4423.Một phi công máy bay tiêm kích Su30 - MK2 được cứu sống

Một phi công máy bay tiêm kích Su30 - MK2 được cứu sống

15/06/2016 06:56 GMT+7
Máy bay Su-30 MK2 của không quân Việt Nam
- Ảnh: THUẬN THẮNG
TTO - Sáng 15-6, một tàu đánh cá của ngư dân Hà Tĩnh phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi), phi công trên máy bay tiêm kích Su-30MK2 mất liên lạc trên vùng biển Nghệ An.

Trao đổi với Tuổi Trẻ lúc 6g30 sáng 15-6, thượng tá Nguyễn Công Lực - Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An xác nhận thông tin một tàu cá của ngư dân đã phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi, quê Bắc Giang).
Theo thượng tá Lự, khoảng 4g30 sáng nay lực lượng biên phòng nhận được tin báo từ anh trai phi công Cường về việc có một tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh mang số hiệu HT-20219TS phát hiện phi công Cường ở trên biển.
Vị trí phát hiện phi công Cường ở tọa độ 19 độ 14 phút vĩ Bắc và 106 độ 28 phút kinh Đông, cách vị trí máy bay mất liên lạc ban đầu khoảng 28 hải lý về hướng Đông Bắc.
Theo Báo Nghệ An Online, khi chiếc máy bay gặp nạn, Thiếu tá Cường đã bung dù và rơi trên biển. Lúc 5g sáng nay, tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ (quê tỉnh Hà Tĩnh) tìm thấy và đưa phi công lên tàu.
Thiếu tá Cường được phát hiện trên biển trong tình trạng sức khỏe khá ổn. Hiện nay, một chiếc tàu cứu nạn đang ra khu vực biển để đón Thiếu tá Cường vào bờ.
Vị trí phát hiện phi công Cường ở tọa độ 19 độ 14 phút 
vĩ Bắc và 106 độ 28 phút kinh Đông

Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (phải) là phi công cấp 3, phi đội phó Phi đội bay Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923, Sư đoàn 371 đóng tại Thanh Hoá. 
Phi công Nguyễn Hữu Cường là một trong hai người trên chiếc tiêm kích Su-30MK2 8585 gặp nạn.
Phi công Nguyễn Hữu Cường

Một phi công máy bay tiêm kích Su30 - MK2 được cứu sống

Sau khi tìm thấy và cứu sống thiếu tá phi công SU30 Nguyễn Hữu Cường, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang dồn toàn lực để tìm kiếm phi công phi công Trần Quang Khải (43 tuổi).
Như Tuổi Trẻ thông tin, khoảng 7g29 sáng 14-6, máy bay SU30-MK2 khi đang bay huấn luyện trên vùng biển đảo Mắt, Nghệ An - cách TP Vinh khoảng 40km thì bị mất liên lạc.
Chiếc SU 30-MK2 này xuất phát từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa lúc 6g30 sáng 14-6 để thực hiện bay huấn luyện.
Sau khi nhận được thông tin, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển thông báo cho chính quyền địa phương, ngư dân hoạt động ở khu vực đảo Hòn Mắt và vùng biển xung quanh tìm kiếm.
Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Nghệ An điều ba tàu cùng 35 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm ở khu vực trên.
* Tuổi Trẻ Online đang tiếp tục cập nhật
Máy bay tiêm kích đa năng siêu âm Su-30MK2 là một trong những loại chiến đấu cơ cất cánh nhanh nhất, có thể tác chiến mà không cần dẫn dắt của mặt đất. 
Su-30MK2 có những kỹ thuật bay mà nhiều máy bay chiến đấu khác không thực hiện được, tính năng cơ động tốt, hệ thống vũ khí tối tân rất thông minh; khả năng làm chủ trên không lớn và rất dài. 
Chiến đấu cơ này có thể tác chiến độc lập hoặc theo biên đội trong nhiều kiểu thời tiết, địa hình, ở cả trên không, trên đất, trên biển.
Nó có khả năng thực thi nhiệm vụ tiêm kích (không chiến) trong đêm tối, sử dụng các loại vũ khí tác chiến tầm trung, tầm xa và tiếp nhiên liệu ngay trên không (khi được tiếp nhiên liệu trên không, Su-30MK2 sẽ tăng tầm hoạt động từ 3.000km lên tới 8.000 km).
Dưới thân và cánh Su-30MK2 được trang bị tên lửa tinh khôn (tên lửa truyền hình), tên lửa không đối hạm, không đối đất...
Ở chế độ “không đối không”, chiến đấu cơ này có thể thực hiện 9 nhiệm vụ và 10 nhiệm vụ ở chế độ “không đối đất”.
Đặc biệt, hệ thống radar của Su-30MK2 có khả năng phát hiện 15 mục tiêu cùng một lúc, có thể đồng thời theo dõi 10 mục tiêu và sử dụng vũ khí tấn công 4 mục tiêu trên không hoặc 2 mục tiêu mặt đất. 

 Doãn Hòa (Tuổi trẻ)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.