4761. “Cần trả lời thoả đáng, dự án Formosa có xứng đáng tồn tại không?”

“Cần trả lời thoả đáng, dự án Formosa có xứng đáng tồn tại không?” 


Dân Trí - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/7, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng: “Các Ủy ban của Quốc hội phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không? Theo quan điểm cá nhân tôi là không”.
Nhìn lại thảm họa môi trường xảy ra với vùng biển các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vừa qua, ông Trần Hoàng Ngân đánh giá, ngành tài nguyên môi trường cũng như Chính phủ mới đã tập trung xử lý, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể với “thủ phạm”.

Nhưng vấn đề người dân mong muốn là việc giải quyết hậu sự cố. Ông Ngân nói, Formosa là nhà đầu tư có lý lịch về mặt môi trường không tốt, đáng lý ra với lý lịch đó thì phải được ưu tiên hàng đầu về giám sát. Đó là bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua.
Đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường, ông Ngân cho rằng quan điểm đó và phải được xuyên suốt trong giai đoạn tới. Ta cần huy động vốn của FDI, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá.
Vấn đề khác, cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương, theo đại biểu Formosa không còn là câu chuyện của riêng Hà Tĩnh mà dự án này liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, liên quan đến ngành kinh tế biển, ngành du lịch, tác động tới cả nền kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, khi giải quyết vấn đề của Formosa, ông Ngân cho rằng, phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này.
“Các Ủy ban của Quốc hội phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không? Theo quan điểm cá nhân tôi là không” – đại biểu Trần Hoàng Ngân thẳng thắn nêu quan điểm.
Ông Ngân phân tích, dù chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng đã được triển khai và Formosa cũng cam kết trách nhiệm bồi thường nhưng đền bù thế nào thì cũng không thể bù đắp được những tổn thương với ngành kinh tế biển. Người dân, lòng biển và tài nguyên thiên nhiên biển là không thể bù đắp được. Do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan để khẳng định rằng Formosa có nên tồn tại nữa hay không ở vùng Hà Tĩnh.
Giải quyết chuyện hậu đầu tư của doanh nghiệp trong trường hợp không chấp nhận một dự án có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường tồn tại, vị đại biểu TPHCM cho rằng, Chính phủ nên minh bạch khi giải quyết các vấn đề về môi trường, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà tất cả doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam, để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không ảnh hưởng môi trường Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả ngừng dự án không lớn bằng hậu quả để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường”.
Tuy nhiên, đại biểu Ngân cũng lường trước việc cho ngừng Formosa có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác, vì thế nếu không có cơ sở khoa học thì sẽ thiếu tính thuyết phục.
Đài Loan cũng có nhiều vốn đầu tư rót vào Việt Nam nên cần phải có cơ chế rõ ràng và minh bạch. Việt Nam đang cần thu hút vốn FDI trong xu thế hội nhập, nhưng làm việc phải rõ ràng minh bạch và có cơ sở rõ ràng. Từ đó, đại biểu Ngân lập luận, càng cần một ủy ban giám sát làm rõ và công bố sớm về việc dừng dự án này.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.