3961. Điểm lại mấy vấn đề then chốt sau Đại hội Đảng

Điểm lại mấy vấn đề then chốt sau Đại hội Đảng 
(trích)
Nguyễn Quang Dy/ viet-studies
......................
Đổi mới thể chế chính trị 
Điểm sáng duy nhất trong Đại hội lần này có lẽ là bài phát biểu của Bộ trưởng Kế Hoạch & Đấu Tư Bùi Quang Vinh (22/1/2016) chứ không phải báo cáo của Tổng Bí Thư. Ông Vinh đã đề cập đến vấn đề cốt lõi của đất nước lúc này là đổi mới chính trị, nên đã được dư luận đánh giá cao. Có người nói vấn đề ông Vinh đề cập không có gì mới, tại sao ông ấy phải đợi đến lúc sắp nghỉ hưu mới dám nói ra. Đúng là vấn đề ông Vinh đề cập không mới, vì trước đây có những người quyền lực còn cao hơn (như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt) đã từng đề cập rồi, nhưng cũng không thực hiện được (mà còn bị mất chức). Ông Vinh có muốn thực hiện cũng không được, trong thể chế bất cập hiện nay.

Nhưng điều đáng lưu ý là bài phát biểu của ông Vinh không phải là ý kiến cá nhân, mà là tóm tắt nội dung chính của báo cáo “Vietnam 2035 Report”, được Bộ Kế Hoạch & Đấu Tư và World Bank bảo trợ, có nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và ngoài nước tham gia. Ông Vinh chọn diễn đàn Đại hội XII để nói là đúng lúc, đúng chỗ. Chỉ đáng tiếc, nội dung này không được phản ánh vào Báo cáo của Tổng Bí Thư, nên “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.  (Nếu được Tổng Bí Thư đưa vào Báo cáo thì chắc ông Vinh đã ở lại).    
Đổi mới thể chế là cấp bách, nhưng thật trớ trêu là Việt Nam vẫn chưa hội đủ điều kiện để đổi mới như vậy (nên ông Vinh mới phải nghỉ). Có ba điều kiện cơ bản (mang tính quy luật). Một là, muốn thay đổi thực sự, Việt Nam phải bị dồn đến chân tường (hay bên bờ vực thẳm), đứng trước sống hay chết (như năm 1986). Hai là, phải có thực lực (cả nội lực lẫn ngoại lực) để giúp phe đổi mới áp đảo được phe bảo thủ từ trên xuống (top down), trong khi tầng lớp trung lưu phải đủ mạnh, dân trí phải đủ cao, để tạo ra đủ áp lực từ dưới lên (bottom up). Ba là, Trung Quốc chưa chịu đổi mới thể chế chính trị, thì Việt Nam rất khó thực hiện. Đây là “nghiệp chướng” (karma) muốn thoát phải chờ cơ hội Trung Quốc suy yếu (như thời Cách Mạng Văn Hóa), hoặc Việt Nam phải quyết “thoát Trung” và dân chủ hóa, trở thành đối tác chiến lược của Mỹ.
Bức tranh kinh tế vĩ mô
Bức tranh kinh tế đầy ảm đạm, đáng báo động. Tuy Việt Nam đã quyết định tham gia TPP, nhưng vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (cả kinh tế lẫn chính trị). Riêng nhập siêu từ Trung Quốc năm 2015 đã tới 32,3 tỷ USD (chưa tính tiểu ngạch vào khoảng 20 tỷ USD). Việt Nam thâm hụt ngân sách quá lớn vì bội chi, nên chỉ đủ để trả nợ nước ngoài đến hạn. Nợ công của Việt Nam đã tới 93 tỷ USD (tính đến cuối 10/2015). Theo Bộ Tài Chính nợ công chiếm 61,3% GDP (nhưng theo Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư là 66,4% GDP). Riêng nợ nước ngoài là 65,46 tỷ USD (bằng 41,5% GDP). Các doanh nghiệp nhà nước vay đến 1,6 triệu tỷ VNĐ, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả, và có thể mất khả năng thanh toán. Trong khi đó, nguồn vay ưu đãi ODA đang cạn dần, nên ngân sách có thể trống rỗng. Hy vọng quốc tế xóa nợ cho Việt Nam là rất khó, vì không ai muốn xóa nợ cho một đất nước “không chịu phát triển”. Đây là sức ép rất lớn để Việt Nam phải đổi mới thể chế. Lãnh đạo Việt Nam có quyền lựa chọn cải cách thế nào, nhưng không thể trì hoãn cải cách, và không thể thiếu sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà tài trợ. Vừa rồi, Giám đốc World Bank tại Việt Nam (Victoria Kwakwa) đã hỏi thẳng Thủ tướng, “Chính phủ Việt Nam lấy tiền đâu để phát triển nhanh và bền vững?” 
Nếu khủng hoảng tài chính xảy ra thì ai sẽ giải cứu Việt Nam? Nếu dựa vào Trung Quốc thì cái giá phải trả là gì? Đây là một bài toán đố chưa có lời giải. Ngân sách trống rỗng là một khoảng trống quyền lực còn kinh khủng hơn cả "vực thẳm tài khoá" (fiscal cliff). Nếu phương án giải cứu từ bên ngoài không khả thi, thì phương án giật gấu vá vai từ bên trong có thể dẫn đến những hệ quả xấu. Ví dụ, quyết định tăng gấp đôi mức đóng Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế để tận thu ngân sách là một đòn chí mạng giáng vào các doanh nghiệp còn sống sót sau cơn bão khủng hoảng, làm thui chột cơ hội phục hồi của khu vực tư nhân, là hy vọng sống còn của nền kinh tế. Các chính sách tận thu ngân sách có thể trở thành con dao hai lưỡi.   
TPP là một cơ hội tốt để Việt Nam đổi mới (vòng hai) và “thoát Trung”, nhưng còn quá sớm để TPP được triển khai và phát huy tác dụng. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách lách qua các quy định của TPP để vô hiệu hóa nó (như thông qua những người Việt Nam hám lợi). Tuy lãnh đạo Việt Nam ủng hộ TPP, nhưng muốn “thoát Trung” về kinh tế, trước hết phải “thoát Trung” về chính trị tư tưởng. Dư luận cho rằng sau Đại hội Đảng (ít nhất trong mấy năm tới), có lẽ Việt Nam chưa hội đủ điều kiện để đổi mới chính trị. Đó là tin xấu (bad news).
Truyền thông và dân chủ
Đại hội Đảng là một dịp để truyền thông “lề trái” phát triển. Vì truyền thông “lề phải” bị kiểm duyệt chặt, nên các phe phái phải sử dụng truyền thông “lề trái” để rò rỉ thông tin và choảng nhau. Báo chí quốc tế cũng qua truyền thông “lề trái” để có thông tin về bức tranh toàn cảnh. Chính quyền không thể bưng bít thông tin và thuyết phục dư luận là mọi chuyện đều tốt đẹp, vì càng nói dối càng phản tác dụng. Nhưng truyền thông “lề trái” (và những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền) cũng bị thao túng và phân hóa thành phe nhóm chống đối nhau quyết liệt. Vì vậy, người dân dễ bị hoang mang, ngộ nhận về bản chất của các phe nhóm (hay nhân vật). Môt số nhà báo (bloggers) có xu hướng dân chủ và cấp tiến cũng bị lôi cuốn vào trò chơi quyền lực, trở thành công cụ của các phe nhóm chống đối nhau.  
 Xoay trục và Thoát Trung
Trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Việt, Việt Nam vẫn cố giữ thế cân bằng, vừa muốn chơi với Mỹ, nhưng lại sợ mất lòng Trung Quốc. Vì vậy, trước mắt Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách “ba không”. Nhưng sự kiện dàn khoan HD 981 (5/2014) là một bước ngoặt lớn, làm quan hệ Viêt-Trung khủng hoảng, và làm quan hệ Việt-Mỹ có những bước tiến đáng kể, nhất là sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (25/7/2013) và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/7/2015), qua đó Mỹ và Việt Nam đã trở thành “đối tác toàn diện”, với “Tầm nhìn Chung”. Tuy Việt Nam đã ký thỏa thuận tham gia TPP, và Mỹ đã bỏ dần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng hai nước vẫn chưa trở thành đối tác chiến lược. Đây là một điểm yếu lớn của Việt Nam (so với Philippines) trong việc đối phó với Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông.   
Trở ngại chính cho quan hệ Mỹ-Việt là vấn đề nhân quyền và dân chủ hóa. Sau Đại hội Đảng khả năng này càng khó, có thể chững lại. Việt Nam có thể tiếp tục bị mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan (trong quan hệ Mỹ-Trung-Việt), và tiếp tục bị sa lầy tại ngã ba đường (vì cái bẫy ý thức hệ). Việt Nam muốn gần Mỹ nhưng không dám quá gần, muốn tách xa Trung Quốc, nhưng không dám quá xa. Việt Nam tuy có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước, nhưng chẳng thực sự gắn bó với ai, và chẳng ai có thể bảo vệ được Việt Nam nếu bị Trung Quốc tấn công. Nói cách khác là “lắm mối tối nằm không”.
Chủ quyền Biển Đông
Trung Quốc từ lâu muốn độc chiếm Biển Đông, nhưng có hai trở ngại chính. Thứ nhất, Mỹ là siêu cường có lợi ích chiến lược và cam kết đồng minh tại Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt. Thứ hai, Việt Nam là nước láng giềng án ngữ cửa ngõ ra Biển Đông, tuy cùng hệ tư tưởng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam có truyền thống chống “Bắc thuộc”. Đến nay Trung Quốc đã san lấp 7 đảo và xây dựng 3 sân bay có đường băng dài gần 3000m và các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo này, để khống chế vùng biển và vùng trời tại Biển Đông, từng bước biến “đường lưỡi bò” thành chuyện đã rồi.    
Mỹ đã xoay trục sang Châu Á và tăng cường hợp tác với đồng minh và bạn bè ở khu vực này (kể cả Việt Nam) bằng TPP và các cam kết an ninh, để ngăn chặn Trung Quốc. Tuy Mỹ đã có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, như điều máy bay và tàu chiến tuần tra Biển Đông (FONOPS), nhưng vẫn còn “ngập ngừng” (uncertain trumpet) nên chưa đủ răn đe Trung Quốc. Chiến hạm USS Lassen đã vào vùng biển quanh đảo Subi Reef, thuộc Trường Sa (10/2015) và chiến hạm USS Curtis Wilbur đã vào vùng 12 hải lý quanh đảo Triton thuộc Hoàng Sa (30/1/2016) nhưng vẫn áp dụng quy ước “đi qua vô hại” (innocent passage).  
ASEAN đã có bước chuyển biến tích cực hơn trước (với ASEAN Economic Community) nhưng vẫn dễ bị phân hóa bởi Trung Quốc.  Biển Đông vẫn còn khoảng trống quyền lực, và còn cơ hội để Trung Quốc lấn át, nếu Mỹ và Việt Nam không sớm trở thành đối tác chiến lược, nếu chưa thiết lập được một cơ chế an ninh tập thể hiệu quả hơn tại Đông Á. Nhưng trước mắt điều này khó thực hiện, vì chuyển giao lãnh đạo tại Việt Nam (sau Đại hội Đảng) và tại Mỹ (sau bầu cử Tổng thống năm nay) có thể là một trở ngại.  
NQD. 1/2/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-2-16

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.