4797. “Suy ngẫm”

“Suy ngẫm” (Những mảnh tư duy, nghĩ đâu viết đó, chẳng dám thuyết phục ai)

Lê Thanh Dũng

…Người tử tế, người có trách nhiệm thì vẫn làm và sẽ làm những điều cần phải làm. Trái lại, người vô trách nhiệm hoặc bất lương thì có hứa giời hứa đất gì cũng chả tin được. Vậy thì lời hứa chẳng có mấy ý nghĩa trong đối nhân xử thế. Đôi khi lời hứa khiến người nghe hy vọng rồi thất vọng, rồi oán trách, thù hận; người không thực hiện được lời hứa thì day dứt ân hận, lại còn phải mang tiếng xấu. Đó là cái tội cái nợ không đâu mà người đưa ra lời hứa tự quàng vào cổ mình.  
LỜI HỨA

Denis Diderot (1713-1784) triết gia Pháp đã từng nói, đại ý rằng, không nên hứa điều gì, vì nếu bạn không giữ lời hứa bạn sẽ là người bội ước, nếu bạn vẫn giữ lời hứa có thể bạn là người ngu xuẩn.
Thiết nghĩ, người tử tế, người có trách nhiệm thì vẫn làm và sẽ làm những điều cần phải làm. Trái lại, người vô trách nhiệm hoặc bất lương thì có hứa giời hứa đất gì cũng chả tin được. Vậy thì lời hứa chẳng có mấy ý nghĩa trong đối nhân xử thế. Đôi khi lời hứa khiến người nghe hy vọng rồi thất vọng, rồi oán trách, thù hận; người không thực hiện được lời hứa thì day dứt ân hận, lại còn phải mang tiếng xấu. Đó là cái tội cái nợ không đâu mà người đưa ra lời hứa tự quàng vào cổ mình.
Diderot là nhà triết học tôn thờ sự Tự Do, ông nói vậy đáng để suy nghĩ lắm. Thật vô lý, tự nhiên mình làm mất tự do của mình vì những chuyện có thể chẳng to tát gì.
Thử tưởng tượng một câu chuyện sau đây. Ông già bị người ta giết, anh con trai phủ phục bên người cha sắp lìa đời thề rằng sẽ tìm ra thủ phạm và giết hắn để trả thù cho bố. Cuộc sống cứ thế trôi đi thủ phạm vẫn biệt vô âm tín. Chàng trai lấy vợ sinh con rồi phát hiện ra rằng thủ phạm chính là ông bố vợ. Ông ta đã già nua và làm ăn lương thiện, thương con quý cháu. Vậy thử hỏi anh này làm thế nào với lời hứa lúc người cha lâm chung, có thực hiện điều đã hứa hay không. Nói cách khác, anh ta phải chọn: Làm một người bội ước hay làm một kẻ ngu xuẩn. Tội chưa!
Có người khi phải hứa một điều gì trước bạn bè, trước con cái về một điều gì nho nhỏ, anh ta bảo: “Cứ biết thế đã”, hoặc về một việc lớn hơn, xa xôi hơn thì anh ta bảo “…sẽ cố gắng hết sức nhưng chả nói trước được…”    Nghe thì hơi khó chịu nhưng đó là một câu nói khôn ngoan, hơn nữa nó hợp lẽ vì cuộc sống luôn luôn biến động, làm sao lường hết được những gì sẽ xảy ra.
 Về những chuyện dự định làm, người ta còn bảo: “Nói trước sợ bước không qua”. Lời hứa cũng vậy, cho dù nghiêm túc và chân thành đến mấy cũng chắc gì thực hiện được với mọi tình huống bất trắc. “Người tính không bằng trời tính” là thế…
BÚN CHỬI
 
Chuyện ồn ĩ trên mạng từ lâu bỗng lại rộ lên sau khi lan truyền clip bà chủ quán vừa bán bún vừa véo von chửi khách hàng…Dân mạng ném đá ầm ầm, có người bảo tôi sẽ không bao giờ thèm đặt chân đến đây v.v. Có vị mất 40 ngàn nghe chửi, cố nuốt cho xong rồi hậm hực ra về. Thế là thiệt, phải chi vui vẻ ra về thì chỉ mất tiền nay lại còn chuốc thêm cái bực bội… Lẽ ra, nếu không biết quán này nhưng đến thấy khách hàng bị chửi thì về luôn, còn nếu đã biết đây là quán bún chửi, đến ăn thử thì nghe chửi phải…sướng chứ, vì cuộc thử thành công (!) 
Chả có lí gì vừa ăn vừa bực bội. Trời đầy à?
Chuyện bà chủ quán chửi khách, có văn hoá hay không có văn hoá là một chuyện nhưng đấy là quyền cúa người ta, chừng nào chưa bị coi là phạm tội xúc phạm người khác; còn ứng xử như thế nào là quyền khách hàng, làm ầm lên còn vô tình là quảng cáo không công. “Không có gì tồn tại mà vô lí, dù tốt đẹp hay chướng tai gai mắt đến đâu, nó tồn tại là nó có lý.”
Trường hợp này, khách vẫn đến ăn chính là lí do nó tồn tại, kể cả cái ông bỏ bốn chục ra mua cái hậm hực cũng giúp nó tồn tại, ông còn trách ai!
Họ không ép ông, không đẩy ông vào quán chửi như những cửa hàng ăn bắt khách, giam khách, đánh khách trên quốc lộ hồi nào. Ông tự vào, mọi chuyện diễn ra đúng luật “thuận mua vừa bán”. Hàng người ta bán ra là “bún kèm chửi”, tựa như “bún kèm quẩy”, ông bỏ tiền ra mua. Kêu cái nỗi gì?
Một chuyện khác, thường thấy hơn: Kêu bán đắt. Bát phở thường bốn năm chục ngàn nhưng có nơi bán năm sáu trăm ngàn, người ta vẫn ăn. Cho nên vấn đề không phải ở chỗ người bán đắt hay rẻ mà là ở chỗ khách hàng chấp nhận hay không. Giá hàng không do người bán quyết định mà do người mua quyết định. Không ai mua hoặc quá ít người mua với giá đó thì chả bao giờ có cái giá đó vì người bán phải giảm giá ngay lập tức. Không ai ăn bún chửi thì cũng không có bún chửi, còn người ăn bún chửi là còn bún chửi. Nếu bảo bà chủ quán là vô văn hoá thì người ăn cũng vô văn hoá vì đã ủng hộ cái vô văn hoá.  Còn người không ăn mà phê phán thì hơi cạn nghĩ vì nóng nảy mà quên mất luật thuận mua vừa bán và rộng hơn, là quên mất qui luật nảy sinh, tồn tại, suy tàn và diệt vong của mọi thứ trên đời.
(Theo KD/KD)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.