4724. Công an ngang nhiên đánh người giữa chốn đông người lúc thanh thiên bạch nhật

Công an ngang nhiên đánh người giữa chốn đông người lúc thanh thiên bạch nhật


Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa nơi công cộng, các công an đã ra oai, ngang nhiên đánh nhà báo, thì thử hỏi, 1 nghi phạm khi vào phòng hỏi cung, xung quanh toàn là công an, ai dám chắc họ không bị đánh? Thực tế, đã có nhiều vụ dùng nhục hình như ở công an tỉnh Đồng Tháp, công an tỉnh Sóc Trăng… đối với nghi phạm, khiến sau đó nhiều công an phải ra hầu tòa.
Ngay sau khi 1 phóng viên ở Đắk Lắk phải nhập viện vì bị công an xã ngăn cản tác nghiệp, thì chỉ vài ngày sau, ngày 23.9, 1 PV khác bị công an đánh đập ngay tại thủ đô Hà Nội. Không cần trong phòng hỏi cung hay trại tạm giam gì cả, họ đánh ngay giữa thanh thiên bạch nhật!
Vài ngày trước, khi UBND xã Cư Pô, H.Krông Puk (Đắk Lắk) tổ chức cưỡng chế để lấy mặt bằng xây dựng nhà văn hóa thôn Nam Tân, anh Đỗ Thanh Hải, phóng viên VTC News cùng một số phóng viên báo khác đến hiện trường để theo dõi. Anh Hải đã đến gặp ông Nguyễn Viết Mùi, Phó chủ tịch UBND xã Cư Pô, người chủ trì buổi cưỡng chế, để xin phép tác nghiệp.
Tuy nhiên, khi anh vừa đến gặp, chưa kịp xuất trình giấy tờ, ông Mùi đã nói to vào loa cầm tay, gọi ông Trưởng công an xã đến kiểm tra và thu máy ảnh của anh Hải. Ngay sau đó, 1 công an xã đã lao tới xô anh Hải ra ngoài, đồng thời nhiều công an viên và lực lượng dân quân xã cũng xông vào khống chế thu máy ảnh của anh Hải…
Và anh Hải phải nhập viện vì những hành vi “không đẹp” của một số công an xã, như lời ông Trưởng công an huyện, sau đó đã bao biện cho thuộc cấp của mình. Và trên mạng xã hội, một số ý kiến bênh vực, cho rằng, đấy chỉ là hành động của công an xã, dân quân - những người không mấy chính quy.
Nhưng ngày 23.9, đánh phóng viên báo Tuổi Trẻ - Trần Quang Thế, là những công an hình sự chính quy, thuộc công an H.Đông Anh, TP.Hà Nội. Họ được đào tạo bài bản, học võ thuật, và thay vì dùng những gì học được để bắt cướp, giữ trộm, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thì họ “lấy ra” dùng để dạy nhà báo một bài học. Mà phóng viên Trần Quang Thế mắc tội gì, công an chưa trả lời?
Chưa hết, 1 clip tung lên trên mạng xã hội còn cho thấy, cùng thời điểm anh Thế bị đánh, còn một số phóng viên khác ở báo Pháp luật Việt Nam… bị một số công an mặc thường phục ngăn cản, đập máy ảnh…
Theo báo Tuổi Trẻ, chiều cùng ngày, thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS Công an H.Đông Anh, đã đến VPĐD báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, xin lỗi và thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng” và cho biết: “Đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”.
Xin lỗi là xong sao? Làm công an, hễ bị chút áp lực là có quyền đánh người khác? Do cán bộ trẻ, vậy sắp tới công an chỉ nhận người già để tránh những vụ đánh người? Chỉ xin hỏi, nếu ngược lại, anh Hải và anh Thế hơi “nóng tính” hoặc “có thái độ không đúng”, khiến 1 công an nhập viện hay bị thương tích chút thôi, điều gì sẽ xảy ra? Bị truy tố vì tội cản trở người thi hành công vụ, hay chỉ cần vị Trưởng VPĐD cơ quan báo chí đến công an xin lỗi là xong?
“Bọn em thông cảm đi, anh là người đứng đầu đơn vị mà có việc này thì nó không hay lắm”, đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng công an huyện Đông Anh, phân bua với PV Một Thế Giới như vậy.
Nhà báo có quyền hoạt động báo chí hợp pháp trên lãnh thổ nước Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Báo chí Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Thế mà nhà báo còn bị công an đánh, không bảo vệ được cả chính mình, thì làm sao người dân còn tin tưởng mà nhờ nhà báo đòi lại công bằng, lẽ phải khi bị cán bộ hà hiếp nữa?
Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa nơi công cộng, các công an đã ra oai, ngang nhiên đánh nhà báo, thì thử hỏi, 1 nghi phạm khi vào phòng hỏi cung, xung quanh toàn là công an, ai dám chắc họ không bị đánh? Thực tế, đã có nhiều vụ dùng nhục hình như ở công an tỉnh Đồng Tháp, công an tỉnh Sóc Trăng… đối với nghi phạm, khiến sau đó nhiều công an phải ra hầu tòa.
Phóng viên, đôi khi cũng có vài người hơi thái quá, hách dịch, hùng hổ xưng danh, hoặc vòi vĩnh làm bậy… Nhưng ai làm sai, đều bị cơ quan quản lý xử lý đích đáng. Và công an không có quyền đánh phóng viên hay bất cứ người dân thường, dù họ làm gì sai đi nữa! Mọi việc đều có pháp luật xử lý. Và nếu công an làm sai, phải xử lý đích đáng!
Mọi chuyện vẫn chờ thông báo kết quả xử lý của công an H.Đông Anh. Trước mắt, các nhà báo bị công an đánh, có lẽ chỉ tạm an ủi: “Công an họ còn bị… công an đánh nữa mà”. Bởi mới đây, tại Hải Phòng, khoảng 16 giờ ngày 2.9, khi xe ô tô 4 chỗ do anh Biện Hùng Cường (cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý trật tự kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh) xung đột làn đường với 2 xe mô tô do 2 anh em ruột là Phạm Bảo Linh và Phạm Bảo Duy (cán bộ Công an TP.Hạ Long) điều khiển cùng chiều, anh Cường còn bị đánh!
Cho rằng anh Cường cố tình điều khiển xe lấn đường, chèn ép, Linh và Duy đã ra tín hiệu cho xe ô tô rẽ vào cây xăng Cái Lân thuộc khu 10, phường Bãi Cháy. Tại đây, 2 bên lời qua tiếng lại và xảy ra xô xát khiến anh Cường bị thương. Sau đó người dân cùng nhân viên cây xăng đã đưa anh Cường đi cấp cứu tại bệnh viện…
Công an quyền lực quá? Bởi gần đây, hàng loạt đối tượng ở miền Tây bị bắt, hầu hết đều lừa đảo, nhận hàng trăm triệu ở mỗi nạn nhân chỉ để xin vào ngành công an. Còn ở miền Bắc, đầu năm 2016, Nguyễn Văn Điệp (SN 1984, quê Phú Thọ) bị bắt vì đã gom hơn 10 tỷ đồng của hàng chục người có nhu cầu vào học, làm việc trong ngành công an rồi đưa lại cho họ giấy báo nhập học, nhận việc giả… Hiếm khi nạn nhân bị lừa chạy việc vì muốn xin vào ngân hàng, doanh nghiệp…
Vào ngành công an, ngoài công việc ổn định, lương và phụ cấp khá cao, thì bộ cảnh phục tạo cảm giác cho người mặc như có nhiều quyền hành, khiến ai cũng muốn con cháu mình vào ngành? Quyền hành lớn tới đâu, xin không bàn tới. Chỉ biết, liên tục xảy ra nhiều vụ công an đánh dân, đánh nhà báo, là do phần lớn cấp chỉ huy giáo huấn không nghiêm, kỷ cương không vững.
Và quan trọng, khi xảy ra bê bối, chỉ huy còn định bao biện, bao che, xử lý chưa nghiêm, thì làm sao trị tận gốc nạn đánh người?
Hồ Hùng
(Một Thế Giới
.............................

Công an và nhà báo

PV báo Tuổi Trẻ (áo trắng) bị đấm vào mặt.
Trong chế độ xã hội này, cả công an và nhà báo đều là công cụ phục vụ cho lực lượng cai trị. Chỉ khác chút ít ở chỗ vẫn còn một số tờ báo, nhà báo dám lên tiếng phản ánh sự thực, đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng. Nhưng cũng chính vì thế mà họ trở thành "thế lực thù địch" với công an.
Vụ phóng viên báo Tuổi Trẻ bị những công an mặc thường phục đá song phi, thoi chảy máu mồm khi đang tác nghiệp hợp pháp sáng 23.9 trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) nói lên điều gì?
Xã hội này là xã hội công an trị. Công an có thể làm tất cả những điều họ muốn, kể cả việc đánh người, bắt người bất chấp pháp luật.
Theo tôi, ngoài những vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia hoặc cần giữ bí mật về người tham gia điều tra, còn lại những án kiểu như nói trên công an tham gia bắt buộc phải mặc sắc phục ngành, phù hiệu đàng hoàng, chứ đâu có cái thói quần jean áo pull rồi lao vào đánh người ta. Lỡ người ta chết thì lại quanh co chối bảo đó là quân côn đồ, đối tượng xã hội ở đâu chứ không phải trong ngành. Còn nếu các vị ấy bị dân chúng có võ nó uất ức vùng lên đánh lại thì nhà cầm quyền lại lớn tiếng quy kết họ chống người thi hành công vụ (nó biết đéo đâu là công vụ).
Mà tôi bảo thật, cứ kiểu ăn mặc ấy mà đánh càn, gặp đám dân đầu bò đầu bướu, nó chẳng cần biết là ai nó đập cho thì bỏ mẹ, chứ mặc quần áo công an may ra nó còn né cho.
Nguyễn Thông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.