4038. "Cây Đàn Nguyệt" dẫn học trò đến với " Phong Ma Làng"

"Cây Đàn Nguyệt" dẫn học trò đến với " Phong Ma Làng"

PNTB: Vào 'phây' của 'Phong Ma Làng', bắt gặp cái PS ngắn của Nguyệt Cầm, mô tả về một cuộc gặp của cô trò một lớp học ở Tuyên Quang với NV Trịnh Thanh Phong. Chắc hẳn đây là một cuộc đi thực tế cho học sinh tiếp xúc với Nhà văn để gây men cho những tài năng tương lai? 

Cũng qua PS này, mình được gặp lại những gì ở Trịnh Thanh Phong đã 'mới' và những gì vẫn như xưa. 

Nhớ ngày nào hai thằng còn công tác, mình đã có dịp đến nhà Phong, vẫn chỗ đất ấy, vẫn cái ngõ từ trên dốc xuống, len vào một khu vắng vẻ, tĩnh mịch, tránh xa sự ồn ào của Thành phố, 'thủ đô' của 'người đẹp xứ Tuyên'. Vẫn phong độ và cái cười sảng khoái, nhất là khi chỉ có mấy thằng với nhau văng ra được mấy câu tục! Nghe Phong nói tục thì sướng vô cùng. Hình như Nguyễn Quang Lập có lần viết, một ngày không văng tục được mấy câu thì nó nhạt mồm nhạt miệng như người nghiện thuốc lào sau bữa ăn không được một bi. Tuy nhiên, nói tục cũng phải có duyên, chứ không phải ai cũng nói được, bắt chước nhau là vứt. Đặc biệt là cái dáng người nom như một lão nông chính hiệu thì từ thời làm 'quan văn nghệ' đến giờ vẫn chẳng có gì thay đổi. Mớ tóc lúc nào cũng bù xù. Khi cười thì phô hết cả hàm răng chín sáu ba không cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Có lẽ vậy mà đã nghỉ hưu quá nửa thập niên rồi, Phong vẫn thế, không thấy già đi tẹo nào.

Còn cái đổi mới nhãn tiền là ngôi nhà (nghe đâu xây bằng tiền nhuận bút), và mảnh vườn nhỏ xinh xắn, được 'nâng niu, chăm chút tỉ mỉ'... như Nguyệt Cầm nhận xét.

Còn một đổi thay nữa là từ ngày cái tiểu thuyết Ma Làng của Trịnh Thanh Phong được chuyển ra phim nhiều tập thì anh có thêm một biệt danh "Phong Ma Làng". Hihi...

Mình cóp cái PS ngắn của cô giáo "Đàn Nguyệt" về đây:
Nguyệt Cầm
Một buổi chiều tháng 3, để chuẩn bị cho bài văn thuyết minh về tác giả, tác phẩm văn học, cô trò chúng tôi đã đến thăm nhà văn Trịnh Thanh Phong, tác giả của tiểu thuyết Ma làng. 

Ngôi nhà của ông nằm trong một ngõ nhỏ, chìm trong màu xanh yên bình của cây lá xung quanh.
Ông ngồi giữa đám học trò nhỏ chuyên Văn lần đầu tiên nhìn tận mắt một nhà văn bằng xương bằng thịt. Xung quanh ông là thế giới quen thuộc của ông: cái tủ lạnh cũ, cái đồng hồ bếp, cái xe đạp của đứa cháu nội... Và ở đó, ông nói về văn chương _ thứ văn chương như ông nói_ được chưng cất từ chính cuộc đời.
Điều làm bọn trẻ con thấy một ông già bình dị là một nhà văn có lẽ chính là nụ cười. Nói về văn chương, là nói về đam mê, về lẽ sống... Cũng là nói về công việc ông làm, con đường ông đi. Ông nói về nó bằng niềm hứng khởi không che giấu được.
Xung quanh ông là những mái tóc đen. Chưa một chút âu lo, chưa biết đến những muộn phiền thực sự. Lũ trẻ con bây giờ, vui nhỏ nhặt, buồn cũng vặt vãnh. Văn chương, cũng mới chỉ dừng ở khái niệm là một môn học. Chưa có say mê, chẳng dám hết mình. Cũng chả dám thử sức... Nhưng thôi, cũng hy vọng là rồi sẽ có vài đứa, đêm nay ngủ muộn hơn một tí vì những gì nghe thấy, nhìn thấy hồi chiều.
Để lũ trẻ ngồi với ổng, tôi ra vườn. Khu vườn tự tay ông trồng và chăm sóc, xanh mướt, ko một cọng cỏ, ko 1 cái lá rụng. Cái cẩn trọng ko chỉ là chữ nghĩa, mà hình như là tính cách con người.
Góc sân là những chậu cây, vẫn gây cái ấn tượng về sự chăm chút tỉ mỉ, nâng niu.


Ngồi nói chuyện với bà vợ của ông... 

Một sợi dây rất vô hình đã kéo chúng tôi lại gần nhau. Có lẽ người đàn bà nào cũng ngời lên hạnh phúc, cũng đầy yêu thương khi nói về người đàn ông của mình, cái người đã cùng mình say đắm đi qua thời trẻ trung, bên nhau đi qua những vất vả, thiếu thốn, kề vai sát cánh trong những thành công và thất bại, chia nhau những vui buồn... Bà bảo : May quá bà có ông bên cạnh, khi bệnh tật, tuổi già đến. Ông là cái gậy chống, là cái lưng ghế tựa, là niềm vui, là bầu bạn của bà. Bà bảo : May quá, tôi đỡ bệnh rồi, ông ấy đỡ khổ.


Chuyển được cái máy ảnh sang tay bạn, là nó ngồi bệt xuống lấy vở ra ghi chép, ngay sau lưng ông nhà văn. Hy vọng đêm nay, nó sẽ nằm trong số những đứa mất ngủ.
Một tấm ảnh, 3 thế hệ. 

Ông nghĩ gì? Ông có tin vào chúng tôi ko? 

Cô học trò ấy mơ màng điều gì? 

Và tôi, tôi phải làm gì để làm tốt vai trò cái gạch nối ấy?
Cuộc gặp kết thúc vào cuối buổi chiều...




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.