3618. Đất và người Lũng Cú
Đất và người Lũng Cú
Phóng
sự của Thái
Sinh
![]() |
Cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh Ngọc Dương |
Hàng ngày những người dân cực bắc Lũng Cú căm
cụi xếp những bờ đá cao chất ngất để giữ từng nắm đất, tạo nên những nương,
ruộng bậc thang dài tít tắp. Phải, họ cũng giống như cây tung tống thá này,
đứng hiên ngang giữa đất trời bao đời nay bão giông không quật ngã nổi, kiên
gan bám mảnh đất biên giới bạt ngàn đá.
Lần
đầu tiên lên Hà Giang tôi ao ước được đặt chân lên Lũng Cú, cái mảnh đất tận
cùng ở nơi cực bắc của Tổ quốc, mỗi khi nhìn lên bản đồ tôi phải ngửa cổ mới
nom thấy được. Sau mấy ngày chờ đợi, mãi sớm nay trong cái nắng gió tưng bừng
của miền cao nguyên đá tôi ngược lên Đồng Văn.
![]() |
Núi cột cờ Lũng Cú. Ảnh Thái Sinh |
Vừa
ra khỏi thị xã Hà Giang là gặp núi đá, nhưng núi ở đây chưa thấm vào đâu, chỉ
khi chạm chân lên dốc Cán Tỷ mà cánh lái xe gọi là dốc “chối tỷ” thì núi mới
trở nên khủng khiếp. Núi dựng đứng, xám lạnh xô nhau lớp lớp dâng lên tận trời
xanh. Tôi có cảm tưởng đá ở khắp mọi nơi đã dồn tụ về đây để tạo nên một Đồng
Văn đá. Hà Giang có 4 huyện núi đá, nhưng Đồng Văn đá khủng khiếp nhất, đá và
núi cứ duềnh lên như sóng, tua tủa nhọn hoắt. Hiếm hoi lắm mới gặp một vạt rừng
thưa, những ngôi nhà trình tường bằng đất lợp ngói âm dương hay mái rạ thấp lè
tè khuất lấp trong rừng đá. Chiếc xe UAZ còn khá tốt nhưng phải bò rì rì trên
con đường dốc khúc khuỷu trong cái nắng gió ngạt ngào, thỉnh thoảng người lái
xe phải dừng lại mở nắp capô cho nước trong máy nguội bớt mới chạy được. Gần
tối chúng tôi mới tới được Đồng Văn, nên không thể đi tiếp lên Lũng Cú còn ngót
30 cây số đường đèo dốc nữa.
Huyện
Đồng Văn có tổng diện tích đất tự nhiên là 43.880 ha, cuộc sống của đồng bào
các dân tộc nơi đây chủ yếu trông vào 7.650 ha ngô một vụ trên các nương đá.
Trận mưa hiếm hoi đêm qua chả thấp tháp vào đâu trước nắng gió tưng bừng. Đồng
Văn có 19 xã nhưng có tới 12 xã không có mạch nước, sống cheo veo trên các sườn
núi đá thiếu nước là câu chuyện truyền kiếp, nơi nào may mắn có mạch nước thì
cũng chỉ đủ cho mấy thôn bản xung quanh, còn những thôn bản khác họ chặn các
khe đá dùng đất miết vào các khe nứt tạo thành các giếng cạn hứng nước trời. Có
nơi họ đào những cái giếng rộng bằng hai ba cái thúng sâu vài gang tay nằm bên
cạnh các con đường mòn, khi trời mưa xuống nước chảy theo đường mòn dồn vào các
giếng cạn, họ để nước lắng xuống rồi múc về dùng. Mấy năm nay tỉnh hỗ trợ cho
mỗi gia đình vài tạ xi măng để xây bể hứng nước mưa. Tình trạng thiếu nước gay
gắt đâu phải đã thật chấm dứt., nhiều hộ vẫn phải lấy nước xa từ 5-15 cây số.
Ví như người dân Xín Lủng, Sà Phìn phải dậy từ 1 giờ sáng đi địu nước, 8 giờ
sáng thì mang được một can nước 10 lít trở về, mỗi ngày giỏi lắm một người cũng
chỉ đi lấy được hai chuyến nước. Dọc đường tôi gặp từng tốp đi lấy nước, trên
lưng người và các con ngựa là những can nhựa trắng. Tôi hỏi một người chừng nào
thì mang được nước về tới nhà, anh ngẩn ra một lúc rồi bảo: “ Phải tối ta mới
về tới nhà à...” Thế có nghĩa là người đàn ông kia phải mất 3 giờ đi bộ nữa mới
mang được 2 can nước về tới nhà.
Sớm
hôm sau tôi lên Lũng Cú, từ đồn biên phòng Mã Lé chúng tôi vượt qua Cổng trời
mới vào được Lũng Cú, mảnh đất của khá nhiều truyền thuyết, khi tới đây tôi mới
được nghe kể. Chuyện rằng: Khi đánh tan 20 vạn quân Thanh thu giang sơn về một
mối, vua Quang Trung ban cho vùng đất này đôi trống để khi có giặc thì nổi
trống báo cho toàn dân biết. Từ đó người ta gọi vùng đất chót cùng nơi cực bắc
này là Long Cổ-tức là trống rồng. Sau người ta ta đọc chệch hai tiếng Long Cổ
thành ra Lũng Cú. Người dân Lô Lố xóm Lô Lố Chải hiện còn đang giữ một đôi
trống đồng, họ chỉ đánh trống khi xóm làng có chuyện dữ, hoặc trong ngày những
ngày lễ hội. Không biết đôi trống đồng đó có phải của vua Quang Trung ban cho
không?
![]() |
Người dân phơi đậu tương ở Đồng Văn Ảnh Ngọc Dương |
Cũng
có người kể rằng Lũng Cú được đọc chệch ra từ hai tiếng Long Cư- nghĩa là nơi
rồng ở. Tại chân đồi Thèn Pả trước mặt xóm Lô Lố Chải có một hồ nước không khi
nào cạn. Dân làng qui ước không ai được bắt cá ở hồ đó và cũng không cho phép
ai bắt cá ở nơi khác thả vào, làm như vậy sẽ làm khuấy động nơi ở của rồng
thiêng. Hàng năm vào những đêm mưa lớn có người đã nhìn thấy rồng từ hồ nước
bay về phía sông Nho Quế xuôi về biển...Chuyện từ ngàn đời thực chẳng ai rõ.
Nhưng có người quả quyết rằng Lũng Cú là nơi người con trai út của Lạc Long
Quân và Âu Cơ tới lập nên tộc người Lô Lố.
![]() |
Mẹ Vàng Thị vềnh bên trống đồng. Ảnh Thái Sinh |
Lũng
Cú nghèo lắm, cả xã có 9 xóm với chừng 3.000 khẩu, bí thư chi bộ Giàng Sính Vư bảo tôi: “ Mình biết từng nhà
mỗi năm gieo bao nhiêu cân giống, xã mình cấy 1.116 cân thóc giống, 2.800 cân
ngô. Tất cả chỉ làm một vụ thôi, vì không có nước và mùa đông ở đây rét lắm,
không trồng nổi cây gì nên nhiều hộ bây giờ cũng đã hết cái ăn rồi...” Lầu Dúng
Páo dẫn tôi lên Lô Lố Chải, xóm có vài chục nóc nhà nằm rải rác trên các sườn
núi, tất cả các ngôi nhà đều trình trường và có rào đất vây quanh. Đang kỳ giáp
hạt xóm vắng teo, đàn ông đều đi nương hay đi làm thuê ở các thôn bản xa. Páo
dẫn tôi vào nhà chị Vàng Thị Miến, mới ngoài 30 tuổi người gầy tong teo, chị
cho tôi hay nhà chị hết cái ăn từ giữa tháng ba, chồng chị là Sình Dỉ lai đang
đi đóng ngói thuê kiếm ngô nuôi cả nhà. Chị bảo tôi: “ Nhà mình có 8 anh em, bố
mẹ chia cho mỗi người một ít đất, vợ chồng mình để ruộng cho các em chỉ lấy
nương thôi, mỗi năm đủ gieo hai cân ngô giống, thu tám gùi ngô à...” Chiếc cối
xay ngô là tài sản duy nhất đáng giá của gia đình vợ chồng Sình Dỉ Lai thôi
không xay từ lâu rồi, mạng nhện và bồ hóng phủ đầy mặt cối. Cách nhà chị Miến
không xa là gia đình mẹ Vàng Thị Vềnh đang giữ một trong hai chiếc trống đồng
của Lũng Cú. Lúc này chỉ có mẹ và hai đứa cháu ở nhà, người con dâu là Vàng Thị
Xuyến vừa đi nương về, chị chia cho đám trẻ mỗi đứa dăm sáu quả mận dại. Mẹ
Vềnh cho tôi hay, năm nay mẹ đã hơn bảy mươi tuổi, theo lời những người già thì
chiếc trống đồng gia đình mẹ đang giữ được truyền qua 5-6 đời rồi, tôi nhẩm
tính cũng đã trên dưới 250 năm. Nếu không có Lầu Dúng Páo thì chưa chắc mẹ đã
cho tôi xem trống. Người con dâu và người thanh niên hàng xóm loay hoay một lúc
mới đem được chiếc trống đồng từ trên gác nhà xuống. Chiếc trống còn khá nguyên
vẹn, trên mặt trống là hình mặt trời, bay quanh là bầy chim hạc. Những nét hoa
văn còn khá rõ, chứng tỏ người Lô Lố gìn giữ trống rất cẩn thận. Nhà mẹ Vềnh có
7 người, chồng mẹ là Vàng Dỉ Thuấn và
con trai là Vàng Dỉ Chế đi làm công (làm thuê). Tôi hỏi mẹ: “Nhà đang thiếu ăn
mẹ bán cái trống này lấy tiền mua ngô về ăn đi...” Mẹ nhìn tôi hơi sững lại,
giọng mẹ trở nên giận dữ: “Không bán đâu. Đói cũng không bán!...” Tôi lại hỏi:
“ Thế mẹ để làm gì?” Mẹ bảo con dâu cất trống rồi thủng thẳng đáp: “Cái trống
này của cha ông, mình phải giữ cho người Lô Lố chứ...” Tôi hoàn toàn bất ngờ ở
nơi miền biên giới xa xôi này lại có người như mẹ Vềnh, trước mùa đói ngằn ngặt
vẫn quyết giữ vật thiêng của cha ông với một điều vô cùng giản dị: Giữ cho
người Lô Lố. Vâng, đó là Tổ quốc, là hồn thiêng của dân tộc Việt.
![]() |
Dinh thự vua Mèo sau hàng rào đá. Ảnh Thái Sinh |
![]() |
Nhà báo Thái Sinh bên ngôi nhà thôn Lố Lố Chải![]() Mộ nhà quan Vương chí Sình. Ảnh Thái Sinh |
Rời
nhà mẹ Vềnh tôi ngồi xuống gốc cây tung tống thá (*) cổ thụ trước xóm Lô Lố
Chải nhìn sang xóm Xéo Lủng. Xóm có trên 30 nóc nhà, xóm nghèo nhất Lũng Cú,
bởi từ năm 1991 đến năm 1998 bọn người xấu ở phía bên kia đã hai lần sang đốt
phá nhà cửa dồn dân Xéo Lủng vào sâu trong đất Việt. Hai lần xóm bị đốt, hai
lần người Xéo Lủng trở về dựng lại nhà cửa, quyết không rời bỏ đất cha ông, giữ
lấy từng tấc đất. Bởi thế hơn 13 cây số đường biên nơi Lũng Cú nghìn năm vẫn
nguyên vẹn. Ngày lại ngày họ họ cặm cụi xếp những bờ đá cao chất ngất để giữ
từng nắm đất. Phải họ cũng giống như cây tung tống thá này đứng hiên ngang giữa
đất trời nơi cực bắc của Tổ quốc bao đời nay bão giông không quật ngã nổi, kiên
gan bám mảnh đất biên giới bạt ngàn đá. TS
-----------
(*) Tung tống thá: cây gỗ
nghiến
Nhận xét