4532. “Bệnh nan y”

“Bệnh nan y”
Kịch ngắn một hồi của Thanh Thanh & ND
PNTB

Nhân vật:
-        Hoàng Khoái 
(Chủ tịch UBND xã)
-         Thanh (cán bộ Văn phòng UBND xã)
-         Phùa (Cán bộ chính sách xã hội xã)
-         Trần Sơn  (Chủ tịch UBND huyện)

Tại Văn phòng Ủy ban nhân dân một xã miền Núi, vào một buổi sáng. Cô Thanh, cán bộ Văn phòng đang cắm bó hoa vào bình, miệng khẽ hát:
Thanh (hát):Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa đông bắc, /Em thương anh nơi chiến hào gặp rét. /Mà em thương anh...
Khoái (vừa đi vào vừa nói): Sao hôm nay cán bộ công chức đi đâu mà vắng thế. Đã 8 giờ rồi mà vẫn như chùa Bà Đanh thế này?
Thanh: Dạ thưa anh, thứ sáu tuần trước tại hội nghị giao ban anh đã giao cho cán bộ công chức đi vào bản để điều tra về nông nghiệp nông thôn mà?
Khoái: Ờ nhỉ! Chẳng là thứ Bẩy, Chủ nhật vừa rồi cưới vợ cho thằng nhớn, nhiều việc quá nên quên khuấy đi mất.
Không biết giao cho đi điều tra có hoàn thành sớm không. Cô thông báo nhanh cho các tổ liu liệu mà làm, cứ ghi đại số liệu vào phiếu điều tra, miễn sao đảm bảo tiến độ là được, chứ chậm là mất hết thành tích của xã đấy.
Thanh: Dạ vâng. Nhưng mà em sợ người dân họ phát hiện ra, họ lại kiện thì chết.
Khoái: Kiện cáo gì, con kiến mà kiện củ khoai! Tiếng phổ thông còn chưa sõi thì biết gì mà kiện. Cái xã này mà sểnh tay tôi ra thì mọi việc cứ là hỏng hết, toàn những người vô trách nhiệm cả! Thế nào, cái báo cáo hôm trước tôi giao, cô chuẩn bị đến đâu rồi?
Thanh: Dạ, sếp cứ yên tâm đi ạ, em chuẩn bị đâu vào đấy rồi.
Sếp xem đây: phông đẹp này, hoa đẹp này, bàn ghế sịn này, báo cáo viết kêu như chuông này… (Đưa mắt liếc Chủ tịch một cái),  và cuối cùng là, là… người cũng đẹp này, hi hi!
Khoái: Chỉ được cái…Nhưng mà tốt rồi! đúng là cái xã này ngoài tôi ra chỉ có cô là giỏi giang nhất, cứ ăn, cứ chơi mà mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Ơ…mà tranh thủ cái gì cũng đẹp thế này, anh em mình phải “tự sướng” một ảnh xem nào?
Chủ tịch Khoái rút điện thoại thông minh ra, hai người ghé đầu vào nhau chụp ảnh…Chụp ảnh xong, Thanh nói
Thanh: - Sếp ơi, theo chỉ đạo của sếp, em đã trang bị cho Văn phòng cái đầu quay đĩa này, âm thanh tuyệt vời. Gắn với máy tăng âm và bộ loa gi bi eo (JBL) 728 này thì tuyệt đỉnh đấy sếp ạ.
Khoái: Ồ, không ngờ em Thanh đàn bà con gái mà cũng rành hàng điện tử gớm nhỉ. Chả biết ruột gan máy móc thế nào chứ cứ nom bên ngoài thì cũng ngon đấy.
Thanh: Thưa sếp, em mua chính hãng, hàng hiệu đấy sếp ạ…giá rất phải chăng. Bây giờ sếp nghe thử nhé.
Khoái: Ừ, cô cho đĩa nhạc vào tôi nghe xem.
Thanh: Dạ vâng ạ.
Thanh Cho đĩa vào đầu quay, bật nhạc. Một điệu valse chậm nổi lên.
Khoái: (vỗ đùi) Hay! Nhạc Valse hay thế này mà anh em mình lại không nhẩy thử một điệu xem sao nhỉ !
Khi bản nhạc nổi lên, Khoái không thể kìm sự hứng khởi lại được, nhân lúc này văn phòng vắng vẻ, Khoái và Thanh khoác tay nhau khiêu vũ. Hai người đang say sưa thì Phùa, cán bộ chính sách xã hội của Ủy ban hớt hải chạy vào.
Phùa: Dạ, báo cáo sếp...
Khoái bị cắt ngang cảm hứng khiêu vũ, rất bực nhưng đành phải buông tay Thanh ra và cố kìm cơn giận.
Khoái: Có chuyện gì mà chạy như ma đuổi thế? Cô Thanh rót cho đồng chí Phùa cốc nước rồi bình tĩnh nói cho tôi nghe xem nào.
Phùa: - Dạ báo cáo sếp, hôm trước sếp chỉ đạo lên phương án xây nhà tình nghĩa cho gia đình nhà bà cụ Mùa cuối tháng này, nhưng vì thời tiết mưa gió quá….Với lại… quan trọng hơn là không điều được dân công, vì còn thiếu kinh phí. Đề nghị sếp cấp bổ sung để chúng em tiến hành cho kịp.
Khoái - Lại tiền, cứ động làm cái gì cũng tiền, tiền… Xã thì nghèo, nguồn thu ít, lấy đâu ra! Các chú phải sáng tạo để mà hoàn thành nhiệm vụ chứ, mà chưa có thì cứ chịu, trả sau, ai ăn mất mà sợ!...
Phùa: - Dạ…, những nhà khác thì không nói làm gì nhưng riêng nhà Tráng A Páo có Mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay phụ cấp của bà cụ vẫn còn nợ 3 tháng. Riêng nhà tình nghĩa thì vẫn chưa làm được, nhỡ cấp trên về kiểm tra thì mình ăn nói thế nào ạ?...
Đúng lúc đó, Trần Sơn, chủ tịch huyện bước vào...
Sơn: Chào các đồng chí, công việc của xã ổn cả chứ?
Khoái: Ôi! Chào chủ tịch huyện. Hôm nay thật vinh hạnh cho sếp lên thăm. Quý hóa quá. Nhưng sao sếp không gọi trước để chúng em chuẩn bị tiếp đón. Sếp đến đột xuất quá, mời sếp ngồi ạ.
Chủ tịch xã Hoàng Khoái hơi lúng túng, chỉ tay vào ghế, mời chủ tịch huyện ngồi và tự tay săm sắn rót nước mời Trần Sơn.
Khoái: Mời sếp xơi nước ạ… Dạ… sếp đi đường có vất vả lắm không?
Trần Sơn: Vất gì, ô tô điều hòa mát rượi, đường sá thì tốt rồi… Cái chính là mình phải lo cho dân, cho nước. Bây giờ điều kiện làm việc của anh em công chức mình được trang bị tốt lắm, so với các cụ xưa thì một trời một vực. Thời kháng Pháp, đến cụ Hồ còn phải ăn khoai ăn sắn thay cơm, mà cách mạng vẫn thành công đấy thôi.
Khoái: Dạ vâng ạ. Đảng ủy xã chúng em cũng đang triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đấy ạ. Cô Thanh à, cô lấy cho tôi cái Báo cáo sơ kết 6 tháng ra đây.
Thanh lật tập tài liệu trên bàn lấy bản báo cáo đưa cho Khoái. Khoái hai tay đưa bản báo cáo cho Chủ tịch huyện.
Sơn:  – Báo cáo thì các đồng chí cứ gửi theo đường công văn, Chủ tịch huyện không phải xuống xã để đọc báo cáo. Hôm nay tôi về đây muốn được nghe đồng chí cho biết về kết quả thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là chế độ của nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Khoái: Dạ thưa sếp, chế độ đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ cũng như người có công, xã rất quan tâm. Đây là chính sách xã hội ưu việt của đảng và nhà nước ta trong việc chăm lo đời sống nhân dân, nên Đảng ủy, Ủy ban đã chỉ đạo rất quyết liệt, đến nay cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2016 rồi ạ.
Trần Sơn: Được. Hoan nghênh tinh thần làm việc của các đồng chí. Chưa biết “cơ bản hoàn thành là thế nào”, nhưng tôi muốn biết rõ: Gia đình bà Mẹ Việt Nam anh hùng Giàng Thị Mùa, mẹ của A Páo đã làm nhà tình nghĩa cho cụ chưa?
Khoái: Dạ…dạ thưa…riêng trường hợp ấy thì…thì…đã có kế hoạch hết rồi, anh em đang tiến hành theo quy trình, có lẽ cũng sắp xong rồi ạ.
Trần Sơn: Không biết quy trình của các đồng chí thế nào, nhưng tôi thấy có người nói, hình như phụ cấp của bà cụ, xã còn nợ 3 tháng, nhà tình nghĩa, huyện đã có chỉ đạo mà vẫn án binh bất động. Nghe đâu hồi giữa mùa mưa, cái nhà tranh cụ đang ở nát quá, giột nhiều chỗ, cả nhà bà cụ phải lấy chậu hứng nước mưa… Tiếng là gia đình chính sách đặc biệt, Mẹ Việt Nam anh hùng, thế mà đời sống còn quá nhiều khó khăn, nhưng chưa được các đồng chí quan tâm đúng mức. Người dân bây giờ rất cam chịu. Không mấy người kêu ca phàn nàn đâu.
Vậy xin hỏi đồng chí chủ tịch xã, những dư luận như tôi vừa nói có đúng sự thật không?
Khoái: Dạ thưa đồng chí Chủ tịch huyện, bây giờ dân cũng… gian lắm ạ! Nhiều khi họ cứ bịa đặt, nói xấu chính quyền cơ sở, vì chưa đáp ứng được cho những yêu sách của họ. Có khi họ thổi phồng sự việc, bé xé ra to, chỉ như con mò phóng lên bằng con trâu mộng! 
Nói thật với đồng chí Chủ tịch, chúng em làm việc ở cơ sở, nó là cái túi ba gang phải hứng đủ tai tiếng. Xin lỗi sếp có người nói, bây giờ bao nhiêu tiếng xấu người ta cứ đổ hết xuống đầu chính quyền cơ sở. Chúng em cảm thấy như… cái thùng đựng rác, chứa rác cho cấp trên… à à…em xin lỗi, em không có ý nói Ủy ban huyện đâu ạ.
Trần Sơn: Tôi đang hỏi anh: Tiền chính sách của cụ Mùa, Mẹ Việt Nam anh hùng các anh để đâu mà 3 tháng nay cụ không nhận được? Nhà tình nghĩa đã có kế hoạch và kinh phí hơn năm nay mà giờ chưa làm thì lý do gì?
Anh có hiểu do đâu mà có được cuộc sống hòa bình, yên ổn, no đủ như thế này không? Ai là người phải đổ máu xương ra để dành lại độc lập tự do cho Dân tộc này?
Nói cho đồng chí chủ tịch xã biết, tôi không xem đơn từ khiếu tố của ai cả, không nghe kẻ dối trá nào hết. Sáng nay tôi đã trực tiếp đến thẳng nhà bà cụ Giàng Thị Mùa, Mẹ Việt Nam anh hùng, có mặt cả con trai và con dâu là Tráng A Páo và Thào thị Dua… Họ rất trung thực, nói hết, không giấu giếm gì. Nếu cần, tôi cho người gọi vợ chồng A Páo đến đây để đối chứng được chứ?
Chủ tịch huyện nói đến đâu, Hoàng Khoái, chủ tịch xã mặt tái đi đến đấy. Anh không ngờ, Chủ tịch huyện đã đi trước một bước trong chuyến kiểm tra này. Anh đến tận nhà dân nắm tình hình… Vì thế, Trần Khoái không còn đường lùi, nên hoảng hốt tụt vội từ trên ghế xuống đất, quỳ gối, hai tay vái lấy vái để Chủ tịch huyện.
Khoái: Dạ thưa anh, em thật sự có lỗi. Em mong anh nương tay. Cũng chỉ vì công việc của xã quá nhiều, làm không xuể, biên chế thì ít, ngân sách thì khó khăn, cứ phải giật gấu vá vai, lấy khoản nọ giải quyết khoản kia để tạm thời khắc phục những việc cấp bách, quan trọng, cho nên…
Dạ em biết lỗi rồi, em xin hứa lần này sẽ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành tốt chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với gia đình có công, nhất là Mẹ Việt Nam anh hùng…
Trần Sơn: Mời đồng chí chủ tịch ngồi lên ghế cho nó đàng hoàng. Một cán bộ đứng đầu chính quyền cơ sở không thể hèn như thế được.
Hãy ra sức học tập phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, phải biết chăm lo cuộc sống của dân, mà trước hết những người có công với đất nước, với dân tộc. Đối với những người ấy mà các anh còn vô trách nhiệm như thế thì hỏi cuộc sống của những người dân bình thường khác sao được các anh quan tâm. Cán bộ, đảng viên như thế là không xứng đáng. Tôi sẽ báo cáo Thường vụ huyện ủy chỉ đạo Ủy ban kiểm tra về kiểm tra làm rõ việc này…
Khoái: Dạ thưa anh, xin anh đừng làm lớn ạ, chúng em xin hứa sẽ khắc phục ngay, xin anh chỉ trong vòng một tháng, em sẽ báo cáo kết quả với huyện, với anh ạ.
Trần Sơn: Tôi chán không muốn xem báo cáo của các anh rồi. Báo cáo chỉ viết cho kêu, nhưng đối chiếu với thực tế thì có đến bẩy mươi phần trăm sai sự thật. Cả bản báo cáo văn dài lê thê nhưng không khác gì bát canh loãng, toàn thấy nước, vớt mãi không được tí cái, mà nước cũng nhạt như nước ao bèo. Cũng chỉ vì háo danh và bệnh thành tích chủ nghĩa nên lãnh đạo cấp trên thường ăn phải quả lừa. Tôi bị ăn lừa nhiều rồi, rất khó tin những những bản báo cáo của các anh.
Một trong những đức tính mà Bác Hồ dạy chúng ta là phải trung thực, trung thực với tổ chức, với nhân dân. Tất cả phải vì dân. Không có dân thì không có gì cả. Đảng với dân như cá với nước. Đảng, Chính quyền, cán bộ là Cá, còn dân là Nước. Không có nước, liệu Cá có sống được không?. Vì thế, việc chăm lo đời sống của nhân dân chính là tích nước cho cá đấy. Niềm tin của dân là sức mạnh của Đảng. Đồng chí có hiểu không?
Khoái: Dạ dạ em hiểu rồi ạ.
Chủ tịch huyện Trần Sơn: Các đồng chí đang triển khai học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta phải cùng nhau hành động, chứ không chỉ học như con vẹt, rồi lời nói không đi đôi với việc làm. Cái bệnh nói nhiều làm ít, nói mà không làm và nói một đằng làm một nẻo, bây giờ đang phát triển như nấm. Nó sẽ lan ra toàn xã hội thành bệnh dối trá, cấp dưới bịt mắt cấp trên, cán bộ bịt mắt nhân dân…
Bệnh dối trá có lẽ là “tứ chứng nan y”. Nó làm suy thoái xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Mà mất lòng tin là mất hết đấy. Các đồng chí hiểu chưa?
Trần Khoái: Dạ, thưa Chủ tịch, em hiểu rồi ạ!...

(Màn hạ nhanh)
PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.