4094.Phía Bắc Phòng Tô ấn tượng ký

Phía Bắc Phòng Tô ấn tượng ký
Nguyễn Ngọc Dương/PNTB

Địa danh Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), thời Pháp thuộc gọi là Phòng Tô. Qua thành phố Lai Châu, trên quốc lộ 4D, hướng lên thị trấn Phong Thổ, đến ngã ba Mường So nổi tiếng thì quẹo phải tiến lên phía Bắc. Nhìn trên bản đồ, huyện Phong thổ như một ngọn núi nhọn hoắt đâm thẳng lên… giời. Phía trên là tỉnh Vân Nam thuộc Trung Hoa đại lục. Dào San, Sì lở Lầu là hai xã phía Bắc Phong Thổ, nghĩa là nó nằm gọn trên phần đỉnh của “ngọn núi nhọn”, trong đó Sì Lở Lầu ở trên, Dào San ở dưới. Đó là một vùng biên giới hiểm trở, phức tạp… Để tới được Dào San, phải ngược dốc, qua những địa danh như Bản Lang, bản Pho…Xe leo trên đèo, nhìn sang hai bên là những ngọn núi đá cao chất ngất, dưới là hun hút thung sâu.

Nơi chúng tôi tá túc là Đồn Biên phòng Dào San. Đồn trưởng đi công cán, ở nhà có thiếu tá Phó trưởng đồn Nguyễn Văn Hiếu và Trung tá - Chính trị viên Vàng A Lầu. Chưa từng gặp nhau bao giờ mà các anh đón tiếp chúng tôi như thể đón người thân. Có lẽ những người canh giữ biên cương rất khát khao tình cảm. Cũng phải thôi, Hiếu cho biết, “Hồi vừa cưới vợ được một tháng, anh phải đi Bình Phước, “lặn mất tăm” 9 tháng sau mới được về thăm vợ, cảm xúc hôm ấy như… lặp lại đêm tân hôn. Năm 2014, từ giảng viên Học viện Biên phòng, được tăng cường cho Dào San, Tết ở lại trực Đồn, nên vợ con Hiếu phải tình nguyện lên … “trực” cùng ! 
Phó đồn trưởng Nguyễn Văn Hiếu
thăm vườn rau tăng gia của đơn vị
Đang “cày giấy”, đùng một cái đi “cày rừng”, mà lại là rừng biên ải nơi đèo heo hút gió, đối với một thư sinh như Hiếu thì quả thật là một thử thách. Đấy là tôi nghĩ vậy, chứ với Hiếu cũng như các chiến sĩ biên phòng khác, họ đã xác định được nhiệm vụ của người lính trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thì không được quyền chọn lựa nhiệm vụ, và đã là lực lượng vũ trang thì “quân lệnh như sơn”.

Có lẽ hiếm có một đồn Biên phòng như Dào San, quản lý hai đoạn biên giới tách biệt nhau như hai cạnh bên của một hình thang. Đó là đường biên giới phía Đông và đường biên giới phía Tây. Hiếu cho biết, phía Tây thì còn đỡ, vì biên giới được ngăn cách bởi sông suối tự nhiên, chứ phía Đông là đất liền, nhưng lại là rừng núi âm u, cheo leo vách đá, cực kỳ hiểm trở. Mỗi lần đi tuần tra đường biên từ 3 đến 5 ngày, thường là một tuần lễ. Khi đi phải mang vác gạo, thực phẩm, chăn bông, áo mưa…nhưng nhiều đêm vẫn không ngủ được. Ở độ cao trung bình trên 2000m, có điểm như mốc 82, 83 cao độ từ 2600 đến 2800 m, nghĩa là chỉ còn hơn 300 m nữa là ngang hàng với đỉnh Fansipan, nóc nhà Tổ quốc. Nơi ấy quanh năm sương mù giá lạnh, mùa đông thì cực kỳ rét buốt. Anh em phải chặt lá cây rải xuống, phủ áo mưa lên làm đệm nằm, nhưng cái lạnh thấu xương cũng khó mà yên giấc. Có túi ngủ nhưng nếu mang theo thì rất cồng kềnh vì phải leo trèo vào những địa hình mà đến đi người không cũng khó khăn. Có những chỗ phải bám vào rễ cây bên vách đá dựng đứng để đu sang vách bên kia như người làm xiếc, qua một cái khe hẹp, phía dưới là vực sâu thăm thẳm không thấy đáy. Nói dại, chỉ sơ sẩy một chút là cầm chắc cái chết bất đắc kỳ tử! Thần kinh không vững không dám đi. Thực ra cứ mỗi lần đi một chuyến, về đến nhà mới biết mình còn sống. May mắn cho đến nay, Đồn chưa bị hy sinh trường hợp nào do tình trạng địa hình hiểm trở, nhưng tai nạn nhỏ thì không ít. Những ngày mưa rét, dốc cao, đường trơn…đố ai dám nói mạnh!...
Thiếu tá - Phó đồn trưởng Nguyễn Văn Hiếu đi tuần tra
cùng các chiến sĩ đơn vị, nghỉ chân bên suối nước. Ảnh TL

Về những khó khăn trong nhiệm vụ của đồn Biên phòng thì kể cả ngày không hết chuyện. Song, một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất, theo thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, là việc phối hợp với địa phương để xử lý những vấn đề vốn rất phức tạp trên địa bàn. Cuộc sống của đồng bào nơi heo hút xưa nay luôn vất vả, nghèo khó, phong tục tập quán lạc hậu, nên nhiều nơi còn tình trạng ‘phép vua thua lệ làng’…Do đó nếu thiếu sâu sát, thiếu nghệ thuật dân vận, không xây dựng được mối quan hệ tốt, tạo được niềm tin của người dân đối với Bộ đội biên phòng, với cấp ủy, chính quyền địa phương thì mọi việc, từ phát triển kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân đến xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh nơi biên cương… vẫn có thể “xôi hỏng bỏng không” !

Nghe Hiếu nói, tôi càng thấm thía câu khẩu hiệu: “Đồn là nhà, Biên giới là Quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” được viết trang trọng trước ngôi nhà chính ở trụ sở Đồn. Tôi hiểu, đối với Hiếu, một sĩ quan biên phòng đang làm nhiệm vụ hiện thực hóa những kiến thức của một nhà giáo ở Học viện Biên phòng vào cuộc sống nơi biên cương, thì điều quan trọng là khẩu hiệu đó phải biến thành hiện thực, chứ quyết không phải chỉ để trang trí cho đẹp. Đối với Hiếu và khoảng 50 % quân số của Đồn từ các tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Nam Định… lên đây vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã thầm lặng hi sinh những tình cảm riêng tư… Chỉ có quan sát trực tiếp những hoạt động thực tiễn và cảm thông sâu sắc cuộc sống riêng tư của các anh mới thấy, với người lính Biên phòng, có lẽ thời bình hay thời chiến cũng không khác nhau nhiều.

Đang sống ở nơi phồn hoa đô thị, nhộn nhịp ồn ào, xô bồ, bụi bặm…, nay ngủ ở đồn Biên phòng, tôi thấy đêm vô cùng tĩnh lặng. Thông thường, nếu ở nơi yên tĩnh thì dễ đi vào giấc ngủ, thế mà không, cũng lạ, tôi lại trằn trọc, không yên. Hay là, chính cái vỏ bề ngoài yên tĩnh chỉ là để che đậy một sự xao động từ sâu thẳm tâm hồn?  Khoảng hai giờ sáng, nghe xa xa những tiếng gà gáy nối tiếp nhau, thành lớp lang, đậm nhạt như hình ảnh những dãy núi màu lam gối lên nhau từ gần đến xa; như dàn giao hưởng với những âm thanh trầm bổng…Những tiếng gà gáy nơi thâm sơn cùng cốc cứ xoáy mãi vào tâm hồn lữ khách, khiến tôi cảm thấy sự cô đơn của những chiến sĩ biên phòng. Nếu không vì Tổ quốc thân yêu, vì sự bình yên nơi biên cương, vì toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập dân tộc từ ngàn xưa mà tiền nhân đã trao lại trọng trách cho hậu duệ, thì có lẽ chẳng ai muốn dấn thân như các anh! Tôi quấn chăn bông, đôi mắt hé mở, nhìn ra một tia sáng của ánh đèn bảo vệ lạnh lẽo, ngẫu nhiên lọt qua khe cửa, tạo thành một “đường ray” do sương mù, đủ biết ngoài trời sương đêm đã phủ kín cả một vùng trong cái khắc nghiệt của giá lạnh, dẫu những ngày này trời đã sang xuân…

Được biết, trong cái “hình thang cân”, địa bàn mà Đồn Biên phòng Dào San phụ trách gồm 3 xã: Dào San, Tung Qua Lìn và Mù Sang. Vào một buổi chiều, xã Tung Qua Lìn tổ chức giao hữu bóng chuyền, bóng đá, đương nhiên không thể thiếu những người lính Biên phòng. Tốp nghệ sĩ nhiếp ảnh chúng tôi được “ăn ghé”, cũng là để góp vui cho hoạt động văn hóa ở địa phương. Hấp dẫn hơn cả là các cô giáo xinh đẹp ở trường THCS, trường Tiểu học và Mầm non. Trên sân bóng chuyền, mấy tay máy trẻ của chúng tôi như Đức Kỳ, Hà Minh Hưng, Trần Anh Tuấn…  cùng các chiến sĩ biên phòng và các thầy giáo lập thành Đội tuyển Nam đấu với các cô giáo vùng cao – Đội Nữ. Họ quy ước bên nào thua thì phải đãi kem. Cuối cùng thì đội Nam đã thua đội Nữ một cách… ngoạn mục, chắc có lẽ để được dành phần đãi kem những người đẹp!...

Lên Tung Qua Lìn, chiếc xe bán tải gầm cao, hai cầu của Đức Kỳ, có thể bất chấp địa hình, luôn cài số thấp, rồ ga bò từng mét đường trên những đoạn cua tay áo, nhiều lúc con xe ngóc đầu lên, tài xế chỉ thấy mây trời, không thấy đường!… Lên đến đỉnh núi, nơi cao nhất thì xuất hiện cụm Trung Tâm xã, bao gồm trụ sở hành chính, Trường học, Trạm Y tế…

Vì có tuổi, không tham gia chơi bóng được, tôi cùng Trung úy Sùng A Hùng kéo nhau ra ngắm những vườn Táo Mèo đang nở trắng hoa, lung linh dưới nắng xuân, mà nhìn xa ngỡ hoa lê, hoa mận. Bỗng bắt gặp ba đứa trẻ người Mông, đứa lớn ẵm đứa bé, đứa nhỡ chạy theo đang tiến về một ngôi nhà tranh nhỏ nhắn ở dưới thấp. Một bà mẹ trẻ xuất hiện ngay đầu ngõ như vị thần Aphrodite trên đỉnh Ô – Lem – Pơ , giang rộng hai cánh tay, âu yếm đón những “thiên thần” của mình. Theo phản xạ tự nhiên, tôi giơ máy bấm liền ba file. Không thể tả được cảm xúc sung sướng như thế nào trong những phút giây “lên đỉnh” ấy. Có lẽ Tung Qua Lìn trở thành ấn tượng đáng yêu đối với tôi từ đây… Sùng A Hùng đưa tôi vào thăm một gia đình người Mông trong ngôi nhà nhỏ nhắn, giản dị, thấp lè tè dưới chân đồi. Họ đã quen nhau từ lâu, không phải chỉ vì cùng một tộc người mà bởi Hùng là chiến sĩ biên phòng thường xuyên đi công tác dân vận ở địa bàn của mình. Anh thuộc từng nhà, như người nhà quê thuộc những gia đình hàng xóm. Qua trao đổi câu chuyện của họ bằng tiếng Mông, tôi hiểu ra, Hùng với gia đình này cũng như với tất cả những người dân ở địa bàn 3 xã, giờ đây như thể “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Khi chia tay, ông chủ tặng anh một lồng chim, trong đó đang nhảy nhót một con chim quý. Tôi thầm nghĩ, chiến sĩ Biên phòng Sùng A Hùng đã là người của bà con dân bản rồi.
Sùng A Hùng với cái lồng chim dân tặng
Đã đến Dào San, không thể không lên Sì Lở Lầu, cái tên theo phiên âm tiếng Quan Hỏa nghĩa là mười hai tầng lầu. Không biết đó là mười hai tầng dốc hay mười hai lớp núi xếp lên nhau theo cách giải thích của mỗi người, nhưng để lên đó xe phải lượn trên nhiều đoạn đèo rất nguy hiểm. Thiếu tá – Phó đồn trưởng Nguyễn Văn Hiếu đích thân dẫn Đoàn gồm 2 xe 7 người.

Đến đồn Biên phòng Sì Lở Lầu, việc đầu tiên là chúng tôi lên Đài tưởng niệm thắp nhang, viếng hương hồn các liệt sĩ bộ đội Biên phòng đã bỏ mình vì Tổ quốc thân yêu, cách nay vừa tròn 37 năm, tháng 2 / 1979. Tuy là người trực tiếp chứng kiến sự kiện chiến tranh biên giới ngày ấy, nhưng tôi thật sự giật mình khi lần đầu tiên mới được biết đến vụ hy sinh tập thể của các anh ở Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu. Kẻ thù đã giết các anh một cách dã man và hèn hạ. Đó không phải là cuộc đấu súng mặt đối mặt trên chiến trường, mà là hành vi “cắn trộm” đê hèn của những kẻ côn đồ, tay sai bọn mặt người dạ thú. Chúng đã dùng dao cắt cổ những người đồng niên, cùng máu đỏ da vàng, đã từng có lúc chúng nhận là “bạn bè, anh em, đồng chí”, khi họ đang say giấc giữa đêm khuya…

Nhìn những dòng chữ viết tên tuổi các anh tươi rói một màu vàng rực rỡ trên nền đá xám, nghĩ đến những phút giây kẻ thù giết các anh mà trong lòng tôi trào dâng nỗi uất hận, nghẹn ngào. Sự ám ảnh bởi cái chết khác thường của các chiến sĩ, khiến tôi và chắc chắn tất cả những ai là người Việt Nam nhiều thế hệ sau cũng không thể lãng quên. Đó là đạo lý và tình cảm thiêng liêng.
Tác giả thắp nhang trước Hương Đài
tưởng niệm các Liệt sĩ Bộ đội biên phòng
Trước Hương đài tưởng niệm những người con đã hi sinh vì nền Độc lập dân tộc, tôi rưng rưng xúc động, trong lòng nặng trĩu một nỗi buồn!...

Phong Thổ, Tháng Hai năm 2016.
N.N.D

Nhận xét

congtheblocg đã nói…
Hay và xúc động. Hôm đó em ko biết đi cùng tiếc.

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.