3869. Lão Cù/ truyện ngắn
Lão Cù
Truyện ngắn của
Nguyễn Ngọc Dương/PNTB
![]() |
Hình minh họa (trên mạng) |
1. Vợ
chồng lão Cù ngụ cư ở một ngôi làng giáp thị trấn huyện lị. Những năm gần đây,
do sự phát triển của đất nước, các công ty, xí nghiệp kể cả trong nước và nước
ngoài đến mua đất ruộng, đất vườn của nông dân. Nhờ bán đất nên nhiều người nơi
đây phất lên nhanh chóng. Đúng là số giàu mang đến dửng dưng!
Ở nông thôn mà xây nhà mái bằng,
kín cổng cao tường, còn hơn cả nhà đại địa chủ ngày xưa. Thậm chí có người còn
sắm được ô tô con… Bởi vậy, cái sự ăn chơi của dân làng, nhất là cánh nam thanh
nữ tú thì vô biên. Người nọ nhìn người kia, kẻ này học kẻ khác. Con nhà nghèo
cũng quyết không chịu kém ai. Từ cái áo cái quần đến đôi giày đôi dép đều nhanh
chóng đổi mốt. Từ điện thoại di động đến cái xe máy để đi lại đều vội vã lên đời.
Đã là thanh niên phải biết ăn chơi. Chẳng lẽ chịu để bạn bè chê bai là đồ “cà tẩm”…
Chỉ có mấy năm mà xóm làng đổi thay chóng mặt. Đường làng biến thành đường phố.
Cửa hàng, cửa hiệu mọc lên như nấm sau mưa. Có cả nhà nghỉ, phòng hát karaoke,
quán cà phê, internets… chẳng kém nơi phồn hoa đô thị…
Vợ chồng lão Cù đã bước vào tuổi
lục tuần. Trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già. Con cái mấy đứa đều ra ở riêng cả.
Thu nhập của hai ông bà hầu như không có gì ngoài mấy thước đất trồng rau. Những
đứa con lão đều đã trưởng thành. Chúng có vợ, con rồi nhưng đều thuộc loại “chân
đất mắt toét”, chả đứa nào thành ông nọ bà kia. Quả tội, cũng có đứa vào được
trung cấp chuyên nghiệp, nhưng ra trường không chạy được việc làm. Cuối cùng
“mèo lại hoàn mèo”, cũng lại quay về bám đít con trâu. Có mấy sào ruộng, ba năm
trước chuyển nhượng cho dự án Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, được vài chục
triệu. Nhưng chả mấy chốc đã ‘tiêu hóa’ hết veo vào những việc như mua sắm đồ
dùng trong nhà, ăn uống, chơi bời, thưởng thức chút “vật ngon của lạ” mà cả đời
nằm mơ cũng không thấy… Thế thì lấy đâu còn tiền mà bù chì cho bố mẹ già.
Biết thân phận vậy, lão Cù
luôn căn dặn bà vợ phải hết sức tiết kiệm. Phải ăn dè hà tiện, ăn hôm nay phải
nghĩ đến ngày mai, không thể vung tay quá trán, khoai lang bóc ngắn cắn dài như
những kẻ sống gấp, vô giáo dục. Thì đấy, chả cứ đến giai đoạn “đổi mới” bây giờ,
mà ngay từ “thời bao cấp”, làng này đã nổi tiếng về “tấm gương” con mụ Béo xóm
Đông. Mụ ấy suốt đời lận đận long đong đi làm thuê làm mướn kiếm miếng ăn, hai
tay vun lỗ miệng. Được đồng nào chưa kịp cho vào túi đã lại “đội nón ra đi”, cấm
chịu nằm yên. Ai góp ý thì mụ bảo, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Với
lại, có biết ăn tiêu thì mới biết làm ra của. Chứ có tiền mà giữ bo bo, quanh
đi quẩn lại cho bò nó xơi! Một hôm có khách đến chơi, lại là bạn lâu ngày mới gặp,
mụ không thể không giữ khách. Tuy trong nhà chẳng còn gì ăn, nhưng vẫn phải ra
vẻ đàng hoàng. Con người ta phải biết sĩ diện, ai lại vạch áo cho người xem
lưng bao giờ. Dưới bếp chỉ còn mỗi con gà mái đang ấp trứng, mụ lén xuống bắt
ra mổ nghiến, bảo thằng con cho vào nồi luộc. Rồi mụ chạy ù sang nhà hàng xóm
vay tạm mấy ống gạo về thổi cơm. Mụ cũng không quên mượn mấy đồng bạc mua chai
rượu, rồi ra vườn cắt nốt cây cải ngồng. Thế là có một bữa thết khách tươm tất...
Nhìn kiểu sống của mụ Béo như
thế, lão Cù không thể chịu được. Có lần lão nói với ông bạn hàng xóm, tôi mà vớ
được con vợ như mụ Béo xóm Đông thì chắc không thể sống với nhau nổi một ngày.
2. Thực
ra lão Cù có đức tính tằn tiện và chăm chỉ ki cóp từ thời còn trẻ. Hồi mới lấy
vợ ra ở riêng, lão đã có ý thức tích lũy tiền bạc cho tương lai gia đình. Ngày ấy,
nhà lão ở gần bãi chiếu bóng của huyện. Cứ sau khi tan phim, mười buổi như một,
lão kiếm khúc nứa khô đập dập làm đuốc đi soi khắp bãi xem có ai đánh rơi đồng
xu nào thì lão nhặt về bỏ vào con lợn đất. Cũng lạ, ở cái bãi chiếu bóng chả mấy
hôm là lão không nhặt được tiền, thậm chí có lần còn được cả tờ 10 đồng chứ
không phải chỉ tiền xu, tiền hào. Ngoài ra nuôi được con gà, bán chục trứng, thậm
chí mấy mớ rau ngót… được đồng nào lão cũng bỏ vào con lợn đất. Vài năm bổ ra một
lần, mang đổi thành tiền chẵn, gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
![]() |
Hình minh họa |
Lão vẫn còn nhớ như in, số tiền
nuôi lợn đất gửi tiết kiệm nếu ‘ăn non’ mà rút từ hồi mới đẻ thằng cu nhớn thì
lão có thể mua được hơn cây vàng, hay một con trâu mộng. Số tiền ấy tương đương
với cả gia sản nhà lão lúc đó. Song, lão cố gắng bóp mồm, bóp miệng không dám
ăn tiêu vào khoản tiền hi vọng sau này có thể “đổi đời”. Hơn nữa, thấy người ta
bảo: “Có tiền gửi tín dụng là yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”. Lão rất muốn tỏ
ra tinh thần yêu nước của mình cho bàn dân thiên hạ nom mà noi gương. Lão cố
quên số tiền ấy đi, nghĩ rằng, để trong ngân hàng thì lãi mẹ đẻ lãi con, khi
nào thật cần hãng rút ra tiêu. Cơm không ăn còn đó. Nhà nước chứ có phải bọn
gian thương đâu mà sợ nó cuỗm mất.
Bẵng đi hai mươi ba năm sau,
khi cưới vợ cho thằng cu nhớn, lão Cù mới có đủ lý do để rút số tiền tiết kiệm ấy.
Quả nhiên, tiền của lão được “bảo toàn”, chẳng những không mất đồng nào mà còn
có lãi nữa! Chỉ có điều, toàn bộ số tiền giờ đây nếu mang ra chợ chỉ có thể mua
được… ba bát phở bò, chứ làm sao mua nổi con trâu mộng để làm đám cưới cho
con?(*) Hơn một cây vàng bây giờ gần như mất trắng! Lão lắp bắp hỏi cán bộ tín
dụng thì được trả lời: “Ông gửi tiết kiệm thì cũng như tự nguyện cho ngân hàng
vay tiền, có lãi hẳn hoi. Đến thời hạn ông rút tiền, ngân hàng trả đủ cả gốc và
lãi cho ông theo quy định mà ông đã chấp nhận. Ngân hàng chúng tôi có làm gì
sai đâu?”. Mấy vị cán bộ thì an ủi lão: “Đấy là do đồng tiền nó mất giá chứ ngân
hàng người ta cũng chẳng muốn thế. Thôi thì cầm lòng vậy!”. Lão nghĩ cũng phải,
chẳng qua do đồng tiền, cái thứ mà xưa nay người ta gọi là “bạc”. Tiền đi liền
với bạc. Khổ thân tôi sao mà đồng tiền nó bạc làm vậy! Cả đời lão sống lương
thiện, có độc ác với ai đâu mà lão phải chịu cái cảnh chẳng bị đánh cắp mà mất
của như không! Riêng vụ này lão Cù bị cơn sốc do tiếc của, đổ bệnh, nằm liệt giường
liệt chiếu mất một tháng giời…
3. Hiện
nay, ngoài mảnh đất trồng rau, vợ chồng lão Cù thường nuôi lợn, chăn gà vịt, vừa
để cải thiện, vừa để bán, tích cóp tí vốn phòng khi trái gió giở giời. Tháng
Giêng năm ngoái, hai vợ chồng lão đi chợ mua con lợn giống 20 kg về nuôi. Nhờ
giời nó hay ăn chóng nhớn, cuối năm ước chừng gần tạ lợn hơi. Sắp đến giai đoạn
xuất chuồng thì một hôm bỗng dưng con lợn bỏ ăn. Sờ vào nó nóng giẫy như hòn
than! Lão tái mặt, gọi vợ ra loay hoay đánh cảm đánh gió cho con lợn. Còn lão vội
vàng chạy đi mời thú y. Chị bác sĩ thú y đến tiêm cho một mũi, rồi hai mũi, ba
mũi… cũng chẳng thấy bệnh con lợn thuyên giảm. Đêm hôm đó, lão vác cái chõng
tre ra cửa chuồng lợn nằm canh chừng con lợn ốm. Lão trằn trọc không ngủ được,
đến gần sáng mệt quá vừa thiếp đi một lúc, tỉnh dậy thì thấy con lợn nằm im
thít, không còn nghe tiếng thở khò khè! Sờ vào, nó đã chết đứ đừ. Lão choáng
váng, khụy chân, sa sẩm mặt mày, hai tay cố bấu vào những gióng tre lộc ngộc
ngăn chuồng lợn để khỏi ngã vật xuống đất. Rồi lão khóc rống lên như đứa trẻ bị
bố đánh đòn oan. Bà Cù chạy vội ra dỗ chồng: “Thôi ông ạ, thua keo này bày keo
khác. Cứ coi như của đi thay người. Con lợn chết tiếc lắm chứ, công sức cả năm
giời, ai chả tiếc… Nhưng tôi nghĩ, vợ chồng mình không ốm, không đau, rồi có
lúc lại làm giàu mấy chốc! Bây giờ ông cả nghĩ, lỡ sinh bệnh lăn ra đấy thì mất
một chẳng muốn, lại muốn mất hai!”. Lão nghe vợ nói có lý nên phần nào nguôi
ngoai. Tuy vậy, không nghĩ đến thì thôi, cứ nhớ đến con lợn là lão như đứt từng
khúc ruột. Của đau con xót, làm sao mà vui vẻ được. Có lần đi chợ, lão đánh rơi
mất 5 nghìn đồng, số tiền chỉ đủ mua cái bánh bao không nhân mà còn tiếc đến bỏ
cả bữa ăn trưa. Hôm nay con lợn đống của, nửa gia tài của lão bỗng dưng như có
kẻ đánh cắp mất, lão không bị ngất là còn may.
Sáng hôm sau ngủ dậy, bà Cù
không thấy chồng đâu, tưởng ông dậy sớm ra vườn. Bà ra vườn, rồi sang hàng xóm,
tìm khắp nơi không thấy. Bà hốt hoảng gọi như người hú hồn: “Ới ông Cù ơi là
ông Cù ơi! Ba hồn bẩy vía ông Vũ Bá Cù ở đâu thì về nhà đi i i !...”. Đến khoảng
8 giờ thì thấy ông lò dò về, đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch, mặt mày nhem nhuốc…
Bà kêu lên: “Úi giời ôi. Ông đi đâu mà làm tôi hoảng hết cả hồn!”. Thực ra, biết
tính lão đa sầu đa cảm khi đánh mất một cái gì, bà đã trộm nghĩ đến điều xấu nhất.
Biết đâu lỡ ông ấy xót của quá, sinh ra quẫn bách, dại dột nhẩy xuống sông hay
làm sợi dây thừng treo lên cành cây…thì bà biết sống thế nào? Cũng chả phải bảo,
cái lần rút tiền tiết kiệm, trong lúc ốm lăn ra, ông toàn nói mê: “ Ối giời ôi! Thế này thì thà tôi chết đi còn hơn!”…
Mãi đến chiều, bà lựa lời hỏi,
lão Cù mới chậm rãi kể lại: “Lợn chết, tôi ngủ sao được. Tôi đã định chết theo
nó cho rồi, nhưng nghĩ đến bà tôi không chết được. Tôi đi lang thang suốt đêm
qua. Ra mãi cánh đồng, nơi có bãi tha ma, ngồi ngắm những ngôi mộ trắng toát. Chán
lại quay về sân nhà văn hóa thôn. Tưởng cái nơi làm cho người ta lúc nào cũng
chỉ có vui vẻ, hát hò, nhẩy múa, mỗi khi đến đó thì có thể làm cho mình đỡ cơn
xa xót. Nhưng tôi vẫn nẫu ruột. Hình ảnh con lợn chết cứ như xát muối vào lòng.
Cuối cùng tôi lần vào chân đống rơm nhà mụ Béo nằm xuống đấy. Mệt quá ngủ được
một giấc, tỉnh dậy thì thấy trời sáng bạch. Dù gì thì không khí buổi sáng trong
lành nó cũng làm cho người tỉnh táo hơn, đỡ xót của phần nào”…
4. Một
hôm, có đứa cháu ở thành phố về chơi, ngỏ ý muốn nhờ bà dì lên giúp việc cho vợ
chồng nó. Tháng trả 3 triệu. Hai vợ chồng nó đang làm công nhân doanh nghiệp,
có một con nhỏ dưới hai tuổi, chưa đi mẫu giáo. Đi thuê ô sin chẳng thà mượn
người nhà, vừa tin cậy, vừa giải quyết công ăn việc làm chính đáng cho bà có
thêm thu nhập. Lão Cù nghĩ, ở quê làm gì ra tháng 3 triệu bạc. Vị chi mỗi ngày
thu nhập những một trăm ngàn. Ở đất này có nằm mơ cũng không thấy. Lão gọi bà vợ
ra cũng là để bàn bạc cho phải phép chứ thực ra lão đã mở cờ trong bụng. Quả nhiên, bà đồng ý ngay. Thế là bà lão theo thằng cháu lên thành phố.
Thằng cháu rất tâm lý. Để ông
bà có thể xa người nhưng không xa tiếng, nó mua cho mỗi người một cái điện thoại
di động. Hai cái điện thoại lớn gần bằng nửa hòn gạch chỉ, vừa dễ sử dụng vừa
to chữ, to tiếng, để lúc nào cần ông bà gọi cho nhau. Thế nhưng chẳng bao giờ
ông gọi vì biết thừa gọi là mất tiền. Bà đi xa thì lo cho ông ở nhà một mình,
ăn uống kham khổ quá, lỡ ra đau yếu không ai trông nom. Vì thế, ngày nào bà cũng
gọi về một lần, hỏi han, dặn dò ông phải tự chăm sóc lấy bản thân. Ông thấy bà
gọi nhiều xót của, mắng: “Bà chỉ được cái vén tay áo đốt nhà táng! Bà gọi điện
thoại thế ngang với đốt tiền còn gì!”. Biết tính ông, bà mặc kệ.
Một hôm bà hỏi ông: “Tiền điện,
nước tháng này hết bao nhiêu để tôi gửi về trả cho ông?”. Lão Cù thủng thẳng: “Không
phải gửi. Tiền lương của bà, bà phải tiết kiệm để cuối năm mang về một thể… Tôi
cắt nước máy rồi, hằng ngày đi gánh nước ở cái giếng nhà mụ Béo về dùng. Có mỗi
mình dùng nước máy làm gì cho nó lãng phí!”. Bà hỏi, thế còn tiền điện?. Ông bảo:
“Đã cắt nước máy thì bình nóng lạnh không dùng, tủ lạnh tôi cũng rút điện ra.
Thổi cơm, nấu nước tôi dùng bếp củi. Tối đến đèn trong nhà không phải bật. Ngay
trước cửa nhà mình cách khoảng chục mét đã có cây đèn đường. Tôi mở cửa ra, nó
soi vào nhà thừa ánh sáng, muốn làm gì thì làm. Cái đèn ấy 10 giờ đêm nó mới tắt
thì tôi đã đi ngủ từ lúc 9 rưỡi rồi. Ti vi tôi cũng chả mở… Tóm lại, bà không
phải gửi tiền về thanh toán tiền điện nước đâu nhá…”.
Bà Cù lẩm bẩm: “Ông Cù ơi là
ông Cù. Khổ thân ông. Đận này có khi tôi phải về thôi chứ đi làm tháng được 3
triệu mà ông ở nhà một mình, tính lại tằn tiện như thế, lỡ kềnh ra đấy thì chẳng
bõ!”
Lào
Cai, ngày 21/01/2016/ NND
----------------------
Nhận xét