4074. Người bán rong rau rừng

Người bán rong rau rừng
PNTB 

Trong những năm gần đây, do lợi ích cá nhân, nhiều người sản xuất rau xanh đã sử dụng thuốc trừ sâu, hoặc bón phân tươi…, gây ô nhiễm nặng nề cho thứ thực phẩm không thể thiếu của người ăn hàng ngày. Ai cũng biết nhưng không có cách nào khắc phục. Bởi những hóa chất độc hại không gây chết người tức thì. Cái chết dần dần bằng việc phát sinh bệnh ung thư không chặn được bàn tay của người sản xuất trước lợi ích 'nhãn tiền' của họ.

Khái niệm “rau sạch” ra đời từ đó. Đôi khi, có những cơ sở sản xuất “rau sạch” nhưng chưa chắc đã... sạch! Khi văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng thì không có cái gì đáng tin cậy. Ở các đô thị, người ta phải tận dụng cả gốc cây, gác thượng, vỉa hè… để tự trồng lấy một phần rau ăn.

Bởi vậy, rau rừng trở thành một thứ thực phẩm quý giá, vì nó không có điều kiện 'ướp' chất độc hại. Bây giờ hoa chuối rừng, cây chuối non rất được hâm mộ, nhất là trong các quán bún bò, giò heo… Không phải chỉ có Việt Nam, một đất nước tỉ người như Trung Quốc, sự ô nhiễm thực phẩm còn tệ hại hơn nhiều. Vì thế, trong thời gian gần đây, ở khu vực biên giới phía Bắc, người Trung Quốc nhập rau dớn rừng từ Việt Nam rất nhiều. Hôm rồi đi thực tế sáng tác ở vùng biên phía Bắc huyện Phong Thổ Lai Châu, mình thấy nhiều bà con người dân tộc gùi những gùi rau dớn rất nặng. Họ nói để bán sang Trung Quốc, bằng những con đường không chính thức.

Khoảng 10 giờ sáng hôm qua, tự dưng thấy bà xã chạy vội vào nhà lấy tiền để ra mua rau dớn của một chị dân tộc Dao đỏ đi bán rong trên đường phố. Thấy vậy, mình ra tiếp chuyện, chụp kỷ niệm chị kiểu ảnh, bởi sắc phục Dao đỏ ra phố càng nổi. Tên chị là Chảo Mùi Mắn, 37 tuổi, ở bản Đá Đinh xã Tả Phời, cách trung tâm thành phố Lào Cai gần hai chục cây số. Chị đeo một gùi rau dớn đầy có ngọn. Chị bảo đi từ 4 giờ sáng đấy. “Thế rau này hái ở rừng từ bao giờ?”. “Ngày hôm qua, ba mẹ con vào rừng hái, đến tối thì được đầy một gùi này”. Chị bán bao nhiêu tiền một bó”. “5 nghìn mà!”. “Ôi, sao rẻ thế, bán hết gùi này thì được bao nhiêu?”. “Được một trăm nghìn đấy!”. Như vậy, 3 mẹ con đi rừng một ngày và chị “cuốc” ra phố một ngày nữa, từ 4 giờ sáng đến sẩm tối mới về đến nhà thì bán hết một gùi rau dớn, được một trăm nghìn (Việt Nam đồng)! Còn anh chồng thì đi làm thuê ở trong làng, ai mướn việc gì cũng làm, miễn là có thêm tiền chi tiêu cho gia đình hàng ngày. Chị bảo ruộng vườn thì ít, làm xong vụ rồi đi rừng lấy rau bán để có thêm tiền chi tiêu. Mình ngó vào cái gùi, thấy ngoài rau dớn, còn có một túm rau má nữa, nhưng ít quá không thông mua. Rau má cũng mọc hoang ngoài bờ nương mà.

Chẳng lẽ chị ấy nói 5 nghìn đồng một mớ, lại trả… 10 nghìn thì bất tiện. Cứ như sức lao động vất vả bỏ ra trong hai ngày, dù rau không phải trồng nhưng cũng phải đổ mồ hôi mà thu nhập được 100 nghìn có lẽ nhiều người dân thành phố chẳng màng?

Trong lúc mình đang chụp ảnh cho chị Mắn, bà xã chạy vào nhà lấy ra một cái áo rét, đã mặc nhưng còn mới, một đôi dép nhựa nom “sang” hơn đôi dép tổ ong chị ấy đang đi và một gói kẹo ngon, nói là tặng chị và gửi cho mấy đứa trẻ. Có lẽ đấy cũng là một cách cảm thông và chia sẻ tình cảm với những người lao động nghèo khó.


Chị Chảo Mùi Mắn chỉ mỉm cười, một cái cười gượng gạo, hiếm hoi, khẽ gật đầu và cảm ơn. 

(PNTB) 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.