4176. Quy luật lượng – chất và cán bộ “tàng hình”

Quy luật lượng – chất và cán bộ “tàng hình”

XUÂN DƯƠNG/ 02/05/16 07:15
Sự biến đổi về lượng thì từ từ, sự biến đổi về chất thì nhảy vọt (Ảnh sưu tầm, chưa rõ tên tác giả)
GDVN) - Làm thế nào để chuyển hóa vô cảm thành tình thương, dối trá thành trung thực, tội ác thành lương thiện nếu lại dựa vào chính sự vô cảm.
Trong các bài “Mâu thuẫn nào là động lực phát triển xã hội?” [1] và “Quy luật phủ định, sự đảo chiều cần thiết” [2] người viết đã làm một phép tham chiếu đơn sơ tới hai trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin: “Quy luật mâu thuẫn” và “Quy luật phủ định”. 

Bài viết này đề cập đến quy luật thứ ba “Quy luật lượng - chất” hay còn gọi là “Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại”.

Friedrich Engels (Phriđrich Ăngghen 1820 - 1895) đã giải thích Quy luật lượng-chất một cách ngắn gọn như sau: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất”.

Một cách giải thích khác về quy luật này là: “Sự biến đổi về lượng thì từ từ, sự biến đổi về chất thì nhảy vọt”.

Khi còn xanh thành phần chủ yếu trong quả chuối là tinh bột (70-80%), chuối già chỉ cần 3-5 ngày giấm là thay đổi hoàn toàn về chất, vỏ biến thành màu vàng, thành phần chính lúc này không phải là tinh bột mà là đường sucrose, fructose và glucose, hàm lượng của các loại đường có thể đạt hơn 16% trọng lượng quả tươi. Theo quy luật này, nếu không có sự biến đổi về lượng thì sẽ không có sự biến đổi về chất, chỉ khi nào sự biến đổi về lượng đạt đến một mức độ nhất định thì sự chuyển hóa về chất mới diễn ra, một khi đã diễn ra chuyển hóa về chất thì quá trình này sẽ rất nhanh chóng. 

Quy luật lượng-chất vừa đúng cho sự phát triển xã hội, cũng đúng cho các hiện tượng tự nhiên. 

Chẳng hạn buồng chuối từ lúc đâm hoa đến lúc “chín bói” phải mất mấy tháng.

Sự thay đổi về chất có thể theo xu hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào lượng “chất” tích lũy được và thời gian chuyển hóa.

Quá trình đổi mới được nhấn mạnh tạiĐại hội Đảng 12 có thể xem là quá trình tạo sự thay đổi về chất xã hội Việt Nam hiện đại. 

Từ các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 4 khóa 11, Đảng đã nhận diện các mặt tích cực, tiến bộ cũng như tiêu cực, yếu kém của thể chế chính trị, kinh tế, xã hội hiện tại.

Đời sống người dân được cải thiện một phần, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông có tiến bộ, GDP tăng liên tục, đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, hệ thống luật và văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ… là những thay đổi theo hướng tích cực mà thế giới thừa nhận. 

Tuy nhiên tập thể lãnh đạo - thể hiện trong các văn kiện chính thức cũng không ngại đề cập đến hiện trạng đạo đức, văn hóa xuống cấp; niềm tin của nhân dân với Đảng suy giảm [3]; tham nhũng tràn lan chưa được đẩy lùi; năng lực cán bộ, đặc biệt là đội ngũ tham gia hoạch định đường lối chưa theo kịp nhu cầu; lợi ích nhóm, đặc biệt là các “nhóm thân hữu” có lúc, có nơi lấn át lợi ích quốc gia, dân tộc… 

Theo quy luật, muốn có sự thay đổi về chất xã hội Việt Nam, tức là muốn xây dựng đất nước thành một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” thì sự thay đổi về “lượng” phải đạt đến một ngưỡng nhất định và “lượng” đó phải bao gồm các “chất” có thể chuyển hóa thành “công bằng, dân chủ, văn minh”.

Chẳng hạn tinh bột có thể chuyển hóa thành đường nhưng mảnh sành thì không thể. Khái niệm “lượng” ở đây bao gồm cả hữu hình và vô hình (phi vật thể). 

Tìm hiểu những “lượng” và “chất” của “lượng” mà xã hội Việt Nam tích lũy được từ sau khi thống nhất là vấn đề rộng, trong khuôn khổ bài viết chỉ có thể đề cập một vài khía cạnh.

Số lượng Đảng viên cuối năm 2015 vào khoảng 4,5 triệu người. Năm 1976, sau khi thống nhất, vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (từ 14 - 20/12/1976), Đảng có 1.550.000 đảng viên. [4]

Trong 40 năm, số lượng đảng viên tăng gần gấp 3 lần, trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo nhận định của Ban chấp hành Trung ương:

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”.

Bộ phận không nhỏ ấy, không biết chiếm bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn là “không nhỏ”, khi số lượng đảng viên tăng lên nhanh chóng mà lại chưa (hoặc không) kiểm soát được chất lượng thì tỷ lệ “không nhỏ” đương nhiên sẽ tăng, ít nhất là tỷ lệ thuận theo số lượng.

Từ nhận định của Trung ương có thể thấy một nghịch lý: “lượng” đảng viên tăng lên khá nhanh trong khi “chất” của “bộ phận không nhỏ đảng viên” lại theo chiều ngược lại. 

Vậy sự thay đổi về lượng đảng viên đã “đủ độ” để xuất hiện sự thay đổi về chất chưa? Nếu sự chuyển hóa về chất diễn ra tại thời điểm này thì xu hướng sẽ như thế nào? 

Với lực lượng nắm quyền dẫn dắt xã hội, nhưng lại có một “bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, kèm theo đó là một bộ phận “cũng không hề nhỏ” yếu kém về năng lực quản lý, điều hành… nếu sự “biến đổi về chất” xảy ra vào thời điểm này sẽ không phải chuyện đơn giản.

Để làm chậm bước “nhảy vọt” về chất theo hướng tiêu cực thì điều cần là phải kìm hãm sự tăng quá nhanh về “lượng”, nói cách khác, cần ngay lập tức cho ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, cơ hội, tham vọng quyền lực chứ không phải chỉ là kêu gọi không đưa vào Trung ương các đối tượng này. Sự giảm số lượng phải bắt đầu từ các chi bộ cơ sở. 

Thực tế cho thấy, tại các vùng nông thôn, kể cả ngoại thành Hà Nội, chuyện đảng viên nắm vai trò chủ chốt (Bí thư – Chủ tịch) đối phó với chính sách cán bộ bằng cách mua bằng, mượn bằng, sử dụng bằng rởm, thuê người thi hộ… đã diễn ra và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm hoặc dừng lại. 

Bằng chứng là mới đây, Chủ tịch một xã ở Hà Nội nhờ người thi hộ 25 môn trong chương trình cử nhân tại Viện Đại học Mở hay Trưởng ban Tổ chức thành ủy Vị Thanh tỉnh Hậu Giang “mượn” bằng phổ thông của người khác để hợp thức hóa hồ sơ…

"Năm 2001, Bộ GD&ĐT phát động phong trào thanh tra bằng giả, đưa thành chủ trương của ngành. Đến năm 2005, sau 4 năm, đã phát hiện được 10.000 bằng giả. Số bằng giả này chủ yếu tập trung ở công chức nhà nước trong đó có cả cán bộ ở cấp Trung ương”. [5]

Gian dối về bằng cấp chỉ là ví dụ minh họa cho sự yếu kém về đạo đức một bộ phận cán bộ đảng viên hiện tại. Tình trạng “Chi bộ họ”, “huyện họ” tuy chưa phổ biến nhưng cũng đã được cảnh báo. 

Sau những vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,… sau Đại hội Đảng 12, sự lộng quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tiếp tục xảy ra, mới nhất là ở Bình Chánh – thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi những biện pháp nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên chưa phát huy tác dụng, thì biện pháp cơ học là nên giảm sự tăng về số lượng kết hợp với thanh lọc đội ngũ hiện có. 

Chưa làm được điều này, nóng vội sẽ xuất hiện sự đối phó mà bằng chứng dể thấy là đội ngũ “cán bộ tàng hình”, họ không chỉ “tàng hình” trước trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó mà cũng “tàng hình” trước hệ thống pháp luật hiện hành. 

“Sợi dây kinh nghiệm” càng rút càng dài, đội ngũ cán bộ, công chức phình to như chiếc bành mì quá nhiều bột nở, to nhưng không ngon.
Sự thay đổi “lượng hữu hình” cũng có thể thấy ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan đại diện cho dân ở địa phương là Hội đồng nhân dân. 

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25/4/2016 trong bài “Khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” đăng ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: 

Vấn đề bố trí cán bộ là ai làm hội đồng, cứ cán bộ yếu rồi cho làm hội đồng, rồi làm hội đồng lại không có triển vọng phát triển nữa, đó mới là vấn đề chứ không phải việc tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở. Cán bộ không bố trí vào đâu được nữa mới đưa về hội đồng có phải không?”.

Quốc hội khóa 1 năm 1946 có 334 đại biểu, dân số cả nước lúc đó vào khoảng 20 triệu người, trong số đại biểu Quốc hội khóa 1 có người của Việt Quốc, Việt Cách, nhân sĩ, trí thức… không phải đảng viên. 

Dân số Việt Nam năm 2016 vào khoảng 90 triệu người, tăng gấp 4 lần so với năm 1946 nhưng số đại biểu Quốc hội chỉ khoảng 500 nghĩa là tăng gấp khoảng 1,5 lần. 

Về thành phần đại biểu Quốc hội, ông Lù Văn Que - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Quốc hội không nên là hội nghị đảng viên mở rộng”. [6] 

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa X trong bài phỏng vấn đăng trên Vietnamnet.vn ngày 11/4/2016 cho rằng:
Quốc hội là đại diện cho hơn 40 triệu cử tri trong cả nước chứ không phải đại diện cho 4,5 triệu đảng viên,… đây là quốc hội chứ không phải đảng hội”. [7] 

Những phát biểu nêu trên phần nào cho thấy “chất” của “lượng” bên trong các cơ quan dân cử. Sự chuyển hóa những “chất” đó thành luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khiến cho không ít trường hợp luật, nghị quyết, nghị định ban hành không phù hợp với thực tiễn.

Đã có khá nhiều ý kiến đề cập đến lực lượng hùng hậu của các tổ chức chính trị xã hội mà ngân sách phải đài thọ như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh… Các tổ chức này đều không sản xuất ra của cải vật chất nhưng sử dụng một khoản ngân quỹ không hề nhỏ.

Sự thay đổi về “lượng vô hình” dễ nhận diện nhất trong xã hội ngày nay là sự vô cảm. Người nông dân sẵn sàng sử dụng chất cấm, chất độc trong trồng trọt, chăn nuôi; người kinh doanh sẵn sàng buôn hàng lậu chứa đầy chất có hại cho sức khỏe, doanh nghiệp thủy điện sẵn sàng chặn nước bức tử cả dòng sông… miễn là thu được lợi nhuận cao nhất.

Thói vô cảm hay là sự “tàng hình” liệu có thể gọi là tội ác?

“Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi 'chết' trước” là phát biểu của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức.

Làm thế nào để chuyển hóa vô cảm thành tình thương, dối trá thành trung thực, tội ác thành lương thiện nếu lại dựa vào chính sự vô cảm, dối trá, dựa vào lực lượng sợ “chết trước”? 

Quả chanh có vị chua, dù chín vàng vẫn chua, quả cà chua dù chín đỏ vẫn không có vị ngọt bởi quan trọng là “chất” của lượng vật chất chứa trong quả. 

Hiểu về Quy luật lượng – chất nghĩa là phải hiểu rằng, không phải bất kỳ sự biến đổi về chất nào cũng mang lại cho con người quả ngọt nếu bên trong “quả” không có chất có thể chuyển hóa thành đường. 

Muốn điều chỉnh quá trình biến đổi “chất” thì cần phải tác động sao cho sự biến đổi về “lượng” không kèm theo sự tích lũy những chất có hại, một khi sự tích lũy các “tiền chất” có thể chuyển hóa thành tham nhũng có xu hướng tăng mạnh thì cần kìm hãm không để sự tích lũy đó đạt đến ngưỡng không thể điều chỉnh. 

Sợ chết mà thoát chết thì mới nên sợ, cuộc sống nơi cõi trần của mỗi con người chẳng qua chỉ là một thoáng so với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc, vì thế không thể không chung tay góp sức để khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” sớm trở thành hiện thực.
Để thế hệ người Việt hôm nay không phải phải từ biệt thế gian này trong tự hào và nuối tiếc.
Tài liệu tham khảo:

Xuân Dương/ (GDVN)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.