3958. Nghệ sĩ đích thực của trần gian
Nghệ sĩ
đích thực của trần gian
TTTG/17/02/2016
![]() |
Tha nhân cứ bán mua, tất cả, còn ông chỉ biết cây đờn và tiếng hát của mình. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình. |
Ai
bảo ông là ăn mày, ông cho là họ xúc phạm âm nhạc và tâm hồn nghệ sĩ. Ông
khuyên họ hãy công bằng, bình tâm, và quan sát rõ cuộc đời.
“Đường nhân gian đầy ải thương đau/ Ai
chưa qua chưa phải là người/ Trong thói đời cười ra…” Lời của một bài khác nối
tiếp sau khi bài kia dứt chừng mười phút và ông đã cầm cái chai nhựa Coca-Cola
chứa nước nấu ở nhà mang theo uống vào một ngụm lấy giọng.
Phần đông người đi qua không thèm nhìn
xuống chỗ ông. Nhưng cũng có nhiều người ngoái đầu nhìn lại. Có đôi ba bà chủ
các sạp hàng xung quanh kê chiếc ghế nhựa ngồi hóng nghe ông hát, nhân lúc sạp
vắng khách. Thi thoảng mới có những người đi chợ dừng lại bỏ tiền vào trong cái
ca nhựa.
Nắng chói chang đổ xuống khoảng đất
trống ngoài chợ lồng, làm ông ngồi hát ở đó cô độc hơn trong nắng. Giữa chợ búa
mà sao hình ảnh nó cô tịnh quá. Chiếc ca nhựa đựng tiền ở tít chỗ kia lẻ loi,
cứ thế lặng lẽ, nhiều khi nó như không là một bộ phận của ông. Tôi đi lại đảo
mắt nhìn qua. Toàn những tờ bạc lẻ năm trăm đồng, một ngàn, hai ngàn, đều nhàu.
Tôi đã đi theo ông như thế từ mười lăm
năm qua, từ cái chợ Tùng Nghĩa này đến chợ Di Linh, Ka Đô, Đinh Văn, và các
chùa chiền ở Lâm Đồng vào những mùa Phật đản, lễ, tết.
Cứ mỗi khi có nhu cầu đắm mình trong
nhạc boléro là tôi tìm theo ông để nghe. Dòng nhạc này phải nghe từ miệng những
ca sĩ giang hồ như ông mới thấy hết cái vĩ đại của nó, dân gian đến tận cùng,
“nông nghiệp” đến rễ đến sình, buồn vô biên, thấu trời thấu đất.
Ông cứ hát như thế kể từ năm 1995 đến
giờ. Hát tám tiếng mỗi ngày. Hát bài nọ nối bài kia, đến độ có người xót ruột
khuyên nên dừng hát khi sân chợ vắng khách cũng cứ hát. Mỗi ngày hát một trăm
đến một trăm năm chục bài.
“Được hát”, “Có người nghe mình ca”, là
điều sướng nhất. Nếu không vậy, ông không yêu nghề và hát ròng rã năm tháng như
thế được. Ngày đã tàn, chợ dần thu dọn, ông cõng cây đờn trên lưng, bỏ mấy thứ
đồ lặt vặt trên baga xe đạp để dắt về. Chiếc xe cà tàng chậm rãi lăn theo bước
ông, tạm biệt các ngả chợ. Có hình ảnh nào nghệ sĩ hơn đây.
Trong căn nhà ông trọ, với giá mười lăm
ngàn một ngày đêm. Ông trút cái ca nhựa ra để xếp tiền kiếm được. Xấp tiền
chồng lên cao đo phải đến hơn gang tay. Ông chẻ lấy một xấp tiền lẻ trong đó và
mang đi ngược ra đầu ngã ba để mua một vỉ thuốc có vị bạc hà.
Ông đã quay về và ngồi xuống sàn. Ông ấn
ra một viên ở vỉ thuốc để ngậm. Ông tâm sự đây là “vũ khí” chống nghẽn cổ, long
đờm, làm cho thanh giọng của mình. Rồi ông đưa tay lấy xấp tiền kia và đếm.
Được tám mươi ba ngàn năm trăm đồng. Tiền năm trăm đồng, một, hai ngàn và nhiều
nếp gấp như thế làm sao chồng lại không cao dày.
![]() |
Nghệ sĩ trần gian. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình. |
Hát cho chợ, hát cho dân nghèo
Ông để lại nhớ nhung cho biết bao nhiêu
là chợ. Đơn giản là, bỗng một ngày chợ lúc nào cũng có người ngồi hát, rồi họ
ra đi, mang theo từ âm thanh đến hình bóng.
Chợ búa nó cũng có tâm hồn, cuộc đời của
nó, và ai bảo kiểu mưu sinh và hoạt động nghệ thuật siêu dân gian như ông không
dễ tạo ra tâm hồn cho thực thể đó. Ngay ở Tùng Nghĩa này, cái chợ lớn nhất tỉnh
Lâm Đồng, tiền ông gom được thường dính theo bùn đất cho thấy nông dân là thành
phần chính yêu thích ông.
Và cả công nhân. Những lần ông đi hát ở
công trình thuỷ điện Hàm Thuận – Đạ Mi, những công nhân xa nhà sống trong lều ở
giữa rừng quý ông vô cùng. Họ mời ông vô nhậu, họ đãi ông ăn sáng, ăn trưa, ăn
chiều, ăn tối. Họ mời ông ngủ lại. Có lần, Tết về, ông ca bài Xuân này con
không về, ông thấy mấy cậu thanh niên ngoài Bắc xa nhà ở công trường thuỷ điện
rưng rưng. Họ bảo ông hát đi hát lại cho họ nghe.
Làm sao không rưng rưng khi: “Con biết
bây giờ mẹ chờ tin con/ Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về”, mà bây giờ vẫn còn ở
nơi công trường trong rừng phương xa thế này. Họ bảo ông đừng đi hát đâu nữa, ở
đây hát họ trả thù lao hàng ngày cho dù họ không đủ tiền về quê ăn Tết. Nhưng
đâu được, đời ông là phải đi đây đó; phiêu lãng với âm nhạc mới là mục
đích chính của ông.
Vì thế mà ông hay hát qua các miền quê.
Ông bảo ở vùng quê, chợ xã, chợ thôn, chợ ngã ba, ngã bốn, xóm mới, xóm tạm ông
hát phê hơn. Có đám cưới, họ còn mời kẻ xướng ca lếch thếch bần hàn là ông vô
để hát mừng cho cô dâu chú rể và hai họ Hồn lỡ sa vào đôi mắt em (bài Về đâu
mái tóc người thương), Nhẫn cỏ cho em. Chốn quê mùa, rõ là nơi họ quý giọng ca
ông nhất.
Rã rời phổi
Hát là sống, nhưng rằng sống phải có cái
bỏ bụng. Ông nói thật, rằng sẽ về hát ở Đạ Huoai khi biết mùa hái điều về. Hát
ở Bảo Lộc khi biết mùa mưa trà có đọt. Hát ở Phú Sơn khi biết mùa chuối Laba
già. Hát ở Di Linh khi mùa cà phê chín.
Nông dân nghèo thì ông cũng nghèo theo.
Nông dân rủng rẻng thì họ mới chia sẻ cho ông đôi đồng. Ở vùng Lộc Thành, huyện
Bảo Lâm, Lâm Đồng, ông cứ hát ngang qua các xóm thôn, mười nhà là hết mười bỏ
tiền vào ca. Mùa sau Tết là mùa cô bác hay hào phóng.
Mùa nào hát mà cô bác chỉ đứng nghe, là
khi ông biết xóm làng ấy mùa vụ đang thất bát, dân tình đang gặp kỳ khốn khó.
Ông nhận ra chân lý, rằng người nghèo thường có năng lượng chia sẻ, mới nhìn
xuống, mới thấy ông, mới hiểu được người nghèo.
Rồi một dạo, ho đau đến lộn ruột vỡ
ngực, ông “gác đờn” để tìm vào chữa trị phổi ở bệnh viện Đồng Nai suốt tám
tháng trời. Ông cũng có quê hương, ở xã Bàu Hầm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng
Nai. Nhưng không lẽ hát lê lết ở quê nhà. Bệnh lao vừa khỏi, ngồi mà nhớ cái
thú ôm đờn ở chợ quá, ông nhảy Tùng Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng ngay.
Nhảy lên, là sáng hôm sau đã thấy ngồi
giữa chợ nghêu ngao, như thể sân khấu của riêng mình. Thấy thương ông, có thợ
điện tử ở Tùng Nghĩa đã độ chế tặng cho ông một cái máy tăng áp để khi hát nhẹ
nhàng mà âm thanh vẫn vang, bớt áp lực lên lá phổi.
Ông nói ông mang lại niềm vui cho mọi
người. Ông cũng nói trời phú cho ông khả năng cầm ca. Tôi thì nghĩ có khi ông
trời bắt ông phải cầm ca. Dù nghề hát rong trên thế giới nhiều thành phố cũng
có, nhưng ở kiểu khác, còn hình ảnh của ông là sự kết tụ đặc quánh Việt, như là
một thứ văn hoá đặc sắc phố thị xuyên làng quê Việt Nam.
Nguyễn Hàng Tình
Thế Giới Tiếp Thị
Thế Giới Tiếp Thị
Nhận xét