3634. Chuyện nhặt ở bệnh viện (phần 1)
Chuyện
nhặt ở bệnh viện (phần 1)
Nguyễn Thông/ Thứ Bảy, ngày 28 /11/ 2015
![]() |
"Chợ bệnh viện". Ảnh Dân trí (để minh họa) |
Hồi xưa, nhà văn Bùi Đức Ái (Anh
Đức) có truyện dài “Một chuyện chép ở bệnh viện” viết về cuộc đời chị gì đó
hoạt động cách mạng, sau thành phim Chị Tư Hậu. Tác phẩm chẳng hay lắm nhưng
cũng gây xúc động một thời.
Mình chả khỏe gì cho cam nhưng
ít phải vào bệnh viện, nên đóng bảo hiểm y tế chỉ toàn lỗ. Hai hôm nay nhà có
người yếu nhọc, phải bám vào thứ cơ quan chăm lo sức khỏe này, mình theo để
chăm. Buông việc thường làm hằng ngày, nhẹ cái đầu một tí nhưng mỏi cái chân
cái tay. Chỉ riêng bữa nay lên lầu xuống lầu cả hai chục bận chứ không ít. Quá
cả thằng bé trong thơ Tố Hữu, chân cứ thoăn thoắt, chỉ có điều hết hơi không
huýt sáo được.
Những ai yêu đời không nên ghé
bệnh viện. Đó là thế giới của già yếu, bệnh tật, úa tàn, u ám, mệt mỏi, lo
lắng, thở than. Rất ít hy vọng. Thiếu niềm vui. Chợt nghĩ, nếu đời người là một
ngày thì cuộc sống trong bệnh viện giống như buổi chiều tà. Nhưng chẳng ai
tránh được cái lúc hoàng hôn ấy.
Vậy mà mình nhìn thấy chút niềm
vui trong thế giới chập chờn tối sáng đó. Lâu nay chưa hiểu các bác sĩ thầy
thuốc cho lắm, giờ thì hiểu hơn.
Bữa ni thứ bảy, theo lệ hành
chính mà nhà nước đã ban hành thì là một trong 2 ngày cuối tuần. Theo mình,
ngày nghỉ đúng lệ chỉ nên áp dụng cho các cơ quan nhà nước khác, chứ bệnh viện
thì cần thay nhau trực. Chả ai chọn bị bệnh vào ngày làm việc hành chính và
tránh ngày cuối tuần. Đã bệnh thì nửa đêm, thậm chí mùng 1 tết cũng bệnh. Bệnh
viện nên làm việc như thường 7/7 ngày, cắt lịch luân phiên là tốt nhất. Tại sao
thì điều này mình sẽ viết sau.
Lại nói chuyện vui. Hôm nay bệnh
viện N.T (ở quận 5) đón mấy chuyến xe từ Đồng Tháp chở bà con lên phẫu thuật
mắt, mổ chữa đục thủy tinh thể. Mình lân la lại coi. Dễ đến 5, 7 chục người.
Những nông dân đen đúa, gầy gò, quần áo cũ kỹ, rụt rè và hy vọng. Mình có nghe,
mổ mắt cho người bị đục thủy tinh thể cũng không khó không lâu, mỗi người chỉ
hết chừng mươi phút. Bà con ngồi chờ, thì thầm hỏi nhau sao rồi, đau không, sắp
đến lượt chưa… Các bác sĩ khoa mắt làm việc cật lực, dù là ngày nghỉ. Suốt
sáng, đến đầu chiều mình thấy vẫn còn người ngồi chờ tới lượt. Những người đã
được mổ ra gốc cây, ghế đá ngồi nghỉ ngơi trò chuyện, ai nấy đều phấn khởi. Bà
con bảo ngày mai mắt sáng lại làm được bao nhiêu là việc đồng áng, sinh hoạt,
đỡ đần con cháu. Một bác nói tôi có đứa cháu nội sắp đầy tháng mà chưa nhìn rõ
mặt mũi nó thế nào nhưng mai là có thể thấy nó rồi. Bà con nói không phải mất
đồng xu teng, tất cả do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh và bệnh viện trên
này lo cho hết. Có cụ nói thêm tiền ấy là do mấy doanh nghiệp tài trợ đấy, chú
ạ. Thật là phúc đức, cảm động. Giá như ngày nào cũng được chứng kiến những niềm
vui thế ni thì có lẽ mình khỏe lắm, yêu đời lắm. Nghề thầy thuốc đẹp nhất những
lúc này.
Giữa trưa, đang ngồi vật vờ chợt
có người vỗ vai. Tưởng ai, bà cụ bán vé số hôm qua gạ mình mua dưới cổng. Bà
vào từng phòng mời mọi người mua vé số. Hồi sáng cũng thế, có mấy người đàn ông
vẻ sầu muộn tha thẩn từng phòng gạ mua vé số. Mình bảo với người nhà, khốn nạn,
chỗ tinh những cơ thể bệnh tật, ai cũng lo từng phút sức khỏe con bệnh, còn hơi
đâu mà nghĩ đến vé số cầu may. Sao họ lại không biết tìm chỗ nào khác, ví dụ
chợ búa, cổng trường, quán ăn… để bán cho những người đang rảnh rỗi, thảnh
thơi, đang ít nhiều hy vọng ất ơ vào cuộc đổi đời. Vào đây thì bán cho ai.
Nhưng rồi lại nghĩ, chả trách họ được, họ dưới đáy xã hội rồi, làm gì có sự lựa
chọn nào khác. Thậm chí có mách nhảy vào lửa mà bán được dăm chiếc vé số có khi
họ cũng lao vào, vậy thì bệnh viện, sao lại bỏ qua. Mình lặng lẽ dõi theo, hầu
như tất cả các phòng bệnh không thấy ai mua, còn bà cụ bán vé số vẫn kiên nhẫn
đi từng phòng từng lầu. Xấp vé trên tay khá dày mà nắng nhạt nhanh quá. Khuôn
mặt già nua kia thấp thoáng lẫn dần vào trời chiều.
(còn tiếp)
Nguyễn Thông/Blog nguyenthong
Nhận xét