3981. Nhân đọc bài: Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An: “Cần có Luật để Đảng tránh bao biện làm thay”

Nhân đọc bài: Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An: “Cần có Luật để Đảng tránh bao biện làm thay” 
NND/ PNTB

Tôi biết đến ông Nguyễn Văn An từ khi ông là Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh. Sau này, khi ông làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, có lần lên Lào Cai, tôi cũng đã được gặp, tất nhiên, ông không thể biết tôi, vì ông là cán bộ cấp cao, “đứng ở chỗ sáng”, tôi thuộc loại vô danh tiểu tốt, “đứng trong bóng tối” nhìn ông.

Trong thời kỳ làm Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Văn An đã có nhiều đổi mới, gây được ấn tượng… Nhưng đặc biệt từ sau khi nghỉ hưu, ông có những ý kiến mới, thật sự sáng suốt và đáng trân trọng.

Trong một bài báo đăng trên Vietnamnet cách đây mấy năm, lần đầu tiên tôi giật mình khi thấy ông nói: Chúng ta cứ nói đã hoàn thành cách mạng Dân tộc, Dân chủ nhân dân, nhưng thực ra cho đến nay mới hoàn thành được cách mạng Dân tộc, còn vấn đề Dân chủ thì chưa.

Sở dĩ giật mình vì từ nhiều năm trước, các nhà tuyên giáo của Đảng ta (trong đó có tôi), luôn mồm nói rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã hoàn thành Cuộc cách mạng Dân tộc, Dân chủ nhân dân, nay tiến thẳng lên Cách mạng xã hội chủ nghĩa! Là một giảng viên trường đảng, tôi cứ nói như một con vẹt và mặc nhiên thừa nhận một việc chưa có mà cứ nghĩ là đã có.

Lại nhớ, từng có một thời chúng ta ngộ nhận rằng, đã là nước xã hội chủ nghĩa thì xã hội chúng ta phải là xã hội Xã hội chủ nghĩa. Đã là xã hội Xã hội chủ nghĩa thì phải ưu việt, phải tốt đẹp, phải ‘dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản’… Khi nhìn ra nước ngoài, những nước theo chủ nghĩa tư bản, thấy dân của họ có một cuộc sống sung túc, thấy xã hội của họ dân chủ, văn minh thì mình lại ngưỡng mộ, thèm khát…. Nhưng vẫn phải tìm cách nói rằng: dù sao thì Tư bản vẫn… không tốt! Cứ nói lấy được như thế nhưng rồi ai cũng nghe, nghe mãi rồi tưởng thật. Nhưng từ khi “mở cửa”, thì cán bộ ta lúc có dịp ra nước ngoài toàn thấy chọn đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Mỹ…, chả mấy ai muốn đi Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên là những nước xã hội chủ nghĩa làm gì, vạn bất đắc dĩ mới phải đến những nước này.

Một khi cuộc sống thực tiễn cứ đi ngược với ước muốn và những lời nói tốt đẹp của chúng ta, thì bắt buộc chúng ta phải “sửa chữa” rằng, chúng ta chưa có Chủ nghĩa xã hội, mà mới ở “chặng đường đầu” đi lên Chủ nghĩa xã hội, đó là một “thời kỳ quá độ lâu dài”, không biết là dài bao nhiêu. Do đó đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nói thật rằng, đến cuối thế kỷ này không biết liệu chúng ta đã có được Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay chưa!?... Tất cả những suy nghĩ rất mâu thuẫn ấy, cho đến nay thì mọi người đều đã biết. Tuy nhiên, vì Thể chế chính trị của chúng ta chưa thực sự đổi mới (như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói ra ở Đại hội 12 của Đảng), mà mới “đổi mới” được một phần về kinh tế, thực chất là tiếp thu bước đầu, chưa đầy đủ Cơ chế thị trường (vốn được xem là của Chủ nghĩa tư bản), khiến phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa Kinh tế và Chính trị, giữa Cơ sở hạ tầng và Kiến trúc thượng tầng. Đó là một cuộc giằng co kéo dài nhiều năm chưa kết thúc… Sở dĩ nói “chưa đầy đủ” bởi cái Cơ chế thị trường mà chúng ta mạnh dạn tiếp thu từ 30 năm trước, nay vẫn còn dính vào “định hướng xã hội chủ nghĩa”, một cụm từ mà 30 năm (6 kỳ Đại hội) vẫn không làm rõ được trong thực tiễn...

Lại nói về ý kiến của ông Nguyễn Văn An về cách mạng Dân tộc, Dân chủ nhân dân mà mấy chục năm trước chúng ta đã ngộ nhận là hoàn thành, chỉ việc tiến thẳng lên Chủ nghĩa xã hội. Nhưng khi ông Nguyễn Văn An phát hiện rằng cái vế Dân chủ chưa làm được thì thực tiễn đã chứng minh xác đáng cho nhận định của ông. Cuộc cách mạng này không thể giống như một trận chiến chỉ trong chớp mắt lật đổ một bộ máy cầm quyền, một chế độ như kiểu Cách mạng tháng Mười Nga hay Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam. Nó lâu dài, thậm chí ngoắt ngoéo, lúc lên lúc xuống…bởi xét về quy luật thì chả mấy nhà cầm quyền lại muốn ‘chia quyền’ cho dân chúng. Do đó ở những nước tiến bộ (như Bắc Âu và những nước tư bản phát triển), trước hết họ phải có một bản Hiến pháp như một bản khế ước của nhân dân, giao cho nhà cầm quyền thực hiện để làm công cụ hữu hiệu chặn bàn tay lạm quyền của chính quyền. Chính quyền có xu hướng lạm quyền, mất dân chủ là một quy luật của bất kỳ nhà nước nào trong lịch sử. Đó là điều mà khi sinh thời Lenin đã phát hiện và cảnh báo đối với Nhà nước xã hội chủ nghĩa khi mới ra đời. Có làm được như vậy thì Dân mới có cơ được làm chủ. Một khi chưa có cái Hiến pháp như thế thì dù những khẩu hiệu về Dân chủ, nhân quyền có tốt đẹp mấy nó cũng chỉ là khẩu hiệu mà thôi! Hiến pháp của chúng ta xây dựng khá kỳ công, có sửa đổi để cố gắng hướng đến nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhân quyền thực sự, nhưng so với Hiến pháp Hoa Kỳ cách nay hơn hai trăm năm thì vẫn còn cảm thấy xa vời…

Một ấn tượng nữa khi ông Nguyễn Văn An, một trong cựu “tứ trụ” của Bộ Chính trị Trung ương Đảng dám nói thẳng ra rằng: Bộ chính trị như một ông Vua, chỉ khác, đó là “ông Vua tập thể”. Ai cũng biết Thế giới đã trải qua mấy nghìn năm của chế độ Phong kiến, một chế độ Quân chủ (Vua làm chủ), nghĩa là “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Hay nói cách khác, Vua là quyền sinh quyền sát. Đã nói đến chế độ vua quan thì làm gì có dân chủ. May ra được ông vua sáng, thương được tí nào thì bầy tôi và dân chúng được nhờ tí ấy, ngược lại, vớ phải ông vua thuộc loại “hôn quân” thì… chết dân. Nhưng nói chung, đó là một chế độ lạc hậu mà những cuộc cách mạng tư sản từ mấy thế kỷ trước đã lật đổ từng mảng để thiết lập nên nhà nước dân chủ, tiến bộ.

Theo ông An, khi Hệ thống chính trị của ta do Đảng lãnh đạo, mà Đảng lại không đổi mới phương thức lãnh đạo, quyền lực tập trung hết vào Bộ Chính trị đến nỗi Quốc hội cũng thiếu thực quyền thì, Bộ chính trị như ông “Vua tập thể”. Nếu Đảng nắm hết tất cả mọi thứ như kiểu một ông bố trong gia đình, không cho ai trong nhà được một quyền gì ngoài mệnh lệnh của ông, thì khác nào Đảng như Vua?

Vậy để tránh “giẫm chân” vào con đường Phong kiến mà Cách mạng thế giới đã phải hy sinh rất nhiều xương máu để lật đổ, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo”. Về điều này, tôi còn nhớ, vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, Đảng đã đặt ra trong một Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng. Tinh thần cơ bản của NQ này là phải phân định rõ ràng chức năng của “ba bộ cấu thành Hệ thống chính trị”: Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể nhân dân. Trong đó, Đảng – Lãnh đạo bằng phương thức ra Chủ trương, Đường lối, Nghị quyết và sự nêu gương của Tổ chức Đảng và đảng viên; Nhà nước – Quản lý bằng Pháp luật; Nhân dân – Làm chủ thông qua các tổ chức đại diện của mình. Ba bộ phận ấy không được giẫm chân vào nhau, đặc biệt Đảng không được can thiệp sâu vào nhiệm vụ của Nhà nước hoặc Mặt trận và các Đoàn thể nhân dân. Tuy nhiên, cái tinh thần, ý tưởng tốt đẹp ấy của Đảng cho đến nay, đã mấy chục năm trôi qua mà xem ra chưa có gì chuyển biến, thậm chí còn có biểu hiện Đảng ‘lấn sân’ Nhà nước, còn Mặt trận và Đoàn thể nhân dân thì như một Chính quyền ‘phẩy’, bên cạnh Nhà nước. Do đó trong bài  Cần có luật để Đảng tránh bao biện, làm thay ,trả lời phỏng vấn báo VietTimes gần đây ông Nguyễn Văn An đã nói lại ý này. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Văn hóa xã hội và Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đã lên tiếng: “Đảng cần đổi mới để Quốc hội thực quyền hơn”.

Ấn tượng tiếp theo về phát biểu của ông Nguyễn Văn An là ông nói đến khái niệm “lỗi hệ thống” khi phải giải thích những bất cập trong xã hội của chúng ta mấy chục năm qua. “Lỗi hệ thống” là gì, nếu không phải là một khái niệm của Tin học? Khi một máy tính bị lỗi hệ thống chúng ta phải xử lý như thế nào, chắc mọi người đã hiểu…

26/ 2 /2016 - PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.