3587. Một cuộc đời sống thác với nghiệp chèo

Một cuộc đời sống thác với nghiệp chèo
Trần Tuấn Tiến

PNTB: Thế là một "cây đại thụ" trong Làng Chèo Đất Cảng nói riêng và Việt Nam nói chung đã về trời - Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Lan (1930 - 7/11/2015), hưởng thọ 85 tuổi. PNTB chân thành phân ưu cùng gia quyến, anh chị em trong Làng chèo Hải Phòng, cầu chúc cho hương hồn NSND Hoàng Lan siêu thoát nơi cực lạc! 

Nghệ sĩ Trần Tuấn Tiến, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng, với tấm lòng ngưỡng mộ và kính trọng chị Hoàng Lan, đã có bài viết xúc động về những kỷ niệm sâu sắc trong sự hợp tác nghề nghiệp với chị. Tuấn Tiến coi đây như một nén tâm nhang tri ân và tưởng nhớ người chị, người NSND đáng kính, dâng lên trước hương hồn nghệ sĩ Hoàng Lan. PNTB trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
ooOoo 

Trần Tuấn Tiến: Với lòng yêu mến và cảm phục NSND Hoàng Lan, tác giả Đào Hướng (khi đó là Giám đốc Đài PTTH Hải Phòng) đã viết bài “Nghệ sĩ chèo Hoàng Lan”); Tô Hoàng Vũ (lúc đó là Trưởng ban biên tập văn nghệ Đài PTTH Hải Phòng, nay là chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hải Phòng) bàn với tôi là làm một phim tài liệu nghệ thuật chân dung NSND Hoàng Lan.

Vốn quen biết chị Hoàng Lan từ lâu, lại vừa đạo diễn thành công bộ phim tư liệu nghệ thuật chân dung nghệ sĩ - họa sĩ La Viết Sinh (huy chương bạc liên hoan TH toàn quốc tại Cần Thơ), nên tôi được phân công viết kịch bản và đạo diễn, Tô Hoàng Vũ làm biên tập và viết lời bình; Hùng Thắng quay phim; Văn Vĩnh, Hoàng Việt dựng phim.

Hồi đó, thiết bị kỹ thuật của Đài PTTH Hải Phòng còn rất thô sơ. Chúng tôi được ưu tiên một camera M7 mới. Duy nhất hôm đi Hà Nội và về quê chị ở Hưng Yên thì được Đài cho mượn cái xe Đatsu, còn tổ làm phim khi đi tác nghiệp phải đi bằng babeta và xe đạp. Kinh phí làm phim thì tuy rất khiêm tốn nhưng cũng mới chỉ được duyệt trên giấy. Để kịp triển khai công việc, Tô Hoàng Vũ về mượn của mẹ một chỉ vàng bán đi lấy tiền chi tiêu. Chúng tôi làm phim với sự say mê nghề nghiệp và lòng yêu mến, cảm phục người chị, người nghệ sĩ chèo đã hy sinh cả cuộc đời mình, cả hạnh phúc riêng tư cho nghệ thật chèo. Đó cũng là lý do chúng tôi lấy tên của bộ phim là “Với cả cuộc đời”.
NSND Hoàng Lan (bìa trái) cùng các
NS Đoàn chèo HP chụp ảnh với bà Nguyễn Thị Định
Đường 39 về xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đang trong thời kỳ đại tu. Mặc dù có xe ô tô mà cả đoàn phải cuốc bộ vì sợ xe nổ lốp giữa đường. Đến đầu thôn Trịnh Mỹ, chị Hoàng Lan chỉ cho chúng tôi cây đa mà thủa thiếu thời chị hay vui đùa cùng bè bạn… 

Từ năm 1948 chị đã tham gia đội du kích Hoàng Ngân nổi tiếng vùng quê nhãn. Chị thích ca hát từ hồi còn nhỏ. Nhưng tính nhút nhát, hay xấu hổ. Căn nhà của chị xưa nay em trai chị là ông Phức ở, tuy đã được tu sửa nhưng vẫn khiêm tốn nép mình dưới gốc nhãn xum xuê. Ch chỉ cho chúng tôi con đường bờ ruộng gồ ghề, nơi chị ôm gói quần áo trốn nhà, lội tắt đường, cuốc bộ lên Hải Dương tìm đến Đoàn văn công Tả ngạn để xin tuyển. Đó là ngày mới hòa bình (1954). Đoàn Văn công Tả ngạn là tiền thân của Đoàn chèo Hải Phòng (1961).
Một trong những vai diễn thời kỳ chập chững
bước lên sân khấu của NSND Hoàng Lan
Vốn hình thể không được “bắt mắt” như hầu hết nữ diễn viên, nên dù có năng khiếu và giọng hát chèo ngấm trong tâm hồn từ thủa thiếu thời, chị vẫn không được tiếp nhận. Nhưng bởi quá yêu chèo, chị cố năn nỉ xin làm cấp dưỡng cho Đoàn. Thấy chị quá nhiệt tình, tâm huyết, Ban lãnh đạo đoàn đã chấp nhận. Từ đó, ngoài việc lo cơm nóng, canh ngọt cho cả đoàn, Hoàng Lan còn lặng lẽ tự học nghề. Cứ ngơi tay bếp núc là chị bám lấy sàn tập. Chị âm thầm “học mót” các anh, các chị. Rỗi lúc nào là lại nhẩm lời hát, học cách hát, cách đi, điệu múa. Chị vừa đun bếp, vừa gõ nhịp hát thầm, múa vụng”, vì sợ có người nhìn thấy thì xấu hổ lắm. Từ lòng yêu nghề đến đam mê chính là động lực để Hoàng Lan vượt qua mọi sự mặc cảm và ánh mắt ngờ vực của anh chị em trong Đoàn.

Trong một buổi diễn có sự cố: diễn viên đóng vai chính bị m đột xuất. Khán giả đến rất đông, lịch diễn đã lên kế hoạch không thể hoãn. Trong lúc nước sôi, lửa bng ấy, Hoàng Lan đã đĩnh đạc gặp Trưởng đoàn xin được diễn thay, diễn thay diễn viên chính (!). Rất ngạc nhiên và ít nhiều còn có những ngờ vực, nhưng trước sự tự tin của Hoàng Lan và trong tình thế "ngồi trên lưng hổ", bắt buộc ông Trưởng đoàn miễn cưỡng gật đầu. Cả đoàn được lệnh sẵn sàng “ứng cứu” để hỗ trợ Hoàng Lan diễn cho qua đêm. Ai ngờ, sự dũng cảm của Hoàng Lan, dám làm diễn viên “bất đắc dĩ” ấy đã cứu Đoàn chèo trong đêm diễn. Và, chị đã chứng minh khả năng diễn xuất “thiên bẩm” của mình. Bạn diễn vui mừng, Lãnh đạo thở phào khoan khoái khi khán giả vỗ tay không ngớt…

Thế là từ cô cấp dưỡng “nhọ nhem”, Hoàng Lan chững chạc bước lên sàn diễn, sánh vai cùng các anh chị trong đoàn, mang lời ca tiếng hát đi khắp nơi phục vụ bộ đội, nhân dân. Chị cùng các tốp xung kích đi hát vận động bà con bị địch dụ dỗ vào Nam. Chị đến với công nhân các nhà máy, khi dạy múa, dạy hát, lúc biểu diễn phục vụ. Phòng truyền thống lữ đoàn phòng không không quân 363 (Bộ tư lệnh PKKQ) còn lưu trữ bức ảnh Hoàng Lan và tốp nữ múa hát phục vụ bộ đội ngoài trận địa. Và, khi có máy bay bắn phá, các chị trở thành những chiến sĩ vác đạn tiếp cho bộ đội chiến đấu.

Qua diễn xuất của cháu Hải (con gái chị) chúng tôi đã phục hiện được quá trình lao động miệt mài để từ cô cấp dưỡng trở thành một diễn viên xuất sắc. Những cảnh chị trốn nhà, cảnh vừa đun bếp vừa tập hát, cảnh phục vụ bà con di cư ở bến đò “ông Vằng” (thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng) được chúng tôi tái hiện thành những thước phim tư liệu lịch sử chân thực, đã gây xúc động cho hàng vạn người xem.
Vai bà mẹ Hoa trong
vở "Cô gái sông Cấm"

Thời kỳ bao cấp, nhiều diễn viên nữ phải nhờ mẹ đẻ hay mẹ chồng đi bế con giúp. Sinh được 2 tháng phải đi tập, đi diễn. Phía sau sân khấu hoặc dưới gầm sàn diễn là những chiếc võng đặt con. Ai không lên sân khấu thì bế con hộ người có vai diễn. Nhiều khi đang cho con bú, đến vai diễn phải dứt vội con ra. Bú dở miệng, đứa trẻ khóc ngằn ngặt. Chỉ bốn, năm tháng, nhiều người đã phải cai sữa, gửi con ở nhà để theo đoàn lưu diễn khắp nơi.

Hoàng Lan còn vất vả hơn nhiều nữ đồng nghiệp, bởi chồng chị là người Miền Nam, nên nội, ngoại chẳng có mẹ mà nhờ. Cháu Hải được mấy tháng tuổi phải gửi về nhờ cậu mợ Phức nuôi hộ. Đồng lương ít ỏi, chồng công tác xa nên mọi việc trong nhà một tay chị vun vén. May sao, ông trời còn thương, cho chị cái sức khỏe bền bỉ, ít bị đau ốm. Nhiều khi "trái gió trở trời" chị vẫn bám sàn diễn. Sân khấu là thánh đường tiếp thêm sức mạnh cho chị vượt mọi khó khăn.

Đất nước thống nhất, chồng chị vận động chị bỏ Đoàn về Nam. Nhưng hạnh phúc riêng tư, không sao thắng nổi cái “ma lực” của ánh đèn sân khấu và các vai diễn. Chị cố gắng níu kéo chồng nhưng không được. Cuộc giằng co cuối cùng phải kết thúc bằng cảnh chia tay kẻ bắc, người nam! Sự hi sinh hạnh phúc gia đình cho nghệ thuật chèo của chị Hoàng Lan đã nói lên tất cả, không một ngôn ngữ nào có thể mô tả hết được! Một mình Hoàng Lan nuôi hai con thơ. Những lúc gió mưa, vất vả cùng nỗi nhớ chồng thương con khiến lòng chị quặn đau… Sự thật ấy được tái hiện trong những thước phim với hình ảnh trời mưa bão, một con thuyền cũ neo bến đợi chờ; hình ảnh con gà mẹ lúi cúi bới mồi nuôi lũ gà con… Cháu Hải diễn thành công cảnh đêm mưa, nhà dột, chị Hoàng Lan vừa ru con vừa học vai. Nước mắt chị thấm ướt quyền sổ ghi bài hát và bức ảnh vợ chồng chị chụp cùng hai cháu Hải-Long… Những hình ảnh chân thực ấy là những điểm chấm phá phản ánh nổi bật sự hy sinh vì nghệ thuật và lòng yêu nghề, yêu đến si mê của Hoàng Lan với “nghiệp chèo” mà chị đã đánh cược cả cuộc đời.
Tổng bí thư Lê Duẩn xen vở chèo "Tấm vóc đại hồng"
(Hoàng Lan đứng bên trái TBT)
Chính lòng yêu nghề đã tạo cho chị một cách “nhập vai” rất khác người. Trong mỗi đêm diễn, sau khi hóa trang, thay trang phục, chuẩn bị đạo cụ chu tất, chị Hoàng Lan chọn một chỗ ngồi vắng vẻ để suy nghĩ về vai diễn và cách diễn. Lúc này chị tập trung toàn bộ trí lực vào việc nhập vai nên không có ai dại gì mà làm ngắt mạch tư duy của chị. Có lẽ ít có diễn viên nào làm được việc nhập vai như chị thường làm.


Tổ làm phim cùng Đoàn chèo Hải Phòng về xã Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo). Tại đây, nhóm PV đã “thực mục sở thị” nỗi vất vả của cánh “văn công lưu động”. Đêm diễn đang cuốn hút khán giả thì bất chợt mưa giông kéo đến. Khán giả chạy nháo nhào tìm chỗ trú mưa. Anh em trong đoàn kẻ che phông cảnh, người thu đạo cụ, trang phục, người che âm thanh, ánh sáng…Tất cả chui xuống dưới sàn sân khấu trú mưa. Nhiều diễn viên ngấm nước run cầm cập. Chị Hoàng Lan vẫn tỏ ra bình tĩnh. Chị bảo: “Mưa tạnh mà còn sớm bà con không về đâu, phải diễn tiếp đấy cậu ạ”. Đúng thế, mưa ngớt, bà con lại uà ra vây quanh sân khấu. Đêm diễn lại tiếp tục. Những năm ấy bà con “khát” văn công lắm.

Khi đã về nghỉ hưu, nhiều bận có chương trình truyền hình, tôi mời chị tham gia. Có lần chị bị sốt, cháu Long lo cho sức khỏe của chị nên khi tôi đến đón, cháu có ý xin cho mẹ nghỉ. Chị Hoàng Lan vội xua tay: “Long ơi, mẹ khỏe rồi !Để mẹ đi với cậu Tiến kẻo nhỡ việc chung”. Nể tôi, cháu Long để mẹ đi. Cả buổi quay, tôi vẫn lo sức khỏe cho chị. Nhiều lúc, mệt quá, tôi phải tạm dừng mời chị ngồi uống nước. Nghỉ không lâu, chị lại giục quay cho kịp. Khi về nhà, chị nói như reo: “Long ơi, mẹ khỏe hẳn rồi con ạ”. Thì ra, được tham gia biểu diễn chính là liều “thuốc thánh” đã giúp chị khỏe thật.

Tuy là NSND nhưng chị rất chịu khó trao đổi và học tập mọi người. Có lần quay hoạt cảnh chèo “Lời vàng dựng nước” (Kịch bản: Tuấn Tiến –Mạnh Thu), có đoạn hát điệu Đào liễu: “…Bác đã bôn ba khắp bốn phương trời/Tìm đường cứu dân. Tìm đường cứu nước/Tóc bạc da mồi Người vẫn xông pha/ Tấm lòng yêu nước thiết tha…”. Ghi âm, ghi hình xong, với tư cách đạo diễn, tôi đề nghị chị hát và diễn lại theo cách hát khác cho đúng với diễn biến tình cảm của nhân vật bà già nông thôn ghi nhớ công đức Bác Hồ. Chị vui vẻ thực hiện. Quả nhiên, đoạn ghi hình và tiếng khi hát lại hay hơn trước. Chị Hoàng Lan là người biết phục thiện, khiêm tốn và tiếp thu nhanh những yếu tố nghệ thuật đích thực.

Khi làm kịch bản sân khấu truyền hình vở “Ngôi đình làng Hạ” (kịch bản, đạo diễn sân khấu Trần Tuấn Tiến) tôi mời chị đóng vai Cụ Thủ. Đây là một nữ du kích có chồng bị địch bắn chết ngay dưới gốc đa đình làng. Người làng không gọi tên tục của cụ mà chỉ biết cụ nhận làm thủ từ trông coi đình và phần mộ các liệt sĩ nên dân làng gọi cụ là “Cụ Thủ”. Ban đầu, cụ Thủ không đồng ý việc chuyển đình làm khu chế xuất. Sau khi hiểu ra đây là yêu cầu phát triển của đất nước trên con đường hội nhập, cụ Thủ hăng hái đi tiên phong. Thật bất ngờ, khi diễn cảnh chuyển đình, Hoàng Lan tự chuẩn bị đạo cụ. Chị bỏ tiền mua một bát hương sứ to, đốt nhiều hương lấy chân cắm vào bát hương. Chị cẩn thận làm bát hương cũ đi. Bát hương ấy chính là biểu tượng của lòng dân với các vị Thành hoàng có công với dân, với nước. Đó cũng là tình cảm của những người còn sống với đồng đội đã anh dũng hy sinh. Đoạn diễn đầy cảm xúc với giọng hát nghẹn, với đôi mắt già nua ngân ngấn nước mắt. Bàn tay gân guốc run run trân trọng ôm chặt bát hương vào lòng… đã gây xúc động cho người xem. NSƯT Trần Trọng Dũng (cố vấn nghệ thuật cho chương trình) phải thốt lên: “Đoạn diễn quá tuyệt vời đến tôi cũng không cầm nổi nước mắt…”

Khi làm phim ngắn “Nọc độc” (kịch bản Trần Tuấn Tiến) anh Trọng Dũng lại làm cố vấn. Anh bàn với tôi mời  NSND Hoàng Lan tham gia. Vai diễn ngắn thôi. Chỉ một đoạn bà nội đến đồn công an nhận cháu về. Khi biết cháu sử dụng ma túy, bà không mắng mà ôm lấy cháu ân cần động viên, khuyên nhủ cháu từ bỏ con đường ma túy. Bà chậm rãi đưa đôi mắt già nua nhìn về cõi xa xăm, nơi đó có con trai, con dâu cụ, đang sinh sống phía trời Tây mà nhắn nhủ: “Các con ơi, các con mải mê làm giầu nơi đất khách quê người làm gì nữa chứ. Về thôi, nếu không, con mày hỏng mất rồi!”. Dòng nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo đã làm cháu bé thức tỉnh. Cháu ôm lấy bà:  “Bà ơi! Cháu biết lỗi rồi. Cháu xin bà !...”.

NSƯT Trọng Dũng đề nghị chúng tôi chi “cát xê” cho chị Hoàng Lan cao hơn các diễn viên khác, tuy chỉ được mấy trăm ngàn bồi dưỡng. Chị bảo: “Sao nhiều thế cậu? Thế các diễn viên khác thì sao?”. Chưa bao giờ chị phàn nàn về tiền bồi dưỡng nhiều hay ít. Chị tâm sự với tôi: “Cứ có vai, cậu cho chị tham gia là tốt lắm rồi. Chị không nghĩ đến tiền thù lao đâu cậu ạ”. Thậm chí, nhiều khi chị tự đạp xe đến trường quay chứ không cần xe đưa đón. Chị bảo đạp xe đi cho khỏe người. 

Sân khấu chèo thường có vai “đào thương” (như Thị Kính, Thị Phương, cô Tấm..), vai “đào lệch” (như Thị Màu, cô Cám, mụ Quán…). Nhiều diễn viên chỉ quen đóng một loại vai có cùng “mô týp”. Nhưng đặc biệt, NSND Hoàng Lan biểu diễn được cả hai loại vai này.
Hoàng Lan nổi tiếng với
vai Bà mẹ trong vở chèo
"Nỗi đau tình mẹ"

Nói về “Đào thương” chị đã vào vai Già Đa - một già làng nhân từ, bác ái… (chèo “Tấm Cám” tác giả Lưu Quang Thuận), Bà mẹ - người mẹ châu thổ sông Hồng hiền lành, chất phác…(chèo “Cô gái sông Cấm” tác giả Phan Tất Quang), Trần Phu nhân – bà mẹ thương con nhưng nghiêm khắc theo phong cách của một “mệnh phụ phu nhân”… (chèo “Tấm vóc đại hồng” tác giả Trúc Đường-Trần Đình Ngôn), Bà mẹ bất hạnh hiền lành bị chính những đứa con đẻ của mình hắt hủi, bỏ rơi… (chèo “Nỗi đau tình mẹ” tác giả Vũ Hải), cụ Thủ từ - người nữ du kích thủy chung trong sáng luôn nêu tấm gương về phẩm chất người chiến sĩ cách mạng trung kiên (chèo “Ngôi đình làng Hạ” tác giả Trần Tuấn Tiến)… rất thành công. Nhiều vai diễn “đào lệch” được chị khắc họa nhân vật một cách sáng tạo mà người xem và bạn nghề không thể nào quên như vai Sùng Bà - một bà mẹ chồng cay nghiệt, độc ác (chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”), Mụ Quán – một mụ chủ tráo trở, mưu mô, chèo kéo khách hàng bằng đủ ngón nghề… (chèo cổ “Súy Vân giả dại”), Mụ Mối – thâm độc, vụ lợi và kệch kỡm… (chèo “Cây tre trăm đốt” tác giả Phan Tất Quang)… Mỗi một vai diễn chị đều có những sáng tạo bứt phá để khắc họa nên những nhân vật tiêu biểu mà hiếm có nghệ sĩ nào phát hiện và sáng tạo độc đáo như Hoàng Lan. Nhiều vai diễn của chị đã được trao tặng huy chương vàng trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Trong những vai "đào lệch",
NSND Hoàng Lan cũng có nhiều
vai diễn xuất sắc

Khi làm phim “Với cả cuộc đời”, chúng tôi có phỏng vấn GS-NSND Trần Bảng về các vai diễn của chị Hoàng Lan. Không cần suy nghĩ lâu, GS-NSND Trần Bảng trả lời ngay: “… Nói về yêu nghề, “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” của Hoàng Lan thì khỏi bàn. Cả đời Hoàng Lan là dành cho sân khấu chèo. Đặc biệt Hoàng Lan đóng được đa dạng. Hoàng Lan không đi vào các  vai quen thuộc theo “mô týp” cổ bản mà dù là vai “đào lệch” hay “đào thương” thì Hoàng Lan đều để lại những vai diễn ấn tượng, giầu sức sáng tạo và không dễ gì làm được…”. Tôi được biết NSƯT Kim Liên và nhiều diễn viên đoàn Chèo Hải Phòng đã thành danh, một phần nhờ sự chỉ bảo, uốn nắn của NSND Hoàng Lan.

Phim tư liệu nghệ thuật “Với cả cuộc đời” được Huy chương Bạc trong Liên hoan truyền hình toàn quốc tổ chức tại Huế năm 1993.
           
Cho đến hôm nay, khi đứng trước linh sàng tiễn biệt NSND Hoàng Lan về cõi vĩnh hằng, những vai diễn “để đời” và tinh thần làm việc có trách nhiệm cao của chị vẫn sống mãi trong tâm tưởng của tôi và anh em bạn nghề xa gần. Dù đã cao tuổi, chúng tôi vẫn gọi chị như cách xưng hô ngày trước, khi chị còn thanh xuân trong nghệ thuật. Ai cũng muốn cho cái tuổi xuân ấy kéo dài mãi, dài mãi... 
Hoàng Lan được Nhà phong tặng
danh hiệu NSND ngay từ đợt đầu
Chị Hoàng Lan ơi, khán giả yêu nghệ thuật chèo vẫn mãi mãi nhớ đến chị qua các vai diễn đã thành “khuôn mẫu”, thành “kinh điển” mà bằng tình yêu nghề, sự lao động sáng tạo cần mẫn, chị đã để lại cho sân khấu chèo thành phố Cảng và nghệ thuật chèo Việt Nam.

Những hình tượng nghệ thuật chèo của NSND Hoàng Lan luôn sống mãi. Chúng tôi luôn thấy như có chị đang lên sân khấu cùng tham dự các buổi biểu diễn với chúng tôi.
                                                  Trần Tuấn Tiến

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.