4234. Phố mình có lắm ô tô

Phố mình có lắm ô tô
Tản văn của ND/ PNTB
 
Cách nay độ dăm năm, mình đọc một bài báo có đoạn: Ngày xưa hồi còn chế độ bao cấp, trẻ con ra đường gặp nhau hễ mở mồm là khoe: “Hôm nay nhà tao ăn cơm với thịt”. Ngày nay hễ chúng mở mồm là khoe: “Nhà tao có ô tô, nhé!”. Nhưng cho đến giờ, thì chuyện khoe nhà tao có ô tô hình như cũng đã nhạt, vì ô tô riêng không còn hiếm nữa.

Chả nói đâu xa, cứ ngay như phố mình, tối đến ô tô con đỗ đầy trước cửa các nhà, khoảng hai ba nhà lại một nhà có ô tô, thậm chí có nhà hai vợ chồng mỗi người một cái, không “thằng” nào đi chung với “thằng” nào!.

Việc mua sắm ô tô hiện nay đã thành phong trào. Đất nước ta xưa nay làm gì cũng có phong trào. Có rất nhiều phong trào do đảng, nhà nước, mặt trận và đoàn thể phát động, nhưng cũng không thiếu gì những phong trào tự phát. Một thời có phong trào đua nhau chui về nhà quê, vào gần rừng núi đất đai rộng rãi, làm vườn rau ao cá, vui thú điền viên. Khi đổi mới sau năm 1986, cơ chế thị trường được tiếp nhận, lại có phong trào ra chiếm mặt đường mở mang buôn bán, những kẻ có máu mặt thường chiếm những vị trí “vàng”, được gọi là “đầu đường, xó chợ” theo đúng nghĩa đen. Hồi còn bao cấp có phong trào thanh niên chân đi dép tiền phong, tay đeo đồng hồ Poljot, mắt đeo kính mát, … Rồi đến thời kỳ phong trào đua nhau mua xe máy bãi của nhật như “đời 79 đầu vênh máy cánh”, rồi “đời 81 kim vàng giọt lệ”; mấy năm sau tiến lên xe máy Dreem Thái…Và đến bây giờ là phong trào mua sắm ô tô con.

Ô tô cũng có nhiều cung bậc, từ việc mua xe cũ, nát chỉ trên dưới trăm triệu, trung bình là bẩy, tám trăm, khá hơn là trên dưới một tỉ, thậm chí có đại gia mua xe vài chục tỉ để “thể hiện đẳng cấp”. Có người mua ô tô chỉ nhằm mục đích để đi làm ăn cho tiện, có phương tiện che nắng, che mưa, nhưng lại có kẻ hợm của thích khoe khoang, giải quyết khâu oai với thiên hạ. Nhưng nhìn chung thì cho đến nay, ở Việt Nam đang hiện hữu phong trào mua sắm ô tô con.

Tại sao ở nước mình hay có “phong trào” như thế?. Có lẽ người ViệtNam chứa đựng nét văn hóa tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, “thấy người ăn khoai cũng vác mai lộn vườn”. Không muốn ai hơn, ngay cả việc ăn chơi cũng thường xuyên xảy ra những cuộc “chạy đua vũ trang” nên dễ trở thành phong trào. Lợi dụng tâm lý này nên nhiều lĩnh vực, ngành, cấp thường tổ chức những “cuộc thi đua lấy thành tích” chào mừng cái nọ cái kia, đặc biệt là ngành giáo dục. Khi tổ chức thi đua trong giảng dạy và học tập, chúng ta không nhận ra mặt trái của nó là do tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, người ta không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Thế là từ khái niệm thi đua với nội hàm tích cực, nó biến tấu thành sự ganh đua và nâng lên thành “chủ nghĩa thành tích”. Chủ nghĩa thành tích đã tạo ra phong trào gian lận, dối trá hoặc dùng tiền mua bán để lấy danh, nhiều khi “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”…  Vì thế khi phong trào đang sôi nổi thì có tiền mua ô tô, không có tiền cũng mua.

Khi ô tô nhiều lên nhanh chóng, vượt lên trên nhu cầu phát triển đường sá khiến xảy ra nạn ùn tắc giao thông, nhất là ở những đô thị lớn. Điều này là nhãn tiền. Song một trong những hệ lụy của nó là mặt bằng đỗ xe, thực tế đang quá bức xúc. Xin dẫn chứng ở một tiểu khu đô thị mới trong một thành phố thuộc tỉnh.

Mười mấy năm trước, khi quy hoạch tiểu khu đô thị mới, trong bản đồ quy hoạch người ta vẽ đầy đủ cả quỹ đất để làm tiểu khu công viên cây xanh, bãi đỗ xe công cộng, nhà văn hóa tổ dân phố và cả bãi tập kết rác thải… để phục vụ công cộng, rất hợp lý hợp tình, nom rõ đẹp. Nhưng khi hoàn thiện tiểu khu đô thị mới thì mặt bằng đất công để làm nhà văn hóa tổ dân phố, bãi tập kết rác và bãi đỗ xe không cánh mà bay. Nghe đâu, những quan chức có quyền sinh quyền sát về đất đai lúc đó đã câu kết với nhà đầu tư có “sáng kiến” “điều chỉnh quy hoạch” tiểu khu đô thị, rút những khoản đất công trên đây chuyển thành “đất hàng hóa” bán lấy tiền. Họ có “cơ sở pháp lý” để thực hiện bởi, “đất đai sở hữu toàn dân, giao nhà nước quản lý” đã được hiến định. Mà “nhà nước” là ai? Nhà nước là Tao thì Tao có quyền ra quyết định “điều chỉnh”. Tiền bán đất công để làm gì thì phải hỏi ông giời.

Nhưng khốn thay, đến nay những ông “quan nhiệm kỳ” đã hết thời, về rúc trong biệt thự để tận hưởng thành quả của quá khứ thì không có nhà văn hóa để sinh hoạt công cộng, tiểu khu cây xanh bị thu hẹp, bãi tập kết rác không có, bãi đỗ xe cũng không. Đối với người dân, tất cả đều không thành vấn đề lớn, quy luật sinh tồn buộc người ta phải tìm cách sống.

Khi người dân tự lo lấy cuộc sống thì sinh ra lộn xộn, gây phiền toái cho những quan chức quản lý đô thị đương kim nhiệm kỳ, bởi nó góp phần làm mất điểm thi đua, ảnh hưởng đến thành tích địa phương, đơn vị. Cấp trên đe cấp dưới: không được để người dân đỗ xe trên vỉa hè, trước cửa nhà mình, làm “mất mỹ quan đô thị” và “cản trở giao thông”, mặc dù có cản trở hay không lại là chuyện khác! Cấp dưới đe dân: “phải đỗ xe đúng nơi quy định, nếu không sẽ bị phạt!” (mặc dù không có nơi quy định nào cả, cứ nói chung chung như thế cho vui tai). Trừ những người có biệt thự, xây ga ra đỗ xe trong khuôn viên gia thất, còn dân nghèo ở nhà ống theo quy hoạch thì bó tay chấm com. Có người sợ quá đã phá cửa, làm cầu cho xe rúc vào phòng khách, nhưng không phải ai cũng làm được, đại đa số vẫn đánh bài liều cứ đỗ xe trước cửa nhà mình, nếu có thể đỗ được, chứ không thể mang ô tô đi gửi ở đầu thành phố rồi bắt xe ôm về nhà… Hỏi đến bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch thì có người bảo, hồi trước họ “ăn” hết rồi, ăn cả đất nhà văn hóa tổ dân phố, ăn cả bãi tập kết rác thải… Có thứ gì mà người ta không ăn?

Thế cho nên, người trước ăn ốc, người sau đổ vỏ, cái nợ đồng lần sinh ra rất nhiều bệnh tật cho xã hội.

Phố mình có lắm ô tô. Nói ra thì bảo nói ra, không nói ra thì bảo... không nói ra!...

(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.