3965. Làng của những ngôi nhà vuông

Làng của những ngôi nhà vuông
Phóng sự của Thái Sinh
Làng của người Hà Nhì nhìn từ trên núi Nhìu Cồ San
Từ trên núi Nhìu Cồ San nhìn xuống, những làng người Hà Nhì nằm chênh vênh trên các sườn núi của vùng cao Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) như những chiếc nấm đất. Tôi có cảm giác núi chỉ khẽ cựa mình thì những ngôi nhà kia sẽ lăn cả xuống vực sâu. Nhưng không, trải qua 300-400 năm những ngôi nhà trình tường hình vuông dựng ở nơi cao nhất Việt Nam vẫn bám chặt vào núi, kiên gan như những con người nơi đây…

Bí ẩn những ngôi nhà trình tường
Hơn 10 năm trước, Lần đầu tiên đặt chân lên Y Tý, đến lúc này tôi không thể quên được cái cảm giác ngỡ ngàng đến không thể tin nổi vào mắt mình về những ngôi nhà trình tường như những khối vuông rubich. Ngôi nhà nào cũng lợp bằng cỏ dày tới cả mét, trên các nóc nhà địa y và cả cây rừng to bằng cổ tay mọc trên đó. Hỏi ra mới hay, những cây mọc trên mái nhà là hạt cây rừng do chim chóc tha về hoặc lẫn vào trong cỏ đã mọc lên. Nhìn những ngôi nhà của người Hà Nhì chẳng khác gì những chiếc nấm đất ẩn mình trong lớp lớp đá xám và cây rừng, giữa vùng đất hoang sơ như chứa đựng rất nhiều bí ẩn bên trong.


Để xây dựng được những ngôi nhà như thế là cả nghệ thuật kiến trúc vô cùng độc đáo, phải trải qua hàng trăm năm người dân mới có được những kinh nghiệm trình tường, giúp cho ngôi nhà đứng vững trên vùng đất mịt mù sương giá, chịu đựng được những trận gió, mưa xối xả làm đổ cây rừng, sạt nhiều vách núi. Không ít ngôi nhà có tuổi thọ cả trăm năm, nắng mưa làm trơ những viên sỏi đá bên trong nhưng vẫn đứng vững thách thức với thời gian.
Đường lên Y Tý phải
xuyên qua cánh rừng già
Lần này lên Y Tý, đang là mùa khô, tới thôn nào cũng gặp người dân dựng nhà. Ông Phu Giờ Che, thôn Lao Chải đang trình tường ngôi nhà của mình, ông cho biết ngôi nhà bắt đầu làm sau khi gặt hái xong, tới nay cũng đã được hơn một tháng, tuy vậy mới trình được bức tường trước mặt và bức tường giữa nhà và một phần hai đầu hồi. Nếu trời không mưa thì Tết năm nay ông sẽ có nhà mới ở.

Chuyện làm nhà của người Hà Nhì bắt đầu từ việc chọn đất, mảnh đất làm nhà phải ở vị trí thoáng đãng, lưng tựa vào núi cửa nhìn xuống thung lũng. Người ta khoét ba hố đất ở ba góc của mảnh đất dự kiến làm nhà, mỗi hố to bằng cái bát ăn cơm được làm nhẵn trong lòng. Họ đặt vào mỗi hố 3 hạt thóc chụm đầu vào nhau, tượng trưng cho trời, đất và con người. Sau đó họ dùng một hòn đá đạy hố lại rồi thắp hương khấn vái thần linh thổ địa xin được làm nhà trên mảnh đất này. Khi mở hòn đá đạy các hố đất, nếu ba hạt thóc vẫn chụm đầu vào nhau, tức là thần linh, thổ địa đồng ý cho dựng nhà, nếu ba hạt thóc quay đầu đi hướng khác, tức là thần linh thổ địa không cho làm nhà ở đó, phải tìm mảnh đất khác. Bí thư Đảng ủy xã Y Tý Ly Giờ Có bảo: Lạ lắm nhé, có nhà khi mở ba hố ra thì cả ba hố các hạt thóc quay đi mỗi hướng, có hạt còn “bò” lên tận miệng hố. Như vậy, không thể làm nhà ở đấy được.

Người ta chọn ngày lành tháng tốt để đặt móng nhà, chiều dài và chiều rộng được đo bằng sải tay của gia chủ. Chiều dài thường là 9 m, chiều rộng 8 m, vì thế nhìn ngôi nhà như khối vuông. Móng nhà xếp bằng đá cao chừng 50-80cm nhằm chống sạt lở để giữ vững cho các bức tường của ngôi nhà. Người ta làm những chiếc khuôn bằng gỗ dài chừng 2- 2,5m, rộng từ 60-80cm, họ đổ đất đào từ chính sườn đồi vào các khuôn gỗ rồi dùng chày giã, lèn chặt. Mỗi lớp dày 10-15cm, trình cao 60-70cm thì đợi khô mới trình lớp tiếp theo. Các góc nhà người ta phải làm cốt tre bên trong để các bức tường kết dính vào nhau không bị xé nứt.
Trình tường ngôi nhà mới
Làm nhà trình tường không thể vội vàng, mỗi ngày làm một ít, nếu lớp trình quá cao khi đất chưa kịp khô thì tường dễ bị đổ. Để bức tường được nhẵn họ dùng chiếc bàn bằng gỗ vả vào thành tường cho mịn mặt, phẳng lỳ.
Ông Phu Giờ Che đập cho mặt tường mịn, phẳng
Nhà chia thành hai gian, ngăn cách bởi một bức tường ở giữa. Bức tường này chống đỡ cho nóc ngôi nhà, đồng thời chắn gió lạnh mùa đông cho gian bên trong nơi nghỉ ngơi của gia chủ và cũng là nơi sinh hoạt của gia đình diễn ra tại đây. Phía gian trong, bếp nấu nướng đặt cạnh chiếc sạp ăn cơm, phía trong là giường ngủ của vợ chồng gia chủ. Bếp được đặt trong nhà cho tiện sinh hoạt cũng là để cung cấp hơi ấm cho ngôi nhà.

Nhà của người Hà Nhì chỉ có một cửa rộng chừng 8cm-1,2m cao hơn một mét và một số lỗ thông hơi. Bởi thế nhà nào cũng tối âm âm, khi bước vào trong nhà phải một lúc sau mắt người ta mới quen dần với bóng tối.

Trước đây nhà lợp bằng cỏ, nhưng do ở trên núi ẩm ướp quanh năm sương mù, nên cỏ dễ mủn nát, lớp cỏ lợp cũng chỉ được 4-5 năm là phải thay lớp cỏ khác nên bây giờ người ta lợp bằng tôn hoặc các tấm lợp Fibro xi măng. Nhiều gia đình khá giả họ xây nhà bằng gạch không nung nhưng vẫn giữ kiến trúc ngôi nhà vuông của người Hà Nhì.

Khi nhà xây xong, vật đầu tiên họ rước Thần lửa vào nhà, tiếng Hà Nhì gọi là “À phì phu chu ma”. Thần lửa là một hòn đá hình trụ cao chừng 25-30cm được lấy trên các sườn núi của dãy Nhìu Cồ San đặt bên cạnh bếp lửa của gia đình. Người Hà Nhì thờ Thần lửa, bởi sống ở trên núi không có lửa thì không ai có thể chống chọi được lạnh giá quanh năm, mùa đông thường có băng giá và mưa tuyết, nhiều ngày nhiệt độ xuống tới 0oC. Lửa để nấu nướng, lửa giữ ấm cho ngôi nhà.

Đá sinh ra lửa, Thần lửa trú ngụ trong những tảng đá trên núi cao, họ rước Thần lửa về ngôi nhà mình để giữ cho ngọn lửa lúc nào cũng cháy. Hòn đá thờ Thần lửa gắn bó với cả cuộc đời người Hà Nhì nên mọi người tôn kính gọi là “ông đá”, nếu phải chuyển nhà đi đâu thì họ phải mang theo “ông đá” đi theo. “Ông đá” thờ Thần lửa là vật linh thiêng, không ai được bước qua hay gõ vào đầu “ông đá”. Ngày Tết, sau khi  làm lễ cúng thần linh và tổ tiên, trước khi ăn họ mời “ông đá” uống rượu, ăn bánh giầy, bánh chưng, thịt…tất cả những món ăn ngày Tết của người Hà Nhì. Họ khấn rằng: À phì phu chu ma giữ ngọn lửa trong ngôi nhà này mãi mãi rực sáng, đẩy lùi giá lạnh và bóng tối…  

Buổi sáng người phụ nữ dậy sớm nhất, công việc đầu tiên là đốt lửa cháy rừng rực để sưởi ấm ngôi nhà sau một đêm lạnh giá, đánh thức Thần lửa À phì phu chu ma để gọi mặt trời lên.

Những phong tục kỳ lạ
Người Hà Nhì ở Y Tý là người Hà Nhì đen chiếm 45,7% dân số của xã với khoảng 2.276 người, sống tập trung ở các thôn: Chòn Thèn, Tả Dền Thàng, Mò Phú Chải, Nhìu Cồ San, Lao Chải 1,2,3, Sín Chải 1,2.

Ông Ly Giờ Có cho hay: Để phân biệt người Hà Nhì đen với người Hà Nhì trắng ngoài trang phục là áo màu chàm sẫm viền xanh, quan trọng nhất là món bánh giầy rắc vừng đen. Bánh giầy rắc vừng đen được cúng trong các ngày lễ, Tết. Khi người chết về với ông bà tổ tiên phải cúng món bánh giầy rắc vừng đen. Nếu không có món đó thì linh hồn người chết khi sang thế giới bên kia sẽ không thể nhận được tổ tiên, linh hồn sẽ phiêu bạt khắp bốn phương trời…

Năm kia tôi lên Y Tý tình cờ được dự đám cưới Tráng Hờ Dó con trai phó chủ tịch xã Tráng A Lù lấy cô Ly Hờ Dia người Hà Nhì ở A Lù. Hai người yêu nhau từ mấy năm rồi, nhưng cô Dia chưa đến tuổi lấy chồng. Khi cô Dia 20 tuổi, ông mối bấm ngày bảo cưới năm nay là tốt nhất. Thế là đêm ấy Hờ Dó cùng với mấy người bạn sang A Lù kéo cô Dia về làm vợ.
 
Cô Ly Hờ Dia được Tráng A Lù kéo về làm vợ 
Tục kéo vợ, đã có từ rất lâu, nếu đồng ý thì cô gái không kêu khóc, phá cửa đòi ra, còn ngược lại thì người ta phải thả cô gái đó đưa trả về nhà bố mẹ. Khi kéo được cô gái về, nhà trai bắt gà mổ để kính báo tổ tiên về nhận mặt con cái trong nhà…Cô gái cũng đến trước bàn thờ khấn vái, sau đó là đi sắp mâm, làm cơm cho mọi người ăn uống…

Sáng hôm sau nhà trai gói hai gói xôi nếp và hai lít rượu sang nhà gái thông báo cho bố mẹ cô gái biết rằng đêm qua con trai họ đã "cướp" cô gái về. Nhà gái mời anh em họ mạc nhà mình đến, nếu nhà gái đồng ý thì họ mở hai gói xôi ra, mổ gà làm cơm dâng hai gói xôi lên bàn thờ tổ tiên. Khi đó việc đám cưới mới được bàn bạc. Lễ cưới, nhà trai mang đến cho nhà gái một con lợn 60-70kg, 2 con gà trống, 2 con gà mái, rượu 70-80 lít, 30 kg gạo nếp để đồ được 80-100 cặp xôi, bạc trắng 10-20 đồng loại 5 hào, tiền mặt 2 triệu. Số thịt, rượu ấy để nhà gái làm cơm mời anh em họ hàng báo tin con gái họ đã lấy chồng. Nếu nhà gái không đồng ý thì hai gói xôi không được mở ra và nhà trai phải dẫn cô gái trả về cho họ.
 
Phụ nữ Hà Nhì vẫn may nhưng bộ quần áo truyền thống
Người Hà Nhì có nhiều tết, tháng giêng có Tết Nguyên đán, tháng hai có Tết trẻ em, tháng ba có Tết cúng rừng, tháng sáu có Tết trùm chăn, tháng bảy có ngày “ khù lê lê”, tháng tám có Tết cơm mới, tháng mười một có Tết “ga tho tho”, đây là tết của riêng của người Hà Nhì. Trong số những ngày tết đó to nhất là tết “ga tho tho” và tết Nguyên đán, họ làm bánh dày rắc vừng đen và mổ lợn, gà. Ngoài ra có hai cái tết được đặc biệt quan tâm đó là Tết cúng rừng và Tết trùm khăn.

Tết cúng rừng, cả thôn góp tiền mua một con lợn 50-60kg, vào ngày cúng rừng toàn bộ con trai trong làng mỗi người góp một chai rượu và một bơ gạo họ mang ra khu rừng cấm mổ lợn cúng Thần rừng đã cho họ gỗ làm nhà, cho củi họ sưởi quanh năm, cho thảo quả ra nhiều quả…Trong lễ cúng rừng mọi người cùng thề giữ rừng. Vì thế trải qua bao nhiêu đời nay, rừng Y Tý không bị chặt phá, những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây rừng bốn năm người ôm không kín gốc chưa hề bị đụng dao tới. Sau vụ gặt tháng mười con gái lên rừng lấy củi dự trữ, nhà nào trước cửa cũng có một đống củi cao chất ngất. Đống củi là thước đo sự chịu khó của những người phụ nữ trong ngôi nhà kia.

Tết trùm khăn được tổ chức ngày Thìn của tháng 6 (âm lịch), đấy là khi công việc ruộng nương đã vãn. Tết này còn gọi là tết tình yêu, tết của tuổi trẻ. Tết được tổ chức quanh cây đu dựng trên bãi đất bằng đầu thôn. Đám trai làng chưa vợ lên các cây đu thi tài, ai đánh bổng nhất, chứng tỏ người ấy có sức khoẻ sẽ được nhiều cô gái để ý. Buổi tối trăng sáng con gái thì quay dây con trai nhảy, nếu đôi nào ưng nhau thì trùm khăn che mặt dẫn nhau vào rừng tâm sự.

Ngày Tết nhà nào cũng mổ lợn, con lợn tết được nuôi từ 1-2 năm, nhỏ cũng 60-70 kg, to hơn một tạ, mỡ dày cả gang tay. Chiếc hàm lợn được treo lên gác bếp khói bắt đen nhánh. Để tính tuổi của ngôi nhà người ta trèo lên gác bếp đếm những chiếc hàm lợn thì biết tuổi của ngôi nhà.

Chiều muộn chúng tôi mới xuống núi, ngoảnh nhìn lại Y Tý, sương đã buông mù mịt, hiện trên những nóc nhà là ngọn cờ đỏ rực sáng trên những ngôi nhà hình vuông nơi vùng cao biên giới khiến lòng tôi cứ rưng rưng.


Báo Thrillist bình chọn 12 điểm bí ẩn nhất châu Á trong đó có Y Tý. Làng của những ngôi nhà hình vuông ấy chứa đựng những giá trị văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc mà người ta chưa khám phá hết. Ông Ly Giờ Có giải thích hai chữ Y Tý: Y là một, Tý cũng là một. Phải chăng Y Tý chính là vùng đất bí ẩn nhất Việt Nam? 
(Thái Sinh)
Tác giả gửi PNTB - Bài đã đăng NNVN số Tết Bính Thân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.