4539. Vàng ơi, mở hầu bao ra !

Mở kho 500 tấn vàng trong dân và câu chuyện niềm tin

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Người dân có thói quen mua vàng tích trữ
(Tamsugiadinh.vn) - Lượng vàng đang cất giữ trong nhà dân ước khoảng 500 tấn tương đương 20 tỷ đô la. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia... Chính phủ có thể phát hành chứng chỉ, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ý tưởng mở kho vàng 500 tấn trong dân nghe thì hay ho, thiết thực, song không dễ trở thành hiện thực. Chính phủ từng ra Nghị định số 24/2012 để Ngân hàng nhà nước nghiên cứu các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ quốc kế dân sinh. Song đã bốn năm trôi vèo, câu chuyện huy động vàng trong dân vẫn chỉ là mưu tính.

Bất cứ một doanh nghiệp, một quốc gia nào phát triển cũng cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh và... trả nợ. Huy động vốn có thể từ trong nước và từ ngoài nước với nhiều loại hình khác nhau, nhưng có 1 cách phổ biến mang hiệu quả cao là... vay tiền. Vay ngân hàng trong nước, vay ngân hàng nước ngoài bằng ngoại tệ theo hình thức ngắn, trung, dài hạn. Vay vốn ODA. Vay ngoại tệ, trả bằng hàng hóa...
Nhưng, vay vàng của dân để Chính phủ chi tiêu thì... rất hiếm trên thế giới. Vậy mà, có một thời Chính phủ nước ta làm được, không những không phải vay, mà lại được đồng bào hiến tặng.
Những ngày đầu non trẻ của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đối mặt với vô vàn khó khăn: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Người dân tham gia Tuần lễ vàng ủng hộ Chính phủ 
Việt Nam dân chủ cộng hòa (70 năm trước)
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: "Tiền mặt ở Ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ có 1.250.000 đồng đông dương, trong đó có 580.000 đồng bằng hào nát mà số nợ lại lên tới hơn 564.000.000 đồng…". Để khắc phục khó khăn, Chính phủ tổ chức "Tuần lễ vàng" từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, vận động nhân dân quyên góp tiền bạc vật chất ủng hộ nền độc lập.
Cả nước hào hứng, không tiếc của cải, tiền bạc ủng hộ Chính phủ, đến mức thành ca dao: “Đeo bông chỉ tổ nặng tai/ Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng!/ Làm dân một nước vẻ vang/ Đem vàng cứu nước giàu sang nào tày!/ Góp vàng đổi súng cối xay/ Bắn tan giặc, nước có ngày vinh quang”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi: "... Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận”. 
Khí thế toàn dân hừng hực tự nguyện quyên góp tiền của cho nhà nước, bởi họ ý thức được việc làm của mình với niềm tin vô bờ: “Hãy đem vàng để phụng thờ nước non!/ Người còn thì của hãy còn/ Nước tan, nhà mất vàng son làm gì”.
Trong ngày đầu “Tuần lễ vàng”, nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - chủ hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang ủng hộ 117 cây vàng. Tổng cộng toàn bộ quá trình nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Chính phủ lâm thời 5147 lạng vàng. Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà – chủ hãng sơn nổi tiếng hiến tặng toàn bộ số nữ trang vàng bạc, đá quý 10,5kg trong lần đầu tiên.
Bà Tam Kỳ xếp 300 lạng vàng vào hộp bánh ủng hộ ngân khố quốc gia... Chỉ trong “Tuần lễ vàng” đầu tiên nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Xin nhấn mạnh, toàn bộ số tiền bạc đó đồng bào hiến tặng, chứ không phải cho Nhà nước vay, lấy lãi. Sức mạnh nào để đồng bào quyên góp tiền bạc vật chất mà không mảy may ân hận, tiếc nuối như thế? Chỉ có thể trả lời một cách chắc chắn là... Niềm Tin.
Bây giờ, muốn huy động vàng trong dân, có chuyên gia đề xuất phát hành “Chứng chỉ vàng”, có nghĩa là đồng bào đưa vàng ra và nhận lấy giấy chứng nhận đó. Cầm giấy thay cho cầm vàng, đưa vàng thật lấy “vàng giấy”. Để làm được điều này cũng cần phải gây dựng được niềm tin.
Niềm tin ấy chính là: Kinh tế ổn định, phát triển, giá cả giữ ở mức phù hợp, lạm phát thấp. Niềm tin ấy còn là câu chuyện huy động vàng như thế nào, và sử dụng nguồn lực vàng ấy có hiệu quả ra sao?
Nếu có niềm tin vào chính sách của Nhà nước,
dân sẽ tự động mở hầu bao
Trước hết, con số 500 tấn vàng đang được tích giữ trong dân chỉ là phỏng đoán. Tại sao không phải là hơn 500 tấn, hoặc ít hơn? Có dự đoán số liệu này phải là 1.000 tấn vàng. Người nào phê phán dân Việt có của mà giữ bo bo, không dám không tin đưa tiền của vào vòng quay sản xuất, kinh doanh..., là thiếu cái nhìn thực tế, toàn diện.
Bởi giữ cất vàng trong nhà là một tập quán, thói quen của dân Việt. Ai đó làm chính sách huy động nguồn lực vàng trong dân phải nghĩ ngay đây là việc làm khó. Người dân có vài chỉ, vài cây, thậm chí có cả hầm vàng trong nhà cũng bởi tâm lý tích cốc phòng cơ, sắm “của để dành” từ ngàn đời nay.
Ngoài cái sự dành dụm chờ đến lúc dựng vợ gả chồng cho con cái, thì tâm lý dự phòng là số một. Đói rét. Lũ lụt. Binh đao nước lửa... triền miên ở cái xứ sở hình chữ S khiến ai cũng phải nghĩ lo thân đề phòng hậu sự. Người đứng tuổi đã từng qua những đận đổi tiền 10 đồng ăn một, đã từng sống trong những năm cuối cùng bao cấp lạm phát phi mã đến đỉnh điểm 700%, nên thói quen trữ vàng phòng thân khó có thể thay đổi. 
Thói quen tích trữ vàng do chiến tranh, do đói nghèo thời bao cấp, và cả do sự thay đổi đến các chính sách điều hành quản lý kinh tế tài chính qua các thời kỳ. Người dân gần như miễn nhiễm với các biện pháp huy động nguồn sức mạnh vàng, hoặc cấm đoán, họ cất vàng vào ống bơ, vào két bạc, rồi là vàng ngủ yên, rất khó gọi “Vừng ơi! Mở cửa ra”.
Để mang số vàng quy đổi từ 20 đến 40 tỷ đô la ra khỏi nhà dân, đưa vào chu trình sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải, thì cần đến một bầu khí quyển, môi trường kinh doanh sản xuất, chứ không phải đánh bạc may rủi mạo hiểm như sòng bài. Vàng trong dân là vàng tĩnh, vàng ngủ, vàng “chết”, vàng không sinh lãi, không đẻ ra vàng, nhưng nó là mồ hôi, nước mắt, là kinh nghiệm sống với những ám ảnh hãi hùng, không dễ người dân đem đưa cho ngân hàng lấy “vàng giấy” về lại cất trong ống bơ, hộc tủ.
Chỉ có niềm tin vào những cam kết bằng các chính sách nhà nước và sự ổn định phát triển kinh tế, tài chính thì dân sẽ tự nguyện mở hầu bao.
Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì: “... Kiến nghị huy động vàng từ dân chúng để bán ra lấy tiền cho vay của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là quá mạo hiểm vì khó đảm bảo được an toàn lượng tài sản khổng lồ trên”.
Sự thực, trên thế giới, nước nào động đến vàng cũng phải cân nhắc, thậm chí cả những nền kinh tế lớn cũng không dám đụng đến vàng. Bài toán khi huy động vàng cất giữ trong dân phải giải đầu tiên là trả lãi suất 2 – 3% có thể huy động được. Song, huy động nguồn lực 500 đến 1.000 tấn vàng rồi thì sử dụng nguồn lực ấy thế nào để tăng trưởng kinh tế, dân giàu nước mạnh lại là vấn đề nan giải.
Chi tiêu của nhà nước ta hiện nay cũng giống như bà mẹ nghèo đông con, giật gấu vá vai, đứa con nào cũng đang tuổi ăn tuổi lớn cần tiền, nên cứ phải vay mượn giật tạm. Chi tiêu quốc gia phải căn cứ vào nguồn thu nhập, rồi hãy tính toán khoản vay nợ. Vay còn tính đến chuyện trả.
Thay vì mở kho vàng của dân, chính phủ cần cấu trúc lại chi tiêu. Món chi nào trọng điểm cần thiết trước mà tập trung giải quyết; tránh dàn món chi ra, rồi thiếu trước hụt sau, lại chạy đi vay thì gánh nợ công sẽ tăng không kiểm soát được.
Trước lúc huy động vàng trong dân, chính phủ cần quyết liệt diệt tham nhũng, chống lãng phí tham ô, nhũng nhiễu phiền hà, cải cách hành chính, và giảm nợ công. Tôi đồ rằng số tiền thất thoát lãng phí được thu lại từ các công việc ấy có thể lớn hơn số vàng đang được cất giữ trong dân.
Trước khi đưa ra các biện pháp huy động 500 tấn vàng trong dân thì hãy đưa ra biện pháp nào đó để đồng bào thôi tích trữ vàng, hân hoan, yên tâm đem vàng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, sống trong sự ổn định và phát triển đã. Còn khi chưa làm cho đồng bào tự giác chìa tiền của ra đã lo nghĩ mưu mượn vàng thì người dân sẽ có mẹo giữ lại.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
(Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.