4130. Người Pa Dí chăn ngựa
Người
Pa Dí chăn ngựa
Đỗ Doãn Hoàng
![]() |
Nhà thơ Pa Dí Pờ Sảo Mìn. Ảnh Ngọc Dương |
Người
chăn, dắt ngựa cho “vua Mèo” Vương Chí Sình rồi vạm vỡ cống hiến cho cách mạng,
cho vùng biên ải đầy biến cố tày trời năm xưa. Còn Pờ Sảo Mìn, lại là người con
của cộng đồng Pa Dí thượng võ, bao đời lại lừng danh với tài “nài”.
Ông
Vù Mý Kẻ, đang sống ở Hà Giang, nguyên “giám mã” của Vua Mèo Vương Chí Sình,
nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên (nay tách
thành Hà Giang và Tuyên Quang).
Rồi
thi sỹ Pờ Sảo Mìn, sống ở Lào Cai, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều giải
thưởng văn học quý hóa, một con người nổi tiếng và vô cùng thú vị của tộc người
Pa Dí ít ỏi và hẻo lánh: “Chỉ có hai ngàn người”, chỉ sống trên những đỉnh đá
tai mèo sắc nhọn xứ địa đầu Mường Khương. Cả hai người đều ám ảnh trong tôi bởi
cái lý lịch đáng tự hào: Đi chăn ngựa (xưa gọi là giám mã).
Người
chăn, dắt ngựa cho “vua Mèo” Vương Chí Sình rồi vạm vỡ cống hiến cho cách mạng,
cho vùng biên ải đầy biến cố tày trời năm xưa. Còn Pờ Sảo Mìn, lại là người con
của cộng đồng Pa Dí thượng võ, bao đời lại lừng danh với tài “nài” (chăm sóc,
huấn luyện) ngựa. 12 tuổi, cậu bé Mìn đã được trưng dụng, cho rời bản làng đi
cắt cỏ, dắt ngựa cho cán bộ Ủy ban hành chính huyện.
Bấy
giờ không có xe máy, ô tô, cũng không có đường sá ngoài các lối mòn chuột chạy.
Giữa núi rừng, ngựa là phương tiện duy nhất. Ngựa phải sinh nở, ăn uống, “nài”
(huấn luyện) chu đáo, rồi có người dắt đi mỗi lúc “ông cốp” cần vi hành. Tóm
lại, hồi đó, Vù Mý Kẻ hoặc Pờ Sảo Mìn (và cả một tầng lớp “giám mã”) đã sống và
làm việc như lái xe cơ quan, lái xe riêng của các cán bộ, lãnh đạo bây giờ.
Mường
Khương chín suối mười đèo. Trong cái tỉnh Hoàng Liên Sơn mênh mông xưa (nay
tách thành Lào Cai, Yên Bái), Mường Khương đệ nhất xa xôi, hiểm trở với nhiều
hủ tục đáng sợ. Những cái tên bản, tên xã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cách phát âm
tiếng Quan Hỏa: Tung Chung Phố, La Pán Tẩn, Dìn Thàng, Bản Lầu, Sa Pả. Ông Pờ
Sảo Mìn sinh năm 1946.
Cũng
vào độ thất thập cổ lai hy rồi. Ngoài tên gọi Pờ Sảo Mìn, ông còn có những cái
tên rất biên giới: Pờ Seo Cảo, rồi các bút danh “Tàu” lắm: Bạch Minh, Thiếu
Minh, Pao Li. Pờ Seo Cảo, tức là Bạch Tiểu Mã, là (tạm dịch vui): con ngựa
trắng nhỏ bé.
Người
Pa Dí nổi tiếng có tinh thần thượng võ, giỏi nài ngựa, cưỡi ngựa bắn cung, họ
gắn bó đặc biệt với những con ngựa dũng mãnh của núi cao. Thế rồi cái tên Bạch
Tiểu Mã (con ngựa con) ấy vận vào số phận Mìn, cả tuổi thơ và tuổi trưởng thành
cậu đi chăn ngựa, chăn cho nhà giàu, lại chăn cho... nhà nước.
12
tuổi đã rắn rỏi, tinh ranh, lại sinh ra trong vùng đất/ gia đình có tài thuần
dưỡng và huấn luyện ngựa, Bạch Tiểu Mã được sung vào đội chăn ngựa (giám mã)
của UBND (bấy giờ là Ủy ban hành chính) huyện. Kiêm luôn việc của “chú bé liên
lạc” đưa thư từ, công văn từ ủy ban đến các xã, các bản không có đường cho xe
cơ giới. Mìn cưỡi ngựa băng băng.
Rồi
đôi chân như có móng guốc của sơn dương bám trên các gờ núi tai mèo ấy lại dắt
ngựa cho cán bộ quan trọng “võng lọng” về với dân bản. Đúng như thơ ông Mìn
viết sau này: “Con trai người Pa Dí/ Mẹ sinh ra trên đỉnh đá tai mèo/ Uống nước
nguồn trong veo... Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian... Con trai người Pa
Dí/ Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa”.
![]() |
Vợ chồng nhà thơ tiếp các nhiếp ảnh gia Vũ Văn Cảnh, Ngọc Dương, Giang Sự, Đức Kỳ. (Tháng 1/2014). Ảnh Đức Kỳ. |
Nhà
Pờ Sảo Mìn ở đó, trong một thung lũng mà quanh năm bao giờ cũng mờ mịt sương
khói, những cánh đồng hoa cải vàng rực, những đàn ngựa Pa Dí vạm vỡ khoáng đạt.
Miền đất ấy có gì đó rất thánh thần. Chiều về, đám thanh niên xách lồng chim
họa mi đi như hiệp khách giang hồ, đúng là cuộc sống vạm vỡ, khoáng đạt “đêm
đêm hát lượn, ngày ngày bắt chim”. Người Pa Dí đời đời gắn bó với núi cao. Cái
mũ truyền thống của phụ nữ Pa Dí vút lên trời như một lưỡi rìu sắc lẻm, như một
mái nhà ngọn hoắt. Trên đó dát những vảy bạc hình tròn chi chít sáng choang.
Trang phục màu xanh xanh xám xám đó, nó như màu núi lam ở rất xa đang nối tiếp
nhau như sóng biển. Màu núi ấy bao giờ cũng ủ một chút sương mờ cuối đông.
Ông
Mìn là một trong vài người nổi tiếng nhất của người Pa Dí. Trong một bài thơ
được giới văn nghệ và người hâm mộ cả nước biết đến rất nhiều của ông, có câu:
“Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ như cái cây hai ngàn chiếc lá”. Cách đây ít
năm, cả nước Việt Nam ,
cộng đồng Pa Dí vẫn chỉ có hơn hai nghìn người.
Pờ
Sảo Mìn đã làm rạng danh tộc người thiểu số sống ở phía sau núi cao và mây mù
ấy (tôi nhớ được tên khoảng 7 tập sách ông đã xuất bản, ít nhất 4 tập được trao
giải thưởng), ngay từ hồi ông làm bài “Cây hai ngàn lá”: “Con trai người Pa Dí/
đã lên yên không bao giờ ngã ngựa. Con trai người Pa Dí/ không hận thù ghét bỏ
với ai/ Đi chín phương là chín phương bè bạn/ Đến mười phương là mười miền
thương nhớ. Con trai cởi trần trong mặt trời nắng cháy/ Ép đá xanh thành rượu
uống hàng ngày”. Thơ là người, là vùng đất thật đến 100%, ít ra điều đó rất
đúng với Pờ Sảo Mìn. Luôn đúng. Xin hãy vẽ chân dung ông Mìn bằng các câu thơ
trên.
Số
phận thật hài hước: Anh chàng sinh ra đã có tên là Con ngựa trắng nhỏ (Bạch
Tiểu Mã) đã phải đi chăn ngựa kiếm cơm. Rồi rời miền rừng đi Tây học cách chế
tạo loại xe cộ rất hiện đại: tàu hỏa, tàu thủy. Rồi chẳng áp dụng kiến thức
“chế tạo máy học ở trời Tây” ngày nào.
Anh
ta trở về, năm 1973, được mời đi Quảng Bá dưới Hà Nội học lớp Bồi dưỡng Viết
văn Trẻ khóa 6. Rồi thênh thang vào Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 2, học với
các cây đa cây đề trong làng chữ nghĩa như Bảo Ninh của “Nỗi buồn chiến tranh”,
như “thần đồng” Trần Đăng Khoa.
Vẫn
tài rượu, đàn giỏi hát hay và cái thói “đi mười phương là mười phương thương
nhớ”, Pờ Sảo Mìn tiêu tiền không tính đến ngày mai. Và lời đồn, ông Mìn buôn
bán thuốc phiện từ điểm nóng ma túy bậc nhất Việt Nam (Mường Khương) xuống, “thì mới
giàu thế chứ” lại len lén xuất hiện. Dù nó rất nực cười. Rõ khổ.
Thỉnh
thoảng mới gặp, chả tiện hỏi những nổi chìm lận đận tế nhị ấy. Thế rồi thấy năm
2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tặng “Huân chương Kháng chiến Hạng Ba”
cho Pờ Sảo Mìn vì thành tích trong công cuộc vệ quốc vĩ đại. Mừng thật là mừng.
Bao
nhiêu nỗ lực vươn lên cùng “Cây hai nghìn lá ở Mường Khương”, lại thơ văn nắc
nỏm khắp nước, lại cống hiến cho quê hương đến mức 12 tuổi đã được sung vào đội
giám mã (chăn ngựa) cho Ủy ban, giờ... đã đến ngày đơm trái. Bao thị phi từ bấy
cũng tan dần. Giờ không cưỡi ngựa cũng không dắt ngựa nữa, nhưng lão Mìn vẫn
cày sâu cuốc bẫm theo đúng nghĩa đen ở miền rừng Mường Khương.
![]() |
Vườn hoa cải vàng nhà lão Mìn. Ảnh Ngọc Dương |
Có
lần đi 500km lên đến cánh đồng rau cải vàng rực nhà lão. Hú gọi, đi tìm lão về,
tôi nắm bàn tay gân guốc của lão, tay kia lão vẫn khư khư hai cái cuốc vác bập
bênh vai gầy. Hơi xót xa. Nhưng, tôi chợt ấm lòng nghĩ: bới đất lật cỏ, lão tìm
thấy thơ. Dù ở góc núi biên cương ấy, nhưng tâm hồn thì suốt đời lão “giám mã”
ấy chưa bao giờ thôi sung sướng nhong nhong cưỡi bầy ngựa thiện chiến của người
Pa Dí, đi tứ xứ giang hồ. Thì chẳng rõ ràng lão đã sang cả Tiệp Khắc học về tàu
thủy với tàu hỏa rồi đấy sao.
ĐỖ
DOÃN HOÀNG (KTGĐ số 11)
(Theo:
NNVN)
Nhận xét