4599. Về nghệ thuật – 1

Về nghệ thuật – 1

Thái Bá Tân
Tranh Duy Nhựt
PNTB: Nhân ông Thái Bá Tân viết tản văn Về nghệ thuật 1, mình kể câu chuyện có thật này. Năm 2000 mình được đi Bắc Kinh tham quan Cuộc Triễn lãm Mỹ thuật toàn quốc của Trung Hoa. Phải nói trên giời dưới tranh, đủ các thể loại, phong cách. Là một kẻ ngoại đạo, khi xem đến quầy tranh trừu tượng, mình thấy “ù ù cạc cạc”, chẳng khác gì vịt nghe sấm, gà xem vũ ba lê. Đứng trước một bức tranh khổ lớn, cao hơn đầu người, mình có cảm giác như có một bà nhà quê nào đó nghiện trầu thuốc nhổ bừa quyết trầu vào  toan ! Mình kéo tay ông bạn đi cùng, là Hiệu phó Trường Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hỏi: “Này ông ơi, tôi không hiểu gì bức tranh này. Ông giải thích giúp: Họ vẽ cái gì thế ?”. Ông giáo sư mỹ thuật ngắm nghía một lát rồi trả lời gọn lỏn: “Thực tình tôi  cũng chả hiểu gì!...”. Tôi đâm ra hoang mang như khi đọc những vần thơ viết bằng tiếng Việt của một số nhà thơ trẻ thời @, mà cứ ngỡ mình đánh vần tiếng nước ngoài khi chưa học ngôn ngữ đó.
Tuy nhiên mình nghĩ, nghệ thuật trừu tượng là có thật, những tác phẩm giá trị cao ở thể loại này là có thật. Nhưng vì nó trừu tượng, không phải ai cũng có thể hiểu ngay được, cho nên lợi dụng đặc tính này mà những họa sĩ rởm hoặc những kẻ háo danh, mượn danh họa sĩ để bôi màu vào toan, lòe thiên hạ. Kẻ xem mà có máu “sĩ bọ” thì cũng gật gù khen đẹp, ra vẻ ta đây hiểu được “triết lý uyên thâm” trong tranh. Với bối cảnh “dối trá lên ngôi” như hiện nay thì loại này đang sinh ra như nấm. Họa sĩ cái con khỉ gì mà chỉ biết vẽ “bóp méo”, bảo tả thật một cái chân dung con người thì vẽ người ra… khỉ! Khổ thế đấy.

Thái Bá Tân: Mới đây có ông bác sĩ người Anh bỏ ra 33 nghìn đô-la để mua một bức tranh sơn dầu thuộc trường phái hiện đại. Hiện đại đến mức trên bức tranh ấy không có gì khác ngoài màu trắng của toan vẽ! Người mua tuyên bố đây là một tác phẩm tuyệt đẹp xứng đáng với chừng ấy tiền ông ta bỏ ra. Còn hai người bạn thân của ông thì bảo ông điên rồ, dở hơi, vân vân. Cứ thế họ tranh cãi nhau về "giá trị nghệ thuật". Không ai chịu ai, cuối cùng dẫn đến ẩu đả. 

Chuyện tưởng như đùa nhưng có thật. Dựa theo đó, người ta đã viết một vở kịch có tên là "Nghệ thuật" đang được trình diễn ở sân khấu Luân Đôn và một số nơi khác. Cũng có thật cả việc những "bức tranh" trừu tượng do voi vẽ hoặc súng phun mực trẻ con té bẩn mà thành, có giá nhiều nghìn đô-la.
Thị hiếu mỗi người một khác, tất nhiên, và giá trị tác phẩm nghệ thuật, cứ cho bức tranh không vẽ gì kia là một tác phẩm nghệ thuật, phụ thuộc vào thị hiếu của từng người cụ thể. Tất nhiên ông bác sĩ kia có quyền tiêu tiền theo cách ông ta muốn.
Tôi là người bảo thủ, không chỉ trong hội họa mà cả văn chương, âm nhạc và kiến trúc. Có thể đó là hạn chế và thiệt thòi vì tự tôi tước đi của mình cảm thụ cái đẹp của sự mới mẻ không khuôn phép. Nhưng như người khác, tôi cũng có quyền giữ cho mình cách đánh giá riêng về nghệ thuật.
Tôi có dịp đi nhiều nước, thăm nhiều bảo tàng danh tiếng thế giới. Mỗi lần đứng trước một tác phẩm trừu tượng, siêu hiện đại kiểu vừa nói, tôi luôn cảm thấy lúng túng không biết nên nghĩ gì. Tôi không có lý do nào để phủ nhận chúng. Chẳng qua không thích, đơn giản thế thôi. Và tôi bỏ đi. Tuy nhiên, lần nào trong đầu vẫn quanh quẩn mãi câu hỏi mà đến bây giờ vẫn không trả lời nổi: Phải chăng đó là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, xứng đáng với lời khen và cái giá của người đời? Còn tôi do ngu dốt nên không nhận ra giá trị của chúng? Thường những lúc ấy tôi lại nhớ đến câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Andersen về ông vua cởi truồng.
Xin thêm một ý nhỏ: Nếu để ý, ta sẽ thấy hiện nay số lượng họa sĩ vẽ tranh trừu tượng rất nhiều, còn người vẽ theo phong cách cổ điển (với nghĩa giống thật) thì ít hơn hẳn. Chắc phải có lý do của nó. Trong số những người tôi quen biết, không ít người xưa nay vốn xa lạ với hội họa bỗng dưng đổi nghề thành họa sĩ. Họ cũng mở triển lãm và đôi khi bán được tranh. Có điều tôi chưa thấy người nào giữa chừng chuyển sang chơi nhạc cổ điển. Chơi pianô như Đặng Thái Sơn chẳng hạn. Để có thể bước lên sân khấu, Đặng Thái Sơn phải tập đàn mỗi ngày từ sáu đến mười giờ liên tục trong hai mươi năm. Ít nhất cũng phải mười lăm năm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.