4689. Có quyền trong tay muốn làm gì thì làm! (*)

Bán vé số dạo, sai gì mà phạt chục triệu?/ Nước mắt "người kinh doanh xổ số"

THU TÂM - Chủ Nhật, ngày 11/9/2016

PNTB: Bài này nhìn cái sự phạt bán vé số dạo dưới góc độ pháp luật, còn nhìn dưới góc độ đạo đức thì xem bài: Đã nghèo lại gặp cái eo của Nguyễn Thông. Hóa ra cả Pháp luật và đạo đức đều hỏng, hỏng cả! 
(PL)- Không mấy tự tin về sự may mắn trời cho, người hàng xóm của tôi chỉ thỉnh thoảng mua giúp vài tờ vé số từ những người bán dạo nghèo khó, lam lũ.

Lúc đầu, thông tin “vì bán vé số tỉnh Bình Thuận, nhiều người bán vé số dạo ở Ninh Thuận đã bị phạt cả chục triệu đồng” làm anh bán tín bán nghi. Chừng khi thấy báo chí đưa lên mạng quyết định xử phạt cụ thể của chánh Thanh tra Sở Tài chính tỉnh này (mà theo đó một người ngụ xã An Hải, huyện Ninh Phước với nghề nghiệp được ghi nhận là “bán vé số dạo” đã bị phạt 10 triệu đồng và còn bị tịch thu 77 vé số sai địa bàn) thì anh thở dài sườn sượt “hiểu không nổi mấy ông này”...
Quyết định xử phạt trên cho rằng người bán dạo vé số tỉnh khác đã thực hiện kinh doanh xổ số không đúng địa bàn, vi phạm Điều 8 Nghị định 98/2013 (mức phạt 10-20 triệu đồng).
Tuy nhiên, chiếu theo các quy định liên quan (hai nghị định 30/2007, 78/2012, Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính), kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ những doanh nghiệp được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số. Chính các doanh nghiệp này (tức các công ty xổ số kiến thiết (XSKT) của các tỉnh, thành) phải kinh doanh trên địa bàn được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và nếu vi phạm sẽ bị chế tài.
Theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về ba khu vực kinh doanh xổ số, các công ty XSKT tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, TP.HCM… phải hoạt động kinh doanh; phải phát hành vé số của mình ở các tỉnh trong khu vực miền Nam. Các công ty XSKT tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên… thuộc khu vực miền Trung cũng có trách nhiệm tương tự. Ngoài việc bán trực tiếp cho khách hàng, các công ty XSKT còn được phân phối vé số thông qua các đại lý.
Riêng đối với đông đảo người bán lẻ (đa phần mua lại từ các đại lý vé số với số lượng ít - thường thấy ở những người bán dạo; hoặc với số lượng nhiều - thường thấy ở những người như cách gọi của ông Nguyễn Khoa Hào, Chủ tịch Hội đồng XSKT miền Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT Ninh Thuận, trên Pháp Luật TP.HCM ngày 9-9 là “đầu nậu”, mà từ họ vé số sẽ được lưu thông khắp nơi theo quy luật cung-cầu thì những văn bản trên không đề cập đến.
Như vậy, khi không có căn cứ pháp lý nào để bắt buộc những người bán lẻ phải bán theo địa bàn, kiểu như đang hành nghề ở Ninh Thuận thì chỉ được bán vé số của Ninh Thuận chứ không được bán vé số của Bình Thuận… thì có thể cho rằng Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận đã làm sai khi áp dụng Điều 8 Nghị định 98/2013 để xử phạt họ.
Trở lại việc kinh doanh theo địa bàn, ắt là Bộ Tài chính có lý do để ràng buộc các công ty XSKT phải hoạt động theo kiểu “rừng nào cọp nấy”. Tạm chưa bàn quy định này thực sự được gì và chưa được gì đối với các công ty XSKT nhưng từ vụ phạt người bán vé số dạo ở Ninh Thuận cho thấy đây là việc “ngăn sông, cấm chợ” duy ý chí chỉ có ở thời bao cấp.
Với các công ty XSKT, chính quyền có thể yêu cầu họ không được kinh doanh, phân phối, phát hành trái tuyến. Song với tờ vé số, lý gì và làm sao các cơ quan chức năng có thể khoanh vùng được địa bàn tiêu thụ, đi ngược lại cơ chế thị trường?
Trên báo Thanh Niên ngày 5-9, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận, cũng cho biết Công ty XSKT Ninh Thuận đã có văn bản gửi các công ty XSKT lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận... yêu cầu các đại lý không được phát hành vé số trái tuyến nhưng đến nay vẫn không quản lý được. Thừa nhận này đồng nghĩa với việc Bộ Tài chính nên xem xét lại quy định về địa bàn kinh doanh xổ số đã nêu ở phần trên; UBND tỉnh Ninh Thuận nên chấm dứt cách xử lý thiếu thuyết phục, không khả thi để những người bán lẻ vé số không còn bị phạt oan uổng.

TIN LIÊN QUAN


THU TÂM
(PL TP HCM)
(*) Title dẫn Link do PNTB
------------------------------------

Nước mắt ‘người kinh doanh xổ số’

NGƯỜI SÀNH ĐIỆU - Thứ Hai, ngày 5/9/2016

Nắng chói nắng chang…
Chị bước đi thất thểu, mệt và khát nước. Làn da phụ nữ bao nhiêu tháng ngày phơi nắng phơi gió, đen cháy và khô cằn. Bàn tay chị run run cầm xấp vé số, một phần cầm mời khách, phần khác hết cặp nách lại giấu kín trong giỏ, ai hỏi mới rụt rè đưa ra.
Trong lòng chị dấy lên một niềm vinh dự xen lẫn buồn tủi. Chị có ngờ đâu từ lâu, ẩn trong cái nón lá rách bươm và lớp áo bạc phếch, chị đã là “người kinh doanh xổ số” chứ không còn là kẻ bán vé số dạo kiếm từng đồng bạc hoa hồng.
Rồi sau cái niềm vinh dự trên, nỗi tủi phận ập đến, nước mắt trào ra không ngăn được. Chỉ bán vé số tỉnh nhà thì không đủ nuôi con, bán của nơi khác thì cứ phải giấu giấu giếm giếm. Cán bộ mà phát hiện việc bán vé số khác vùng, chị sẽ bị coi là “kinh doanh vé số không đúng địa bàn”, có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. Số tiền ấy là công sức biết bao mồ hôi chị đổ xuống qua mỗi ngày lê bước bất kể nắng-mưa, khỏe-bệnh. Mất đi khoản ấy, thằng Tý, con Lụa nhà chị có thể thất học, có thể sau này cũng phải lê bước bán dạo như mẹ của nó…
Chị khóc vì có những quy định khắt khe nhưng lại chưa rõ ràng, thành thử nghiệt ngã cả với những người lao động nghèo chắt mót từng đồng lẻ như chị.
Chị chỉ là người bán vé số dạo kiếm bữa cơm thôi mà…
Ninh Thuận, ngày 5 tháng 9 năm 2016
NGƯỜI SÀNH ĐIỆU


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.