4683. Ăn cháo đá bát hay... đái bát?

Ăn cháo đá bát hay... đái bát?

PNTB
PNTB: Bài này mình đăng cách nay đã 3 năm có lẻ, nay có người bảo vẫn thích, ông nên đăng lại cho nhiều người đọc.

Trong những năm gần đây, mình đọc trong các tác phẩm văn học hay báo chí khi ví von về sự vô ơn, bội nghĩa của con người, các tác giả thường dẫn câu tục ngữ “Ăn cháo đá bát”.  Nhưng ngay từ khi để chỏm, mình vẫn thường nghe các cụ nói “Ăn cháo đái bát”, nguyên văn là “Đồ ăn cháo đái bát”.


Minh họa. Ảnh Internet
Vậy câu nào đúng? Nói ngay cho nhanh: cả hai câu đều đúng. Nhưng nếu vậy thì bàn làm gì cho mất thì giờ? Không, bà con cứ để mình nói. Mình muốn nhân việc này nói đến tính chân thực của ngôn ngữ văn học, báo chí. Xưa nay ta hay mắc bệnh sĩ, viết lách toàn chọn những chữ cao siêu, bác học hoặc ra đều lịch sự, không dám nói tục, nói thẳng chữ của người dân, của những người thợ cày, thợ cuốc, thợ mộc, thợ nề...mà chỉ thích nói những chữ sáo của tầng lớp trên, tầng lớp cai trị. Ngôn từ của họ thường được đánh bóng, tỏ ra lịch sự, tránh những chữ tục tằn của lớp người bị coi là “dân ngu cu đen”. Khi “chém gió” ở chỗ đông người thì có vẻ lịch sự, nhưng khi về với cuộc sống đời thường thì họ cũng là con người, cũng bộc lộ hết những khuyết tật như nó vốn có, cũng ăn tục nói phét như thường. Ở những chỗ kín đáo, họ cũng đầy rẫy những thói hư, tật xấu. Chả thế mà ca dao có câu: “Ban ngày quan tựa như thần/ ban đêm quan cũng lần mần như ma”.

Quay lại câu tục ngữ “ăn cháo đá bát” hay “ăn cháo đái bát”? Sở dĩ mình cho rằng hai câu đều đúng vì xuất phát điểm của nó là câu: “ăn cháo đái bát” rồi sau xuất hiện dị bản “Ăn cháo đá bát”. Văn học dân gian có thể và có quyền có nhiều dị bản. Song theo mình, có thể câu “Ăn cháo đái bát” là có trước. Vì nó là tiếng nói của nông dân. Hầu hết dân ca, ca dao, tục ngữ Việt nam là của nông dân bởi nước ta là nước nông nghiệp, trước đây nông dân chiếm hơn chín mươi phần trăm, nay vẫn còn đến sáu, bẩy mươi phần trăm. Mà nông dân thì thật thà như củ khoai, củ sắn. Họ nghĩ gì nói nấy, không phải cân nhắc, gọt giũa, đánh bóng... Họ ví cái kẻ vô ơn, bội nghĩa như người vừa ăn cháo xong lại măn cặc đái ngay vào bát. Hành vi ấy nghe có vẻ đểu của con người vô ơn nhưng nó không thâm hiểm và mang tính bạo lực. Cách nói ấy cũng rất đúng tính cách của người nông dân. Người nông dân là tầng lớp lao động dưới cùng của xã hội. Nếu có kẻ phản bội lại nhau, họ không dùng mưu mô thâm hiểm hay bạo lực đấm đá.  Vũ khí của người nông dân là chửi tục hoặc vạch cái của quý (của cả đàn ông hoặc đàn bà) ra cho đối phương thưởng thức! (cho ăn, cho mút, cho liếm, cho bú...). Họ ví cái thằng vô ơn là cho ăn rồi còn quay lại đái vào bát, vào chính cái vật vừa đựng cháo cho hắn ăn, thì đấy mới đúng là tính chất của nông dân. Vì thế, cái hành động “đá” bát chỉ là dị bản, do những người muốn dùng từ “lịch sự”, muốn tránh chữ “đái” mà thôi.

Giếng làng. Ảnh Internet
Trong câu tục ngữ trên còn một vế nữa là “Rửa mặt đái cầu ao”. Ở vùng đồng bằng Bắc bộ hầu như nhà nào cũng có một cái ao. Cái ao để thả cá tạp cải thiện bữa ăn. Cái ao còn thả bèo tây, bèo cái, bèo tấm để nuôi lợn. Đặc biệt là nước sinh hoạt như tắm, rửa thì phải trông vào ao. (Riêng nước ăn thì đi gánh ở giếng làng hoặc tích nước mưa vào bể hay chum, vại...) Bởi vậy, ao nhà nào cũng phải bắc một cái cầu để lấy chỗ tắm giặt, rửa ráy. Cái cầu thường bắc bằng tre hoặc gỗ. Nhà nào khá giả thì xây bằng gạch hoặc đá tảng. Cái hành vi vô ơn được ví như vừa xuống cầu ao rửa mặt xong lại vạch con cu ra đái ngay xuống chỗ vừa rửa mặt. Câu “Rửa mặt đái cầu ao” như một vế đối của “Ăn cháo đái bát”. Không thể “đá bát” lại đối với “đái cầu ao” được. Phải không bà con nhỉ?


Chẳng biết ai thích câu tục ngữ “Ăn cháo đá bát” chứ mình thì mình cứ nói/ viết toẹt ra là “Ăn cháo đái bát” cho nó đúng với bản chất nông dân từ đời cụ kỵ nhà mình. 

Nhân đây, mời bà con đọc hai bài thơ về cái Cầu Ao 

CẦU AO
LÊ KHÁNH MAI

Những thân cây ghép lại thành cầu ao
cọc gỗ liêu xiêu dựng đầy rêu xám
những con ốc nhồi chậm chạp bò lên rồi rơi xuống
chúng chẳng bao giờ leo lên được bờ đâu
giặt giũ, rửa rau tay mẹ nát nhàu
lưng áo gụ cong trên cầu ao nhỏ
quần thâm xắn hờ
bàn chân khốn khó
mẹ một đời quanh quẩn ao nhà
đám bèo tây dạt về hướng gió
ngẩng nhìn trời tím ngát màu hoa
chúng yên phận sinh sôi nẩy nở
nào dám mơ một chuyến đi xa

Tuổi dậy thì ra cầu ao xõa tóc
tôi soi mình xuống mặt nước làm duyên
ồ bóng ai sao mà lạ quá
sóng cầu vồng gợn nét lung linh
bàn tay tôi sục vào nước mát
vờn đuổi theo vài chú cá lòng tong
những chú cá tinh ranh chẳng nhầm tôi – Cô Tấm
chúng lặn sâu xuống tận đáy bùn

Tôi hát vu vơ bài ca về biển
chấp chới trong hồn một cánh buồm nâu
ôi cánh buồm
đi về trong khát vọng
đã mọc lên từ một góc ao nghèo


Vịnh cái Cầu ao
Thích Quảng Độ

Khen ai khéo đặt chiếc cầu ao
Một mình một khoảnh giữa trời cao
Hai phiến gỗ tươi bền biết mấy
Một thanh sắt nguội chắc làm sao
Ngày hạ phơi gan trong mưa nắng
Đêm đông trải mật dưới trăng sao
Năm tháng nổi chìm chung với “nước”
Cùng nhau chia sẻ nỗi lao đao./

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.