3963. Vẫn là bệnh háo danh, bệnh thành tích và Cơ chế phớt lờ*
Táo quân
‘giỡn mặt’ và cái tặc lưỡi đồng lõa
22/02/2016 02:00 GMT+7
Những con số “nhảy múa”
Tết Nguyên Đán Bính Thân vừa
hết, Ủy ban ATGT Quốc gia thống kê toàn quốc có 408 vụ tai nạn giao thông,
khiến 300 người chết và 380 người bị thương. Trong đó, ba tỉnh đặc biệt được
tuyên dương là Đồng Nai, Ninh Bình, Vĩnh Phúc vì không để xảy ra TNGT.[1]
Cùng lúc đó, Bộ Y tế ra thông
báo ghi nhận được 5.400 trường hợp chấn thương sọ não trong tổng số 44.000 lượt
khám, cấp cứu do TNGT trong dịp Tết vừa qua. Chỉ tính riêng con số chấn thương
sọ não, thống kê của Bộ Y Tế có độ vênh gấp hơn… 11 lần so với con số của Ủy
ban ATGT Quốc gia.
Theo Cục trưởng Cục CSGT Trần
Sơn Hà thì mỗi cơ quan có cách thống kê riêng[2], nhưng có vẻ con số mà Ủy ban ATGT Quốc
gia đưa ra không… hợp lòng dân lắm. Đọc lướt qua những ý kiến của bạn đọc trên
trang mạng của Tuổi trẻ, có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều “tố giác” từ phía
người dân, đặc biệt là ở Đồng Nai. Một số người còn cho biết bản thân đã tham
gia cấp cứu TNGT tại các địa phương báo cáo là không có tai nạn.
Có người còn dẫn bài viết trên
báo Đồng Nai đưa ngày 15/2, ghi nhận số liệu của Phòng CSGT đường bộ và đường
sắt tỉnh Đồng Nai: 9 ngày nghỉ Tết, toàn tỉnh có 7 vụ tai nạn giao thông. Đường dẫn vào bài báo kể trên cho đến nay
đã không thể truy cập.[3]
Hai ngày sau, ngày
17/2, thông tin trên mới được đại diện của Đồng Nai đính chính trên báo Tuổi trẻ là “có nhẫm lẫn.” Còn đại diện của hai tỉnh Ninh Bình và Vĩnh Phúc
thì vẫn chưa lên tiếng.
Đâu là con số thật? Thực hư ra
sao? Là nhầm lẫn hay là trấn an dư luận?Người đọc rất hoang mang và muốn biết
vì TNGT từ lâu đã là một vấn nạn, không chỉ trong dịp Tết.
![]() |
Cảnh quá tải những ngày tết của bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Đào Mỹ Linh |
Khi
các Táo “giỡn mặt”
Trong năm vừa qua, chúng ta không ít lần
nghe những khái niệm mới mẻ, những việc bất thường được các cơ quan giải thích
trở thành bình thường.
Ngày 15/9 năm ngoái, TPHCM mưa
to bất thường khiến toàn thành phố ngập lụt và nhiều ngày sau đó, cứ mỗi trận
mưa là một bộ phận thành phố lại chìm trong biển nước. Vậy mà, vị cán bộ đầu
ngành cấp thoát nước của thành phố thì vẫn khẳng định dự án thoát nước do đơn vị
của ông điều hành vẫn phát huy tác dụng vì thành phố “chỉ ngập trong mưa, sau
khi hết mưa sẽ hết ngập.” Tự hào là thế, nhưng ông không quên gợi ý ngân sách
nên cấp thêm 66.280 tỷ đồng cho đơn vị của ông chống ngập.[4]
Vài ngày sau, một cán bộ cao
cấp khác của Sở GTVT TPHCM còn giúp người dân làm quen với một khái niệm mới đó
là “ùn ứ” khi ông tuyên bố TPHCM không có ùn tắc giao thông, chỉ có ùn ứ mà
thôi.
Đó chỉ là những ví dụ nhỏ để ta
thấy rằng con số mà Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra tuy có chênh so với Bộ Y Tế
cũng như “tố giác” của người dân, nhưng cũng không có gì là lạ. Tệ đánh tráo
khái niệm, che đậy thông tin không còn quá xa lạ trong các cơ quan chức năng.
Chương trình Táo Quân đêm giao
thừa Tết Bình Thân năm nay rất thâm thúy, khi nhắc đến vấn đề tham nhũng và sự
chối bay chối biến của các Táo phụ trách các lĩnh vực thiết thân với người dân.
Mùng 4 Tết, Đài truyền hình
Việt Nam gây chấn động với chương trình “Tạp chí Kinh tế cuối năm: Phẳng hay
Không phẳng” khi nhóm sản xuất gần như thách thức một số “vùng cấm”, những áp
lực để đưa ra nhiều thông tin, hình ảnh đáng quý. Riêng bản thân người viết thì
ấn tượng với một hình ảnh chỉ thoáng qua, về một anh cán bộ thú y lăn con dấu
kiểm dịch heo tại các lò mổ một cách không cảm xúc.
Người viết rất tò mò không biết
anh cán bộ thú y đó nghĩ gì khi hình ảnh của mình hiện ra trên truyền hình cả
nước? Liệu anh có biết rằng công việc của anh liên quan đến tính mạng, sức khỏe
của hàng triệu gia đình Việt Nam ?
![]() |
Một cảnh trong Chương trình Táo quân 2016 của VTV |
Dũng cảm để lên tiếng
Từ chuyện ATGT, đến chuyện ngập
lụt, đến chuyện ùn tắc, rồi an toàn thực phẩm, không thiếu những sự che đậy,
lấp liếm, ngụy biện. Phản ứng của dư luận thường là phẫn nộ đó rồi lại nguội
đi, tặc lưỡi cho rằng đó là tất yếu, đành “sống chung với lũ” thôi.
Nhân vật Ngọc Hoàng trong Táo
Quân năm nay đã phải thét lên trong vô vọng, rằng các Táo hãy từ chức đi.
Nhưng chẳng lẽ không có cách
nào để chấm dứt điều này. Còn sự lên tiếng, áp lực của người dân đòi hỏi trách
nhiệm và sự thật?
Khi vấn nạn trên đang dần trở
thành “cơ chế”, phớt lờ trước nó chính là đồng lõa, là một phần của cơ chế.
Đồng lõa với cơ chế giúp cho ta nhẹ đầu. Mỗi sáng, chúng ta sẽ thức dậy như anh
nhân viên thú y trong clip kia, làm công việc mình được giao, kiếm tiền, nuôi
bản thân và gia đình.
Cái chết đến từ bàn ăn không
đến ngay lập tức. Chất lượng sống đi xuống từ những lời nói dối không hiện ra
tức thì. Tất cả đến từ từ trong cái vỏ bình yên. Chúng như một căn bệnh mãn
tính, ta có thể sống chung, nhưng ta không khỏe mạnh.
Người Việt đầu năm mới thường
chúc nhau những điều mới mẻ, ít ai chúc nhau những điều cũ kỹ. Nhưng có một đức
tính đã cũ cần phải được khơi lại, đó là sự dũng cảm. Dũng cảm để lên tiếng bảo
vệ chính cuộc sống, môi trường của bản thân. Dũng cảm để dám chỉ thẳng vào
những kẻ nói dối và buộc họ phải chịu trách nhiệm.
[1]Ba tỉnh không để xảy ra tai nạn giao
thông dịp Tết, Tuổi trẻ, 15/2/2016.
[2] 300 người chết vì tai nạn 9 ngày nghỉ Tết?, Zing.vn, 15/2/2016.
[3]http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201602/9-ngay-nghi-tet-toan-tinh-xay-ra-8-vu-tai-nan-giao-thong-2665510/.
Con số trên đường link này là 8 vụ tai nạn.
[4]TP. HCM sẽ hết ngập nếu có thêm 66.820 tỉ, Thanh niên,
16/9/2015.
Nguồn: Tuần Việt Nam
(* tít dẫn Link do PNTB đặt)
Nhận xét