4769. Giảm xe công, bớt hội đoàn để cải cách tiền lương

Giảm xe công, bớt hội đoàn để cải cách tiền lương

Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Tiền lương có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Nhưng tiền lương hiện nay chưa phản ánh được năng suất lao động trong khu vực này khi 30% cán bộ được trả lương quá thấp nhưng có tới hơn 50% cán bộ được trả lương quá cao so với công việc mà họ làm.

Tăng lương như “đồng khởi”
Tại hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương" diễn ra ngày 12 và 13-10 do Bộ Nội vụ tổ chức, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay dù đã qua nhiều đợt cải cách nhưng tới nay tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; không gắn với cải cách hành chính. Trong nhiều năm, hằng năm ngân sách nhà nước chi hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương không được nâng cao, thậm chí còn giảm sút, bộ máy vẫn trì trệ, gây lãng phí lớn cho ngân sách.
“Tiền lương và chế độ đãi ngộ quá thấp đối với khoảng 30% đội ngũ cán bộ, viên chức đang ngày đêm làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả; nhưng lại quá cao với gần 50% cán bộ, công chức, viên chức không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ, trách nhiệm theo yêu cầu của chức vụ công việc. Tăng lương như “đồng khởi”; tốt, xấu đều thế. Đến ngày đến hạn là tăng như nhau, không tạo động lực”, ông Lợi nói.
Hiện tiền lương ngày càng bình quân, phá vỡ quan hệ tiền lương chung. Thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Thu nhập từ nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trở nên giàu có. Tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ.
Theo ông Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, mặc dù chưa có cuộc khảo sát, điều tra chính thức về mức sống của cán bộ, công chức, nhưng hầu hết cán bộ, công chức đều có nhà ở kiên cố, có xe máy và rất nhiều người có ô tô riêng.
Dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ năm 2012 về “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” được Hội đồng khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, có 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương. Phần lớn cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương nhưng chưa được kiểm soát. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một khoản thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức bị bỏ sót.
Lấy tiền đâu để cải cách tiền lương?
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần phải đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương, bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng với giá trị sức lao động.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước; khoán biên chế và khoán chi hành chính hàng năm, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức sao cho phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Về việc tạo nguồn tiền, theo ông Lợi, ngân sách hiện nay đang hạn hẹp; do đó, phải cơ cấu lại chi ngân sách, đặc biệt là cho các lĩnh vực, các tập đoàn nhà nước không có hiệu quả, dùng lượng tiền đó để tăng lương. “Việc đầu tư cho con người và cho đội ngũ công chức hành chính nói riêng sẽ có lợi về lâu dài cho cả nền kinh tế, chính trị và xã hội”, ông Lợi nói.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Hồng Huyên đã chỉ ra hai khoản tiền lớn có thể tiết kiệm và dùng để cải cách tiền lương, đó là xe công và tiền chi cho hoạt động của các hội quần chúng.
Theo ông Huyên, cần thu hẹp đối tượng sử dụng xe công, hướng tới đưa chi phí đi lại vào lương. Số liệu của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đến tháng 10-2015, cho thấy cả nước có gần 40.000 ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Chi phí sử dụng xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng/năm/xe. Ước tính chi phí nuôi đội xe công lên đến 12.800 tỉ đồng/năm. “Đây là khoản tiền rất lớn, nếu tiết kiệm được sẽ tạo thêm nguồn cho cải cách tiền lương", ông nói.
Thực tế, trong nhiều năm qua, những cán bộ có tiêu chuẩn xe đưa đón đã sử dụng xe công như tài sản riêng của cá nhân và gia đình họ. Vì vậy, cần tiếp tục giảm các chức danh được sử dụng xe đưa đón, đưa phụ cấp bằng tiền quy đổi từ chi phí xe phục vụ vào lương của các chức danh hiện đang được hưởng.
Ngoài xe công, chi từ ngân sách cho hoạt động của các hội quần chúng cũng rất lớn. Theo “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014, tổng số tiền ngân sách nhà nước chi cho các tổ chức quần chúng công từ trung ương đến xã, phường, thôn là 14.023 tỉ đồng. Nếu cộng cả các khoản chi để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, chi cho BHXH…thì con số này có thể lên tới từ 45.000 tỉ đồng đến hơn 68.000 tỉ đồng.
Như vậy, nếu chuyển một tổ chức quần chúng công sang hoạt động theo cơ chế tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì ngân sách sẽ tiết kiệm được rất nhiều để cải cách lương.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, cải cách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới rất nhiều mặt của kinh tế, xã hội. Dựa trên ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong thời gian tới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.