, bây giờ vỡ lở, không lẽ nhìn thấy con chết mà không cứu, nhưng cứu thì mẹ già lực bất tòng tâm… Nhà đất bị ngân hàng niêm phong, phát mãi, nợ bạn bè bị họ đến đòi rát mặt, bởi của đau con xót, con người có tình thì nể nhau, nhưng đồng tiền nó là đồng… bạc, khô khốc chẳng tình nghĩa gì. Và thế là xôi hỏng bỏng không, đành muối mặt, ngậm bồ hòn, chờ số phận!...
Hình minh họa. Nguồn Internet
Còn chuyện li hôn của bọn trẻ cũng khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình. (Một tài liệu cho biết, tỉ lệ li hôn của các đôi vợ chồng trẻ chiếm 70% các vụ li hôn). Người viết bài này chỉ rà soát ngay trong anh em họ hàng và những người thân quen mà mình biết cũng đã thấy vấn nạn li hôn đang nóng giẫy trên một góc của Bộ luật dân sự. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng là chuyện của quy luật muôn đời. Nhưng chả hiểu sao bây giờ bọn trẻ sống với nhau có khi chưa nóng chỗ đã lại, đùng một cái đưa nhau ra tòa li dị… Mà không có đám cưới nào là không làm đủ thủ tục từ ăn hỏi, đến cưới xin rất đầu đuôi…thực hiện đầy đủ lễ lạt, gia phong theo cổ truyền, kết hợp hiện đại. Cưới hoành tráng, bảo cả đời chỉ có một lần không được úi sùi… Thế nhưng vẫn cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, đùng cái bỏ vợ, bỏ chồng như vứt đi một mớ rau già. Con cái sinh ra có bố, có mẹ, có ông bà nội ngoại, họ hàng hai bên dây mơ rễ má, bây giờ rất khó xử. Những đứa con buộc phải xa một trong hai người sinh thành ra chúng, gieo vào tâm hồn thơ dại của chúng những vết thương lòng biết bao giờ thành sẹo! … Ngỡ chuyện này hiếm có, ai ngờ cứ vài nhà có một nhà vợ chồng li hôn. Chuyện này cũng chẳng ai giải thích được căn nguyên…
Một vấn nạn nữa là tai nạn giao thông. Bình quân cả nước mỗi ngày có vài ba chục người chết vì tai nạn giao thông (báo chí công bố trong 5 năm: 2010 – 2015 có gần 5 vạn người chết vì tai nạn giao thông, bình quân mỗi tháng gần 1000, mỗi ngày gần 30 sinh mạng, chưa kể bị thương tật…). Chết nhiều hơn thời chiến tranh. Nhưng cũng không sao khắc phục được. Trong gia đình có người ra khỏi nhà tham gia giao thông (dù là phương tiện cá nhân hay công cộng) thì người ở nhà đều nơm nớp lo sợ. Chỉ khi đi đến nơi về đến chốn mới thở phào. Biết vậy khi chia tay người ta chỉ biết chúc nhau câu: “Thượng lộ bình an”, ngầm cầu mong không gặp tai nạn giao thông.
Điều đáng nói là: hầu hết những người gặp nạn, như nghiện hút, vỡ nợ, tai nạn giao thông, ung thư, hay bỏ vợ, bỏ chồng… đều là người tốt cả. Cha mẹ, gia đình nhiều người nền nếp gia phong. Nó không từ một ai, kể cả giầu, nghèo, dân thường hay quan chức. Không ai muốn, nhưng họ vẫn có thể bị những con sóng “vô tình” xô vào bóng tối, đẩy xuống vực sâu.
Còn nhiều điều bất an nữa nhưng bài viết đã dài, mình chỉ điểm qua mấy vấn nạn đang nóng ở cuộc sống xung quanh. Chỉ có thể đặt ra một dấu hỏi lớn (?) để hỏi trời hỏi đất, hỏi trăng sao…
Ngày xưa, khi đi chăn trâu, bọn trẻ chúng tôi thường đọc bài đồng dao Thả đỉa ba ba, trong đó có câu:

Đổ mắm đổ muối,
Đổ cả hạt tiêu,
Đổ niêu cứt gà,
Đổ phải nhà nào,
Nhà nấy phải chịu.

Thôi thì, mắm, muối, hạt tiêu, cứt gà thời nào cũng có và nó không từ ai. Nhưng bây giờ xuất hiện những chuyện ghê gớm hơn, luôn rình rập, gây bất an bất hạnh cho từng gia đình, tế bào của xã hội đã trở thành những nơm nớp lo sợ cho không riêng ai. Có thể nói:
Bây giờ trong mỗi gia đình / Nơm nớp giật mình những chuyện bất an.
(NND/PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.