3807. Lời chào của MC truyền hình
Tại
sao MC truyền hình vẫn “thưa quý vị và các bạn”?
11/01/2016 18:48
GMT+7
![]() |
MC Mai Ngọc trong một chương trình thời tiết về bão |
Câu chuyện về “Thưa quý vị và các bạn”
Cách đây chừng hơn chục năm, trên sóng truyền hình, các phát
thanh viên vẫn giản dị thưa gửi với “Xin chào các bạn” rồi “Thưa các bạn”.
Bỗng đùng một
cái, một tác giả cao niên bức xúc chuyện một cô phát thanh viên mới tí
tuổi đầu đã “dám” ti toe lên trước màn ảnh nhỏ cả nước mà gọi bác và những
người lớn tuổi hơn là “bạn”.
Một giải pháp được đưa ra: để khỏi làm mếch lòng những người cao
niên xem truyền hình, người ta thêm vào cụm từ “Thưa quý vị” vào. Lời thưa gửi bỗng biến thành “Thưa quý vị và các bạn”.
Giải pháp này có thể
hiểu nôm na: “Quý vị” là dùng để thưa gửi với các vị cao niên đang xem màn ảnh
nhỏ, còn “các bạn” là dành cho những người trẻ. Vậy là ai cũng có phần mình
trong đó, không ai còn thắc mắc hay ca thán được gì nữa.
Cứ thế, dần dà người ta quen tai
với “Thưa quý vị, thưa các bạn” đến độ hiếm ai thế cái sự phi lí của
kiểu thưa gửi thừa thãi này. Tại sao lại tách “quý vị” riêng, “các bạn” riêng
như là hai thực thể độc lập. Chẳng lẽ những người trẻ tuổi không thể được gọi
là “quý vị”, chẳng lẽ những người lớn tuổi không thể là “các bạn” hay sao.
Nói
tóm lại, nội hàm của “quý vị” và “các bạn” chồng lấn lên nhau, tạo nên sự dư
thừa không cần thiết.
Khi chê trách cô phát
thanh viên kia sử dụng ngôn từ “phạm thượng” khi gọi mình là “các bạn”, những
người phê phán kia đã có một cách hiểu có phần hạn hẹp về ý nghĩa của “các bạn”
hay “bạn”. “Bạn” không chỉ mang nghĩa là những người đồng trang lứa, có quen
biết hay quan hệ gần gũi, thân thiện với nhau kiểu như bạn học. Người ta có thể
khác nhau về độ tuổi nhưng vẫn có thể coi nhau như bạn bè được.
Điều quan trọng hơn
là khi sử dụng “các bạn” với khán giả truyền hình, cô phát thanh viên kia không
nhân danh cá nhân cô để hô gọi một vị khán giả cụ thể nào cả. Cô đang nhân danh
cái cơ quan, tổ chức mà cô đại diện để giao tiếp với các đối tượng khán thính
giả khác nhau. Nhà đài, chứ không phải cá nhân cô phát viên kia, coi khán giả
của mình là những người bạn.
Vậy thì “các bạn” có gì mà “hỗn hào”?
“Các bạn” là một lối nói dường như nghe có
phần thân mật gần gũi hơn nếu so với “quý vị”.
“Quý vị”, ngược lại, làm cho tôn kính dành cho
đối tượng tiếp nhận tăng lên. Nhưng đồng thời, nó cũng kéo xa khoảng cách thân
tình giữa nhà đài và khán giả.
Giữa hai điều này, có thể lựa chọn một. Nhưng nếu gộp vào làm
một theo kiểu“Thưa quý vị và các bạn” thì rõ ràng là thừa.
Ấy thế mà cách nói “Thưa quý vị và các bạn” vẫn cứ tồn tại trên các phương tiện
truyền thông có để cả chục năm có lẻ rồi. Mấy ai so đo để thấy nó vô lý đâu.
Ngôn ngữ kì diệu là
vậy đấy! Ngôn ngữ không đằng thẳng theo kiểu 1 + 1 = 2 như Toán học. Một phần
quan trọng của ngôn ngữ được hình thành nên từ những thói quen sử dụng của cộng
đồng.
Tri thức về ngôn ngữ
học không thể quyết định được cách thức mà người bình thường sử dụng ngôn ngữ.
Sự đúng hay sai đôi khi chỉ là tương đối, mang tính quy ước của xã hội.
Thí dụ, ta thường vẫn hay nói “ngày sinh nhật” rồi “lòng quyết tâm”...Hiếm ai lại nhận thấy hoặc đi lại
bắt bẻ cái sự lặp thừa của từ “ngày” và “lòng” trong các kết hợp từ ngữ kể trên
cả. Hoạ chăng chỉ có… nhà ngôn ngữ học (!).
Mà nếu có ai đó bắt bẻ đi chăng nữa thì cũng xin nói ngay rằng “ngày sinh nhật”hay “lòng quyết tâm” có gì là sai đâu.
Người Việt ta vẫn
ngày ngày nói với nhau như vậy một cách tự nhiên nhất. Ít nhất, xét ở góc độ
người dùng, các kết hợp này được cộng đồng chấp nhận dù nó có thể là “sai” từ
góc nhìn của một nhà nghiên cứu.
Nghiêm trọng hay không nghiêm trọng?
Tôi trở lại vấn đề về tiếng Việt trên bản tin dự báo thời
tiết của VTV.
Trước đây, bản tin thời tiết của ta nhiều khi có
thể đoán được phát thanh viên sắp nói gì vì nó tuân theo đúng một khuôn mẫu
cứng nhắc: Mây (nhiều, ít, thay đổi), ngày (nắng, nắng nóng, rét, lạnh), đêm (có mưa, mưa rào, không
mưa), gió (đông nam, tây nam cấp 2-3), nhiệt độ (thấp nhất – cao nhất).
Dự báo thời tiết trên
biển thì bao giờ cũng “tầm nhìn xa trên 10 km”. Và chấm hết.
Còn hiện tại, bản tin thời tiết đã phong phú
hơn nhiều. Nó không chỉ đơn thuần là những con số, những motip thô cứng nữa mà
đã trở thành một kênh cung cấp thông tin đa chiều dành cho khán giả. Ngoài yếu
tố về kĩ thuật đồ hoạ thì một trong những nguyên nhân đem đến sự khác biệt này
chính là ngôn ngữ sử dụng trong bản tin.
Tôi cho rằng những người làm chương trình đã
nỗ lực rất lớn để làm bản tin ngày càng hấp dẫn. Riêng về các từ ngữ như “mấp
mé”, “quanh quẩn”, “cái”… đã có một số nhận xét xác đáng của các nhà ngôn ngữ
học. Theo tôi, đó cần phải xem là những nỗ lực sáng tạo của người làm chương
trình làm cho bản tin trở nên sống động, tươi mới và gần gũi hơn.
Đó là nỗ lực kéo ngôn
ngữ trên truyền hình gần hơn với cuộc sống. Muốn làm được vậy, hãy cứ mạnh dạn
sử dụng những lối nói độc đáo, dí dỏm mà người dân bình thường hàng ngày vẫn
dùng để giao tiếp với chính họ.
Nhìn chung, đây cũng
là xu thế chủ đạo trong ngôn ngữ truyền thông hiện đại: cố gắng xây dựng chương
trình “thật” nhất có thể. Báo chí và truyền thông cần phải đi từ khán giả, xây
dựng những kịch bản mang tính tương tác đa chiều.
Về mặt ngôn ngữ,hãy kể cho họ những câu chuyện
bằng chính khẩu ngữ mà họ vẫn dùng hàng ngày. Trong khẩu ngữ tiếng Việt, không
thể thiếu chất xúc tác chính là những hư từ “thì”,“là”,“mà” những từ
“à”,“ờ”, “vâng”, “phải không”, từ nhấn mạnh “cái”
Nói thế không có
nghĩa là phủ nhận hoàn toàn phong cách ngôn ngữ báo chí truyền thông trên các
phương tiện phát thanh truyền hình. Cần nói rõ là việc duy trì chuẩn mực phong
cách báo chí truyền thông là rất cần thiết. Nghĩa là phát thanh viên hay người
dẫn chương trình cần phải thể hiện lối ăn nói gọn gàng, khúc chiết, các từ ngữ
cần giản dị, chuẩn xác.
Tuy nhiên, không phải
phong cách ngôn ngữ báo chí không cho phép sự giao thoa của các phong cách ngôn
ngữ khác.
Dương Thuỷ Hiệp (NCS ngành Ngôn ngữ học – Đại học Queensland – Australia)
Theo Vnn
Nhận xét