3964. Vê quê Giỗ Tổ

Về quê Giỗ Tổ

PNTB: Mấy ngày nay mình về quê dự Lễ Giỗ Tổ và khánh thành việc tôn tạo Nhà thờ họ, nên trang Blog Phó nhòm tây bắc không cập nhật được kịp thời. Thành thật xin lỗi bà con.

Dòng họ Nguyễn Phúc làng Cổ Đẳng, xã Nghiêu Quan (nay là Tân Liên), phủ Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), là một trong 3 dòng họ Nguyễn nơi đây, đã có lịch sử lâu đời.

Ngôi từ đường khiêm tốn nhưng rất cổ kính đã xây dựng mấy trăm năm, trong dòng chảy của thời gian, mặc dù đã được sửa chữa nhỏ nhiều lần, nhưng đã đến lúc phải đại tu. 

Đó là mái nhà chung tập hợp dòng Họ, tạo thành sức mạnh đoàn kết, góp phần cùng dân tộc dựng nước và giữ nước.

Về dự Lễ khánh thành tôn tạo nhà thờ lần này, gắn với ngày giỗ Tổ đầu xuân Bính Thân, mình thật sự xúc động.
Cổng Làng
Khu Mộ Tổ
Ngõ vào Từ đường
Ngôi từ đường vừa được tôn tạo
Bên cánh tả: Chữ Phúc
Cánh hữu: Chữ Lộc
Cắt băng khánh thành
Chuẩn bị cử hành tế Tổ

Vào Tế
Dâng hương


Ông Trưởng họ Nguyễn Trung Tuyến phát biểu
Toàn cảnh


Một tiết mục hát chầu văn...
...do các nghệ sĩ Đoàn chèo Hải phòng
là con cháu dòng họ Nguyễn Phúc trình bầy. 
Nguyễn Ngọc Dương được Ban Tổ chức
và Hội đồng gia tộc mời phát biểu:
Đôi lời trong ngày Giỗ Tổ & Khánh thành Nhà thờ họ Nguyễn Phúc
Kính thưa: Hội đồng Gia tộc Nguyễn Phúc,
Thưa các vị chức sắc trong xã, trong thôn cùng toàn thể bà con trong họ.

Trước hết, cho phép tôi được bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi lần đầu tiên được dự ngày Giỗ Tổ, (cũng bởi xa quê đã nhiều năm). Đặc biệt phấn khởi hơn vì lần này ngày giỗ Tổ được gắn với việc khánh thành tôn tạo ngôi Từ đường của dòng Họ, một sự kiện mà hằng trăm năm nay mới có được.

Nhận thấy dù còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng với lòng, biết ơn tổ tiên, biết ơn tiền nhân, dòng họ ta đã hết sức cố gắng để tân trang lại Từ đường dòng Họ. Đó là đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn’, đạo lý của lớp lớp cháu con đối với nguồn cội của mình, bởi không có gốc, không có cây, có cành thì không thể có hoa trái.

Nhân đây, thay mặt cho 7 anh chị em, (hiện sinh sống ở Kiến Thụy, nội thành Hải Phòng và Lào Cai)  cùng các con, cháu, chắt của cụ Nguyễn Văn Du, xin cảm tạ tinh thần trách nhiệm của Hội đồng Gia tộc Nguyễn Phúc, đặc biệt là ông Trưởng họ Nguyễn Trung Tuyến, đã chủ trì tổ chức xây dựng thành công ngôi Từ đường dòng họ.

Thứ hai, đồng thời với niềm vui, tuy nhiên cũng còn xuất hiện một nỗi lo. Nỗi lo này không ngoài sự thiếu thốn về kinh phí để thực hiện, bởi đại đa số trong Họ còn nhiều gia đình khó khăn. Được biết, dù ngôi Từ đường đã hoàn thành cơ bản nhưng món nợ đang còn nhiều…

Xưa các cụ có câu, thôi thì: “Cháo nóng húp quanh, công nợ giả dần”. Chúng ta đã làm một công việc vô cùng ý nghĩa. Tin rằng, Tổ tiên sẽ phù hộ cho hậu duệ khắc phục được khó khăn này.

Cụ thể, còn thiếu bao nhiêu, xin đề nghị Hội đồng Gia tộc sẽ tiếp tục phân bổ đến các suất đinh trong Họ để đóng góp tiếp, nhiều người như rết nhiều chân. (Cũng có thể nên chiếu cố đến những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giảm bớt một phần, bởi cùng trong một dòng họ không lẽ không giúp nhau). Ngoài ra, những gia đình, những người có điều kiện hơn, có thể tự nguyện cung tiến, công đức tùy theo khả năng. Điều này xét cho cùng cũng là Luật nhân quả, nghĩa là nhờ phúc ấm Tổ tiên mà có được đời sống yên ổn, hoặc khá giả hơn, nay có cung tiến một chút lòng với Tổ tiên cũng là sự tri ân, hay nói cách khác là “trả nợ’ Tổ tiên mà thôi.

Việc Công đức nhiều hay ít đó là cái Tâm của mỗi người. Việc tâm linh không ai tính toán. Đây là quy luật cuộc đời, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc trên thế giới đều nhận ra điều đó. Ai cũng có thể hiểu: không có cha mẹ, không có tổ tông thì rốt cục không có mình.

Tất nhiên, mỗi người đều có một số phận khác nhau. Cái ‘lá số’ ấy trước hết do chính bản thân mình làm nên, chứ không phải trời cho, nhưng sự nỗ lực bản thân lại phụ thuộc vào hoàn cảnh cuộc sống và cuối cùng là nhờ phúc ấm Tổ tiên…

Thứ ba là, tôi muốn nói đến sự đoàn kết, thống nhất trong họ. Điều này vô cùng quan trọng. Tôi được biết, có nhiều dòng họ chỉ vì mất đoàn kết mà cuộc sống mọi người trong họ sinh ra lủng củng, không yên ổn.

Sự mất đoàn kết ở bất kỳ đâu là do xuất phát từ việc người ta chưa học được chữ Nhẫn, và thiếu dân chủ. Trong một gia đình, ông bố lấy thế làm bố, nặng sĩ diện, gia trưởng, không tôn trọng ý kiến vợ, con thì xảy ra mâu thuẫn; hoặc vợ chồng cũng vì những chuyện không đâu nhưng nặng bệnh sĩ, không ai nghe ai, nên có khi cãi nhau, đánh nhau. Nếu ai cũng muốn lấy ý kiến của mình làm trung tâm, chỉ muốn mọi người phải tuân phục mình, mà mình không phục ai thì dễ sinh ra mâu thuẫn. Từ chuyện bé xé ra to thế rồi nhẹ thì hậm hực, nặng thì không muốn nhìn mặt nhau, nặng nữa có khi nhân bữa liên hoan, mượn chén rượu đánh nhau, biêu đầu mẻ trán cho bõ tức cũng nên. Điều này trong thực tế đã diễn ra quá nhiều. Tết vừa qua, người ta tổng kết trên đất nước mình có hàng trăm vụ đánh nhau nhập viện, kỷ lục chưa từng thấy. Vừa mới giao thừa hai bên hàng xóm sang nhau xông đất, nhà nọ mừng tuổi (lì sì) cho con cái nhà kia, ấm cúng lắm. Nhưng sáng mùng một vì cái ngõ chung, khách nhà này để xe lấn hết lối đi của nhà kia…lẽ ra nếu giải quyết khéo, chỉ cần một ...nụ cười là vui vẻ cả năm. Đằng này, ông nào cũng muốn ra vẻ ta đây, lên gân, lên cốt, nói nọ nói kia…rồi cuối cùng xông vào ẩu đả, đi viện tất. Thế là mất tết.

Rất may, trong dòng họ Nguyễn Phúc chúng ta có truyền thống đoàn kết tốt. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi điều này điều khác chưa bằng lòng nhau... Vì thế, là một người ở xa quê, tôi chỉ mong sao trong dòng Họ mình không bao giờ để xảy ra sự mất đoàn kết. Mọi người thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, bởi vừa là tình làng nghĩa xóm, vừa là trong họ mạc. Cái truyền thống ‘tối lửa tắt đèn có nhau’ vốn là một nét đẹp trong văn hóa dân tộc.

Tôi nghĩ rằng: Nếu có những ý kiến khác nhau trong một công việc nào đó, chúng ta nên lắng nghe nhau. “Nói phải củ cải cũng nghe”. Cuối cùng, nếu không chấp nhận được thì tạm thời phải tôn trọng ý kiến số đông. Vì thế, mọi tổ chức người ta mới sinh ra cái nguyên tắc ‘thiểu số phục tùng đa số’.

Trong họ có người nhiều tuổi, người ít tuổi, có người ngành trên, có người ngành dưới. Đôi khi người ngành trên còn ít tuổi mà người ngành dưới lại đã ‘lão làng’. Vậy thì về tôn ti trật tự, ngành dưới vẫn phải tôn trọng ngành trên, bậc trên. Đáng là bậc nào thì xưng hô, ứng xử theo bậc đó cho phải phép. Song ngành trên, bậc trên cũng cần tôn trọng ngành dưới, bậc dưới, nhất là đối với người có tuổi. Thực ra, tôn trọng người khác bao giờ cũng đồng nghĩa với sự tôn trọng chính mình. Sự tôn trọng lẫn nhau là cơ sở của sự đoàn kết. Sự mất đoàn kết trong dòng họ đôi khi còn do sự huyễn hoặc, ví dụ, một người có vai vế vỗ ngực kiểu: “Tao bày vai với bố mày chứ không phải với mày nhé!”. Thế thì cũng chả bổ béo gì mà sinh ra mất lòng.

Xin lỗi các ông bà cô bác cao tuổi, đã đến một độ tuổi nhất định chúng ta mới hiểu ra rằng: CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA QUÁ NGẮN NGỦI, không mấy thí mà rồi ai cũng đi theo Tiên Tổ cả. Đố ai bướng bỉnh, dám chống lại mệnh giời mà sống mãi được. Vì thế, bỗng dưng chúng ta nhận ra trên đời này chẳng có cái gì quan trọng! Nếu có ai cho rằng cái gì cũng quan trọng, cứ phải theo ý tôi, không là không được, thì cho đến lúc sắp về giời sẽ nhận ra là dại. Vì chết rồi thì đến: “Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng/chết xuống âm phủ (cũng) chẳng mang được gì”. Mọi tham vọng của con người đến khi nhắm mắt xuôi tay thì tất cả đều trở thành vô nghĩa!

Và khi đã nhận thấy, mọi sự trên đời không có gì quan trọng thì cũng chả đáng phải cãi vã nhau lâu, chẳng có gì phải cố dành bằng được chân lý thuộc về mình. Nếu nghe người khác giải thích chưa thủng thì, theo tôi cứ tạm thời vui vẻ chấp nhận. Đó chính là sự tổng kết của ông cha ta “Một điều nhịn là chín điều lành”.

Thưa Hội đồng gia tộc, thưa toàn thể bà con, tôi chỉ là một thành viên nhỏ nhoi của dòng họ, được vinh dự phát biểu, tôi chỉ chân thành muốn nói lên tấm lòng mình như một sự chia sẻ theo ý kiến riêng. Mà đã là ý kiến riêng thì cũng rất có thể có ai đó nghe không lọt tai, âu đó cũng là chuyện bình thường. Nếu có gì không phải, tôi thành tâm mong được bà con thể tất.

Cuối cùng, cho phép tôi thay mặt tất cả anh chị em, con cháu trong chi chòm Họ Nguyễn Phúc nhà cụ Nguyễn Văn Du gửi tới tất cả bà con trong Họ ta, một năm mới Bính Thân lời cầu chúc sức khỏe, an lành, thịnh vượng.

Cầu mong cho dòng họ Nguyễn Phúc sinh ra ngày càng nhiều những người con thành đạt, làm rạng danh dòng họ, với một chữ Phúc đậm nét trong mọi nhà.

Xin chân thành cảm ơn.
Xuân Bính Thân - 2016
Nguyễn Ngọc Dương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.