3624. Thư ngỏ gửi Tập Cận Bình/ Lý lẽ của TQ bị lung lay

Thư ngỏ gửi Tập Cận Bình/

Lý lẽ của Trung Quốc bị lung lay



1. LÁ THƯ KÍNH GỬI CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA TẬP CẬN BÌNH
(Kính nhờ các cơ quan báo, đài chuyển, đăng)
Việt Nam ngày 26 tháng 9 năm 2015

Tôi vốn là người học và nghiên cứu lịch sử từ hơn nửa thế kỷ nay, được các báo đài trên thế giới phổ biến những lời tuyên bố của Chủ tịch, đặc biệt có hai vấn đề mà Tôi rất quan tâm:

1/ Trung Quốc “có chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa từ thời Cổ đại”.
2/ Hoạt động xây dựng có liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành ở Trường Sa “không nhằm mục tiêu hoặc gây ảnh hưởng đến bất cứ quốc gia nào và Trung Quốc không có ý định theo đuổi (mục đích) quân sự”.


Nhận thức được rằng thời đại “cá lớn nuốt cá bé”, “nước lớn ỷ sức mạnh muốn làm gì thì làm; bắt nạt, xử ép nước nhỏ bất chấp pháp luật quốc tế, bất chấp sự thật lịch sử đã qua rồi đồng thời nguy cơ hủy diệt trái đất và loài người do chiến tranh hạt nhân, chiến tranh hóa học hay sự cố các lò hat nhận hay mặt trái sự phát triển khoa học kỹ thuật khiến môi trường ô nhiễm hay biến đổi khí hậu…

Cũng nhận thức được rằng với sự phát triển khoa học kỹ thuật nhất là công nghệ thông tin, mọi sự bưng bít sự thật, nhất là xuyên tạc, chà đạp lịch sử không thể chấp nhận và không thể tồn tại mãi được.

Vì thế Tôi kính trình Chủ tịch những đề nghị:
Một là đề nghị để các nhà khoa học Trung Quốc cũng như Thế giới nhất là khoa học lịch sử bàn bạc, tổ chức các hội nghị khoa học lịch sử đi tìm đâu là sự thật chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa theo luật pháp quốc tế.

Hai là đề nghị để các sử gia Trung Quốc cũng như thế giới ghi nhận theo dõi xem lời tuyên bố của Chủ tịch vừa qua về các hoạt động bồi đắp các đá thành những đảo nhân tạo trên các đá ở Trường Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988 - lời nói có đi đôi với hành động hay nói một đằng làm một nẻo. Thế giới liệu có biện pháp nào để ngăn chặn không xảy ra và nếu xảy ra thì có biện pháp ra sao.


Tôi cũng xin đề nghị Chủ tịch cũng như các nhà sử học Trung Quốc cũng như Thế giới xem những thông tin vắn tắt sau dây có gì không đúng sự thật và nếu đúng sự thật thì liệu chúng ta phải hành xử như thế nào để Thế giới này tồn tại và phát triển tốt đẹp theo nguyện vọng của nhân loại:

1. Một là sự kiện năm 1909, Chính quyền Quảng Đông cho Paracels “là đất vô chủ (res nullius)”, đã tổ chức chiếm hữu theo cách thức thời ấy là cử chiến hạm đến các đảo ở Paracels bắn 21 phát súng đại bác, cắm cờ chủ quyền. Nhiều tư liệu báo chí thời đó nhất là các văn bản của chính quyền Pháp thời ấy đã được công bố, cụ thể trên cuốn sách “La souveraineté sur Les Archipels Paracels et Spratleys” của Monique Che millier- Gendreau, từng là Chủ tịch Hội Luật gia Cộng đồng Chung Châu Âu. Theo pháp lý quốc tế thời bấy giờ chiếm hữu phải thật sự, mang tính nhà nước liên tục và hòa bình. Trong lịch sử Trung Quốc cũng như thế giới đây là lần đầu tiên chính quyền ở Trung Quốc có hành động chiếm hữu thật sự, song có phải liên tục và hòa bình hay không? Theo tôi không thể nói liên tục và hòa bình vì rất nhiều tư liệu của Việt Nam cũng như trên thế giới khẳng định ít ra năm 1816 Paracels đã thuộc về Việt Nam.

Tư liệu Việt Nam từ chính sử “Đại Việt sử ký tục biên” (大越史記續編, Supplement to the Great Viet History, 1775) thời Lê Trịnh hay thời Nguyễn Triều như “Đại Nam thực lục tiền biên” (大南寔錄前編, Đại Nam History Records, Initial Version), “Đại Nam thực lục chính biên” (大南  錄正編,  Đại Nam History Records , Main Version, 1925),  hay “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” [欽定大南會典事, Compendium of Events and Regulations of Đại Nam (by Emperor’s Order), 1855] hay sách địa chí “Hoàng Việt dư địa chí” (皇越地輿志,Royal Vietnamese Geography Book, 1883), “Đại Nam nhất thống chí” (大南ー統志, Unified Đại Nam Geography, 1882), nhất là châu bản thời Hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị đã chép rất cụ thể việc hành sử chủ quyền tại Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa. Ngay tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngay thời Tự Đức Hoàng đế và tới ngày nay dân gian vào cuối tháng Hai âm lịch vẫn có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Tài liệu thế giới có hàng trăm tài liệu, đáng kể phải nói Chaigneau trong hồi ký “Le Mémoire sur la Cochinchine” viết rõ ràng: “Chỉ đến năm 1816 đương kim Hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy...”. Giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà Ngài (Vua Gia Long) đã long trọng treo tại đó lá cờ của Xứ Đàng Trong...”. Nhà truyền giáo Gutzlaff vào năm 1849 cho biết, “chính quyền Việt Nam thời Vua Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ đánh cá Việt Nam...” (Xem “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm2013, http://www.hannguyennguyennha.com/an-pham/tu-sach-chu-quyen/nhung-bang-chung-chu-quyen).

Trong khi ấy các học giả Trung Quốc phản biện cho rằng Hoàng Sa hay Cát Vàng của Việt Nam chỉ là đảo ven bờ. Song ngay bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” của Giám mục Taberd in năm 1838 trong cuốn tự điển Latinh - An nam đã ghi chú rất cụ thể “Paracel seu Cát Vàng”; “seu” tiếng Latinh có nghĩa là “hay là” và Gutzlaff ghi rõ tọa độ Kát Vàng ở tọa độ hiện nay. Có học giả như Phạm Hoàng Quân nghiên cứu tất cả thư tịch của Trung Quốc không hề có ghi chép việc xác lập chủ quyền tại Paracels hay các bản đồ hành chánh của Trung Quốc qua các thời đại cực Nam chỉ ở đảo Hải Nam.

Hai là sự kiện năm 1898 khi Công ty bảo hiểm Anh kiện chính quyền Hải Nam đã để dân hôi của hai tàu đắm ở Paracels là tàu của Đức Bellona (1894) và tầu Nhật Unofi Maru (1896) thì chính quyền Hải Nam đã phản bác Paracels không thuộc nước Trung Hoa và vô tình hay cố ý cũng nói không thuộc “An Nam”. Tài liệu ngoại giao của Pháp liên quan đến Anh đã cho biết rõ về vụ tàu đắm trên.

Vậy đã nói Paracels không thuộc chủ quyền Trung Hoa hồi cuối thế kỷ 19 thì nếu nói thuộc Trung Hoa từ thời cổ đại dù chẳng có chứng cứ lịch sử thì tính pháp lý quốc tế liên tục sẽ ra sao? Nếu như nói “từ thời Hán Giao Chỉ đã thuộc Trung Hoa” vì Việt Nam đã bị “Bắc thuộc” hơn ngàn năm, song lịch sử cho biết từ thế kỷ X Ngô Quyền sau chiến thắng ở sông Bạch Đằng đã giành độc lập và từ Vua Đinh Tiên Hoàng đến vua Bảo Đại thế kỷ XX luôn tự xưng là hoàng đế và các tài liệu thế giới từ thế kỷ XVIII nhất là từ thế kỷ XIX cũng luôn nói tới Hoàng đế An Nam. Còn nói trước khi người Pháp đô hộ nhất là trước năm 1885 như học giả Trung Quốc Vương Hàn Lĩnh nói Việt Nam “là thuộc quốc của Trung Quốc” nếu dựa vào nghi thức ngoại giao thời phong kiến các nước nhỏ đối với nước lớn như cầu phong, nộp cống thì Việt Nam thế kỷ 19 cũng có các nước nhỏ khác nộp cống thì sao? Và nếu nói như thế thế giới này sẽ ra sao nếu các nước lớn trước đây như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập rồi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh Pháp… sẽ đòi chủ quyền của mình?

Theo tôi phải tính từ khi thế giới có tổ chức Hội Quốc Liên nhất là từ khi có Liên Hiệp Quốc, bắt đầu có luật pháp quốc tế như Luật biển năm 1982 thì mọi nước phải tuân thủ kể cả Trung Quốc cũng như các nước lớn khác.

Còn tất cả những bằng chứng các học giả Trung Quốc nêu ra chỉ hoàn toàn là suy diễn như Trịnh Hòa bảy lần xuống Tây Dương từng đi tới Madagascar, không thấy chép đã xác lập chủ quyền tại “Tây Sa” hay “Nam Sa” hoặc bất cứ tên nào khác. Hoặc việc đi tuần tra thời Nhà Tống chỉ là qua các địa danh quanh đảo Hải Nam mà “Tây Sa” và “Nam Sa” ở phía Đông Nam rất xa Hải Nam. Hầu hết những tài liệu nêu ra những bằng chứng lại là những sách Trung Quốc viết về nước ngoài như “Lĩnh ngoại đại đáp” (岭外代答, Lingwai Daida, 1178) của Chu Khứ Phi (Zhou Qufei)  hay “Chư phiên chí hiệu thích” [諸蕃志校釋 (Zhufan zhi jiaoshi),Description of the Foreign Lands, 1225] của Triệu Nhữ Quát (Zhao Rugua) đều là sách viết về nước ngoài không phải viết về Trung Quốc.

Chúng ta thử khách quan đánh gía những điều tóm tắt nêu trên ra sao.

Dĩ nhiên bên nào cũng cho mình là đúng song sự thật lịch sử chỉ có một, tôi đề nghị các nhà nghiên cứu Trung Quốc và thế giới thử nghiêm túc nghiên cứu sự thật ra sao.

Tôi được biết Chủ tịch từng phát biểu sẽ đại họa cho thế giới khi có chiến tranh giữa các lớn như Trung Quốc với Hiệp Chúng Quốc. Hoạt động xây dựng có liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành ở Trường Sa “không nhằm mục tiêu hoặc gây ảnh hưởng đến bất cứ quốc gia nào và Trung Quốc không có ý định theo đuổi (mục đích) quân sự”.

Dù cho có quý trọng Chủ tịch đến mấy đi nữa cũng khó tin lời nói trên khi nhớ lại năm 1988, chính Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm các đá mà Trung Quốc đang bồi đắp thành đảo nhân tạo. Sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực năm 1988 đã khiến hàng chục chiến sĩ hải quân ViệtNam gục ngã. Và công ước luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 mà Trung Quốc đã ký, qui định cụ thể lãnh hãi, khu đặc quyền kinh tế... vậy mà vụ việc “Giàn khoan Hải Dương 981” năm 2014 đã xâm phạm cũng như bao nhiêu hành động ngang ngược khác của Trung Quốc bất chấp Luật biển trên khi công bố “đường lưỡi bò” là ao nhà của Trung Quốc, thì trên thế giới này chắc chỉ những ai đồng ý việc làm ngang ngược ấy mới tin được.

Theo tôi thảm họa cho nhân loại và thế giới chỉ có thể tránh được nếu như triết lý sống cùa dân gian Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” (giàn trái đất) được Trung Quốc và Thế giới đưa vào triết lý giáo dục đại học để giáo dục các thế hệ trẻ các nước tương lai khi nắm quyền lực nhất là các nước lớn thấm nhuần mới hi vọng thoát khỏi chiến tranh hiện đại (hạt nhân hay hóa học), mới hi vọng cứu nhân loại ra khỏi họa diệt vong.

Những lời nói thật tuy có đúng tới đâu, song chắc cũng làm phật lòng Chủ tịch. Mong Chủ tịch lượng thứ cho kẻ hàn sĩ này với tâm nguyện sao cho giới chính trị trên thế giới bắt chước giới kinh doanh theo sách lược “win - win”. “cùng thắng”.

Trân trọng,
Hãn Nguyên Nguyễn Nhãtiến sĩ sử học (Tác giả gửi BVB)
--------------
Đồng kính gửi Tổng thống Hiệp Chúng Quốc Barack Obama
Và các báo đài trong và ngoài nước đã từng loan tin lời tuyên bố của Chủ Tịch Tập Cận Bình trong thời gian thăm Washington ngày 25/09/2015

BVB


2. Lý lẽ của Trung Quốc bị lung lay

TTO/ 31/10/2015 08:01 GMT+7

TT - Sau vụ xây dựng đảo nhân tạo trái phép, một chuyện khác được Trung Quốc dựng lên ở Biển Đông cũng đang nằm trong tầm ngắm của luật quốc tế.
Người dân Philippines xuống 
đường biểu tình mạnh mẽ 
chống lại những áp đặt 
của Trung Quốc trên 
Biển Đông - Ảnh: AFP

Đó là việc Bắc Kinh có thể đứng ngoài các quy chế pháp lý hiện tại và bảo lưu quyền miễn trừ trọng tài. Quyết định của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) ngày 29-10 về thẩm quyền với một số nội dung mà Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm lung lay điều đó.
Bẻ gãy các luận điểm sai trái
Bắt đầu từ năm 2013, dựa theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tòa trọng tài thường trực được thành lập với đề nghị của Philippines. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện với lý do chính về thẩm quyền của tòa án.
Trong tài liệu lập trường tháng 12-2014 - được xem là một trong những tài liệu quan trọng nhất nói về quan điểm của Trung Quốc về vụ kiện, Trung Quốc cho rằng tòa thiếu quyền tài phán để giải quyết vụ việc bởi bốn lý do:
Thứ nhất, trọng tâm các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của các quần đảo trong khu vực, không phải là việc diễn giải UNCLOS. Do đó, theo quan điểm của Bắc Kinh, việc giải quyết vụ việc này nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của tòa.
Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh rằng Philippines phải tôn trọng những tuyên bố song phương giữa hai nước, cũng như Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó Trung Quốc và Philippines đã đồng ý giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước chỉ thông qua các cuộc đàm phán.
Thứ ba, thậm chí dù Philippines có quyền đưa vụ việc ra tòa, Trung Quốc cũng không bị ràng buộc bởi quy chế này vì vào năm 2006, họ đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tuyên bố quyền miễn trừ trọng tài bắt buộc và các thủ tục giải quyết tranh chấp khác.
 cuối cùng, việc Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận những lựa chọn trọng tài khác do UNCLOS đưa ra sẽ dẫn đến một sự vi phạm luật quốc tế.
Một số lập luận trong bốn điểm trên đã không được PCA chấp nhận. Đầu tiên, trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 29-10, PCA cho rằng Trung Quốc và Philippines có thể có nhiều vấn đề tranh chấp với nhau tại khu vực Biển Đông. Phân định chủ quyền và lãnh hải không thuộc thẩm quyền của tòa trọng tài.
Nhưng nội dung đơn kiện của Philippines không phải về chủ quyền lẫn phân định lãnh hải, mà về cách dùng và giải thích những điều khoản trong UNCLOS. Đặc biệt là cách thức các bên áp dụng UNCLOS trên Biển Đông.
Thứ hai, PCA cho rằng việc vắng mặt tại tòa của một bên không ảnh hưởng gì đến quá trình phán quyết. PCA đang làm theo trình tự qua bước đầu tiên chứng minh tòa có thẩm quyền pháp lý để đưa ra phán quyết (nếu không thể viện dẫn được thẩm quyền của tòa án, vụ việc sẽ bị/được bãi bỏ). Qua quyết định có thẩm quyền, nội dung đơn kiện của Philippines tiếp tục được xem xét.
Thứ ba, lập luận cho rằng Trung Quốc và Philippines đã đồng ý giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước chỉ thông qua các cuộc đàm phán cũng bị tòa trọng tài bác bỏ. Lý do là DOC không có tính chất ràng buộc pháp lý.
Văn bản này chỉ là một cam kết giữa các bên về chính trị, và không có loại trừ các khả năng sử dụng cơ chế trọng tài khác.
Điểm thứ tư liên quan đến việc xác định quy chế pháp lý của các thực thể địa lý tại Biển Đông. Trong đó, phía Philippines yêu cầu phán quyết của tòa về một số bãi cạn và tòa trọng tài đã đồng ý xem xét vấn đề này.
Chưa xét “đường lưỡi bò”
Tuy vậy, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và khái niệm “quyền lịch sử” còn bỏ ngỏ. Là một trong những vấn đề tạo nên sự “hỗn loạn về pháp lý” tại Biển Đông những năm gần đây, giới hạn “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên các vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển là một trong năm điểm mà Philippines tin rằng tòa có thể tuyên bố thẩm quyền (qua phát biểu tại phiên điều trần trước tòa của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario).
Một khi tòa án trọng tài chứng minh rằng mình có thẩm quyền trong vấn đề này thì “quyền lịch sử” và tính pháp lý bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc sẽ được đánh giá dưới lăng kính của UNCLOS.
Nếu là một phán quyết có lợi cho Philippines, đó là một cuộc tấn công trực tiếp vào độ tin cậy và tính hợp pháp các tuyên bố của Trung Quốc dựa trên khái niệm “quyền lịch sử”, có tác động và ý nghĩa với các quốc gia tranh chấp khác trong vùng.
Tòa trọng tài vẫn cân nhắc xem xét và giới hạn yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử". Lý giải trong thông cáo báo chí đưa ra là thẩm quyền về vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và cần thêm các giải trình.
Như vậy đúng như nhiều chuyên gia dự đoán, “quyền lịch sử” vẫn là khúc xương khó gặm nhất. Khả năng Trung Quốc bảo lưu các phán quyết trong trường hợp đường chín đoạn được hiểu như một yêu sách chủ quyền với các thực thể địa lý (thay vì nói về việc lý giải UNCLOS) giải thích việc các thành viên của tòa hội đồng trọng tài cần thêm giải trình cho một quyết định cuối cùng.
Trung Quốc kêu gọi Philippines đàm phán
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Philippines trở lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết những tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.
Theo Reuters, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói vụ kiện của Philippines ra tòa quốc tế sẽ không ảnh hưởng gì tới những tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông.
Phía Trung Quốc lặp lại quan điểm cho rằng họ không thừa nhận và cũng sẽ không tham gia vụ kiện này.
 D.KIM THOA

EU ủng hộ Mỹ tuần tra Biển Đông
Liên minh châu Âu (EU) ngày 30-10 tuyên bố ủng hộ việc tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. “Mỹ đang thực hiện quyền tự do đi lại của họ” - Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao EU khẳng định và nói thêm EU quan ngại về kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tôn tạo các đảo mới trên vùng biển tranh chấp. Tuyên bố nhấn mạnh dù không tham gia tranh chấp, “EU ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển”.

TRẦN PHƯƠNG/TTO 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.