3595. Có nên “tự hào”?

Có nên “tự hào”?
Trịnh Kim Thuấn

Những cuộc khủng bố đầy ấn tượng trong lịch sử thế giới mà chúng ta không thể quên phải được kể đến: Tòa tháp đôi ở New Yord – Hoa Kỳ đổ sụp vì Alqueeda ngày 11/9/2001, giết chết hàng nghìn người.

Trong những năm gần đây, thế giới liên tục xảy ra những cuộc khủng bố khiến loài người cảm thấy bất an bởi những tư tưởng cực đoan của bọn người “máu lạnh”, coi mạng người như cỏ rác. Nào là  đảo Bali ở Indonesia, nào là Nigegira, Philiphines, Anh... Xót xa nhất là Apgakistan, Pakistan khủng bố xảy ra như cơm bữa…. Mới đây là lực lượng Hồi giáo cực đoan IS tàn sát cả 1 làng mạc, đàn bà, trẻ con cũng giết tất tần tật ! Hình ảnh đau lòng khi các phóng viên quốc tế, các nhà thiện nguyện... bị bắt và bị hành quyết, các đao phủ thủ mặt che kín, tay vung đao… Và đặc biệt là mấy ngày nay, cuộc khủng bố rùng rợn ở Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp khiến cả thế giới rúng động!

Trước hiện tượng những kẻ khủng bố ngày nay đang bị bị thế giới nguyền rủa, tôi bỗng chạnh lòng nhớ đến những “chiến công” của lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa của chúng ta, và cứ lẩn thẩn nghĩ, tự đặt ra câu hỏi: Bản chất của những vụ đó là gì? Ngày nay có nên tiếp tục ngợi ca, tung hô…và giáo dục thế hệ trẻ như những hành động anh hùng không?


Trong khoảng những năm 1965 - 1975  Sài Gòn, cứ vài ba ngày lại  một vụ nổ lựu đạn, đốt xe Mỹ. Chỉ một chiếc xe gắn máy chở theo sau một người, lựu đn cầm tay vụt một phát là gây thương vong cho hằng chục sinh mạng, những cái chết bất đắc kỳ tử đến với bất kỳ ai trên đường phố Sài Gòn. Người chết là lính Mỹ, lính ngụy và cả những người Việt Nam lương thiện khác, những người vô tình đi qua đường, bất kể là ai! 


Có những vụ mà cho đến nay, đã nửa thế kỷ, tôi vẫn không thể quên.  Đó là vụ đánh bom nhà hàng Mỹ Cảnh và vụ đánh bom khách sạn Caravelle.

Để phòng tránh, hạn chế những vụ bị đánh bom ấy, chánh quyền Việt Nam Cộng hòa đã ra một quy định lạ kỳ: người ngồi sau xe gắn máy chỉ được phép ngồi một bên (ngồi ngang), dù là nam giới… Tôi ở dưới tỉnh lẻ lên, gặp bạn bè rủ nhau đi nhậu, có lần quên béng mất quy định nầy, bị cảnh sát tuýt còi, phải năn nỉ, trình giấy tờ, chứng minh là người tỉnh lẻ, chưa hiểu “luật”, nên được tha…

Sài Gòn ngày ấy rất lạ, vẫn chiến tranh mà vẫn ăn chơi. Các nhà hàng, vũ trường… lúc nào cũng chật khách. Đêm đêm, tiếng phi cơ quân sự đi ném bom về gầm rú trên bầu trời; xa xa thỉnh thoảng vẫn vọng lại tiếng đại bác. Chả thế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu “đại bác ru đêm” ! Bởi vậy, khi có một cuộc đánh bom của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn thì số người chết (cả sĩ quan, quân nhân và thường dân) không thể ít.

Báo Quảng Nam ngày 19-2-2015  tường thuật lại về sự kiện đánh bom lịch sử tại nhà hàng Mỹ Cảnh như sau: “… Thời gian đầu vào Sài Gòn, Huỳnh Phi Long làm nghề sửa xe máy. Sau đó không lâu, ông móc nối được với cơ sở cách mạng ở huyện Hóc Môn, được tổ chức giao nhiệm vụ mua thuốc men và các đồ dùng cần thiết để cung cấp cho lực lượng vũ trang và nhận truyền đơn về rải trong nội thành… Qua 15 năm công tác, Huỳnh Phi Long đã phối hợp tổ chức đánh 45 trận lớn nhỏ, trong đó có 30 trận ông trực tiếp thực hiện gây tiếng vang lớn trên đất Sài thành lúc bấy giờ. Trong số đó phải kể đến trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh.
Hiện trường cuộc đánh bom Nhà hàng Mỹ Cảnh
Sài Gòn ngày 23/6/1965. Ảnh Internet
Trận đánh này được xem như một trận “động đất” kinh hoàng diễn ra vào ngày 23.6.1965, tại bến sông Bạch Đằng… Phi Long và đồng đội của mình là Lê Văn Rãy quyết tâm thực hiện theo phương án: Phi Long đi xe máy mô-bi-lết chở một trái mìn định hướng ĐH10 đi trước, ông Rãy đạp xe giả làm người bán báo chở trái mìn cùng chủng loại đi sau… Nhìn đồng hồ đeo tay, chỉ còn vài phút là đến giờ G, Phi Long liền chạy xe cập mục tiêu, bình tĩnh và bí mật đặt mìn đúng hướng thổi vào 2/3 thân tàu. Xong, ông thản nhiên móc tiền bước đến quầy thuốc lá ở gần đó mua thuốc hút, đồng thời lợi dụng bóng tối nhanh chóng bỏ 2 trái thủ pháo xuống sông rồi lẹ làng lách người qua công viên cạnh đó nhảy lên xe gắn máy đồng đội chuẩn bị sẵn. Lúc này, ông Rãy cũng đã gài xong quả mìn định hướng thứ hai, qua công viên leo lên xe ông Long đang chờ. Cả hai vừa chạy ra khoảng 50m trái mìn thứ nhất do Phi Long gài phát nổ… Trái mìn thứ hai do ông Rãy gài nổ tiếp. Tiếng còi báo động của địch inh vang, đường phố trở nên hỗn loạn. 
Còn dưới đây là trích bài tường thuật lại vụ đánh bom khách sạn Caravelle của Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 1-6-2013:
… Người trực tiếp nhận nhiệm vụ là Bảy Bê (tức Nguyễn Thanh Xuân) với sự trợ giúp của Minh Nguyệt (Trần Thị Minh Nguyệt) và Năm Bắc. Chuẩn bị kế hoạch xong xuôi, tờ mờ sáng ngày 24/10/1964, Bảy Bê và Minh Nguyệt ăn mặc sang trọng, đón taxi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đợi gần trưa có máy bay hạ cánh, hai chiến sĩ biệt động liền nhập vào đám hành khách đi xuống cổng, đón taxi về mục tiêu. Sở dĩ phải “nhiêu khê” như vậy bởi khách sạn Caravelle chỉ đón khách từ sân bay đến…
Hai chiến sĩ biệt động trong vai người nhà sĩ quan ngụy dễ dàng qua mắt bọn mật thám với hai va ly đầy ắp thuốc nổ. Minh Nguyệt lúc này lấy tên Kim Chi, là tình nhân của thiếu tá nguỵ, còn Bảy Bê là lái xe… Minh Nguyệt lúc đó mặc bộ áo dài nước biển quý phái… “Nhận phòng xong, tôi đón taxi đi luôn, lấy cớ ra chợ sắm ít đồ đạc, ngắm phố phường. Trước đó đồng chí Bảy Bê đã mang hành lý lên phòng, thực chất là thuốc nổ bên trong”, bà Nguyệt kể.
“Người đẹp tình nhân thiếu tá” phì phào điếu thuốc rút lui an toàn. Riêng Bảy Bê hì hục mang hai valy lên tầng 5 khách sạn, chuẩn bị cho trận đánh ghi dấu lịch sử. Đồng hồ chỉ mới điểm 10h trưa, trong khi theo kế hoạch cấp trên giao, là phải làm nổ tung Caravelle tầm 6h chiều, bởi thời điểm này mới có đông tướng lĩnh Mỹ Nguỵ tập trung tại khách sạn. Nằm đợi đến 4h chiều, Bảy Bê chốt cửa cẩn thận rồi mang thuốc nổ vào phòng tắm sửa soạn… Anh nhanh chóng hợp 3 bánh thuốc nổ TNT thành một với tổng trọng lượng 37kg, đặt ngay ngắn vào tủ quần áo, vặn kim đồng hồ hẹn 6h, rồi chỉnh sửa lại bộ vest đi ra ngoài…
Kim đồng hồ điểm đúng số 6, vẫn không nghe tiếng nổ. Đợi thêm 10, rồi 15 phút nữa, mọi thứ vẫn yên ắng… Đắn đo mãi, chợt nảy ra ý tưởng: “Sao không gọi điện về khách sạn xem sự thể thế nào”. Từ đầu dây bên kia, nhân viên lễ tân trả lời giọng bình thản, chứng tỏ hoạt động của khách sạn hoàn toàn bình thường. Bảy Bê vội hỏi qua loa xem còn phòng thuê không rồi cúp máy, trở lại mục tiêu. Nhận chìa khoá từ quầy lễ tân, chiến sĩ biệt động đi vội lên phòng, mở tủ kiểm tra. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Thì ra nguyên nhân không nổ là do Bảy Bê đã hẹn giờ nhưng quên bấm nút lên dây cót! Bảy Bê hẹn 10 phút nữa rồi bấm nút dứt khoát, nghe kim đồng hồ nhảy lách tách mới rời phòng… Đi chừng vài phút, từ phía khách sạn Caravelle, một tiếng nổ vang trời phát ra…
Hiện trường cuộc đánh bom khách sạn Caravelle
Sài Gòn, ngày 25/6/1965. Ảnh Internet
Mãi sau ngày tiếp quản thành phố, mới biết vụ nổ đã phá sập và làm hư hại hơn 40 căn phòng khách sạn. Số lượng tử thương không rõ, nhưng nguồn tin của ta báo về nhiều sĩ quan cao cấp Mỹ Nguỵ bị chết và thương vong…
Những gì thuật ở trên là “chiến công”, được vinh danh, được tưởng nhớ và tưởng thưởng vì “chiến công”. Chiến công ny, với hình thức lén lút đánh bom giết người, tất nhiên mục tiêu là địch, nhưng ở một khách sạn có biết bao thường dân: những nhân viên phục vụ phòng, quầy ba, những người kinh doanh, những khách vãng lai trong và ngoài nước… Chẳng lẽ họ cũng là những đối tượng để giết, hay họ chỉ là nạn nhân của một cuộc khủng bố thật sự?
Vậy chúng ta có nên khơi lại những sự việc đó trên báo chí như một niềm tự hào để giáo dục thế hệ trẻ? Đối với lớp người cao tuổi như chúng tôi, được chứng kiến hoặc đọc trên báo chí thời ấy, nay không cần nhắc lại vẫn nhớ như in.
Người Việt có câu tục ngữ: “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, rồi “Đầu không phải, phải tai”… đã phản ánh phần nào hậu quả của những cuộc khủng bố vô tiền khoáng hậu đã và đang diễn ra trong thế giới hiện đại. Đó là tội ác trời không dung đất không tha!...  

Hôm 30/4/2015, báo điện tử Vietnam Nét có bài Người trẻ hào hứng học làm giao liên: giấu thuốc nổ trong bánh giò,  khiến giáo sư Nguyễn Văn Tuấn phải thốt lên trong một bài viết trên Fb của ông: “…Càng khó nghĩ hơn khi người ta cho lên truyền hình dạy thanh thiếu niên “một số mánh giấu thư từ, vũ khí của các cô giao liên để qua mắt quân địch” (2). Dạy điều tử tế thì không, mà dạy làm khủng bố giết người thì lại tự hào đưa lên cả tivi! Người ta còn dùng chữ "mánh" nữa chứ! ("Mánh" trong tiếng Việt được hiểu là hành vi nhỏ nhen nhưng mang tính lừa lọc, bất chính). Thật không còn tính từ gì để nói cho việc làm tasteless này (chữ tasteless trong tiếng Anh hay được dùng để mô tả một hành vi, việc làm, thái độ không thích hợp, vụng về, thô bạo). Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng 40 năm rồi. Khơi dậy chi những việc và vật thể như thế này? Nó không giúp gì trong công cuộc hoà hợp – hoà giải dân tộc mà ông Thủ tướng và Chủ tịch Nước kêu gọi mấy tuần qua.   (Tuan’s blog GS Nguyễn Văn Tuấn .)     
16/11/2015 TRỊNH KIM THUẤN
(Bài tác giả gửi PNTB) 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.