4635. Bác sĩ thất nghiệp: Diễn biến tất yếu

Bác sĩ thất nghiệp: Diễn biến tất yếu

Sinh viên ngành Y đăng thực tập - Ảnh Internet
Đại học Y Dược TPHCM phải tuyển bổ sung 400 chỉ tiêu. Đại học Y Hà nội có 50 suất bác sĩ đa khoa bị ế. Hai trường thuộc top đầu của ngành y, cũng là top đầu của các trường đại học của Việt Nam hàng năm, đã bắt đầu giảm đi độ hot của mình.
Nhiều người cho rằng điều này rất khó lí giải. Tuy nhiên, tôi không thấy bất ngờ.
Cách đây 30 năm, khi tôi còn chưa chính thức ra trường, tôi đã được bệnh viện gởi công văn xin phân công về bệnh viện. Mặc dù không phải không có thế lực, không có mối quen biết, nhưng tôi đã hoàn toàn không phải sử dụng những thứ đó. Chỉ là khi sinh viên, tôi theo các đàn anh, và các anh chấm tôi. Nói cho ngay, khi ấy, bác sĩ còn có giá lắm, chỗ nào cũng thiếu, nên chẳng ai muốn về cái khoa cực kì vất vả đó.
Chỉ vài năm sau, các đàn em của tôi đã bắt đầu phải khó khăn lắm mới chen chân được vào bệnh viện. Thường các em phải đi “công quả” (làm việc không lương), vài tháng, dần dần lên đến vài năm, mới được kí hợp đồng với bệnh viện. Có trường hợp làm không công đến 10 năm, không được kí hợp đồng, cuối cùng về làm phòng khám tư. Đấy là chưa kể tôi còn nghe xì xào về những khoản nào đấy để giành được một chỗ làm việc trong bệnh viện.
Với tất cả những khó khăn như vậy, các bác sĩ được cái gì? Cái được lớn nhất là sự hãnh diện, rằng làm việc tại bệnh viện tuyến cuối. Có khi ở tại bệnh viện thì chẳng là gì, nhưng khi đi xuống các tỉnh chuyển giao công nghệ, cứ được coi như là cấp trên. Gia đình, dòng họ cũng thơm lây, rằng có con làm ở bệnh viện hàng đầu, đương nhiên là giỏi.
Còn lương? Trong suốt 20 năm tôi làm việc ở bệnh viện, kể cả khi tôi có bằng tiến sĩ, tất cả các khoản thu của tôi được lãnh từ bệnh viện, kể cả bồi dưỡng phẫu thuật, tiền ABC… chưa bao giờ lên đến 10 triệu. Số tiền này không đủ để tôi trang trải cho việc mua sắm, tiêu xài những thứ phục vụ ngay cho công việc của bệnh viện: mua dụng cụ mổ, tiêu xài khi đi công tác các tỉnh (đi khá thường xuyên).
Có người bảo, cái tiếng của bệnh viện giúp tôi làm phòng mạch khá đắt hàng. Không biết điều này có đúng không, vì một số đàn anh của tôi rất giỏi nhưng phòng mạch lại vắng hoe. Nhưng với những đàn em tôi sau này, gần như đa số đã có cơ sở kinh tế vững chắc ngay trước khi bước chân vào bệnh viện, nên yếu tố phòng mạch không hấp dẫn họ lắm.
Đấy là câu chuyện xảy ra ở cái bệnh viện thuộc top đầu của cả nước. Mỗi năm, các trường Y ở Việt nam đào tạo ra vài ngàn bác sĩ, có bao nhiêu người vào được các bệnh viện top đầu như vậy? Theo thông tin mới đây, một bệnh viện tư ở miền Bắc, muốn vào làm phải kí quĩ một khoản tiền lớn hơn cả năm lương, và đổi lại là bị nợ lương nhiều tháng.
Tôi biết 2 người đã học xong bác sĩ, ra trường không xin được việc làm, chuyển sang học ngành khác. Cả hai đều đã trở thành tiến sĩ, một kinh tế, một tin học, đều đang giảng dạy ở các trường đại học. Một anh bạn tôi không thể đi làm với một năm 8-9 tháng đi lên rừng bắt muỗi, về mở một chuỗi tiệm vàng vô cùng thành công ở khu Dakao.
Thực ra khái niệm không xin được việc chỉ là tương đối. Tuy nhiên, nếu như chấp nhận về tuyến dưới hay vùng sâu vùng xa, thì có nghĩa là bạn đã chấp nhận làm một bác sĩ hạng hai. Qui định phân tuyến đã không cho phép bạn được giỏi chuyên môn. Bạn có thể yêu nghề khi lương thì không đủ sống, muốn làm nghề cho tốt thì cũng không được phép?
Một bác sĩ học 6 năm ra trường, đi làm 18 tháng, xong rồi học 2 năm chuyên khoa cấp I (thường là gần 3 năm) mới có thể được đứng hành nghề độc lập. 10 năm. Với khoảng thời gian đó, bạn bè của anh ta đã kịp trở thành những người thành đạt, đã có sự nghiệp và nếu may mắn, đã có nhà, có xe… Đấy là chưa kể, làm bác sĩ có nghĩa là luôn được gắn liền với nguy cơ được cho là vô cảm, vô lương tâm, trở thành đối tượng để kền kền săn đuổi, để những kẻ vô học thoá mạ, mạt sát.
Việc các bạn thuộc top đầu từ chối ngành y là một diễn biến tất yếu. Các bạn là tinh hoa, các bạn hoàn toàn có thể trở thành Bill Gate, thành Mark Zuckerberg… tại sao lại biến mình thành kẻ phải chật vật mới đủ sống, lại còn luôn bị khinh rẻ?
Võ Xuân Sơn
(FB Võ Xuân Sơn)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.