4653. Quan hệ "thân hữu" đang làm hỏng quá trình cổ phần hoá
Quan hệ
"thân hữu" đang làm hỏng quá trình cổ phần hoá
![]() |
Minh họa: Ngọc Diệp |
(Dân trí)
- Trong dự thảo đề án "Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020" do
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ra tại một hội thảo giữa tuần
trước, khi đánh giá về quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước hiện
nay có một câu rất đáng chú ý. Đó là: "Quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp
với quan chức nhà nước vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi doanh nghiệp đã
được CPH".
Đây là một
nhận xét khá mới mẻ nhưng buồn thay, nó lại quá đúng. Và chính điều này, có thể
nói, đang là một nguyên nhân khiến qúa trình CPH khối DNNN đang trì trệ trở lại
kể từ khoảng giữa năm 2015 trở lại đây.
Trong một nỗ lực
nhằm cải cách, tái cơ cấu kinh tế ở khối DNNN, từ đầu năm 2014, Chính phủ đã đề
ra kế hoạch CPH 415 doanh nghiệp cho đến hết năm 2015.Người viết bài này còn
nhớ, ở thời điểm đầu năm 2014, đã có những tuyên bố rất mạnh mẽ được đưa ra,
như câu nói của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:"Nếu DN nào không hoàn
thành CPH (theo kế hoạch), lãnh đạo sẽ bị điều chuyển".
Tuy nhiên, theo số
liệu từ Văn phòng Chính phủ thì tính đến cuối năm 2015, kế hoạch này đã bị đổ
vỡ với trên 70 DN đã không hoàn thành kế hoạch CPH. Từ đó đến nay, không thấy
ai nói đến kế hoạch này và cũng không thấy lãnh đạo của một DN nào chưa thực
hiện được CPH bị điều chuyển, kỷ luật, thậm chí dù là "kiểm điểm" hay
"rút kinh nghiệm" cũng không.
Nguyên nhân của
tình trạng trì trệ này có nhiều và còn cần Chính phủ tổng kết, công khai. Nhưng
như nhận xét của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, "CPH khối
DNNN (vừa qua) đã không làm giảm sự can dự của Nhà nước vào nền kinh tế vì quan
hệ thân hữu giữa DN với quan chức nhà nước vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả
khi DN đã được CPH".
Câu nói này đã quá
dễ để chứng minh bởi những câu chuyện thực tế đã xảy ra ở một số DN có qui mô
lớn như Tổng công ty cổ phần rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng
công ty cổ phần rượu bia và nước giải khát Hà Nội, một số doanh nghiệp ngành
dầu khí...
Như ở Sabeco, quan
hệ cha con giữa cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với ông Vũ Quang Hải, Phó tổng giám
đốc Sabeco, rồi quan hệ của ông với những người thân tín khác mà ông đưa về làm
lãnh đạo tại Công ty này... rõ ràng đã ảnh hưởng tai hại đến sự phát triển của
Sabeco khi công ty này lần nữa không chịu niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Chính bởi những
quan hệ thân hữu quá chặt chẽ đó, không chỉ ở Sabeco mà nhiều DN khác đã được
CPH, người ta vẫn níu giữ những chính sách, những quy định để DNNN, kể cả khi
đã CPH không trở thành công ty đại chúng thực sự, không công khai, minh bạch.
Ví dụ như chần chừ, không chịu "lên sàn", giữ tỷ lệ sở hữu nhà nước
cao, chiếm đa số (80-90%), để Nhà nước vẫn giữ quyền chi phối, để những người
lãnh đạo trong DN đó còn được giữ "ghế", giữ vững quyền, lợi cho cá
nhân mình, cho "nhóm" của họ.
Mối quan hệ khăng
khít: Quan chức-lãnh đạo doanh nghiệp đó, chính là "nhóm lợi ích",
thao túng toàn bộ hoạt động doanh nghiệp. Ở những công ty cổ phần mạnh, đôi khi
"nhóm" đó làm đủ mọi việc để đem lại lợi ích cho mình và làm hại cho
doanh nghiệp về phát triển dài hạn: Lãnh đạo công ty tự ý hạ giá cổ phiếu xuống
thấp để "người của mình" mua vào, dần chiếm hữu cổ phần, đến khi giá
thị trường được đẩy lên cao, thì lại bán ra để thu lợi.
Thực tế đáng buồn
đó dẫn đến hệ quả, theo như số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế từ
năm 2012 đến tháng 10/2015 cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ
đồng. Nghe tưởng rất do nhưng xét về giá trị tuyệt đối, con số này thực tế chỉ
tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN
trong cùng thời kỳ.
Như vậy, cứ hô hào
đẩy mạnh, rồi quyết tâm, tuyên bố "trảm" lãnh đạo nếu không chịu CPH
nhưng thực tế, có những cán bộ, quan chức Nhà nước cố kết với người thân,
"cánh hẩu" của mình ở DN, duy trì đặc quyền, đặc lợi thì đó vẫn chỉ
là tuyên bố, hô hào suông. Các DNNN vẫn không thể có các nhà đầu tư giàu kinh
nghiệm, năng lực, nguồn vốn lớn tham gia để có thế thay đổi quản trị DN... thì
những DNNN đó tuy là "bình mới" nhưng vẫn là chứa "rượu cũ".
Khối DN đó, vẫn
trì trệ, thua lỗ, để lại nhiều hậu quả khó giải quyết cho nền kinh tế và những
cán bộ, quan chức với người thân,'"cánh hẩu" của họ vẫn giàu có nhờ
lộng hành, tự tung tự tác được ở các DN "béo bở" của Nhà nước thì còn
lâu nền kinh tế mới phát triển được, nếu không nói sẽ còn trì trệ, thụt lùi.
Mạnh
Quân (Dân trí)
Nhận xét