3731. Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (1)

Hoàng Hải Vân

Mấy năm nay tôi không viết gì trên cái blog này, cũng không quan tâm mấy đến những câu chuyện được lưu truyền trên các trang mạng, đơn giản là tôi muốn tránh xa những thị phi của người đời. Nhưng mấy hôm nay thiên hạ luận bàn quá nhiều về chuyện anh Nguyễn Công Khế nhân có một số bài viết nặc danh đăng trên một trang blog mạo danh anh để bôi xấu anh. Tôi viết những dòng này không phải để đôi co với những kẻ ném đá giấu tay, mà để chia sẻ với những người tử tế quan tâm đến tư cách của anh Khế.

Báo Thanh Niên là tờ báo chống tiêu cực “khét tiếng” trong làng báo Việt Nam, hơn hai mươi năm làm Tổng Biên tập, Nguyễn Công Khế không có kẻ thù mới là chuyện lạ. Nhưng xin mọi người lưu ý, Thanh Niên được lập ra không nhằm mục đích chống tiêu cực, không nhằm mục đích đánh đấm để “câu view” như từ ngữ bây giờ người ta thường nói. Nó được lập ra để đề cao những chuyện tốt lành, để bảo vệ những người yếu thế. Chống tiêu cực là để đề cao những chuyện tốt lành, chống tiêu cực là để bảo vệ những người yếu thế. Tôi không phải nói theo lý thuyết. Đó là thực tế ở Báo Thanh Niên. Làm tòa soạn nhiều năm tôi biết rõ, anh Khế chưa bao giờ chỉ đạo “đánh” người này “đánh” người kia, càng không bao giờ bảo phóng viên vạch lá tìm sâu từ bé xé ra to đối với các vụ tiêu cực. Sau khi kết thúc vụ án Năm Cam, anh Khế thường nhắc chúng tôi không động đến các nhân vật trong vụ án đó nữa. Anh bảo người ta đã thi hành án, nhiều người đã trở thành những công dân lương thiện, hãy để cho họ và người thân của họ được sống yên lành. 

Nguyễn Công Khế có nhiều kẻ thù, nhưng phải nói cho chính xác là có nhiều người thù Nguyễn Công Khế nhưng anh không thù ai. Anh là người sòng phẳng, việc gì ra việc đó.
Rất nhiều khi người này người kia bị đưa tên lên báo trong những vụ sai phạm, anh Khế gọi điện mắng tôi : “Sao các ông cứ nhè bạn tôi các ông đánh mãi thế khiến nó chửi tôi”. Mắng, nhưng không bảo dừng lại không đăng, cái gì đúng thì cho đăng, anh không ngăn cản. Một số phóng viên cũng thường áy náy hỏi tòa soạn mỗi khi vụ này vụ kia có người sai phạm thân với anh Khế, tòa soạn phải tuyên bố thẳng : “Không loại trừ một ai”. Dù như vậy, cũng có vụ báo khác đăng nhưng Thanh Niên chưa đăng, khi phóng viên giải thích do vụ này có người quen với anh Khế nên ngại, lúc đó anh phải nói thẳng : “Dù là cha tôi làm sai cũng phải đưa lên báo”. Tôi biết, những người bạn “làm sai” bị Thanh Niên đưa lên báo, họ có trách anh, nhưng họ không thù anh, vẫn coi anh là bạn.
Nguyễn Công Khế cũng là một Tổng Biên tập “ngang ngược” trong làng báo, là cái gai trong mắt một số vị lãnh đạo lúc đó. Có thể nói Nguyễn Công Khế là người đưa tờ Thanh Niên đi đến cùng quyền tự do báo chí quy định trong Hiến Pháp. Tôi nghĩ báo chí Việt Nam tự do hơn nhiều so với những gì chúng ta nhìn nhận. Vấn đề của báo chí Việt Nam không phải là tự do hay không mà là vấn đề tự kiểm duyệt. Một Tổng Biên tập trong sạch, không lèm nhèm về tài chính, không liên kết với các phe phái, với các “mhóm lợi ích” để lũng đoạn truyền thông, không tham quyền cố vị thì mới có thể thực hiện đến cùng quyền tự do báo chí trong Hiến Pháp. Nguyễn Công Khế là một Tổng Biên tập như vậy. Thanh Niên được lập ra để làm nhiệm vụ của Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội LHTNVN, nhưng khởi đầu Nhà nước không hề cấp một xu kinh phí nào, đến khi anh Khế rời khỏi đây thì Thanh Niên đã có số lượng phát hành mỗi ngày hàng trăm ngàn bản, doanh thu hàng trăm tỷ đồng, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, nộp kinh phí ngày càng nhiều cho Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và tự nuôi sống bộ máy. Tôi biết, thời anh Khế còn làm Tổng Biên tập, các cơ quan chức năng liên tục thực hiện kiểm tra, kiểm toán báo Thanh Niên, nếu anh Khế có một chút sai phạm nào về tài chính thì đã mất chức Tổng Biên tập lâu lắm rồi. Còn việc anh thôi làm Tổng Biên tập là vì lý do khác, không phải vì anh “sai phạm” gì, mà nghe nói người ta bảo anh “làm lâu lắm rồi nên phải nghỉ”. 
Nhớ lại vụ đấu thầu Sân vận động Mỹ Đình vào năm 2001, Thanh Niên đã có một loạt bài phản đối các bộ và Chính phủ giao công trình cho nhà thầu Trung Quốc HISG, là nhà thầu có phương án thiết kế kém nhất trong ba nhà thầu, trong khi loại nhà thầu Đức Philipp Holzmann với phương án kiến trúc của KTS Hồ Thiệu Trị, một phương án không chỉ được giới chuyên môn mà cả Hội đồng xét thầu đánh giá là phương án tốt nhất, đẹp nhất, phương án này đã được tặng giải A về kiến trúc của Bộ Xây dựng. Lý do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu là đưa giá bỏ thầu thấp hơn vài triệu USD, cái giá thấp này là do sử dụng vật liệu rẻ tiền. Việc chọn nhà thầu Trung Quốc khiến cho dư luận phẫn nộ. Thanh Niên đã phản đối rất mạnh mẽ và liên tục trên báo, thậm chí còn đăng trên trang nhất nói Chính phủ lập ra một hội đồng thẩm định để “làm bù nhìn” cho việc chọn thầu này. Một quan chức ở Văn phòng Chính phủ gọi điện cho anh Khế bảo “Thủ tướng yêu cầu Thanh Niên dừng lại, không tiếp tục đăng bài nữa”. Anh Khế trả lời ngay : “Dù có chết tôi vẫn cứ cho đăng. Nếu Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu dừng đăng thì đề nghị có văn bản”. Cuối cùng thì người ta vẫn chọn nhà thầu Trung Quốc và Thủ tướng chẳng có văn bản nào yêu cầu Thanh Niên ngừng đăng. Còn nhiều việc đại loại như thế nữa, nhưng sau những việc như thế này Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn quý mến anh Khế. (còn tiếp)
Xem thêm :  


Xung quanh câu chuyện ở tù của Nguyễn Công Khế

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (2)

Những kẻ giấu mặt lại tung lên mạng chuyện ở tù của Nguyễn Công Khế, trong đó có một “bản cung” ghi lời khai của anh với cơ quan cảnh sát chính quyền cũ ở Đà Nẵng, tiếp đó là một văn bản của Phủ Đặc ủy tình báo trung ương chính quyền Sài Gòn đề nghị Trung tâm thẩm vấn Tân Hiệp cho “nhận tên Việt cộng Nguyễn Công Khế về Phủ đặc ủy nhận công tác”. 

Tôi không quan tâm đến cái đám đông hùa theo những kẻ giấu mặt. Có quá nhiều những tài liệu, những bài viết thật giả lẫn lộn bôi nhọ người này người kia trên mạng, chẳng ai cần đôi co, mà có đôi co cũng đâu có được. Tốt nhất không đọc là xong. Nhưng đối với chuyện của anh Khế, một số người tử tế quen biết có gọi hỏi tôi, có người tỏ ý hoang mang không biết cái gì là thật cái gì là giả. Chuyện cung khai để kẻ địch bắt đồng đội và chuyện “nhận công tác” ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ là thật hay giả chỉ có cơ quan an ninh mới kết luận được, và họ đã kết luận rồi, từ 15 năm trước. 

Chuyện anh Khế bị tố cáo “theo địch” có liên quan đến tôi, nên đương nhiên tôi phải biết rất kỹ. Hồi đó, vào khoảng năm 2000, tôi và một số phóng viên Thanh Niên có viết một loạt bài điều tra về chuyện khuất tất của một ngành kinh tế, những bài viết của Thanh Niên đụng chạm đến một Bộ. Có ai đó mang cho ông Bộ trưởng một tập hồ sơ ở tù của anh Khế. Đó chính là những hồ sơ mà những kẻ giấu mặt vừa công bố. Ông Bộ trưởng này đã mang tập hồ sơ trình đến Tổng Bí Thư. Tổng Bí thư đã gọi Bí thư thứ nhất Trung Ương Đoàn lên yêu cầu làm rõ. Và cơ quan an ninh, từ Trung Ương đến địa phương đã tiến hành điều tra xác minh. Trước đó nhiều năm, bộ hồ sơ này cũng được gửi tới chỗ này chỗ kia, nhưng bị người ta treo đó. Cũng may cho anh Khế, khi hồ sơ gửi tới lãnh đạo cao nhất, nó lập tức được yêu cầu xác minh, nếu không thì cứ mỗi lần có chuyện này chuyện kia người ta đem bộ hồ sơ đó ra dọa, anh Khế làm sao mà sống yên được. 

Từ việc xác minh của ngành công an, Trung Ương Đoàn đã có văn bản kết luận. Đó là bản Kết luận số 847-KL/TƯĐTN, ngày 17-7-2000 do Bí thư thứ nhất Vũ Trọng Kim ký gửi đến cấp lãnh đạo cao nhất và các cơ quan hữu quan, khẳng định sự trong sạch của anh Khế. Tôi cũng đã đọc một văn bản của cơ quan công an, cơ quan này cho biết anh Khế thừa nhận với địch là anh có “tham gia vào tổ chức Tổng đoàn học sinh, hoạt động từ thiện giúp người nghèo tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung” và khẳng định sự thừa nhận này “không gây hậu quả thiệt hại gì cho cách mạng”. Văn bản này cũng cho biết, theo tài liệu của cảnh sát chính quyền Sài Gòn để lại thì : “Là đoàn viên thanh niên nhân dân cách mạng của Cộng sản xâm lược, hoạt động cho cộng sản xâm lược, đội lốt Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, Nguyễn Công Khế thuộc thành phần nặng đầu óc cộng sản”. Trong một văn bản gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ kèm theo bản Kết luận, Ban Bí thư Trung Ương Đoàn “đề nghị các đồng chí xem xét có biện pháp ngăn chặn những người dùng đơn thư nặc danh làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ Chính trị nội bộ và uy tín của cán bộ”. Tôi cũng được biết, người ta đã dùng các biện pháp nghiệp vụ xác minh loại giấy và con dấu trong văn bản của Phủ Đặc ủy Trung Ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ là giả mạo.  Và cũng thật đáng tiếc cho những người ngụy tạo tài liệu, là Nguyễn Công Khế chưa bao giờ ở nhà tù Tân Hiệp một ngày nào, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo lấy Khế nào để nhận về Phủ Đặc ủy ?

Như đã nói từ đầu, tôi không đôi co với những kẻ giấu mặt, bài viết này cũng không phải là một bài báo, nên tôi không cần thiết phải chụp và đưa các văn bản kết luận chuyện ở tù của anh Khế để đưa lên đây. Những ai muốn biết sự thật thì đã biết rồi, còn những ai chưa biết mà muốn biết cho đến cùng thì tự mình có thể đến những nơi cần đến để tìm hiểu.

Đưa một văn bản giả mạo lên mạng, những kẻ giấu mặt còn cho rằng chính anh Khế sau khi bị bắt đã “chỉ điểm” cho địch bắt nhiều người, trong đó có việc bố ráp cơ sở in ấn tờ báo “Tiếng gọi học sinh” bắt toàn bộ đội ngũ in ấn, phát hành, khiến cho “đồng chí Trần Phú Quý đã anh Dũng hy sinh ngay hôm ấy”. Tôi lúc đó cũng là một “Việt cộng nằm vùng” ở Đà Nẵng tôi biết rõ, anh Khế đã bị bắt cùng hơn 30 người trong Tổng Đoàn học sinh. Sau khi anh Khế bị bắt, không còn một ai khác trong hệ thống này bị bắt nữa. Trong lãnh đạo Tổng đoàn, chỉ riêng anh Trần Phú Quý và anh Lê Đức Hùng chạy thoát, vài ngày sau đã thoát ly lên chiến khu. Khi tôi thoát ly lên căn cứ Xuyên Trà vào năm 1974, tôi còn gặp anh Trần Phú Quý và Lê Đức Hùng, lúc đó đã là cán bộ của Đặc khu Đoàn Quảng Đà, cơ quan của các anh nằm cạnh cơ quan tôi là Ban Mặt trận thành phố Đặc khu ủy. Anh Quý hy sinh vào tháng 8 năm 1974, trong một đợt phục kích của địch ở Cụp (một u núi) Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên. Anh Quý hy sinh, chúng tôi ai cũng thương tiếc.
(còn tiếp)
HOÀNG HẢI VÂN

(phần 3)

Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế và Tuần tin Thanh Niên

Những kẻ giấu mặt tung lên mạng những “bằng chứng” vu cho anh Khế “đuổi Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi nghề báo, cướp ghế Tổng Biên tập Báo Thanh Niên”. Việc bẻ cong sự thật khiến cho nhiều người kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm nhưng không hiểu chuyện đặt vấn đề về tư cách Nguyễn Công Khế.

Câu chuyện về mối quan hệ giữa hai người sáng lập ra Tuần tin Thanh Niên trong những ngày tháng sơ sinh của tờ báo đã ngót nghét 30 năm rồi, nay không còn mấy người biết thực hư. Hầu hết những người làm báo Thanh Niên bây giờ cũng không hiểu thực chất câu chuyện. Nhưng tôi thì biết và còn nhớ rõ.

Hồi đó tôi chưa về báo Thanh Niên, nhưng tôi là Ủy viên Ủy ban Trung Ương Hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, tất cả các cuộc họp của Trung Ương Hội bàn về Tuần tin Thanh Niên tôi đều tham dự. Tôi biết những chuyện công khai chính thức và cả những chuyện nhạy cảm bên lề.

Cho đến bây giờ, dù điều gì xảy ra thì tôi trước sau đều kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm. Phải nói anh Mẫm là người có công đầu khai sinh ra tờ báo, không có anh, không có sự quyết tâm đi hết cửa này cửa khác của anh thì Thanh Niên không thể ra đời. Nhưng bảo rằng anh Mẫm lập ra tờ Tuần tin Thanh Niên rồi mới xin anh Khế về làm ở đó là nói không đúng. Anh Khế được chuyển công tác từ báo Phụ Nữ về Ban Mặt trận Thanh Niên Trung Ương Đoàn vào năm 1985, đã cùng với anh Mẫm chuẩn bị cho sự ra đời của tờ báo. Anh Khế chẳng có một mỗi quan hệ quen biết nào ở Trung Ương Đoàn cũng như các cơ quan Trung Ương, còn anh Mẫm thì đã là người nổi tiếng.

Từ công tác chuẩn bị của hai anh, một công văn của Ban Bí thư Trung Ương Đoàn do Bí thư Trần Phương Thạc ký, trình Ban Tuyên huấn Trung Ương Đảng xin phép xuất bản một tờ báo mang tên Tuần tin Thanh Niên, Ban Bí thư Trung Ương Đoàn cũng có công văn đề nghị anh Huỳnh Tấn Mẫm làm Tổng Biên tập và anh Nguyễn Công Khế làm Phó Tổng Biên tập. Ngày 2-1-1986, Ban Tuyên huấn Trung Ương có công văn số 1-TH/TW gửi Ban Bí thư Trung Ương Đoàn đồng ý cho ra tờ báo và đề nghị Ban Bí thư Trung Ương Đoàn làm việc với Cục xuất bản và báo chí về các thủ tục cần thiết.  Ngày này chính là Ngày thành lập Báo Thanh Niên. Giấy phép xuất bản đã được cấp ngay trong ngày hôm sau. Cũng trong ngày 2-1, Ban Tuyên huấn Trung Ương ra tiếp công văn số 2-TH/TW nhất trí với Ban Bí thư Trung Ương Đoàn cử anh Mẫm làm Tổng Biên tập và anh Khế làm Phó Tổng Biên tập.

Tuần tin Thanh Niên đã ra đời từ đó. Tuy nhiên, từ ngày thành lập báo cho đến ngày 8-6-1987, cả anh Mẫm và anh Khế đều không được Ban Bí thư Trung Ương Đoàn bổ nhiệm làm Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập như tờ trình gửi Ban Tuyên huấn Trung Ương. Bạn đọc lớn tuổi nếu để ý thì sẽ nhớ, trong thời gian này Tuần tin Thanh Niên không hề ghi tên Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập, mà chỉ ghi : Biên tập : Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế. Tuần tin Thanh Niên, mãi cho đến ngày 4-9-1987 chỉ là một bộ phận của Ban Mặt trận Thanh Niên Trung Ương Đoàn, không phải là một đơn vị độc lập trực thuộc Trung Ương Đoàn và không có Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập được bổ nhiệm. Anh Mẫm lúc đó là Trưởng Ban Mặt trận Trung Ương Đoàn, Phó Tổng thư ký thường trực UB Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên, đương nhiên là người phụ trách cao nhất của tờ báo.

Đến ngày 8-6-1987, anh Nguyễn Công Khế được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tuần tin Thanh Niên, là người đầu tiên được bổ nhiệm. Và cho đến khi rời khỏi Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và Tuần tin Thanh Niên, anh Huỳnh Tấn Mẫm chưa bao giờ được Trung Ương Đoàn bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tuần tin Thanh Niên cả.

Việc không bổ nhiệm anh Mẫm, sau này Ban Bí thư Trung Ương Đoàn có giải thích lý do với Ban Tuyên huấn Trung Ương. Là người hoạt động ở Hội Liên hiệp Thanh Niên nhiều năm tôi hiểu rõ, anh Mẫm không được bổ nhiệm không phải do vụ án có liên quan đến vợ anh, mà thực chất là quan điểm của anh Mẫm về Hội Liên hiệp Thanh Niên khác với quan điểm chính thống của Trung Ương Đoàn. Đối với Trung Ương Đoàn, Hội trên danh nghĩa là một tổ chức rộng lớn nhất của Thanh Niên, nhưng trong thực tế không phải là một tổ chức độc lập mà chỉ là một bộ phận của Đoàn. Đối với anh Mẫm, Hội phải là một tổ chức độc lập, Đoàn là hạt nhân nòng cốt. Nhiều cuộc tranh luận xung quanh quan hệ Đoàn – Hội lúc đó, nhưng về tổ chức thì phải tuân thủ theo quan điểm chung. Ai cũng thừa nhận Đoàn là hạt nhân nòng cốt của Hội, nhưng Đoàn nằm ở đâu, Hội nằm ở đâu ? Nếu Đoàn là hạt nhân thì Hội phải “nằm” trong Đoàn, nếu Đoàn nằm ngoài Hội hay Hội chỉ là một bộ phận của Đoàn thì làm sao Đoàn có thể làm hạt nhân được. Trong những cuộc tranh luận, có người nói vui, gọi là hạt nhân mà nằm ở ngoài thì chỉ có đào lộn hột. Tôi nói dài dòng chuyện này là vì quan điểm của anh Mẫm lúc đó không chỉ là những ý kiến của một cán bộ bình thường mà có thể khiến cho Hội Liên hiệp Thanh Niên bị biến dạng khỏi sự lãnh đạo của Trung Ương Đoàn, vì anh đang làm Thường trực Trung Ương Hội. Tôi là một trong những thành viên Trung Ương Hội ủng hộ quan điểm của anh Mẫm. Anh Khế cũng ủng hộ quan điểm của anh Mẫm, nhưng anh chỉ biết làm báo và đăng hăng hái với công cuộc đổi mới, anh không quan tâm đến những điều nhạy cảm về tổ chức. Cái dòng chữ “Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh Niên” đặt dưới măng-sét Thanh Niên cũng là dòng chữ “nhạy cảm”, nhiều người đã đặt vấn đề thay đổi, nhưng nó vẫn tồn tại từ số báo đầu tiên cho đến bây giờ.

Tiếp đó, có vụ án liên quan đến vợ anh Huỳnh Tấn Mẫm. Anh Khế chẳng liên quan gì và cũng chẳng biết chuyện đúng chuyện sai gì về vụ án đó. Anh Mẫm rời khỏi Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và Tuần tin Thanh Niên theo quyết định của tổ chức. Tôi biết trong thâm tâm, lập ra tờ Tuần tin Thanh Niên là để anh Khế làm, anh Mẫm quan tâm đến những sứ mệnh lớn hơn chứ không có ý định làm báo chuyên nghiệp. Một thời gian anh có quay về định chuyên tâm làm Tuần tin Thanh Niên, nhưng đâu có được bổ nhiệm.

Còn cái quyết định kỷ luật khiển trách anh Khế được ban hành cùng với quyết định kỷ luật anh Mẫm, đó là một chuyện bình thường trong công việc, là giải pháp xử lý của những người làm tổ chức, chẳng có gì đáng bình luận.

Sau khi quyết định bổ nhiệm anh Khế làm Phó Tổng Biên tập, Ban Bí thư Trung Ương Đoàn ra một Nghị quyết, đó là Nghị quyết số 60 NQ/BBT ngày 4-9-1987 về việc “thành lập Tuần tin Thanh Niên trực thuộc Ban Bí thư”. Điều 1 của Nghị quyết này ghi rõ : “Tách Tuần tin Thanh Niên ra khỏi Ban Mặt trận Thanh Niên, tổ chức thành đơn vị độc lập trực thuộc Ban Bí thư”. Là người cùng với anh Mẫm sáng lập ra Tuần Tin Thanh Niên, anh Khế đương nhiên quý trọng anh Mẫm, nếu anh Mẫm được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập thì rất tốt cho anh Khế, nếu không thì ai làm cũng được, miễn là phải chính danh, nếu không rõ ràng thì chỉ làm cản trở sự phát triển của tờ báo.

Cuối cùng thì anh Lương Ngọc Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong được cử qua làm Tổng Biên tập Báo Thanh Niên một thời gian, sau đó anh Khế được cử làm Quyền Tổng Biên tập, đến ngày 24-9-1991, anh Khế được bổ nhiệm chính thức làm Tổng Biên tập. Nói anh Khế tìm cách gạt anh Mẫm để “cướp” chức Tổng Biên tập là nói hồ đồ. Anh Khế không có tà tâm, không có khả năng và không có thế lực để làm việc đó. Sự thật là, nếu anh Mẫm tiếp tục làm Hội và phụ trách tờ báo thì với tư cách là người làm báo chuyên nghiệp, anh Khế sẽ dễ làm việc hơn, tờ báo sẽ phát triển thuận lợi hơn theo hướng là “Diễn đàn của Hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam”.

Sự thật về mối quan hệ Huỳnh Tấn Mẫm-Nguyễn Công Khế và Tuần tin Thanh Niên là như thế đó.

Hoàng Hải Vân 
(Blog hoanghaivan.com)

Nguyễn Công Khế đã chiếm đoạt tập đoàn Thanh Niên như thế nào?
Posted by adminbasam on 09/12/2015
Đôi lời: Đây là địa chỉ “trụ sở – nhà riêng” của ông Nguyễn Công Khế ở Bắc Cali: 3565 Seven Hills Rd Castro Valley, CA 94546. Được biết, căn nhà này mua hồi năm 2008 với giá $545.000, hiện có giá khoảng $688.000. Chắc có nhiều bà con gốc Việt của mình ở trên Bắc Cali là hàng xóm của ông Nguyễn Công Khế. Khi nào gặp ông Khế, bà con nhớ hỏi ông ta “bí quyết” làm giàu, để có dịp về VN giúp dân mình làm giàu nhé.
____
9-12-2015
Thai nghén từ Báo Thanh Niên từ năm 2006 đến nay, “Tập đoàn” Truyền thông Thanh Niên (Thanh Nien Media Group Corporation – TNCorp) đang là một tập đoàn kinh tế “hùng mạnh” khoác trên mình bộ cánh đỏm dáng với hàng loạt các thương hiệu truyền thông như “Hoa hậu Hoàn vũ”, “Hoa hậu trái đất”, “Duyên dáng Việt Nam”, “Hoa khôi sinh viên”, “U21 Quốc gia”, “Quốc tế cúp báo Thanh Niên”, “Báo điện tử Một Thế Giới”,… ngoài ra, TNCorp còn lấn sân qua thị trường bất động sản với các dự án lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Ninh Thuận. Ít ai biết rằng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Báo Thanh Niên (thuộc Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam) đến nay bị teo tóp chỉ còn 11,89% (từ 51% ban đầu), chủ sở hữu thật sự của TNCorp không ngoài ai khác là Nguyễn Công Khế và gia đình. Riêng Nguyễn Công Khế đang sở hữu tới 74,39% CP TNCorp và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngày 4/1/2006, Báo Thanh Niên đứng tên thành lập công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ tổng hợp Thanh Niên, tiền thân của Tập đoàn Thanh Niên ngày nay với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, Nguyễn Công Khế được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT. Cuối năm 2006, TNCorp nâng vốn lên 50 tỷ đồng và đổi tên thành Công ty Cổ phần Truyền thông Thanh Niên, hoạt động ban đầu của TNCorp khá thuận buồm xuôi gió nhờ mảnh đất màu mỡ mà Báo Thanh Niên mang lại, đó là mảng quảng cáo và in ấn.
Năm 2009, Nguyễn Công Khế rút một chân ra khỏi báo Thanh Niên, đây là chiêu lùi một bước để tiến nhiều bước, bắt đầu giai đoạn làm giàu của Khế, chứ không phải vì “đấu tranh” rồi bị “phế truất” như người đời lầm tưởng. Tháng 6/2009, TNCorp đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên. Năm 2010, Nguyễn Công Khế nhậm chức Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT. Đến nay, TNCorp đã thành lập hàng chục công ty con và lấn sân kinh doanh ngoài ngành.
(Xem tiếp ở đây: Anh Ba Sam)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.