4795. Lập thiết kế xây nhà nhưng không xây cầu tiêu!

Lập thiết kế xây nhà nhưng không xây cầu tiêu!

“Trước kia chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên  bây giờ chúng ta phải trả giá.” [1]. Trước các “đại biểu cử tri” tại Ba đình, Hoàn kiếm, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói thẳng như thế ngày 17.10.
Nhìn nhận cung cách suy nghĩ và quyết định công việc nước theo lối ăn xổi ở thì, bóc ngắn cắn dài mà không cần nghe ý kiến của các chuyên viên cũng như nhân dân, thế thì có khác nào như người xây nhà mà không xây cầu tiêu, không lập hệ thống dẫn nước thải! Xây nhà máy sản xuất thép không tính tới chất thải độc hại! Xây hàng trăm đập thủy điện không tính tới việc đồng ruộng mất nước, nhân dân thiếu nước sinh hoạt và khi mưa lũ lại trở thành đại họa cho nhân dân!
Bất kể tới lời can ngăn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều tướng lãnh và chuyên viên, chúng ta cho khai thác Bauxit ở Tây nguyên bất kể tới hậu quả môi trường và an ninh quốc phòng! Nay cũng không đếm xỉa tới những cảnh báo của các nhà khoa học, vẫn đang chuẩn bị cho xây các nhà máy điện nguyên tử ở khu vực được coi là có nguy cơ động đất và lũ lụt, bất kể tới những hậu quả khôn lường cho hàng chục triệu nhân dân! 
Đây có phải là sự thông minh hay không? Chính ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng đầu tiên và lâu đời nhất đã phải nhìn nhận là, sự ngu dốt và thái độ kiêu ngạo quyền lực đã gây ra những hậu quả thảm khốc cho nhân dân trong giai đoạn đó. Tình trạng này hiện nay còn tệ hại hơn, ngay ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nhìn nhận!
Ông Trọng còn nói rõ “bây giờ chúng ta phải trả giá”. Nhưng “chúng ta” ở đây là ai?... Chính thái độ ăn xổi ở thì và bệnh kiêu ngạo quyền lực đã dẫn tới công ti Formosa gây thảm họa môi trường cho bao nhiêu triệu nhân dân 4 tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4 đến nay và đang phải hứng chịu cảnh thất nghiệp, bệnh tật và đói nghèo. Ta chia sẻ sự cơ hàn với nhân dân như như nào? Trong buổi Quốc hội (QH) khai mạc Kì họp thứ 2 ngày 20.10 Ủy viên BCT, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cho biết “đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý Nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm”.[2] Mặc dầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng là “Chính phủ phục vụ” ; và từ tháng 5 đến nay trong các cuộc họp báo nhiều bộ trưởng đã thề thốt điều tra nhanh chóng, minh bạch và những người có trách nhiệm phải bị xử lí nghiêm minh bất kể là ai.[3]!
***
Trong khi đó, TBT Nguyễn Phú Trọng đã bức xúc chỉ trích:
“Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.”[4]
Chẳng những thế, vừa trải qua thảm họa môi trường, nhân dân miền Trung lại phải chịu cảnh lụt lội chưa từng có trong các ngày vừa qua. Hàng chục ngàn người mất nhà cửa, hoa mầu, gia súc; phải chịu cảnh đói rét trên các nóc nhà. Hậu quả một phần do thiên tai, nhưng phần khác là do nhân tai, bởi Nhà máy thủy điện xả ồ ạt nước lũ tại các hồ thủy điện làm người dân không kịp trở tay! Việc xây dựng hàng trăm hồ thủy điện trong các năm trước đây cũng từ chính sách bóc ngắn cắn dài và thái độ ngạo mạn quyền lực.[6]
Nguyên Ủy viên Trung ương và Phó trưởng ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng đã xác nhận:
“Quyền lực là công cụ rất hữu hiệu để tập hợp lực lượng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu như nó được trao đúng cho những người có đủ nhân cách tốt. Mặt khác, nó luôn làm tha hóa những người sử dụng quyền lực, nếu họ không đủ nhân cách và quyền lực không được kiểm soát. Chức quyền càng lớn hoặc sử dụng càng lâu thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì nhà nước thay đổi bản chất, không còn là nhà nước của dân nữa, Đảng cũng sẽ thay đổi bản chất – không còn là Đảng chân chính, và rạn vỡ như một quy luật tự nhiên. Bài học này đã được thực tế chứng minh hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tại Đông Âu và Liên Xô cũ.”[8]
Vừa qua tại HNTU 4, ông Nguyễn Phú Trọng đề ra “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”[9] là một chủ đề chính của Hội nghị. Ông đưa ra “4 giải pháp”  coi là đũa thần để cứu chế độ.  Ông nói cần phải “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế”.[10] “lồng qui chế”, ở đây là luật pháp, nhưng chính nguyên Ủy viên trung ương và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện đã xác nhận “Tòa án muốn xử như thế nào cũng được!”
TBT Nguyễn Phú Trọng còn yêu cầu lãnh đạo làm gương:
“Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.[11]
Nhiều nhân sĩ và chuyên viên trong nước đã chỉ ra rằng, những lời trên đây ông Nguyễn Phú Trọng và những người tiền nhiệm đã nói không biết bao nhiêu lần: Chống tham nhũng thì tham nhũng càng phình ra, chống tha hóa đạo đức thì càng giành giật nhau ghế cao. Vì thế khó có khả năng chống tham nhũng !
Nói tóm lại, công việc chống tham nhũng và ngăn chặn suy thoái đạo đức của cán bộ các cấp rất khó trong bối cảnh này. Sự tha hóa đạo đức của cán bộ, đã trở thành bất trị! Sự thiếu vắng nền tư pháp và tòa án độc lập, thiếu vắng các tổ chức dân sự và báo chí độc lập, giống như đêm tối thiếu ánh sáng. Vì thế nó là chỗ ấn náu, dung thân cho những kẻ làm ăn phi pháp, giết người trộm của! Đây chính là tình trạng rất bi đát của xã hội VN hiện nay.
Bộ máy tuyên truyền từng được coi là võ khí sắc bén, với trên 800 báo, đài, hàng chục ngàn nhà báo và tuyên truyền viên. Nhưng trong những năm gần đây đã bị các “báo lề dân” của các tổ chức dân sự, các chuyên viên, trí thức - trong đó có sự tham gia ngày càng tích cực của những người trẻ tuổi - đang đẩy lùi tiếng nói xơ cứng của các báo, đài chính thống. Nhiều mạng xã hội đang trở thành các cơ quan thông tin trung thực, nhanh chóng hướng dẫn dư luận. Chính điều này đã được cựu Ủy viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng Thông tin tuyên tuyền Lê Doãn Hợp nhìn nhận:
“Chúng ta phải hiểu rằng những việc xảy ra trong nước, mà ta không đưa tin thì bên ngoài sẽ đưa tin. Như vậy thì đâu còn chức năng định hướng dư luận xã hội, đâu còn tiêu chuẩn tiên phong. Mà mất đi vai trò tiên phong là mất đi vị trí của mình. Trong xã hội, báo chí đi sau, người dân sẽ không dùng đến báo chí nữa…
“Bây giờ có 59% người đọc tin tức qua internet. Tức là có khoảng 52 triệu người đọc báo qua mạng trong khi đó số người đọc báo in chỉ có khoảng 5 triệu. Mà đa số người đọc thông tin trên mạng là thế hệ trẻ.”[18]                                                                         ***
Ghi chú:
[1] . Lao động, 17.10
[2] .Công an nhân dân 20.10 
[3] .Cùng tác giả, “Hội nghị Trung Ương 3: Phải đưa ngay vụ Formosa gây ra thảm trạng môi trường lên bàn nghị sự! Nguyễn Phú Trọng là cái gương rất xấu, đụng đâu hỏng đó! “   http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt507.htm
[4] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 4, Chính phủ 14.10
[5] . Người Việt 18.10; Linh mục Anton Đặng Hữu Nam trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành, DQVN 19.10
[6] . VOA, RFA 23.10 
[7] . Cùng tác giả, “Đại hội 12 đi về đâu? Nguyễn Phú Trọng quyết dùng cả giải pháp bạo lực để thanh toán đối thủ trong đảng   http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt901.htm
[8] . Vietnam Net 12.10. Trong bài Vũ Ngọc Hoàng chỉ mới nêu ra hiện tượng nhưng không dám động tới nguyên nhân.
[9] . VOV 9.10
[10] . Infonet 17.10
[11] . Tương tự 4
[12] . Phỏng vấn TS Nguyễn Quang A của VOA 14.10
[13] . GS Nguyễn Đình Cống, „Sự trộn lẫn khái niệm của ĐCS“, Anh Ba Sàm 16.10
[14] . Tiền phong 17.10
[15] . Lao động 3.8
[16] . TS Lê Đăng Doanh, BBC 5.10
[17] . VOV 8.10
[18] . Viet Times 6.8

(Lược trích bài của Âu Dương Thệ trên Ba Sàm)
29-10-2016)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.