3598. ‘Đa số nhân dân không đồng ý nhận viện trợ từ Trung Quốc’

‘Đa số nhân dân không đồng ý nhận viện trợ từ Trung Quốc’
VOA Tiếng Việt /17.11.2015
Người biểu tình cầm hình ảnh và biểu ngữ trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 3/11/2015, trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Đó là lời phát biểu của đại biểu quốc hội Việt Nam Trương Trọng Nghĩa, khi đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 17/11.
Ông Nghĩa nói rằng nền kinh tế trong nước “đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc trên hầu hết lĩnh vực, và đe dọa chủ quyền về kinh tế” của Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng cho rằng Trung Quốc “nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị”. Ông nói thêm:


"Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này, bởi Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn."

Lời phát biểu của vị đại biểu quốc hội từ TP HCM được đưa ra hai tuần sau khi một ngân hàng của Việt Nam ký kết hợp đồng vay Trung Quốc 200 triệu đôla nhân chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Hà Nội hồi đầu tháng này.

Khoản vay có giá trị lớn này được báo chí trong nước cho là sẽ “đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn cho các dự án phát triển kinh tế của Việt Nam”, và “góp phần phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp” giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Nghĩa đặt câu hỏi rằng nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?

"Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay tiền từ Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác để vay".

Cũng liên quan tới vấn đề tranh chấp biển đảo, một đại biểu khác là ông Lê Nam lên tiếng chất vấn Thủ tướng Dũng về “chủ trương và giải pháp” của Việt Nam trước việc Trung Quốc “bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông”.

Ngoài ra, ông Nam cũng đề nghị ông Dũng “cho biết việc thực hiện nghị quyết Quốc hội đối với ngư dân, cảnh sát biển và kiểm ngư”.

Theo dự kiến, Thủ tướng Việt Nam sẽ trả lời các câu hỏi chất vấn vào ngày mai. Chưa rõ là ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ hồi đáp ra sao trước các vấn đề được coi là “nóng bỏng” hiện nay của các đại biểu quốc hội.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Việt Nam từng tuyên bố rằng sẽ không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hữu nghị viển vông trong quan hệ với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Việt Nam và phát biểu trước quốc hội hồi đầu tháng này.

Chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, ông Tập tuyên bố rằng các hòn đảo trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông) “là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa”, và chính phủ Trung Quốc “phải có trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi lãnh hải chính đáng”.

Cư dân mạng sau đó đã chỉ trích việc đón tiếp trọng thể dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh không che giấu điều mà nhiều người Việt Nam cho là tham vọng “nuốt trọn” biển Đông.

 ------------------------------
     17/11/2015 11:17
TTO - Vấn đề này đã được đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra trong phần chất vấn dành cho Thủ tướng tại phiên chất vấn sáng 17 -11 tại Quốc hội.
Mở đầu câu hỏi của mình ông Trương Trọng Nghĩa nói kinh tế Việt Nam có xu hướng phụ thuộc sâu vào nền kinh tế Trung Quốc, ở hầu hết các lĩnh vực và đe dọa chủ quyền kinh tế của đất nước.
Hiện ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới, Trung Quốc nổi tiếng mang đồng tiền đi trước chi phối về chính trị. Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc ít nhất cho trong thời điểm này.
Lý do Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn.
Nếu nhận viện trợ ODA và vay giá rẻ của Trung Quốc thì liệu sau này kiện đòi lãnh thổ được không khi chưa kịp trả?

"Nếu trưng cầu ý dân tôi tin đa số người dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ ODA của Trung Quốc. Chúng ta còn nhiều nơi khác để vay tiền”, ông Nghĩa khẳng định.
Trước đó, ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho biết một trong những kiến nghị quan trọng của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoa XIII là đề nghị "phải cân nhắc khi hợp tác ứng xử với một số nước, đặc biệt là Trung Quốc”.
Cụ thể cử tri cho rằng phải thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.
Trong phần kiến nghị này, cử tri một số tỉnh tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.